Trần Diệp

Nhạc sĩ Quốc Bảo sinh ra và lớn lên trong mảnh đất Sài Gòn và anh luôn thừa nhận tình yêu của mình dành cho mảnh đất quê hương. Nên có gì lạ đâu khi anh viết những ca khúc mang bóng dáng Sài Gòn hoặc một cuốn sách ảnh về Sài Gòn của anh đã ra đời - Saigon của tôi (Saigon of Mine

Sáng 7.4, tại Đường sáng TP.HCM đã diễn ra cuộc giao lưu giới thiệu tập sách ảnh Saigon của tôi của nhạc sĩ Quốc Bảo. Ngoài tác giả cuốn sách, buổi giao lưu còn có MC Minh Đức cùng các khách mời là nhiếp ảnh Phạm Hoài Nam và ca sĩ June Nguyễn. 

Từ trái qua: MC Minh Đức, nhiếp ảnh Phạm Hoài Nam, ca sĩ June Nguyễn và nhạc sĩ Quốc Bảo trong buổi giao lưu

Sài Gòn của tôi

Điểm thú vị của cuộc gặp mặt là thay vì nói chuyện về quá trình thực hiện cuốn sách hoặc nhạc sĩ Quốc Bảo đã chụp những hình ảnh ấy của Sài Gòn như thế nào thì lại chuyển thành buổi chia sẻ về những câu chuyện Sài Gòn, tình cảm của "tôi" dành cho nơi này như thế nào v.v... Lẽ dĩ nhiên, khi nói về tình yêu Sài Gòn bao giờ cũng có tranh luận, bởi yêu Sài Gòn là tình yêu chung và cũng vì tình yêu này mà ai cũng muốn khẳng định "Sài Gòn như vậy mới là Sài Gòn".

Nhiếp ảnh Phạm Hoài Nam góp vui bằng ca khúc Tình ca phố do Quốc Bảo đệm guitar

Nhà nhiếp ảnh Phạm Hoài Nam nói: "Góc nhìn của Quốc Bảo là người có cuộc đời trôi qua ở con đường Đồng Khởi "sang chảnh" nhất Sài Gòn, còn Sài Gòn của tôi là những con hẻm vì luôn ở nhà có "số xuyệt". Ở đó có những bác bán hàng rong tôi biết mặt quen tên cho tôi cảm giác thân mật". Anh còn kể thêm, có lần anh cùng nhóm bạn đi sinh nhật đến 3,4 giờ sáng tan tiệc và lại kéo nhau đi ăn ở chợ Bến Thành, thấy đã có người đi tập thể dục, có người chuẩn bị hàng quán bán đồ ăn sáng và "ồ, Sài Gòn thật lạ, nhịp sống cứ tiếp nối từ người này đến người kia".

Ca sĩ trẻ June Nguyễn với ca khúc Chân dung tôi 

Còn người trẻ hơn - thuộc thế hệ 9X - ca sĩ June Nguyễn thì nói rằng khi vào Sài Gòn học đại học cô chẳng cảm nhận gì, bỗng một lần trở lại Sài Gòn sau chuyến đi Đà Lạt cô thấy Sài Gòn nhanh lên một cách bất thường. Điều này làm cô thấy thú vị!

Một bạn đọc ở tuổi 80 chia sẻ Sài Gòn bây giờ khác nhiều so với ký ức của bà. Với bà: "Sài Gòn bây giờ hiện đại hơn, thứ gì trên thế giới có là Sài Gòn có, chỉ cần dạo một vòng chợ Bến Thành thì có thể mua được". Bà tiếc nuối nếu những công trình kiến trúc vẫn còn rất đẹp của Sài Gòn bị đập bỏ.

Bạn đọc lớn tuổi chia sẻ tại buổi giao lưu

Cuộc tranh luận trở nên nóng hơn khi nhạc sĩ Quốc Bảo nói rằng: "Sài Gòn không có ký ức và cũng không cần là một thành phố của ký ức. Sài Gòn là của hôm nay và ngày mai". Một người trong buổi giao lưu không đồng ý để Sài Gòn là một thành phố "không ký ức" và theo chị bao nhiêu đổi thay đã làm Sài Gòn xấu đi.

