Mai Hương

Nếu như trước đây, trước mỗi ca mổ, bác sĩ phải sử dụng hình ảnh hai chiều (2D) để lên kế hoạch phẫu thuật, thì ngày nay, mọi thứ đã dễ dàng hơn khi họ đang dần chuyển sang các mô hình nội tạng được tạo bởi công nghệ in 3D mô phỏng chính xác cơ thể của từng bệnh nhân. Thậm chí, công nghệ in 3D có thể tạo ra các mô hình cơ quan nội tạng có đầy đủ mạch máu giống như thật, giúp các bác sĩ thực hành phẫu thuật thử nghiệm trước khi tiến hành ca mổ chính thức.

Tin, bài liên quan:

Trái tim đầu tiên có mạch máu được làm từ công nghệ in 3D

‘Tai giả’ giúp y bác sĩ không bị đau khi đeo khẩu trang

Bước tiến mới với công nghệ in 3D

Mô hình thùy gan được tạo bởi công nghệ in 3D (trái) bên cạnh thùy gan thật (phải) (Ảnh: NN ZEIN ET AL)

Đây là hai thùy gan thuộc cơ thể một người hiến tạng (ảnh bên phải), và mô hình bằng nhựa resin được tạo bởi công nghệ in 3D (ảnh bên trái) với đầy đủ các chi tiết từ ống dẫn mật đến động mạch và tĩnh mạch. 
Mô hình này giúp các bác sĩ có thể phân tích, lập kế hoạch và thực hành các thao tác phức tạp trên vật mẫu trước khi tiến hành trên cơ thể người, đồng thời phục vụ việc đào tạo các bác sĩ mới, chưa có kinh nghiệm.
Quá trình phẫu thuật đòi hỏi bác sĩ phải thao tác dao mổ và chỉ khâu nhanh, chính xác. Trên thực tế, việc phẫu thuật rất phức tạp bởi cơ thể mỗi người đều khác nhau, các cơ quan nội tạng không có một mẫu chung nào cả. Do đó, việc tạo các mô hình nội tạng bằng công nghệ in 3D mô phỏng chính xác cơ thể của từng bệnh nhân, giúp các bác sĩ có thể thực hành trước, giảm thiểu rủi ro khi bước vào ca mổ chính thức.
Để in 3D một bộ phận bên trong cơ thể, trước tiên, các nhà khoa học kết hợp nhiều lát cắt 2D kỹ thuật số liên tiếp chụp từ CT hoặc MRI quét vào bản vẽ trên máy tính để phác họa hình dạng, cấu trúc của bộ phận. Tiếp đến, máy in sẽ phun các giọt nhựa resin tạo thành lớp 2D và xếp chồng từng lớp 2D lên nhau tạo thành vật thể 3D. Sau khi in, một số chất liệu nhựa, mực in sẽ cứng ngay lập tức, số khác cần ánh sáng tia cực tím (UV) hoặc một quá trình hóa học hoặc vật lý bổ sung để ổn định cấu trúc.
Công nghệ này ra đời vào những năm 1980 với giá thành cao và nguồn nguyên vật liệu hạn chế. Tuy nhiên, hiện nay, với những những tiến bộ về công nghệ, máy in 3D đã trở nên phổ biến và được sử dụng rộng rãi hơn. Những cải tiến về phần mềm và phương pháp in giúp các nhà khoa học có thể in các hỗn hợp phức tạp đa dạng về màu sắc, kết cấu với độ chính xác cao, từ đó tạo ra các mô hình chính xác và chân thực.

Bác sĩ Nizar Zein, Trung tâm y tế Cleveland, Mỹ trong một hội thảo về ứng dụng công nghệ in 3D trong phẫu thuật

Năm 2012, Nizar Zein, một bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa tại Trung tâm y tế Cleveland, Mỹ (Cleveland Clinic) lần đầu tiên nảy ra ý tưởng về việc in các mô hình cơ quan nội tạng sau khi đọc được thông tin về các ngôi nhà được xây dựng từ công nghệ in 3D. 
Mỗi lá gan đều có một hệ thống động mạch, tĩnh mạch và ống mật phức tạp, việc cắt nhầm có thể dẫn đến các biến chứng, thậm chí tử vong ở người hiến hoặc người nhận. Ông tự hỏi liệu phương pháp này có thể đảm bảo an toàn tính mạng hơn cho cả người hiến và người nhận trong quá trình phẫu thuật cấy ghép gan không.
Và thế là, Zein đã tập hợp một nhóm các bác sĩ lâm sàng, chuyên gia hình ảnh, kỹ sư và nhà thiết kế phần mềm nhằm nghiên cứu làm sao có thể sử dụng công nghệ in 3D để tạo ra một lá gan với chất liệu nhựa nhân tạo resin phục vụ phẫu thuật thử nghiệm.
Nguyên mẫu đầu tiên rất thô sơ với kích thước nhỏ hơn ba phần tư, không hoàn toàn thể hiện đủ mọi chi tiết của gan và không làm nổi bật đủ màu sắc của các loại mô khác nhau. 
Tuy nhiên, các bác sĩ không thể phủ nhận vai trò của nó. Bác sĩ Zein cho biết: “Mô hình này nếu ra đời sớm hơn có thể là ‘cứu tinh’ của một ca phẫu thuật khi một người hiến gan đã gặp phải biến chứng nguy hiểm trên bàn mổ”.
Năm 2013, Zein đã tinh chỉnh lại mô hình theo kích thước thật của một quả gan sao cho đồng nhất cả về cấu trúc lẫn hình dạng. Từ đó, trong nhiều ca mổ, nhờ vào việc quan sát trên mô hình nội tạng nhân tạo, các bác sĩ đã dễ dàng phác thảo kế hoạch phẫu thuật phù hợp hơn, thậm chí còn có thể kết luận người hiến tạng đó có phù hợp để hiến hay không. “Càng nắm rõ cấu trúc của bộ phận, ca phẫu thuật sẽ càng thành công”, ông Zein bổ sung.

