ĐỜI SỐNG

Áp lực chi tiêu ngày Tết: Làm sao để không 'cháy túi'?

HaoKhanh • 20-01-2025 • Lượt xem: 70
Áp lực chi tiêu ngày Tết: Làm sao để không 'cháy túi'?

Tết Nguyên Đán đang đến cận kề, bên cạnh những niềm vui, hào hứng, mong chờ một năm mới, nhiều bạn trẻ còn cảm thấy mệt mỏi vì quá nhiều thứ phải lo trong ngày Tết.

Những nỗi lo đang cận kề

Áp lực chi tiêu ngày Tết là một trong những vấn đề được liệt kê ra hàng đầu. Các bạn trẻ cho hay, chi tiêu ngày Tết sao cho hợp lý để không rơi vào tình trạng “cháy túi” sau Tết khiến các bạn cảm thấy đau đầu và căng thẳng.

Ngọc Hân (25 tuổi, nhân viên văn phòng) cho hay, cô từ Nam Định lên Sài Gòn làm việc đã sáu năm. Những năm trước một phần do bận rộn công việc và một phần khó khăn trong kinh tế nên cô ở lại Sài Gòn ăn Tết. Nhưng năm nay, nhận thấy sức khỏe của ba mẹ ngày càng già yếu, cô quyết định về quê để đoàn tụ với gia đình. Liệt kê những khoản phải chi trong ngày Tết của cô gồm có: tiền vé máy bay hai chiều khoảng 7 triệu, biếu ba mẹ 3 triệu, quà cáp cho họ hàng, anh chị em trong nhà khoảng 2 triệu, lì xì các cháu nhỏ khoảng 2 triệu, mua sắm dịp Tết khoảng 5 triệu, quần áo, làm tóc cũng tốn thêm một khoản kha khá. Nhẩm tính thêm những khoản chi phí phát sinh khác cũng ngót nghét khoảng 20 triệu. Mỗi lần đến Tết đối với cô lại là nặng gánh lo âu.

“Năm nay tình hình kinh tế khó khăn, thưởng Tết không được như những năm trước nên những người lao động làm công ăn lương như mình cảm thấy lo lắng, nhiều đêm không ngủ được. Làm cả năm chẳng dư dả bao nhiêu, cố gắng tiết kiệm cũng chỉ mong sao đủ tiền về quê và chi tiêu ngày Tết, mong sao mọi thứ được đầy đủ, trọn vẹn”.

Không phải chịu quá nhiều áp lực về kinh tế, bạn Phương Oanh (23 tuổi, TP. HCM)  cảm thấy may mắn vì mình sinh ra và lớn lên ở Sài Gòn nên không tốn quá nhiều chi phí cho việc đi lại về quê như các bạn trẻ khác. Thế nhưng cô lại cảm thấy mệt mỏi vì phải lao vào cuộc chiến “dọn dẹp”, lúc nào cũng trong tình trạng luôn tay luôn chân chuẩn bị Tết. Bao nhiêu công việc không tên kéo nhau tới, từ sắm sửa, trang hoàng nhà cửa, lau chùi đồ đạc,  nấu ăn, tiếp khách, rửa chén bát,... Cô chia sẻ:

“Tết là khoảng thời gian nghỉ ngơi, thư giãn sau một năm làm việc vất vả, thế nhưng mình lại cảm thấy mệt mỏi hơn cả đi làm. Nhiều lúc muốn đi chơi với bạn bè nhưng không được vì phải ở nhà phụ ba mẹ. Nhà mình theo kiểu truyền thống, Tết là phải sắm sửa thịnh soạn, mâm cao cỗ đầy để tiếp đón khách nên lúc nào cả nhà cũng quần quật trong bếp nấu nướng, ăn uống rồi dọn dẹp. Lu bu mấy ngày, chưa kịp chơi được gì thì hết Tết”

Còn đối với Phương Lan (27 tuổi, TP.HCM), nỗi sợ Tết của cô là khi phải đối diện với hàng loạt những câu hỏi không hồi kết, có phần “tế nhị” và “nhạy cảm” của họ hàng. Cô chia sẻ:

“Mỗi dịp Tết, mình thường được mọi người hỏi thăm: “Lương bao nhiêu?”, “Tết này được thưởng nhiều không?”, “Khi nào thì lập gia đình?”,...Mình cảm thấy rất ngại và khó trả lời.  Một hai người hỏi thì mình còn cảm thấy đó là sự quan tâm nên vui vẻ đáp, còn đi đâu ai ai cũng hỏi lại khiến mình cảm thấy áp lực, khó chịu, bực bội.”