Nhạc sĩ Quốc Bảo kể rằng, gia đình anh cũng thường tranh cãi khi nói về Sài Gòn. Bản thân anh vẫn nhớ như in lúc mình còn ở trong những căn nhà cũ, chơi thả thuyền giấy trong nhà sau mỗi cơn mưa to. "Tôi tự lưu giữ ký ức về Sài Gòn và "không thể bắt Sài Gòn giữ giùm ký ức của ta", anh nói.

Sài Gòn của Quốc Bảo

Trước đó, có lẽ vì đoán được sẽ có nhiều ký kiến trái chiều khi nói về Sài Gòn nên Quốc Bảo đã nói về những bức ảnh trong tập sách của mình: "Để tránh cực đoan trong phân định Sài Gòn đẹp và xấu, Sài Gòn xưa và nay, cái nào đẹp hơn cái nào... những bức ảnh của tôi chỉ khắc họa những góc, điểm, chi tiết... bạn đọc nhìn thấy mỗi này mà bỏ quên". Tác giả chia sẻ thêm: "Tôi không cố ý nói Sài Gòn của tôi khác của bạn nhưng mỗi người có một mộng tưởng khác nhau về Sài Gòn. Đối với tôi, Sài Gòn nằm trong mộng tưởng, tôi mơ thấy gì thì chụp hình ảnh ấy".

Bìa tập sách 

Quốc Bảo nói tập sách Saigon của tôi là như một tiểu luận nhỏ về Sài Gòn, trong đó là những bức ảnh được chụp từ năm 2013 - 2017. Sách được chia thành 3 chương, không theo bố cục cân đối và không đặt tên mỗi chương. 

Chiếm phân nữa cuốn sách là nhịp sống Sài Gòn qua ống kính và những dòng tâm sự của tác giả. Sài Gòn của những tòa nhà, những ô kính nhìn từ chiếc bàn quen thuộc của quán cà phê quen thuộc ngót chục năm, những tán lá me xanh ngập trong trời xanh nắng vàng, những quán cà phê cóc, những người bán hàng rong, những vỉa hè loang lỗ nắng, loang lỗ nước mưa. Sài Gòn của những thong dong đọc tin tức trên báo và Sài Gòn của những bước chân vội vã đi trên đường... 

Một trang trong ruột sách 

Sài Gòn của Quốc Bảo có một người đàn ông tên Long. Quốc Bảo trong quán sang, Long hành nghề đánh giày mỗi ngày vẫy tay qua khung cửa kính mời khách. Tưởng khung cửa kia là khoảng cánh mà không, họ thành bè bạn. Quốc Bảo chụp hình Long và chú thích: "Đây là phút giải lao hiếm hoi của anh trong ngày, sau khi đã kiếm đủ bữa ăn cho gia đình".

Những hình ảnh ấy, người đọc sẽ gặp lại ở chương 2, dĩ nhiên từ một góc khác, không một dòng chú thích và bạn đọc sẽ nghĩ gì từ những khung hình ấy, khi không bị tác giả dẫn dắt bởi chữ nghĩa.

Quốc Bảo chụp Sài Gòn không có sắp đặt, thấy hình ảnh thuận mắt thì anh chụp. Vậy nên, nhiều bức hình chỉ nhấn một điểm, còn lại có thể là xe cộ, thân người... sẽ bị "cắt ngang, cắt dọc". Quốc Bảo nói Sài Gòn không cần là một thành phố có ký ức, nhưng có lẽ con dân của Sài Gòn thì cần, như chiếc điện thoại công cộng là kỷ niệm mãi không quên trong anh.Tập sách ảnh không có những tiếc nuối quá khứ, những da diết đau lòng vì đổi thay mà nó được nhìn nhận như bể dâu rồi phải có. Ngay bên cạnh bức ảnh tháp nước hồ con rùa, anh viết: "Trong vô vàn những biến thiên, luôn có một hằng số. Saigon thay đổi, luôn có cái gì đó không di dời. Sợ nhất là ta không có một truyền thống nào để bám giữ và cũng sợ không kém là cứ nắm chặt lấy truyền thống".


Trần Diệp

Từ ngày 19.3 đến ngày 25.3, tại Đường sách TP.HCM đã diễn ra cuộc triển lãm Sưu tập - Thú chơi của người phong lưu. Cuộc triển lãm đã thu hút khá nhiều người có mặt tại đường sách trong thời gian diễn ra và bộ sưu tập quạt cổ của anh Trần Hoài Thơ có sức hấp dẫn lớn.