Mô hình nội tạng chân thật đến từng chi tiết
Khi xây dựng mô hình nội tạng 3D, việc lựa chọn vật liệu phụ thuộc vào các mục đích sử dụng khác nhau. Nhựa cứng có giá thành rẻ hơn sẽ phù hợp để mô phỏng hình dạng tổng thể đơn giản của các bộ phận, hình dạng của khối u hoặc đường cong của mạch máu, ống dẫn.
Các vật liệu xốp, linh hoạt như silicon, nhựa mềm hoặc mực in sinh học (Bioink) chứa các phân tử hydrogel lại giúp thể hiện các bộ phận chân thật hơn, được sử dụng để mô phỏng mạch máu, giúp bác sĩ có thể cắt mở, đo chiều rộng và độ sâu của các vết cắt cần thiết để loại bỏ khối u. 


 Tuyến tiền liệt in 3D được trang bị cảm biến áp suất
(Nguồn: K. QIU ET AL/ CÔNG NGHỆ VẬT LIỆU NÂNG CAO 2018)

Đặc biệt, các nhà khoa học còn cấy ghép vào mô hình các cảm biến áp lực (pressure sensors) có thể đo áp lực của kéo, giúp bác sĩ có được cảm giác chân thật nhất trong quá trình thao tác trên vật mẫu 3D, từ đó điều chỉnh thao tác sao cho phù hợp khi phẫu thuật chính thức. 

Nếu như Nizar Zein sử dụng mô hình gan nhân tạo để giảm thiểu rủi ro trong quá trình hiến tạng thì Ahmed Ghazi, một bác sĩ tiết niệu tại Đại học Rochester, Mỹ - lại bị thôi thúc bởi suy nghĩ làm thế nào để một mô hình nội tạng 3D có thể mô phỏng chân thực nhất quá trình phẫu thuật đến cả chi tiết máu chảy? 
Ông Ghazi nói: “Tôi muốn một cái gì đó trông giống như một quả thận đang chảy máu. Các bác sĩ phẫu thuật thận thường phải đối mặt với việc loại bỏ các khối u từ một quả thận chằng chịt các mạch máu, đôi khi họ chỉ có tối đa 30 phút để hoàn thành công việc trước khi các mô thận hoại tử do bị kẹp ngăn máu lưu thông trong quá trình mổ”.

Mực in sinh học Hydrogel được đổ vào khuôn để tạo mô hình thận nhân tạo với một khối u (Nguồn: ADAM FENSTER, TRƯỜNG ĐẠI HỌC ROCHESTER)

Ghazi và các đồng nghiệp đã sử dụng máy in 3D để tạo các khuôn thận kèm khối u trên bề mặt, sau đó bơm mực in sinh học hydrogel chuyên dụng vào các khuôn. Mực in sinh học hydrogel có thể bao gồm các loại tế bào sống và hóa chất khác nhau, sau khi in, các tế bào trong mô tổng hợp sẽ bắt đầu hoạt động giống như cách các tế bào thực hiện trong mô thực: truyền tín hiệu cho nhau, trao đổi chất dinh dưỡng và nhân lên. 
Ngoài ra, các nhà khoa học còn sử dụng mực in kết hợp dung dịch chất lỏng để mô phỏng máu chảy khi cắt các mạch máu hoặc các ống dẫn, giúp các bác sĩ có trải nghiệm phẫu thuật thực tế nhất.


Mô hình thận nhân tạo (phải) trong một ca mổ tập dượt loại bỏ khối u thận, được tạo từ công nghệ in 3D với chất liệu lỏng mô phỏng máu (Nguồn: AHMED GHAZI)

Có thể nói, công nghệ in 3D các cơ quan bên trong cơ thể có tiềm năng vô cùng to lớn để nâng cao hiểu biết của chúng ta về cách thức các cơ quan hoạt động và mở ra cánh cửa mới cho y học, đặc biệt hỗ trợ hiệu quả quá trình phẫu thuật, điều trị. Trong tương lai, công nghệ này hứa hẹn sẽ mang lại nhiều đột phá trong việc tạo ra các bộ phận nhân tạo có thể thay thế các cơ quan bị hỏng.

(Theo Knowable Magazine)


Mai Hương

Đừng chỉ nếm Wagashi trên đầu lưỡi, hãy học cách thưởng thức trọn vẹn nghệ thuật Wagashi bằng cả năm giác quan, để cảm nhận vẻ đẹp hữu hạn của những chiếc bánh và chiêm nghiệm về sự hữu hạn của cuộc sống. Đó là triết lý mà nghệ nhân Juichi Mitsuboshi, bậc thầy Wagashi Nhật Bản đã đúc rút sau nhiều năm tâm huyết với nghề thủ công truyền thống này.

