AI - Hiểu biết để không sợ hãi

“Canh bạc AI - Chat GPT và tương lai loài người” là cuốn sách đầu tiên của một tác giả Việt Nam viết về chủ đề trí thông minh nhân tạo dưới góc nhìn mang tính phân tích, dự báo xu hướng thay vì chỉ là những kỹ thuật “cầm tay chỉ việc” đơn thuần.

“Đốt đuốc” đi tìm đáp án cho câu hỏi loài người sẽ đi về đâu trong kỷ nguyên AI

Trong các thập kỷ qua, trí thông minh nhân tạo đã góp mặt vào nhiều lĩnh của đời sống. Sự tiện lợi nào cũng đi cùng mặt trái. AI tỏa sáng như một công cụ toàn năng của Thế kỷ XXI, nhưng nhân loại cũng đã manh nha có những lo âu. Liệu AI sẽ thay đổi vĩnh viễn tương lai của nhân loại? Và nếu điều ấy thật sự xảy ra, loài người sẽ ở đâu trong cuộc chuyển dời ấy? Là kẻ làm chủ bắt AI phục tùng mình hay bị biến thành một dạng nô lệ mới trong thế giới bị thống trị bởi trí thông minh nhân tạo? 

Đi tìm câu trả lời về vận mệnh của con người trong một thế giới tương lai nơi AI đóng vai trò ngày càng quan trọng đã trở thành nỗi trăn trở, thôi thúc các nhà khoa học, nhà nghiên cứu và chuyên gia trên nhiều lĩnh vực phải cầm bút. Ở Việt Nam, Tiến sĩ ngành Quan hệ quốc tế Ngô Di Lân không phải người đầu tiên viết sách về chủ đề trí thông minh nhân tạo, nhưng tác phẩm mới nhất của anh, Canh bạc AI - Chat GPT và tương lai loài người, là tác phẩm đầu tiên của tác giả Việt Nam mang tham vọng “đốt đuốc” đi tìm đáp án cho câu hỏi loài người sẽ đi về đâu trong kỷ nguyên AI. 

Theo chia sẻ của chính tác giả Ngô Di Lân, anh viết cuốn sách này “không phải là “hù dọa” độc giả hay khiến bạn đọc cảm thấy lo lắng rằng mình sẽ sớm bị thay thế bởi những quân đoàn robot vô tri vô giác. Ngược lại, tôi rất tin rằng con người và máy móc hoàn toàn có thể chung sống với nhau một cách hòa bình. Ít nhất đó là một viễn cảnh khả dĩ, bởi không có logic gì buộc máy móc siêu thông minh và con người phải xung đột với nhau. Trái đất này đủ rộng lớn cho cả hai”.

Cổ nhân đã dạy biết người biết ta, trăm trận trăm thắng. Để biết loài người sẽ đi về đâu trong một thế giới tương lai được định hình bởi AI, trước hết ta cần hiểu rõ thế lực mang tên “trí thông minh nhân tạo” ấy. Nhằm cung cấp cho khán giả cái nhìn chân thực về AI - với đại diện tiêu biểu là phần mềm ChatGPT - trong phần đầu tiên của “Canh bạc AI”, tác giả Ngô Di Lân đã mời độc giả tham gia vào một cuộc “phỏng vấn” đặc biệt. Ở phía bên này là nhân loại đầy những trăn trở hiện sinh, và bên kia là ChatGPT - một bộ óc nhân tạo với khả năng tổng hợp thông tin chớp nhoáng, và được cho rằng có thể cung cấp đáp án cho mọi thắc mắc trên đời.

Giống như một cuộc thử lửa

Cuộc phỏng vấn với Chat GPT gồm các câu hỏi với mức độ nông, sâu tăng dần, xoay quanh 4 chủ đề tương đối lớn và bao trùm: (1) học tập, (2) tình yêu, (3) sức khỏe và (4) cuộc sống. Dựa trên các đáp án nhận được từ ChatGPT, tác giả Ngô Di Lân sẽ đưa ra những bình luận, đánh giá về khả năng tư duy cũng như kỹ năng sử dụng ngôn ngữ trôi chảy của phần mềm AI. Đây giống như một cuộc “thử lửa”, cho thấy ChatGPT có khả năng mô phỏng cách con người suy nghĩ chân thực đến mức nào, và để lộ ra các điểm mù khiến nó vẫn chỉ là một cỗ máy tổng hợp thông tin chứ không phải một sinh vật có tư duy. Người dùng cá nhân và doanh nghiệp có thể từ đây hình dung được việc mình sẽ tận dụng ChatGPT (và các công cụ tương tự sau này) cho bản thân như thế nào.