Gặp anh Trần Hoài Thơ - chủ nhân của bộ sưu tập quạt cổ hơn 50 chiếc của nhiều thương hiệu nổi tiếng thế giới - anh hóm hỉnh kể về nhiều kỷ niệm trong thời gian một năm rưỡi chơi quạt cổ của mình. Chỉ một thời gian ngắn ngủi đến với những chiếc quạt cổ nhưng nó đã cho anh nhiều hiểu biết thú vị về lịch sử ra đời của những chiếc quạt, cũng như sự di chuyển của chúng đến các nơi trên thế giới. 

Bộ sưu tập quạt cổ của anh Trần Hoài Thơ được trưng bày tại Đường sách TPHCM thời gian vừa qua

Được biết anh bắt đầu chơi quạt cổ từ năm 2016, thú chơi này đến với anh như thế nào?

Lúc đó, tôi muốn mua những món đồ xưa, cổ để decor cho căn nhà mới theo phong cách cổ điển của mình. Tôi lên mạng tìm xem nên mua loại nào, cuối cùng quyết định mua một cây quạt trần xưa hiệu Marelli, sản xuất vào những năm 1940, còn chạy tốt và êm. Với bản tính tò mò về cơ điện, tôi đã tháo ra xem bộ máy của cây quạt như thế nào và thật ngạc nhiên với "bó" dây điện được bày bố bên trong: đẹp và hợp lý khiến sau hơn nửa thế kỷ vẫn chạy tốt. Từ đó, tôi mê những cây quạt xưa và quyết định để dành tiền chơi quạt cổ.

Việc mua quạt cổ vào những ngày đầu với anh có dễ dàng không?

Ban đầu, tôi chỉ cần tìm mua quạt xưa thôi đã thấy khó khăn. Tìm các cây quạt ở Sài Gòn không thấy thích, tôi lang thang trên các trang web bán quạt cũ, cổ ở nước ngoài, như vậy sẽ mua được quạt của nhiều thương hiệu và kiểu dáng phong phú hơn.

Bộ sưu tập của anh hiện hơn 50 chiếc quạt cổ, đối với giới chơi quạt cổ thì như vậy nhiều hay ít và trong đó chiếc đắt nhất hiện đang có là bao nhiêu tiền? 

Với 50 chiếc quạt có trong một năm rưỡi thì có thể nói là nhiều. Tuy nhiên, tôi không để tâm đến số lượng lắm mà đòi hỏi bộ sưu tập của mình càng ngày càng chất lượng. Ban đầu tôi mua chiếc rẻ nhất khoảng 200 USD nhưng về sau tôi bán dần và mua những chiếc đắt tiền hơn một chút, giờ chiếc rẻ nhất trong bộ sưu tập của tôi trị giá 500 USD và chiếc đắt nhất là cây quạt Paragon Fan với giá 15 nghìn USD. Quạt rồng, rồng bay trên trời nên giá cũng trên trời luôn (cười)

Những thương hiệu quạt nào được nhiều nước trên thế giới ưa chuộng nhất?

Tùy vào lịch sử, khí hậu và thị hiếu thẩm mỹ mà từng nước ưa chuộng các loại quạt khác nhau, có thể kể các loại quạt nổi tiếng trên thế giới là: Emerson (Mỹ), General electric (Nhật), Dayton (Mỹ), Jandus (Mỹ), Frigid (Mỹ), Westinghouse (Mỹ), Bergmann berlin (Đức), Marelli (Ý), Emi (Hà Lan)... Ở Việt Nam (phần nhiều ở Hà Nội) thì quạt Marelli được ưa chuộng, có lẽ vì chúng được di chuyển theo các hiệp định thương mại giữa Việt Nam và Italia từ sau năm 1920. May mắn là tôi đã sở hữu được khá nhiều nhãn hiệu quạt nổi tiếng kể trên.

Khách nước ngoài tình cờ đi qua Đường sách cũng muốn dừng lại tìm hiểu về  những chiếc quạt này

Việc mua bán, giao dịch quạt cổ của anh diễn ra như thế nào?

Tôi thường mua trên các trang web nước ngoài. Việc mua bán quạt đôi lúc diễn ra vô cùng kịch tính, chính điều này làm mình thấy hấp dẫn. Tôi nhớ có lần tôi thấy một chiếc quạt ưng ý, định đặt mua nhưng tự nhủ: "thôi, để đó đi đánh răng rồi ra mua cho thoải mái", ai dè khi ra đã có người khác mua, từ đó tôi không dám... đi đánh răng khi định mua quạt. Và, một lần khác tôi đấu giá quạt, đã đặt giá mình nghĩ là kịch trần, không ngờ có người khác thắng mà chỉ đặt hơn mình 25 USD.