Tin, bài liên quan:

Độc đáo môn nghệ thuật truyền thống của vùng núi Alpes, Thụy Sĩ

Hộp cơm gỗ, nghệ thuật tinh tế của người Nhật

Wagashi là những món bánh tráng miệng Nhật Bản với hình dạng và màu sắc hấp dẫn, lấy cảm hứng từ thiên nhiên. Từ “Wagashi” (“Wa” nghĩa là “Nhật Bản” và “gashi” hay “kashi” là đồ ngọt) bắt đầu xuất hiện tại Nhật sau Thế chiến thứ hai, vốn chỉ các loại đồ ngọt truyền thống của Nhật để phân biệt với các món ngọt mới du nhập từ phương Tây. Các loại Wagashi cơ bản gồm có daifuku – mochi nhân đậu đỏ, karinto – bánh gối ngọt chiên giòn với đường nâu, senbei – bánh gạo Nhật và rất nhiều loại khác. 

Trong đó, Nerikiri là loại bánh có vẻ ngoài tinh tế và phức tạp nhất, đòi hỏi tay nghề cao để thực hiện. Đây cũng là loại bánh làm nên tên tuổi của nghệ nhân Wagashi bậc thầy Juichi Mitsuboshi. Trong truyền thống văn hóa Nhật Bản, Nerikiri được coi là một loại “cao lương mĩ vị”, có hình dáng và màu sắc tinh tế, hài hòa, lấy cảm hứng từ thiên nhiên bốn mùa. Đây cũng là loại bánh không thể thiếu trong nghệ thuật trà đạo của Nhật, hay còn gọi là Chado. 


Wagashi truyền thống, lấy cảm hứng từ hoa cỏ. Nguồn: Wikimedia Commons 

Bên cạnh bánh Nerikiri với hình dáng và màu sắc truyền thống, nghệ nhân Mitsubori đã phát triển nghệ thuật Wagashi lên một tầm cao mới, sáng tạo hơn với những đường nét chau chuốt tỉ mỉ. Ông đã biến Wagashi của Nhật thành những tác phẩm nghệ thuật được ngưỡng mộ trên toàn thế giới và đặt tên cho nghệ thuật chế biến và phục vụ Wagashi của riêng mình là Kado. 

Thưởng thức Nerikiri với sự cộng hưởng của 5 giác quan
Nghệ nhân Juichi Mitsubori cho biết, trong suốt sự nghiệp của mình, nhiều người đã hỏi ông hương vị thực sự của Wagashi, nhất là những người ngoại quốc. Khi thấy hình ảnh đầy mê hoặc và đẹp đến hoàn hảo của những chiếc bánh ông làm trên Instagram hay Tiktok, rất nhiều người cho rằng hương vị của nó có thể không hoàn hảo như vẻ bề ngoài.

Trên thực tế, hương vị bánh Nerikiri với nguyên liệu chính từ các loại đậu có thể sẽ khá lạ với thực khách phương Tây, nơi các món ngọt ít khi được làm từ đậu. Tuy nhiên, nghệ nhân Mitsubori cho biết, để thưởng thức trọn vẹn Nerikiri, thực khách không nên chỉ chú trọng đến cảm nhận trên đầu lưỡi. Nghệ thuật thưởng thức Wagashi, cũng giống như trà đạo, cần được cảm nhận bằng cả năm giác quan: vị giác, khứu giác, thính giác, thị giác và xúc giác. 
Phần đông du khách từng tham dự nghi lễ Trà đạo, hay Chado, đều cho biết họ có thể cảm nhận được hương vị thơm ngon của trà xanh Nhật Bản. Tại sao lại như vậy, chắc chắn không phải vì trà xanh quen thuộc với họ, ngược lại, trà xanh hoàn toàn khác xa những loại trà phổ biến tại phương Tây. Chính trải nghiệm về không gian, thời gian, cách thức phục vụ và không khí yên ắng, tách biệt đến mức tôn nghiêm của nghi lễ Trà đạo đã đem tới một tổng hòa của nhận thức được cho là “hương vị thơm ngon” của trà. 

 
Bậc thầy Wagashi Junichi Mitsubori và tác phẩm của mình. Nguồn: Fine Dining Lovers

Đó cũng chính là lý do nghệ nhân bậc thầy Mitsubori sáng tạo ra Kado, nghệ thuật chế biến và phục vụ Wagashi hiện đại. Khá tương đồng với Trà đạo, Kado đưa thực khách vào một không gian trầm lắng và yên tĩnh, để mọi giác quan và sự chú ý tập trung vào đôi bàn tay khéo léo của người làm bánh. Dưới đôi bàn tay điêu luyện ấy, những chiếc bánh Nerikiri với hình dáng đầy mê hoặc, hoàn hảo đến từng đường nét sẽ hiện ra trong sự ngạc nhiên thích thú và ngưỡng mộ của thực khách. 

  
Một chiếc bánh Nerikiri theo trường phái Kado, do nghệ nhân Mitsubori chế biến. Nguồn:  Straight

Và trong khi thực khách còn say sưa với màn biểu diễn trước mặt, hương thơm đặc trưng của matcha sẽ đánh thức khứu giác của họ. Một nghệ nhân trong bộ Kimono Nhật sẽ phục vụ nghi thức của Trà đạo, với một chiếc bát tre và một cây đánh bọt bằng tre. Không có lý do gì để bàn đến hương vị của Nerikiri trong căn bếp ở nhà bởi nó hoàn toàn khác biệt khi bạn được thưởng thức với nghi thức Kado. Đó đơn giản là hương vị mà bạn chỉ có thể cảm nhận được ngay tại nơi đó, thời điểm đó, với màn biểu diễn đó. Đấy là hương vị mang tính chất trải nghiệm, được tổng hòa bởi mọi giác quan. 