Được đặt tên là “Tư duy như ChatGPT”, phần đầu tiên của cuốn sách đã giúp người đọc hình dung ra cách thức một trong các trí thông minh nhân tạo tiên tiến nhất thế giới vận hành với toàn bộ điểm mạnh và thiếu sót của nó. Từ những ưu, nhược của ChatGPT, Tiến sĩ Ngô Di Lân đã đúc kết nên bộ nguyên tắc hữu dụng, giúp người dùng khai thác được tối ưu hiệu quả và hạn chế rủi ro khi làm việc với phần mềm AI này.

Không chỉ dừng lại ở việc cung cấp cho độc giả các kỹ thuật mang tính “cầm tay chỉ việc” khi sử dụng ChatGPT nói riêng và các công cụ trí thông minh nhân tạo nói chung, Canh bạc AI - Chat GPT và tương lai loài người còn dành một phần lớn thời lượng để đi sâu phân tích về ảnh hưởng của trí thông minh nhân tạo lên các lĩnh vực của đời sống - hay nói cách khác, là nỗ lực dự đoán số phận của nhân loại giữa kỷ nguyên AI. Trong phần thứ hai của cuốn sách, “Canh bạc AI và tương lai loài người”, tác giả Ngô Di Lân lui lại một bước và đánh giá tác động của trí thông minh nhân tạo nói chung lên nhiều lĩnh vực: ngành giáo dục, thị trường việc làm, lĩnh vực hoạt động sáng tạo, an ninh quốc gia và cuối cùng là vận mệnh của loài người trong tương lai. 

Từ góc nhìn bao quát hơn này, ta sẽ thấy cách AI sẽ thay đổi hoạt động dạy và học như thế nào? AI sẽ đào thải những công việc gì và tái định nghĩa khái niệm “đi làm” ra sao? Trí thông minh nhân tạo sẽ thúc đẩy hay giết chết các sản phẩm sáng tạo? AI sẽ đặt ra các thách thức gì đối với an ninh quốc gia? Và hơn hết, con người sẽ phải làm gì để có thể chung sống hòa bình với trí tuệ nhân tạo mà không đánh mất chính mình? Không chỉ đưa ra các phân tích, tác giả Ngô Di Lân cũng sẽ chia sẻ một số suy nghĩ và dự báo của mình về những vấn đề này với mục tiêu gợi mở thêm những suy nghĩ mới cho bạn đọc.

Đi hết nội dung của cuốn sách, độc giả sẽ hiểu trọn vẹn ý nghĩa đằng sau nhan đề “Canh bạc AI” của cuốn sách. “Canh bạc” là cuộc đánh đổi một mất một còn, có tính chất mạo hiểm. Con người sáng tạo ra AI, nhưng chính nhân loại cũng đang để sự phát triển nhanh chóng của AI cuốn mình vào một vụ cá cược lớn lao, với cái giá phải trả là tương lai của chính mình. Liệu con người, như hàng trăm nghìn năm trước vẫn thế và hàng trăm nghìn năm sau vẫn vậy, tiếp tục là kẻ làm chủ hành tinh này? Hay ta, với những hạn chế về sinh học, sẽ trở nên lỗi thời, bị tụt lại và đánh mất quyền sở hữu ấy vào tay trí thông minh nhân tạo? Hoặc có chăng sẽ tồn tại một kịch bản win-win? 

Cái hay của cuốn sách này còn nằm ở chỗ nó trình bày về trí thông minh nhân tạo một cách sòng phẳng: với cả mặt hữu ích lẫn những khía cạnh đầy rủi ro, khiến người đọc đủ an tâm nhưng vẫn cảnh giác về thứ công nghệ luôn chực chờ vượt ngoài tầm kiểm soát thay vì nghiêng hẳn về một trong hai hướng: quá lạc quan hoặc chìm sâu trong bi quan. Và sau cùng, giống như thời 1% mỗi ngày, tác giả Ngô Di Lân chứng minh mình là một người bạn đồng hành tận tụy khi chia sẻ với độc giả những nguyên tắc và triết lý của bản thân như một tham khảo để giúp họ thích nghi với hoàn cảnh mới. 

Canh bạc AI - Chat GPT và tương lai loài người chắc chắn sẽ là một ấn phẩm hữu ích với nhiều nhóm độc giả mới mới bắt đầu tìm hiểu về ứng dụng ChatGPT và muốn biết sơ lược về , dù bạn có đang làm các công việc liên quan đến trí thông minh nhân tạo hay chỉ đơn thuần dùng các ứng dụng AI vì mục đích học tập hay giải trí đơn thuần. Những quan sát và dự báo trong tác phẩm của Ngô Di Lân hoàn toàn có thể sử dụng như một tham khảo hữu ích cho các bậc phụ huynh khi đồng hành cùng con trên hành trình học tập, cho các thầy cô giáo khi xây dựng bài giảng hay chính các em học sinh để tối ưu việc tự học của mình. 