Ngoài những điều vừa kể, hẳn anh có nhiều kỷ niệm với những cây quạt cổ của mình?

Tôi thường hồi hộp khi khui thùng hàng người bán gửi về vì không phải cây nào cũng nguyên vẹn, nhưng bù lại cũng có cây còn đẹp hơn mình tưởng. Có vài lần tôi mua được cây quạt rất ưng ý nhưng khi mở thùng ra thì hỡi ơi vì bị gãy cánh, gãy lồng, hỏi lại người bán thì họ nói đã đóng gói rất kỹ nên mình... thua. Hiện giờ, tôi còn mấy cây quạt chưa tìm được lồng hoặc cánh để thay. Lần khác, cây quạt gửi về không chạy, tôi tháo ra coi dây điện, sau khi nối lại và cắm điện thì khói bay nghi ngút vì đã nối dây sai. Và, không thiếu những lần có mấy cây quạt làm tôi ghiền quá mà không thương lượng giảm giá được đành phải mượn tiền mua, may là đã trả hết nợ (cười)

Những chiếc quạt cổ được yêu thích trong đợt trưng bày vừa rồi

Ngoài những cảm xúc kể trên, còn những điều gì khiến anh mê quạt cổ nữa?

Ngoài vẻ đẹp về kiểu dáng, mỗi hãng quạt còn có cách xử lý bó dây điện khác nhau bên trong máy quạt (vì điều này mà cây nào mua về tôi cũng tháo ra xem), trục bạc của quạt được làm như thế nào để vận hành máy quạt cho êm và âm thanh, tốc độ của mỗi hãng quạt cũng khác nhau nữa. Mỗi chiếc quạt khi chạy còn có một mùi khác nhau khi được vận hành nữa, tôi ghiền những mùi  này (cười), cùng với tiếng quạt chạy. 


Trần Diệp

Chương trình Khơi nguồn cảm hứng số thứ 3 sẽ là buổi gặp gỡ, giao lưu cùng tiến sĩ Đặng Hoàng Giang nhân dịp ra mắt cuốn sách Điểm đến của cuộc đời của anh. Khách mời là các diễn viên: Hồng Ánh, Tâm Như, Minh Hằng và Mai Huy.

Lần thứ 3, Khơi nguồn cảm hứng được diễn giả Macus Vũ Mạnh Cường tổ chức và chủ trì. Chương trình gồm có giao lưu, giới thiệu cuốn sách Điểm đến của cuộc đời và diễn tiểu phẩm Memento Mori (Hãy nhớ, mi sẽ chết – 2018) dựa trên nội dung cuốn sách.  Tiểu phẩm sẽ được diễn bởi các diễn viên Hồng Ánh, Tâm Như, Minh Hằng và Mai Huy vào vai các nhân vật trong cuốn sách. 

Diễn viên Hồng Ánh sẽ giao lưu và biểu diễn trong chương trình 

Khơi nguồn cảm hứng 3 sẽ diễn ra vào lúc 19 giờ ngày 9.4 tạiPilosa Garden, 5a Phan Kế Bính, phường Đa Kao, quận 1, TP. HCM. Khác với 2 buổi giao lưu miễn phí lần trước (với vợ chồng đạo diễn Trần Anh Hùng và đêm tưởng nhớ đạo diễn Stephane Gauger với Jenni Trang Lê, Lê Thanh Sơn, Hàm Trần, Timothy Linh Bùi), buổi giao lưu này sẽ tính phí tham dự 150 nghìn đồng/người. Thông tin và đăng ký tại https://goo.gl/forms/w0diCCU7SXgm4hO03

Điểm đến của cuộc đời của Đặng Hoàng Giang dẫn ta vào câu chuyện của chính tác giả trong hành trình đồng hành cùng người cận tử do căn bệnh ung thư (có đăng loạt bài gây xúc động, tạo thành hiệu ứng trên báo Tuổi trẻ Cuối tuần). Với chiêm nghiệm về thân phận con người và sự hữu hạn của đời sống, tác giả Đặng Hoàng Giang đưa chúng ta đối diện với một nỗi sợ hãi nguyên thủy của con người và giúp ta nhận ra giá trị của những khoảnh khắc hạnh phúc. 