Thưởng thức Wagashi như một loại hình nghệ thuật
Đối với nghệ nhân Misubori, Wagashi không chỉ là nghề làm bánh, mà còn là một hình thức biểu diễn nghệ thuật. Đó là một cách thể hiện bản thân, chia sẻ cảm xúc và trải nghiệm với thực khách qua việc chế biến và phục vụ những chiếc bánh. Misubori cho biết nhiều khán giả từng rơi nước mắt khi chứng kiến màn biểu diễn nghệ thuật làm bánh của ông. Vì vậy Misubori tin rằng ông đã chia sẻ được với thực khách tình yêu và niềm tự hào của mình với môn nghệ thuật truyền thống này.
Để tạo ra được một chiếc bánh Nerikiri hoàn chỉnh, đòi hỏi những kỹ thuật phức tạp và tay nghề điêu luyện và trên tất cả là ý nghĩa nghệ thuật ẩn chứa trong từng chiếc bánh khiến thực khách nhiều khi phải lưỡng lự khi thưởng thức. Bởi họ sợ sẽ “phá hủy” tác phẩm nghệ thuật ấy khi ăn nó. Khi được hỏi liệu có tiếc khi nhìn thấy khách hàng “phá hủy” kiệt tác nghệ thuật của mình không, Mitsubori thừa nhận là có. Tuy nhiên, đối với ông, một trong những yếu tố tạo nên vẻ đẹp hoàn hảo của Nerikiri là bởi vì nó không tồn tại mãi mãi. 

 
Một trong những dụng cụ tạo nên một chiếc bánh Wagashi. Tác giả: Akiko Oshima

Mitsubori lý giải, sự tồn tại ngắn ngủi của những chiếc bánh Nerikiri từ khi được sinh ra đến khi mất đi gợi vẻ đẹp hữu hạn của cuộc sống. Chúng ta không sống mãi, cũng như những chiếc bánh dù đẹp đến mấy cũng sẽ tan trong miệng. Nhưng bản chất mong manh của cuộc sống và kết cục tất yếu của nó khiến mỗi giây phút càng trở nên đáng quý hơn. 
Điều quan trọng không phải là kết quả, mà là quá trình. Cũng như nghi thức Trà đạo hay Chado, người chủ sẽ thực hành mọi nghi thức chuẩn bị nguyên liệu và pha trà cho khách, trong khi thực khách yên lặng chờ đợi và tận hưởng vẻ đẹp của quá trình ấy. Trong kado cũng vậy, khi thực khách được chứng kiến quá trình làm ra những tác phẩm nghệ thuật Wagashi từ một tảng bột vô tri, họ sẽ trân trọng vẻ đẹp của từng khoảnh khắc kiến tạo nên chiếc bánh. 

Theo ông Mitsubori, nơi thích hợp nhất để thưởng thức nghệ thuật Kado là không gian đền chùa. Ông lý giải, đó là nơi tôn nghiêm và trống trải, tách biệt với thế giới bên ngoài. Không khí đền chùa khiến người ta quên đi cuộc sống bộn bề và như vậy, họ sẽ có sự tập trung cao độ cho những gì diễn ra tại nơi đó, ở thời điểm đó. Thưởng thức Wagashi bằng năm giác quan chính là như vậy. Bên cạnh đó, trong chùa thường không có ánh sáng của đèn điệ mà chỉ có nguồn ánh sáng tự nhiên duy nhất chiếu qua những ô cửa sổ giấy. Điều này sẽ làm nổi bật đường nét của những chiếc bánh đã được tạo hình tỉ mỉ hàng giờ trên đôi tay nghệ nhân. 

 
Không gian một lớp học Kado của Junichi Mitsubori tràn ngập ánh sáng tự nhiên. Nguồn: Fine Dining Lovers

Cuối cùng, Misubori chia sẻ, giống như giới trẻ hiện nay, khi còn trẻ ông cũng từng cảm thấy xa cách với truyền thống và nghệ thuật dân tộc. Tuy nhiên, sau khi bước vào con đường sáng tạo nghệ thuật với Wagashi, ông đã thấy yêu truyền thống dân tộc. Ông hy vọng những nỗ lực gìn giữ và nâng cao nghệ thuật làm bánh dân tộc của mình sẽ góp phần giới thiệu văn hóa ẩm thực Nhật Bản rộng rãi ra thế giới. Từ đó, sẽ khiến giới trẻ có cái nhìn mới về ẩm thực dân tộc nói riêng và văn hóa truyền thống nói chung, biết trân trọng, gìn giữ và phát triển nền văn hóa đã nuôi dưỡng tâm hồn và tuổi thơ của mình. 

(Theo Georgia Straight)


Mai Hương

Các nhà khoa học Mỹ vừa phát triển robot con lười (SlothBot) có thể treo mình trên cây trong thời gian dài để quan sát các hệ sinh thái đang có nguy cơ bị đe dọa, qua đó góp phần vào việc bảo tồn thiên nhiên.

Tin, bài liên quan:

Dùng robot lấy mẫu xét nghiệm Covid-19

Robot diệt virus và mầm bệnh bằng tia UV

Robot hỗ trợ người già trong tâm dịch covid-19

Các nhà khoa học ở Viện Công nghệ Georgia, Mỹ, đã phát triển những con SlothBot mô phỏng theo cấu trúc của loài lười. Theo đó, robot có thể di chuyển và hoạt động trên cây trong một thời gian dài để theo dõi động vật, thực vật và môi trường bên dưới. Các kỹ sư tại Viện Công nghệ Georgia đã tận dụng lối sống ít hao tốn năng lượng của loài lười nhằm chứng tỏ sự chậm chạp cũng có thể mang lại nhiều ứng dụng giá trị trong cuộc sống. 

