Thể thao

7 kỳ quan của thế giới cổ đại nên cùng con khám phá qua màn ảnh (Kì I)

Hoa Hà • 30-11-2020 • Lượt xem: 1446
7 kỳ quan của thế giới cổ đại nên cùng con khám phá qua màn ảnh (Kì I)

7 kỳ quan của thế giới cổ đại là những tác phẩm nghệ thuật và kiến ​​trúc tuyệt hảo, là minh chứng cho sự khéo léo, trí tưởng tượng và sự chăm chỉ tuyệt vời của người cổ đại. Cả 7 kỳ quan, cho đến nay, vẫn tiếp tục truyền cảm hứng và được tôn vinh như những sản phẩm đáng chú ý của sự sáng tạo và kỹ năng của các nền văn minh sơ khai trên trái đất.

1. Đại kim tự tháp Giza, Ai Cập

Đại kim tự tháp là kỳ quan duy nhất của thế giới cổ đại còn tồn tại cho đến ngày nay. Đây là kim tự tháp lớn, nằm ở Giza trên bờ Tây sông Nile, phía bắc Cairo của Ai Cập. Kỳ quan cổ đại này bao gồm nhóm ba kim tự tháp: Khufu (Cheops), Khafra (Chephren) và Menkaura (Mycerimus), được xây dựng từ năm 2700 trước Công nguyên như những ngôi mộ hoàng gia.

Khu lớn nhất và ấn tượng nhất của đại kim tự tháp Giza là Khufu. Khufu rộng 13 mẫu Anh và được cho là chứa hơn 2 triệu khối đá nặng từ 2 đến 30 tấn mỗi khối. Trong hơn 4.000 năm, Khufu là tòa nhà cao nhất thế giới. Điều này thật kỳ diệu vì người hiện đại phải đến thế kỷ 19 mới có thể xây dựng một cấu trúc cao hơn tòa đại kim tự tháp này.

Thật ngạc nhiên, các kim tự tháp Ai Cập được xây dựng mà không có sự hỗ trợ của các công cụ hoặc thiết bị hiện đại nào, thế nhưng, các công trình gần như đối xứng.

Vậy, người Ai Cập đã xây dựng các kim tự tháp như thế nào? Các nhà khoa học tin rằng người Ai Cập đã sử dụng con lăn gỗ và xe trượt tuyết để di chuyển những viên đá vào đúng vị trí. Các bức tường dốc, được thiết kế để mô phỏng tia sáng của thần Mặt trời, ban đầu được xây dựng như các bậc thang, sau đó được lấp đầy bằng đá vôi. Giữa các khối đá không có bất kỳ một ke hở nào, một sợi tóc hay một tờ giấy mỏng cũng không thể lọt qua chúng. Thế nhưng, chúng vẫn được tính toán đủ để giãn nở nhiệt hoặc trải qua vô vàn những cuộc động đất mà vẫn nguyên vẹn.

Không chỉ các kiến trúc sư mà các nhà thiên văn học, vật lý học, toán học... cũng phải cúi đầu thán phục trước những thiết kế độc đáo, kỳ diệu của đại kim tự tháp Giza.

Mặc dù năm trên sa mạc nóng nực, nhưng nhiệt độ trong kim tự tháp luôn được duy trì là 20 độ C. Các nhà khoa học đã thử để thức ăn, rau củ vào trong kim tự tháp và kết quả họ nhận được khá ngạc nhiên, rằng đồ vật có thể được bảo quan rất tốt ở bên trong đó. Thậm chí, thời gian rau củ, sữa tươi hỏng là hơn 1 tháng, đây là lý do tại sao đại kim tự tháp này lại được dùng để giữ xác của các vị vua Ai cập cổ đại.

Nội thất của các kim tự tháp bao gồm các hành lang hẹp và các phòng nhằm chống lại những kẻ trộm mộ. Mặc dù các nhà khảo cổ học hiện đại đã tìm thấy một số kho báu lớn trong số các tàn tích, nhưng họ tin rằng hầu hết những gì các kim tự tháp từng chứa đã bị cướp phá trong vòng 250 năm sau khi hoàn thành.

Đến ngày nay, đại kim tự tháp Giza vẫn gây ra nhiều tranh cãi cho các nhà khoa học thế giới bởi những điều kỳ diệu của nó.