Đặng Hoàng Giang là Tiến sĩ về kinh tế phát triển (Đại học Công nghệ Vienna, Áo) và hiện là phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Cộng đồng (CECODES) tại Hà Nội. Ông là một nhà hoạt động xã hội, đặc biệt trong lĩnh vực truyền thông về các xu hướng xã hội, tư pháp và phát triển. Các tác phẩm đã phát hành trước đó của ông: Bức xúc không làm ta vô can (2015), Thiện, Ác và Smartphone (2017)


Trần Diệp

Sau cú đúp ở giải Cống hiến dành cho hạng mục Ca sĩ của năm và Album của năm vào đêm 22.3, Mỹ Tâm bất ngờ tung MV mới nhất của mình Anh chưa từng biết làm "xôn xao" cư dân mạng và fan của ca sĩ này. MV dài gần 5 phút với tạo hình là một geisha cho thấy sự sáng tạo của Mỹ Tâm cùng ê kíp và mong muốn đem đến cho khán giả những hình ảnh mới lạ, bất ngờ.

Anh chưa từng biết là một sáng tác của ca sĩ Phan Mạnh Quỳnh - người đã "làm mưa làm gió" với bản hit Vợ người ta vào năm 2015 với hơn 6 triệu lượt nghe chỉ sau hai tuần phát hành - nằm trong album Tâm 9. Ca khúc Anh chưa từng biết cũng tỏ vẻ không kém "anh em" của mình khi đang nằm trong danh sách 50 bài hát được nghe nhiều nhất tại Việt Nam trên trang nghe nhạc online Spotify và top 15 ca khúc được tải về nhiều nhất trên Itunes. Chỉ sau hơn 1 ngày phát hành, MV Anh chưa từng biết đã thu hút được hơn 770 nghìn lượt nghe trên kênh YouTube và con số đang nhảy lên từng giờ.

Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng chính là người làm đạo diễn cho MV này. Trong buổi ra mắt, anh đã nói vui về hình tượng của Mỹ Tâm trong MV: "Thân chủ đòi sexy, táo bạo hơn nhưng mình... hơi khớp, để lần sau ổn định tâm lý hơn". Trong MV, Mỹ Tâm trở thành một nghệ sĩ nổi tiếng, thăng hoa trong sự nghiệp nhưng không có được một tình yêu trọn vẹn.  


Trần Diệp

Hội sách TP.HCM lần 10 đã kết thúc vào đêm 25.3. Diễn ra một tuần tại công viên Lê Văn Tám, Hội sách là nơi thu hút đông đảo người dân tham gia, đặc biệt là các bạn trẻ. Cũng chính vì sự có mặt đông đảo của bạn đọc trẻ, các nhà xuất bản (NXB) và các đơn vị phát hành đã tổ chức rất nhiều sự kiện phục vụ, thu hút giới trẻ trong khuôn khổ Hội sách.

Theo thông tin thống kê từ Ban tổ chức (BTC), Hội sách năm nay với gần 900 gian hàng tiêu chuẩn (tăng 27% so với năm 2016), thu hút khoảng 1 triệu lượt bạn đọc (tăng 10% so với năm 2016) và doanh thu đạt hơn 60 tỉ đồng (tăng hơn 20% so với năm 2016). 

Khá đông bạn trẻ đến với Hội sách năm nay

Top 10 cuốn sách bán chạy nhất hội sách năm nay, theo công bố của BTC,  gồm: Khéo ăn nói sẽ có được thiên hạ - Trác Nhã (NXB Văn học – Công ty TM&DV Văn hóa Minh Long), Tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu – Rosie Nguyễn (NXB Hội nhà văn – Công ty CP Văn hóa Truyền thông Nhã Nam), Nhà giả kim – Paulo Coelho (NXB Văn học – Công ty CP Văn hóa Truyền thông Nhã Nam), Nguồn cội (Origin) – Dan Brown – dịch giả Nguyễn Xuân Hồng (NXB Lao Động – Công ty CP Sách Bách Việt), Có một ai đó đã đổi thay – Hamlet Trương và Du Phong (NXB Văn học – Công ty Truyền thông Giải trí Kim Tượng), Đắc nhân tâm – Dale Carnegie – dịch giả Nguyễn Văn Phước (NXB Tổng hợp TP.HCM – Công ty TNHH Văn hóa Sáng tạo Trí Việt), Lớp học mật ngữ T7 – P.R.O (Báo Sinh viên VN – Hoa học trò), Thám tử Conan T93 – Gosho Aoyama – dịch giả Nguyễn Hương Giang (NXB Kim Đồng), Hôm nay người ta nói chia tay – Iris Cao (NXB Văn học - Công ty Truyền thông Giải trí Kim Tượng), Trên đường băng – Tony buổi sáng (Nhà xuất bản Trẻ).