Dự án này được hỗ trợ bởi Quỹ khoa học quốc gia và Văn phòng nghiên cứu hải quân Hoa Kỳ (National Science Foundation and the Office of Naval Research). Robot sử dụng nguồn năng lượng từ các tấm pin mặt trời và công nghệ quản lý năng lượng tiên tiến. Nó di chuyển dọc theo một sợi cáp nối giữa hai cây lớn. SlothBot có thể theo dõi nhiệt độ, thời tiết, lượng khí carbon dioxide và các thông tin khác trong khu rừng Midtown Atlanta rộng 30 ha.

Robot lười do các nhà khoa học Mỹ phát triển rất hữu ích trong nghiên cứu môi trường biển - Ảnh: Rob Feel, Georgia Tech

Giáo sư Magnus Egerstedt, Chủ tịch Viện Công nghệ Điện tử và Máy tính Georgia cho biết ý tưởng về SlothBot nảy ra khi ông đến thăm một vườn nho ở Costa Rica, và nhìn thấy những con lười bò dọc theo dây trên cao để tìm kiếm thức ăn. Ông nói: “Nguyên lý hoạt động của SlothBot dựa trên đặc điểm chậm chạp của loài lười. Có thể nói dù đây không phải là cách đa số các robot hiện nay được thiết kế, tuy nhiên chính việc di chuyển chậm chạp và tiết kiệm năng lượng sẽ cho phép SlothBot vận hành trong tự nhiên liên tục vài tháng, thậm chí vài năm”.

SlothBot dài khoảng 1m, đặc biệt lớp vỏ được in 3D sẽ giúp bảo vệ động cơ, linh kiện, pin và thiết bị cảm biến bên trong khỏi những tác động của thời tiết. Robot được lập trình để chỉ di chuyển khi cần thiết và có khả năng xác định vị trí có ánh sáng mặt trời khi cần sạc pin.  

Giáo sư Magnus Egerstedt, "cha đẻ" của robot con lười

Robot sẽ được đưa vào hoạt động thử nghiệm tại Vườn Bách thảo Atlanta, Mỹ, hứa hẹn sẽ là một trải nghiệm thú vị đối với du khách tham quan. Tại đây, SlothBot sẽ hoạt động trên một đoạn dây cáp duy nhất dài khoảng 30m, tuy nhiên trong tương lai khi nhu cầu nghiên cứu được mở rộng, robot sẽ được thiết kế để có thể di chuyển trên các sợi dây cáp khác nhau nhằm bao quát nhiều khu vực với diện tích lớn hơn.

Mục tiêu thú vị nhất mà chúng tôi hướng đến và muốn chứng minh ở SlothBot chính là sự kết hợp giữa robot và công nghệ với các hoạt động bảo tồn thiên nhiên. Chúng tôi tiến hành các hoạt động nghiên cứu bảo tồn đối với các loài thực vật và hệ sinh thái có nguy cơ bị đe dọa trên khắp thế giới, và SlothBot sẽ giúp chúng tôi tìm ra những cách thức mới để thúc đẩy hoạt động nghiên cứu và bảo tồn”, Emily Coffey, Phó chủ tịch bảo tồn và nghiên cứu tại Vườn Bách thảo Atlanta nói. 

SlothBot có thể giúp các nhà khoa học hiểu rõ hơn về những nhân tố sinh thái phi sinh học như nhân tố vật lý (nhiệt độ, ánh sáng,...), hóa học (khí, hóa chất,...) có ảnh hưởng như thế nào đến các hệ sinh thái quan trọng, cũng như sự tương tác giữa thực vật, động vật và các hiện tượng con người khó quan sát. Đây sẽ là một công cụ mới nhằm thu thập, theo dõi và hệ thống thông tin cần thiết để bảo vệ các loài quý hiếm và các hệ sinh thái đang bị đe dọa.

 
Các nhà nghiên cứu tại Viện Georgia Tech chuẩn bị cài đặt SlothBot tại Vườn Bách thảo Atlanta. Nguồn: Rob Feel, Georgia Tech

Ngoài ứng dụng để bảo tồn thiên nhiên, SlothBot còn được sử dụng trong lĩnh vực nông nghiệp với độ chính xác cao. Máy ảnh và các cảm biến của robot này có thể phát hiện sớm các bệnh cây trồng, đo độ ẩm và theo dõi sự phá hoại của côn trùng. Sau khi thử nghiệm tại Vườn bách thảo Atlanta, các nhà nghiên cứu hy vọng sẽ chuyển SlothBot đến Nam Mỹ để nghiên cứu sự thụ phấn của hoa lan hay cuộc sống của những loài ếch đang có nguy cơ bị đe dọa.

Các nhà nghiên cứu đã cân nhắc nhiều kỹ thuật vận động khi thiết kế SlothBot. Hiện nay, đa số robot sử dụng hệ thống bánh xe để di chuyển, nhưng trong môi trường tự nhiên, hoạt động của robot có thể bị hạn chế bởi các chướng ngại vật như đá hoặc bùn. Trong khi đó, robot bay lại cần quá nhiều năng lượng để duy trì trạng thái vận hành lâu dài trên không. Do đó, robot mô phỏng hoạt động bò của con lười trên một sợi cáp chính là giải pháp hợp lý được các nhà khoa học tại Viện Georgia lựa chọn.