Hai chương sách viết về AI với tương lai của việc làm và sáng tạo có thể “thuốc đắng” khi vẽ ra một viễn cảnh nhiều phần bất lợi. Tuy nhiên, từ những phân tích của tác giả Ngô Di Lân, ta có thể phần nào hình dung ra toàn cảnh thị trường việc làm trong tương lai, các khó khăn cùng rủi ro mình có thể gặp phải. Nhưng trên hết, nó cũng gợi ý cho ta một con đường sống, và nhiều hơn hơn thế cách để thích nghi với tương lai cạnh tranh ngày càng khốc liệt. Phần còn lại của vấn đề nằm ở chính khả năng sáng tạo của chúng ta - điều mà các trí thông minh nhân tạo và máy móc công nghệ vẫn bất khả sao chép từ loài người.

Nhân loại, bắt đầu từ mỗi cá nhân, cần phải trang bị cho bản thân những gì trong cuộc cạnh tranh với máy móc để đảm bảo cho các thế hệ tương lai của ta đạt được kịch bản tốt nhất? Đó là câu hỏi không dễ trả lời trong một sớm một chiều. Tuy nhiên, như tác giả Ngô Di Lân đã viết trong cuốn sách, loài người luôn có sẵn trong tay quân át chủ bài, vấn đề chỉ còn là tính toán cho nó một nước đi: “AI đã, đang và sẽ luôn là tấm gương phản chiếu nhân loại: các mô hình AI vốn dĩ được đào tạo dựa trên dữ liệu do con người tạo ra nên sẽ phản ánh hành vi, định kiến và niềm tin của chúng ta. Việc AI sẽ trở thành chiếc phao cứu sinh của loài người hay kẻ hủy diệt nhân loại sẽ hoàn toàn do chúng ta quyết định.” 

Canh bạc AI - Chat GPT và tương lai loài người là tác phẩm thứ hai của tác giả Ngô Di Lân. Khác với những tâm sự đời thường mang tính chia sẻ, truyền cảm hứng trong tác phẩm đầu tay 1% mỗi ngày, nội dung Canh bạc AI là một công trình nghiên cứu khoa học mang tính dự báo về tương lai của nhân loại. Tác phẩm không chỉ đánh dấu bước trưởng thành của Ngô Di Lân từ một nghiên cứu sinh trở thành Tiến sĩ ngành Quan hệ quốc tế. Nó cho thấy tầm nhìn thông suốt của anh về trí thông minh nhân tạo - một lĩnh vực còn khá mới mẻ với đa số người Việt nhưng đã tạo ra những thay đổi chóng mặt trong mọi khía cạnh của đời sống. 

PHỎNG VẤN TÁC GIẢ NGÔ DI LÂN

Về tác giả:

Tác giả Ngô Di Lân là Tiến sĩ ngành Quan hệ quốc tế tại Đại học Brandeis (Mỹ). Anh hiện đang công tác tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Ngoại giao, Học viện Ngoại giao (DAV)

Canh bạc AI có thể xem là một trong những cuốn sách đầu tiên của tác giả Việt Nam về ChatGPT và AI. Mời anh chia sẻ quá trình viết cuốn sách này? 

Theo khảo sát của tôi thì hiện đã có một vài cuốn sách viết về chủ đề này, nhưng chưa có cuốn sách nào viết theo cấu trúc chia làm hai nửa như tôi đã làm trong cuốn sách này. Thú thực là ban đầu tôi chỉ có ý định viết một cuốn sách nhằm đánh giá sức mạnh cũng như giới hạn của ChatGPT (đó là nửa đầu tiên của cuốn sách). Tuy nhiên càng viết tôi càng nhận ra rằng chủ đề này quá hẹp và thế giới ứng dụng AI đang phát triển quá nhanh, quá mạnh. Đó là lý do vì sao cần có phần thứ hai của cuốn sách, để thảo luận về những tác động tiềm tàng của AI trong những lĩnh vực mà tôi cho là trọng yếu nhất: giáo dục, việc làm, sáng tạo, an ninh quốc gia. Tôi viết cuốn sách này vì tôi tin rằng những người “ngoại đạo" như tôi, một người chưa từng viết một dòng code vi tính nào, cũng cần hiểu đủ sâu và đủ toàn diện về công nghệ này để có thể thích nghi và “sống tốt".

Anh có cái nhìn lạc quan về tương lai “chung sống hòa bình” giữa con người và AI giữa rất nhiều ý kiến quan ngại và cảnh báo, mời anh chia sẻ thêm cơ sở cho sự lạc quan này? 