Hầu hết, sách bán chạy là những đầu sách dành cho độc giả trẻ, đó là những cuốn tản văn của các tác giả trẻ, truyện tranh hay sách truyền cảm hứng trong cuộc sống... Nhìn vào tựa 10 cuốn sách này cho thấy độc giả trẻ chính là lực lượng giúp tiêu thụ sách đáng kể, không phải chỉ hội sách năm nay mà cả ở các kỳ gần đây. 

Tác giả trẻ Anh Khang và họa sĩ Thái Mỹ Phương giao lưu cùng bạn đọc

Chính các bạn trẻ là những người đem lại không khí sôi động cho hội sách và có thể nói họ đã đóng góp không nhỏ trong doanh thu của Hội sách. Vì lẽ này mà các đơn vị xuất bản, phát hành đã cố gắng tổ chức những sự kiện thu hút bạn đọc trẻ đến với gian hàng của mình. Trong số gần 100 sự kiện, giao lưu, ra mắt, ký tặng sách có đến hơn 80% là các chương trình dành cho các bạn trẻ như buổi giao lưu, ra mắt sách của ca sĩ Đức Phúc (Saigon Books tổ chức), Anh Khang (Phương Nam), ký tặng của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh (NXB Trẻ), nhà thơ Phong Việt (Saigon Books), tọa đàm U23 - Những chuyện chưa bao giờ kể và ra mắt sách U23 Thường Châu tuyết trắng (Alpha Books), buổi offline kỷ niệm 10 năm  ngày bộ truyện tranh One Piece đến Việt Nam (NXB Kim Đồng), ra mắt bộ truyện tranh Việt Nam Đường Hoa (NXB Kim Đồng), ra mắt sách Không nổi tiếng cũng đâu có sao (Anbooks)... Hầu hết các buổi giao lưu có các bạn trẻ đều đông vui, tươi trẻ.

Fan của bộ truyện tranh One Piece trong buổi offline

Trong khi đó, độc giả lớn tuổi lại mang đến cho Hội sách một không khí khác. Họ đi chầm chậm, tìm kiếm những cuốn sách mình cần hoặc hy vọng tình cờ tìm được cuốn sách hiếm thấy (đã lâu bị cất kho), quan tâm đến các sự kiện về lịch sử, văn học và tham dự với mong muốn có thêm thông tin, hiểu biết về đề tài mình quan tâm. Buổi giao lưu với nhà nghiên cứu lịch sử Phạm Hoàng Quân cùng khách mời là tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu và nhà báo Phan Cầm đã diễn ra với nhiều thông tin bổ ích về lịch sử, cách tiếp cận - nghiên cứu nguồn tài liệu lịch sử... đã thu hút được sự quan tâm của nhiều nhà nghiên cứu, độc giả lớn tuổi và khá đông bạn trẻ yêu thích lịch sử. Buổi giao lưu, ra mắt cuốn hồi ức Đi qua nước mắt nụ cười của nhà văn Nguyễn Đông Thức cũng là một buổi gặp mặt ấm áp, thân tình của anh em, bạn bè và độc giả, rất nhiều câu chuyện vui vẻ và cảm động được sẻ chia trong buổi nói chuyện này. 

Nhà nghiên cứu Phạm Hoàng Quân ký tặng bạn đọc sau buổi giao lưu ra mắt sách Những mảnh sử rời

Nhìn chung, Hội sách TP.HCM là một hoạt động văn hóa thú vị của thành phố, được nhiều sự quan tâm của công chúng. Một điều đáng nói của Hội sách năm nay là BTC đã tiết chế được "âm thanh hỗn độn" phát ra lẫn lộn giữa gian hàng này với gian hàng khác làm mệt mỏi tác giả, khách mời, độc giả nên không khí diễn ra khá dễ chịu, mặc dù thời tiết nóng bức.