Giáo sư Egerstedt cho biết: “Thật thú vị khi nghĩ robot sẽ trở thành một phần của môi trường, một thành viên của hệ sinh thái". SlothBot trong Vườn thực vật Atlanta là phiên bản thứ hai. Trước đó, phiên bản đầu tiên đã được ra mắt vào tháng 5 năm 2019 tại Hội nghị quốc tế về Robotics và Tự động hóa. 

Các nhà khoa học hy vọng SlothBot sẽ khơi gợi sự quan tâm đến việc bảo tồn từ các du khách tham quan. Đây là một cách thức hiệu quả giúp truyền tải thông điệp về sự kết hợp giữa công nghệ và hoạt động bảo tồn, đồng thời thu hút công chúng quan tâm đến thiên nhiên nhiều hơn. Điều này lại càng có ý nghĩa giáo dục hơn đối với trẻ em, kích thích sự tò mò của các em về robot trong hành trình giúp thế giới tốt đẹp hơn. 

(Theo TechXplore)


Mai Hương

Quạt giấy cầm tay đã xuất hiện và gắn bó với người Châu Á từ hàng ngàn năm trước như một dụng cụ làm mát trong những ngày oi bức. Và nghề làm quạt giấy đã trở thành một nét đẹp văn hóa truyền thống được bảo tồn tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Việt Nam và các nước Châu Á khác. Trong đó, quạt tre Hàn Quốc được đánh giá cao như một tác phẩm nghệ thuật, bởi được chế tác cầu kỳ và ẩn chứa nhiều giá trị văn hóa, lịch sử.

Tin, bài liên quan:

Độc đáo môn nghệ thuật truyền thống của vùng núi Alpes, Thụy Sĩ

Làng nghề ‘tỏa hương’ lâu đời nhất TP.HCM

Độc đáo làng nghề may áo dài hơn 1000 năm tuổi

Quạt tre gợi nhớ bóng dáng của người phụ nữ
Theo các nhà sử học, quạt tre cầm tay được một nhà sư thuộc thời đại Goryeo, Hàn Quốc (918-1392) sáng tạo ra sau đó lan sang tận các nước Châu Âu, thông qua sự giao thương giữa bán đảo Triều Tiên với Trung Quốc và Nhật Bản. Theo sử sách Hàn Quốc, điều khiến cho thiết kế của những chiếc quạt tre Hapjukseon đầu tiên gây ấn tượng mạnh cho người ngoại quốc là các nếp gấp trên giấy và khung xương quạt bằng tre, có thể mở ra và gấp vào một cách linh hoạt, uyển chuyển. 

Điều hấp dẫn nhất về nguồn gốc của chiếc quạt tre chính là điển tích về người đã tạo ra nó. Nếu quan sát kỹ chiếc quạt tre Hapjukseon trong trạng thái gập, chúng ta sẽ thấy nó tựa như hình dáng của người phụ nữ. Đó là bởi vì theo truyền thuyết, chiếc quạt này là đúc kết của tình yêu thầm kín giữa một vị sư và một thiếu nữ trong thời Goryeo. 
Vì hoàn cảnh trớ trêu của vị sư, họ mãi mãi không thể đến với nhau. Do đó, vị sư này đã làm ra chiếc quạt để gợi nhớ bóng dáng người phụ nữ ông yêu. Ông đã cẩn thận gọt đẽo những nan tre để làm phần xương quạt, phủ lên chúng giấy dâu tằm và viết lên một bài thơ. Khi ông gập chiếc quạt lại, hình dáng của người phụ nữ đó sẽ hiện lên, với phần đầu là tay cầm hình tròn của quạt, tô điểm bằng một chiếc ghim cài tóc, chính là đinh kim loại giúp các xương tre gắn liền với nhau. Tiếp đến là phần ngực, đoạn hơi nhô ra của chiếc quạt ngay dưới phần đầu. Và cuối cùng, khi xòe chiếc quạt ra sẽ hiện lên tà váy dài thướt tha của người phụ nữ. 


 Hình ảnh hoa cúc trên một chiếc quạt tre truyền thống. Nguồn: Pinterest

Những họa tiết được tô vẽ trên quạt cũng được giải thích trong điển tích lãng mạn này. Đó là hình ảnh của loài dơi sống về đêm biểu trưng cho những cuộc gặp mặt bí mật trong đêm giữa những người đàn ông và phụ nữ, còn hoa cúc thì tượng trưng cho sự chung thủy của người phụ nữ. 

Từ vẻ ngoài tinh tế…
Ngày nay, một chiếc quạt tre Hàn Quốc cao cấp vẫn được trang trí bằng những bức tranh phong cảnh, những bông hoa và các loài chim mang tính biểu tượng hay những bài thơ với lối viết thư pháp uyển chuyển. Thêm vào đó, phần tay cầm của quạt cũng được điêu khắc tỉ mỉ với những họa tiết biểu tượng như dơi, hoa cúc, hoa maehwa (hoa mận Hàn Quốc) kèm theo một sợi dây có nút thắt trang trí tinh xảo với điểm nhấn bằng vàng, ngọc hay đá hổ phách, một chiếc đồng hồ mặt trời hay la bàn, và một túi thơm. Tất cả những phụ kiện đó khiến chiếc quạt trở thành một tác phẩm nghệ thuật độc đáo.  

