GIẢI TRÍ

1.001 chuyện... hợp vai

Phạm Lữ • 01-07-2020 • Lượt xem: 836
1.001 chuyện... hợp vai

Hợp vai diễn, nói thì dễ, nhưng quá trình tìm kiếm mới thấy trăm điều rắc rối xảy ra, lắm lúc khiến người được chọn toát mồ hôi hột vì… mừng. Bù lại có những người nghe tin vai diễn quá ư hấp dẫn, bày đủ thứ trò nhưng lại không được vai. Và cứ thế người trong cuộc rơi vào thế bức tóc vò đầu, người bên ngoài cứ cười tít mắt vì sự khó khăn của việc tìm người hợp… vai.

Khi người già đòi đóng vai … con nít

Thời làm phim Đất Phương Nam năm 1997 vừa lên dự án, dân trong nghề không lạ gì hình ảnh đạo diễn Vinh Sơn thường đóng đô quán cà phê ngay trước cửa đài truyền hình TP.HCM để chăm lo hàng trăm sự việc trước ngày bấm máy.

Ê kíp của ông gồm nhà quay phim Trinh Hoan, hoạ sĩ thiết kế Lê Trường Tiếu, cố phó đạo diễn Nguyễn Hậu, cố trợ lý Khánh "trắng"… gần như ngày nào cũng tất bật về các công việc tìm nhân vật cho vai diễn. Lúc nào họ cũng thăm hỏi nhau rằng: Đã tìm được vai diễn này, đã loại nhân vật của cô gái kia. Và trong số này, tìm vai thằng An (vai của Hùng Thuận) gần như làm tổ đạo diễn này rơi vào bế tắc. Vì cứ “thằng nhóc” nào được gương mặt thì cái dáng... trớt quớt. Người hợp dáng, đẹp mặt thì thiếu chiều sâu của tâm trạng thằng bé mồ côi mẹ… 

Cứ thế, ngày nào phó đạo diễn, trợ lý cũng nộp hình 4 – 5 “thằng An” cho đạo diễn xem. Rồi ngày nào cũng 5 – 6 “thằng” nhóc đến trình diện đạo diễn để thử thời. Nhưng xem ra, em nào xuất hiện đạo diễn cũng lắc đầu vì chưa… hợp vai.

Trong lúc trà dư tửu hậu về chuyện tìm thằng An, thì diễn viên Mạc Can gần như là đang trong tình thế “ăn không ngồi rồi” nên phát biểu tỉnh bơ: “Tại anh Sơn khó tính chứ, vai thằng nhóc này dễ ẹt, tìm kiếm hoài chi cho mệt, nhân tài đang ngồi trước mặt nè, cứ chọn tôi đi, tôi sẵn sàng hớt tóc, cạo râu, đi thẩm mỹ căng da mặt đóng vai thằng nhóc 12 tuổi là dư sức. Lý Hùng mà đóng Nguyễn Huệ được, tôi cũng dư sức đóng vai thằng nhóc tìm cha, tìm kiếm làm chi cho mệt vậy?”.

Quả thật, trong những lúc bối rối như thế này mà được ông già như Mạc Can tán dóc, xin vai, công khai bày tỏ ý định của mình một cách trắng trợn như thế khiến ai cũng phì cười và lắc đầu cho sự suy diễn phong phú của ông. Tình thế được thoải mái hơn, khi tin báo về đã có một thằng nhóc đang học ở Quận 1 do trợ lý Nhân Minh Hiền tìm được rất hợp vai. Hình được đem ra, như một linh tính báo trước, đạo diễn cứ gật đầu lia lịa như rất hài lòng. Và đến khi cố phó đạo diễn Nguyễn Hậu đưa tấm hình Hùng Thuận cho Mạc Can rồi cười hỏi: “Ông nhìn thử thằng này với ông nó giống chỗ nào mà ông cứ nói là mình hợp vai rồi đòi đóng chứ, ông nói tôi nghe, nếu trúng tôi bỏ nghề luôn!”.

Lúc này, Mạc Can mới ỏn ẻn trả lời: “Tôi thấy mấy ông căng quá trong việc tìm vai, nên tôi tình nguyện giải nguy, nếu không hợp thì thôi tui về, xin thề mai mốt có hợp vai tôi cũng không xin nữa”. Cả đoàn phim cười vui vẻ với tình huống của lão già Mạc Can mà cứ đòi đóng vai con… nít.

Hợp vai ở đợ?

Đó là trường hợp của cô người mẫu Thuỷ Thiên trong bộ phim Lỡ dại (đã đổi tên). Ngay từ đầu dự án triển khai, phim có vẻ đuối về kinh phí, nên ban giám đốc "bắn" tín hiệu kêu gọi các nhà đầu tư, không phân biệt đẳng cấp, ngành nghề, chỉ cần có lòng đam mê, có kinh phí góp vốn để dự án làm phim chiếu rạp được bấm máy là xem như OK.

Trong số này, người mẫu Thuỷ Thiên cũng từng tham gia nhiều phim, có chút kinh nghiệm và cũng có chút tiền dư nên nhà sản xuất mời góp kinh phí để sản xuất phim.

Hồ hởi, người đẹp tỏ ý sung sướng xin được góp vốn đầu tư 50% với điều kiện: giao vai hài thứ chính cho cô đảm nhiệm. Phải họp hội, và mãi đến khi nhà biên kịch lên tiếng dẫn giải: “Vai đó đó nặng đô lắm, hãng phim cũng đã giao cho một nữ danh hài nhiều lần đoạt giải thưởng đảm nhận rồi, sức diễn của em không tới, nếu đóng không hợp sẽ ảnh hưởng đến bộ phim thì nguy to”.