Cô nàng bức xúc: “Tệ nhất là nhiều lúc mình nghe nói ai bằng tuổi đã có nhà cửa khang trang, xe hơi đắt đỏ, thưởng Tết nhiều ra sao làm mình thấy có chút buồn và thất vọng về bản thân vì không bằng người ta. Cảm giác bị so sánh thật không dễ chịu chút nào”.

Người trẻ, đối mặt với những áp lực tài chính, sự kì vọng của gia đình và những câu hỏi có phần “kém duyên” về cuộc sống, đời tư, tình duyên, sự nghiệp,... nên có tâm lý sợ Tết, cảm thấy ngột ngạt và khó chịu khi những ngày Tết đang đến gần.

Lo lắng nhưng vẫn mong đợi Tết

Dù cho những ngày Tết có phần cập rập, bận rộn và không tránh được những lo âu, căng thẳng, song các bạn trẻ cũng đều dành những tình cảm đặc biệt cho dịp lễ quan trọng này. Đó là sự hào hứng, phấn khởi, mong chờ để khởi đầu một năm mới đong đầy hạnh phúc, vui vẻ và an lành.

Ngọc Hân cho hay, cô đã lên kế hoạch sớm, liệt kê cụ thể, rõ ràng những khoản chi tiêu để chủ động hơn, đón Tết tối giản, tiết kiệm và chỉ sắm sửa những thứ cần thiết. Đi làm xa cả năm rồi, cô cũng chỉ mong chờ một cái Tết để có nhiều thời gian hơn về quê đoàn tụ với gia đình. Cô cảm thấy hạnh phúc và vui vẻ hòa mình vào không khí vui tươi, rộn ràng những ngày này:

“Tết quê mình thích lắm, không khí se se lạnh, mát mẻ. Năm nào cũng vậy, mình thích ngồi trông nồi bánh trưng trong đêm giao thừa, cùng mẹ đi  hội chợ xuân để sắm sửa cây đào, cành quất về trang trí cho khuôn viên nhà ấm cúng, cùng anh chị em quây quần bên mâm cơm đoàn viên hay đi chùa hái lộc, cầu may mắn. Đối với mình, đó là khoảnh khắc bình yên, hạnh phúc mà không gì đánh đổi được”.

Còn với Phương Oanh, cô dự định năm nay sẽ tranh thủ dọn dẹp nhà cửa sớm hơn để dành thời gian nghỉ ngơi, thư giãn, cafe hội họp với bạn bè. Cô cũng lên kế hoạch đi du lịch ngắn ngày đến nơi mà mình yêu thích để tận hưởng nguồn không khí mới, giải tỏa áp lực sau một năm làm việc vất vả và sạc lại năng lượng để tiếp tục trở lại công việc. Đó là động lực để cô phấn đấu hơn cho năm sau.

“Mỗi người có một nỗi lo, một áp lực riêng, nhưng quan trọng ở bản thân chúng ta cần suy nghĩ và nhìn nhận vấn đề ở góc độ nào. Không đặt nặng vấn đề tiền bạc, nghĩ thoáng hơn, tập trung vào bản thân và trân trọng những gì mình đang có là cách giúp mình cảm thấy thoải mái, nhẹ nhàng và vui vẻ hơn” -  Phương Lan vui vẻ nói.

Tết là khoảng thời gian gắn kết gia đình, để sẻ chia, yêu thương. Vì vậy, đừng để những vướng bận khiến bạn cảm thấy áp lực, mất đi niềm vui thực sự của ngày Tết. Chúng ta hãy cùng gác lại những khó khăn, băn khoăn, trăn trở để đón chào ngày Tết thật ý nghĩa, một năm mới với nhiều may mắn và hạnh phúc đón chờ.