 
Hình ảnh chim chóc và hoa mận trên quạt tre. Nguồn: Antique Alive


...Đến giá trị lịch sử và văn hóa
Trong truyền thống văn hóa của người Hàn Quốc, chiếc quạt tre không chỉ dùng xua tan đi cái nóng mùa hè mà còn mang nhiều ý nghĩa văn hóa lịch sử. Xưa kia, nó từng được sử dụng như một tấm màn che khi người chủ không muốn lộ mặt hay đơn thuần là để chắn nắng. Bất ngờ hơn, nó từng được sử dụng như một… vũ khí phòng vệ. Cho đến nay, quạt tre vẫn được dùng trong một hình thức ca múa nhạc dân gian Hàn Quốc, gọi là Pansori, khá tương đồng với hình thức hát ả đào tại Việt Nam. Tương tự như quạt giấy của Việt Nam, quạt tre Hàn Quốc cũng được coi như một biểu tượng của tình mẫu tử, với hình ảnh người mẹ phe phẩy quạt mát cho con những trưa hè oi ả, cho con những giấc ngủ say nồng.  


 
Điệu múa quạt rực rỡ sắc màu truyền thống của Hàn Quốc. Nguồn: Frary Classical Guitar

Theo tập tục của Hàn Quốc, quạt tre là món quà tặng nhau trong lễ hội Dano, tổ chức vào ngày mùng 5 tháng 5 âm lịch. Vào ngày này, Hoàng Đế sẽ trao tặng cho các quần thần những chiếc quạt, gọi là Danoseon hay Quạt Dano. Tập tục này được lý giải, là do Lễ Dano đánh dấu cho sự bắt đầu của chuỗi ngày hè nóng bức. Do đó, tặng nhau quạt tre trong ngày lễ Dano được coi như cử chỉ của sự quan tâm và trao cho nhau tình yêu thương. 


 
Quạt tre là dụng cụ không thể thiếu trong Điệu múa mặt nạ truyền thống của lễ hội Dano Hàn Quốc. Nguồn: Kana Kukui

Nghề truyền thống của tỉnh Jeolla
Những chiếc quạt tre cao cấp nhất hiện nay vẫn đang được tạo ra bởi những đôi bàn tay lành nghề của các nghệ nhân tại thành phố Jeonju, tỉnh Jeolla, Hàn Quốc. Tương truyền, vào triều đại Joseon (1392 – 1910), vị quan cai trị đứng đầu thành Jeonju cổ xưa đã cho thành lập một xưởng làm quạt tre chuyên làm ra những cây quạt tốt nhất để dâng lên nhà vua. Thành phố Jeonju lúc đó nổi tiếng là nơi sản xuất ra loại giấy dâu tằm chất lượng hảo hạng nhất, và với vị trí địa lý ngay sát Damyang, thủ phủ của nguồn tre chất lượng cao và các sản phẩm từ tre, danh tiếng của những chiếc quạt có xuất xứ từ đây ngày càng vang xa. Jeonju dần trở thành thủ phủ của quạt tre, nhờ những nghệ nhân lành nghề có thể làm ra những chiếc quạt siêu bền, siêu nhẹ từ tre và giấy dâu tằm, được cho là có thể “dùng tốt tới 1000 năm trong khi quạt vải thì chỉ tồn tại được 50 năm”. 
Để làm ra được một chiếc quạt tre thượng hạng đòi hỏi tay nghề thủ công cực cao, đến mức những bậc thầy làm quạt tre còn được gọi với danh từ riêng là “Seonjajang” và được trọng vọng bởi mọi tầng lớp trong xã hội. Một trong những Seonjajang được kính trọng nhất hiện nay là ông Yi Gi-dong, người đã có 50 năm duy trì nghề thủ công quạt tre. Ông bắt đầu học nghề từ năm 17 tuổi và là học trò của Bae Gwi-nam, một bậc thầy Hapjukseon. Theo nghệ nhân Yi Gi-dong, để trở thành bậc thầy làm quạt Hapjukseon, bất cứ ai cũng phải trải qua quá trình học hỏi và luyện tập đầy vất vả. Bản thân ông đã phải ngồi lâu đến tê chân và cúi gập người hàng năm trời trong một căn phòng nhỏ để luyện tập. Việc học đòi hỏi thái độ nghiêm túc và độ tập trung cao. Với tài năng và sự ham học hỏi, ông đã nhanh chóng nổi bật lên trong những người học nghề.

 
Một nghệ nhân đang miệt mài đẽo gọt khung xương cho quạt tre Hàn Quốc. Nguồn: Trendsmap 

Sau khi được công nhận là nghệ nhân xuất sắc, ông Yi Gi-dong vẫn tiếp tục làm việc trong xưởng của thầy 3 năm, trước khi mở một xưởng làm quạt riêng. Tuy nhiên, việc kinh doanh của ông đã gặp phải nhiều khó khăn với sự xuất hiện của quạt điện, đến mức nhiều khi ông đã phải gồng mình gánh vác để duy trì nghề truyền thống. Chính tình yêu chân thành và niềm tự hào về nghề thủ công có tuổi đời hơn 1000 năm này đã giúp ông vượt qua những khó khăn đó. 
Năm 1972, Yi Gi-dong được tôn vinh trong nhiều cuộc thi và hội chợ nghề thủ công được tổ chức ở quy mô quốc gia. Vào năm 1993, tỉnh trưởng của Jeollabuk đã chính thức ghi nhận tay nghề làm quạt tre bậc thầy của ông và tôn vinh ông vì những cống hiến và nỗ lực trong việc bảo tồn nghề thủ công làm quạt Hapjukseon truyền thống. Nhờ vậy, ông được chính thức trao tặng danh hiện Seonjajang cao quý, được công nhận là Bậc thầy thủ công của nghề làm quạt tre và được ghi nhận là “Tài sản văn hóa nhân loại”. 