 Kìm sự “sung sướng” lại vì lời giải thích hợp tình, cô người mẫu đành nhún nhường một bước và ngỏ ý xin một vai diễn khác phù hợp với sức mình hơn.

Lúc này nữ đạo diễn mới ngỏ lời cho cô người mẫu đóng vai người mẹ nhà quê của nữ chính. Vai này chỉ xuất hiện chừng 3 - 5 phân đoạn, xem như dạo chơi màn ảnh kỷ niệm với đoàn phim trong vai trò… sản xuất. Sau đó kèm theo lời hứa: “Phim sau sẽ giao vai nữ chính cho em, tha hồ mà đóng…”.

Nghĩ thấy cũng hợp lý, cô người mẫu tự đi may 10 cái áo bà ba, sắm luôn vài cái khăn, cái nón để đầu tư cho nhân vật của mình. Lúc này, tổ đạo diễn khen nức nở cho rằng cô diễn viên này rất có trách nhiệm và rất hợp vai, ai nấy đều phấn khởi, vì sự hợp tác xem ra thuận buồm xuôi gió.

Nhưng sau đó ít ngày, phát hiện ra phần hùn vốn của cô người mẫu chỉ còn có 20%, không như lời hứa ban đầu là 50%, nhà sản xuất bèn dời vai người mẹ nhà quê của cô cho một danh hài khác. Đổi lại cô người mẫu sẽ đóng vai người ở đợ và chỉ có… 2 phân đoạn!

Lỡ sắm trang phục, lỡ khoe với người thân mình đóng vai mẹ của siêu mẫu, giờ bị chuyển thành vai ở đợ, cô người mẫu tức tối điện thoại thẳng cho nhà sản xuất, hỏi lý do thì được nữ đạo diễn trả lời: “Ừ, thì vai ở đợ. Vai đó rất hợp với em, cứ mạnh dạng đóng đi em, vai đó hợp với em lắm…!”.

Dù gì cũng là người mẫu, dẫu sao cũng là nhà hợp tác sản xuất phim, mà chỉ đóng vai ở đợ khiến cho người đẹp này nổi trận lôi đình, cô không thể kiềm chế được sự nóng nảy trong ngày khai máy: “Hợp vai, hợp cái con khỉ, nghĩ sao tướng sang chảnh của tôi như vậy mà giao vai ở đợ rồi la hợp vai, dẹp hết đi, không có hợp tác gì hết…”.

Và tất nhiên với sự hợp vai bất thành như thế, hai bên bị gãy hợp đồng ngay từ ngày bấm máy đầu tiên. Sau đó, chuyện ì xèo diễn ra đến 3 tháng sau mới thanh toán toàn bộ hợp đồng cho cô người mẫu. Và nghe đâu bộ phim cũng không may mắn trong những ngày phát hành và cô người mẫu tự thề với lòng: Không thèm đóng phim dù có hợp vai cỡ nào!.  

Khi giám đốc xin vai

Tin đạo diễn Hoàng Linh (đã nổi tên) thực hiện bộ phim hài theo gu ca nhạc được dân trong nghề phấn khởi, bởi ai cũng tin với tài nghệ của anh thì hầu hết các bộ phim được khán giả lẫn dân chuyên môn đánh giá cao.

Đầu tiên theo kịch bản thì một danh hài trẻ sẽ đảm nhận vai nam chính theo gu đo ni đóng giày của anh này. Đạo diễn giao kịch bản, diễn viên lo học thoại và tập đờn ca múa hát… để chờ ngày bấm máy. Khổ nổi, dù có thông báo với đoàn phim mình rất nhiều show, chỉ có thể tập ban ngày vì ban đêm còn phải diễn. Dù được đoàn phim thông cảm, nhưng sát ngày quay, nhận thấy danh hài trẻ này không đảm đương được công việc, luôn đi trễ giờ, đạo diễn buộc phải… cắt vai.

Giờ cuối một danh hài tên tuổi khác được mời vào vai diễn này, tất nhiên với sự tích cực của mình, cộng với kinh nghiệm dày dạn bao năm ở phim trường, anh này chữa cháy cũng có phần nào hiệu quả.

Song song với việc đổi vai này, đạo diễn bị thêm một lần mệt mỏi vì một diễn viên khác. Đó là chàng diễn viên kiêm nhà sản xuất. Khi đọc kịch bản thấy vui quá, anh này bèn xin một vai. Nể nhau, đạo diễn giao cho anh vai: Anh chàng láo cá, đểu cáng chuyên gạt gái và tất nhiên là nhân vật sẽ chẳng ai ưa.

Suốt quá trình đóng phim, mọi việc cũng êm xuôi, nhưng đến khi dựng thành đường dây câu chuyện, thì bắt đầu nảy sinh vấn đề. Vốn là nhà sản xuất, nên anh này được quyền xem trước trong phòng dựng, thấy vai diễn của mình chỉ có vài giây, lại hèn hèn nên anh giám đốc sản xuất này xin được... cắt vai.

Nghe tin này dù tức giận với những điều đòi hỏi quá đáng này bởi vai diễn rất hợp, nhưng đạo diễn vẫn buộc lòng chấp nhận và sau đó là một chuỗi thông tin tố nhau trên truyền thông. Và bộ phim này mãi mãi là một kỷ niệm đáng buồn với những người trong cuộc.