2. Vườn treo Babylon

Theo các nhà thơ Hy Lạp cổ đại, Vườn treo Babylon được vua Babylon Nebuchadnezzar II xây dựng gần sông Euphrates ở Iraq ngày nay vào khoảng năm 600 trước Công nguyên. Những khu vườn này được trồng trên không trung cao tới 75 feet trên một sân thượng bằng gạch vuông khổng lồ và bố trí theo từng bậc như một nhà hát. Theo truyền thuyết, nhà vua đã xây khu vườn cao chót vót để xoa dịu nỗi nhớ nhà của hoàng hậu được sủng ái nhất – nàng Amytis, công chúa xứ Medes (vùng tây bắc của Iran ngày nay).

Các nhà văn sau này đã mô tả lại cách mọi người có thể đi bộ bên dưới những khu vườn xinh đẹp, nơi dựa vào những cột đá cao. Các nhà khoa học hiện đại đã suy luận rằng để các khu vườn tồn tại được, chúng sẽ phải được tưới bằng hệ thống bao gồm máy bơm, guồng nước và các bồn chứa để dẫn nước từ sông Euphrates lên không trung.

Vườn có đủ hoa thơm, cỏ lạ và do vườn được làm theo hướng gió nên hương thơm của cây cỏ, hoa trái lan ra cả một vùng rộng lớn.

Người đầu tiên đề cập đến vườn treo là Berossus, một sử gia uy tín người Babylon.  Berossus đã viết về vườn treo vào khoảng năm 270 TCN và người Hy Lạp về sau bổ sung thêm nhiều chi tiết cho khu Vườn treo Babylon này.

Mặc dù có nhiều tài liệu về các khu vườn trong cả văn học Hy Lạp và La Mã, nhưng không ai trong số họ là trực tiếp được đến thăm khu vườn. Do đó, hầu hết các học giả hiện đại đều tin rằng sự tồn tại của khu vườn treo được nhiều người tin tưởng này là một câu chuyện hư cấu, chúng chỉ là một phần của câu chuyện truyền cảm hứng mà thôi.

Ngày nay, vườn treo chỉ còn lại là những tàn tích ít ỏi. Nhưng Vườn treo Babylon đã đánh dấu thời kỳ phát triển vàng son của vương quốc Chaldean (Tây Babylon).

3. Tượng thần Zeus trên đỉnh Olympia

Bức tượng nổi tiếng của thần Zeus, vị vua của các vị thần trong Thần thoại Hy Lạp, được chế tác bởi nhà điêu khắc Phidias của Athen, hoàn thành và được đặt trong đền thờ thần Zeus ở Olympia, nơi diễn ra Thế vận hội cổ đại, vào khoảng giữa thế kỷ thứ 5 trước Công nguyên.

Bức tượng mô tả vị thần sấm sét đang ngồi để ngực trần trên ngai vàng. Giữ tay vịn của ngai vàng là hai tượng nhân sư được chạm khắc, những sinh vật thần thoại có đầu và ngực của một người phụ nữ, thân của sư tử và đôi cánh của một con chim. Tượng thần Zeus được trang trí lộng lẫy bằng vàng và ngà voi. Ở độ cao 40 feet, nó cao tới mức đầu của nó gần chạm vào đỉnh của ngôi đền. Và người ta tưởng tượng rằng, nếu thần Zeus có thể đứng lên, có thể đội cả mái đền.

Theo truyền thuyết, nhà điêu khắc Phidias đã xin thần Zeus một dấu hiệu chấp thuận sau khi hoàn thành bức tượng; ngay sau đó, ngôi đền bị sét đánh. Bức tượng thần Zeus ngự trị trong ngôi đền trên đỉnh Olympia trong hơn tám thế kỷ trước khi các linh mục Cơ đốc giáo thuyết phục hoàng đế La Mã đóng cửa ngôi đền vào thế kỷ thứ tư sau Công nguyên.

Sau đó, bức tượng được chuyển đến một ngôi đền ở Constantinople (Istanbul). Năm 462 sau CN, một trận hỏa hoạn lớn đã tàn phá thành phố này và thiêu hủy tượng thần Zeus.

Tượng thần Zeus được coi là một tuyệt tác nghệ thuật kỳ công, trau chuốt, với những nguyên liệu quý giá nhất, đắt đỏ nhất. Đây là một kỳ quan tuyệt vời khiến những người cổ đại cũng phải kinh ngạc và được ghi chép lại qua tác phẩm của Strabo, Cicero, Callimachus và Pausania.