Trong bối cảnh công nghệ và thương mại ngày càng phát triển, những sản phẩm làng nghề truyền thống đang mất dần đi vị thế của nó, thậm chí bị mai một và biến mất. Mặc dù công dụng làm mát của quạt tre hay quạt giấy không thể so với quạt điện hay máy điều hòa của thời hiện đại, nhưng ý nghĩa văn hóa và lịch sử cũng như vẻ đẹp truyền thống của nó mãi không thay đổi. Sẽ thật đáng tiếc nếu không có những người biết trân trọng và gìn giữ văn hóa truyền thống như ông Yi Gi-dong, để các thế hệ mai sau được tiếp tục chiêm ngưỡng vẻ đẹp của một “bảo vật quốc gia” đã được lưu truyền qua hơn 1000 năm lịch sử. 

(Theo Antiquealive)


Mai Hương

Không hẹn mà gặp, cả ba nghệ sĩ đều thích… trề môi khi biểu lộ sự sung sướng của mình. Cả ba khoảnh khắc dưới đây sẽ khiến người xem khó bình chọn nghệ sĩ nào duyên dáng nhất. 

Tin, bài liên quan:

Khoảnh khắc 'độc' của sao: Mỹ Tâm run bên hồ vắng, cascadeur 'quay' xây xẩm

Khoảnh khắc ‘độc’ của sao: Thuý Nga tạo hình lạ, Tiết Cương 'uất hận'

Khoảnh khắc 'độc' của sao: Hiếu Hiền tạo dáng với điện thoại, Phi Thanh Vân dùng chai thay micro

Quốc Thuận trề môi cùng Mạc Can

Tuổi đời khác nhau, diễn hài cũng khác nhau, nhưng diễn viên Quốc ThuậnMạc Can lại rất đồng điệu khi gặp nhau tại một sự kiện. Không hiểu Quốc Thuận tâm đắc điều gì khi gặp tiền bối Mạc Can mà chỉ sau vài câu nói xã giao, cả hai chú cháu đều đồng loạt chu môi như biểu hiện một thứ tình cảm rất ư đặc biệt. “Chộp” được khoảnh khắc này, ngay cả tác giả cũng không ngờ sự duyên dáng của hai người lại đặc biệt đến vậy.

Huy Khánh trêu ngươi đối thủ
Huy Khánh từng là gương mặt hot nhất, đắt show nhất của làng phim cả nước, có giá catse thuộc hàng top và là một trong những nam ngôi sao được săn đón nhất. Tuy nhiên, với vai trò cầu thủ, không phải ai cũng biết anh là tay săn bàn số một của đội bóng Runamstar do ông bầu MC Lý Chánh “chủ xị”.

Trên sân cỏ, anh tung hoàng ngang dọc, tả xung hữu đột giữa vòng vây đối thủ và việc biểu lộ cảm xúc sung sướng khi ghi bàn thắng không phải ai cũng giống ai. Cứ nhìn khoảnh khắc Huy Khánh… trề môi biểu lộ niềm vui ghi được bàn thắng vào lưới thủ môn đội bạn quả thật khá hy hữu. Nếu có cuộc thi trề môi duyên dáng nhất thì lão tướng Mạc Can cùng hai ngôi sao Quốc Thuận – Huy Khánh, không biết ai sẽ đoạt giải đây?

Bay người kỷ lục
Với phim ảnh Việt Nam, nhất là các cảnh quay phi thân đánh nhau, đa phần chỉ thực hiện được từ hai đến bốn người là đã quá dữ dội. Nhưng trong một lần xuất ngoại, đội cascadeur Việt Nam đã ngẩn ngơ khi nhận nhiệm vụ phải bay lên không trung với số lượng kỷ lục 50 người.
Bình thường một cảnh quay ở phim Việt Nam nếu một người bay phải tốn 3 người kéo dây, hai người phải cần sáu người kéo. Còn nếu con số người bay lên đến 50 người thì phải làm sao đây? Quả là một bài toán hóc búa.

Nhưng có đi một đàng mới học được một sàng khôn, 50 người bay thì tất cả 50 sợi dây được lòn vào một ống tuýp sắt dài 4 mét, cột vào 2 chiếc xe tải 5 tấn đậu bên ngoài sân vận động, chỉ cần phối hợp, chờ hiệu lệnh… Xe tải nhấn ga vọt về phía trước, đồng loạt 50 người sẽ được bay, lộn nhiều vòng trên không cực kỳ đẹp mắt với 100 máy bố trí quay bên dưới.

Đây được xem là một tuyệt kỹ của làng phim Bollywood mà không phải ai cũng được may mắn có mặt ở hiện trường để chiêm ngưỡng. Và nhiếp ảnh của chúng ta đã “chộp” được khoảnh khắc hy hữu này. Dù đã gần 20 năm trôi qua, và biết rất rõ kỹ thuật “tuyệt chiêu” này, nhưng làng phim Việt Nam vẫn chưa có được cảnh quay nào độc đáo như vậy. Có lẽ vì kinh phí quá cao, và sự nguy hiểm khó lường chăng?