Cần đính chính lại là tôi có lạc quan, nhưng một cách hết sức thận trọng. Lạc quan là bởi tôi hiểu rằng về lý thuyết, không có lý do gì để buộc AI phải tìm cách thao túng, đàn áp, thống trị, hay xoá sổ loài người. Tất cả những điều đó là nguy cơ nhưng nguy cơ không có nghĩa là tất yếu. Những viễn cảnh tốt đẹp hoàn toàn khả thi. Hơn nữa, theo đánh giá của tôi, chúng ta vẫn đang trong giai đoạn tương đối sơ khởi của kỷ nguyên AI. Giờ vẫn còn chưa quá muộn để chúng ta, với tư cách là những thành viên của loài người, cùng nhau tìm cách kiểm soát và định hướng cách sử dụng AI theo những cách phục vụ những giá trị cao đẹp nhất của con người. 

Theo anh đối tượng bạn đọc phù hợp nhất mà cuốn sách này hướng tới là ai? 

Tôi cho là cuốn sách này khó cung cấp được nhiều thông tin hay góc nhìn mới cho các chuyên gia về AI, đặc biệt là các kỹ sư phát triển phần mềm. Còn tôi tin rằng mọi độc giả chưa hoặc mới có ít kiến thức nền về AI nói chung hay ChatGPT riêng, và muốn chủ động tìm cách thích ứng với một tương lai tràn ngập AI sẽ thấy cuốn sách này hữu ích.

Anh có lời khuyên nào cho thế hệ trẻ đang sắp và bắt đầu bước vào thị trường lao động với nỗi lo AI “thay thế” mình, trong khi mặt khác, họ gần như không biết gì về AI và quá trình chuyển đổi số? 

Lời khuyên của tôi là hãy đọc và hãy học thật nhanh, thật nhiều về AI trước khi quá muộn. Hãy tìm hiểu về AI bằng bất kỳ cách nào thuận tiện và phù hợp cho bạn nhất: xem YouTube, xem TikTok, nghe podcast, học online, đọc sách, v.v. Hơn hết, cần thử nghiệm và tìm cách tích hợp các công cụ AI vào trong cuộc sống thường nhật của mình. Bởi lẽ trước khi chúng ta bị AI thay thế, chúng ta sẽ bị “một người nào đó biết sử dụng AI thay thế". Ngồi yên một chỗ và lo lắng không bao giờ là giải pháp. 

Ý kiến của anh về vấn đề tác quyền khi sử dụng sản phẩm con người tạo ra để làm nguồn dạy học cho AI, nhất là trong lĩnh vực nghệ thuật? 

Tôi nghĩ tác quyền là một vấn đề nan giải mà hiện chúng ta chưa tìm được ra giải pháp thoả đáng. Một mặt, tôi cho rằng các tác giả khó có thể vì lý do bảo vệ tác quyền mà cấm cản được sự phát triển không ngừng của AI. Đơn giản là bởi các công ty Big Tech quá mạnh và đang di chuyển quá nhanh. Mặt khác, tôi nghĩ cần phải cách nào đó để trả công xứng đáng cho chất xám của các tác giả, đồng thời cho họ sự ghi nhận phù hợp trong mọi câu trả lời của AI. Các nhà phát triển AI chắc chắn hiểu rằng nếu không liên tục có thêm nguồn dữ liệu chất lượng, do con người tạo ra, để nâng cao khả năng tư duy, trả lời và “sáng tạo", AI sẽ khó có thể tiến xa được.

Mời anh chia sẻ sâu hơn về ý rằng: “Kỹ năng viết prompt là kỹ năng quan trọng trong tương lai, và nó phụ thuộc vào tư duy phản biện và khả năng sử dụng ngôn ngữ tự nhiên của người dùng”. Vì sao không nên học thuộc các prompt sẵn có?

Tôi nghĩ có nhiều lý do nhưng lý do lớn nhất là vì bộ não không sinh ra để học thuộc lòng một khối lượng kiến thức “nhàm chán" nhiều như vậy. Bao giờ não chúng ta vận hành theo kiểu ổ cứng: nạp dữ liệu - tìm kiếm - dùng dữ liệu, lúc đó việc học thuộc một số lượng prompt khổng lồ sẽ hợp lý. Cho đến khi đó, cách tối ưu hơn là học cách phân biệt đâu là prompt tốt, đâu là prompt kém, nắm vững các nguyên lý soạn prompt căn bản để thích ứng tuỳ theo hoàn cảnh và nhu cầu sử dụng. 

Hình ảnh: NXB Trẻ cung cấp