THỂ THAO

Bóng đá Việt Nam: Không còn là chuyện riêng của nhà giàu cũng khóc

DDVN • 06-11-2023 • Lượt xem: 1289
Bóng đá Việt Nam: Không còn là chuyện riêng của nhà giàu cũng khóc

Lãnh đạo đội Công an Hà Nội đã quyết định không thưởng sau chức vô địch V-League 2023, một điều chưa từng có tiền lệ.

Không ít người trong làng bóng đá Việt Nam (BĐVN) đã nghe thông tin này từ trong đội bóng, nhưng đến khi HLV đội CAHN Trần Tiến Đại phát biểu trong cuộc họp báo sau trận thắng Hà Nội 2-0 ở lượt thứ 3 V-League 2023-2024, vấn đề này không còn là của riêng nội bộ CAHN.

Ông Đại còn nói hy vọng lãnh đạo đội bóng thay đổi quan điểm để các cầu thủ chơi tập trung hơn. Theo cách phát biểu của ông Đại, đây là nguyên nhân chính dẫn đến việc CAHN thua Thanh Hóa ở Siêu cúp quốc gia cũng như khởi đầu mùa giải không như mong muốn.

Những "cậu ấm" đã quen sung sướng

Ông Đại nói không sai, nhưng những gì mà lãnh đạo đội bóng đã đầu tư vào CLB CAHN cũng là chưa có tiền lệ. Với mặt bằng chung hiện nay của BĐVN, đặc biệt trong giai đoạn kinh tế khó khăn vẫn chưa có dấu hiệu hồi phục, kinh phí hoạt động bình quân trong mỗi mùa bóng cho một đội ở V-League vào khoảng 60 - 80 tỉ đồng.

Nhưng với riêng CAHN, qua những con số công khai về mức lương, phí chuyển nhượng, di chuyển, sinh hoạt cao cấp… cho các cầu thủ, cộng thêm mức thưởng rất cao cho từng trận với kết quả thắng hoặc hòa trên sân nhà cũng như sân khách, ước tính lãnh đạo CLB chi không dưới 200 tỉ đồng trong mùa bóng vừa qua. Con số này, ông Đại cũng phải hiểu là… chưa có tiền lệ! 

HLV Trần Tiến Đại cho biết sau khi vô địch V-League 2023, ban huấn luyện và cầu thủ CAHN chỉ có khoản thưởng 5 tỉ đồng từ ban tổ chức giải đấu. Thế nhưng các thành viên đội CAHN đã được lãnh đạo quan tâm, chăm sóc đặc biệt, đặc biệt hơn rất nhiều so với phần còn lại của V-League. Rõ ràng họ cũng đã nhận được cái gọi là… “chưa có tiền lệ” nhưng không thấy ông Đại nhắc đến.

Và trong hợp đồng của tất cả những ai ký với CAHN có điều khoản nào quy định lãnh đạo đội sẽ thưởng và cụ thể là thưởng bao nhiêu khi đội đoạt chức vô địch hay không?

Trả lại giá trị đúng của mặt bằng BĐVN

Bầu Hiển từng nói với người viết về quan điểm làm bóng đá của ông rằng: "Khi nghe các cháu nói sẽ đá vì tôi, tôi đã nói các cháu trước tiên đá cho chính bản thân mình. Đá cho thật tốt, thật giỏi thì các cháu sẽ có được những gì các cháu mong muốn. Sau đó các cháu đá vì gia đình, vì người thân. Cha mẹ, anh chị em sẽ rất vui, rất tự hào khi các cháu thành đạt. Và khi các cháu ra sân thi đấu, hãy nhìn xung quanh khán đài, các cháu phải đá vì họ, vì người hâm mộ. Cuối cùng các cháu mới đá cho chú".

Quan điểm đào tạo bóng đá trẻ của bầu Hiển là không nghĩ đến tiền, không nghĩ đến đào tạo cầu thủ trẻ để sau này kiếm tiền qua chuyển nhượng. Bầu Hiển rất rõ ràng: không dạy các cháu làm gì cũng nghĩ đến tiền; cứ học, cứ sống thật tốt, đá thật tốt thì tiền sẽ tự động đến.

Bầu Đức thời hoàng kim đầu tư mạnh mẽ cho bóng đá ra sao thì mọi người ai cũng biết. Ngay cả khi sống trong muôn trùng khó khăn, ông cũng không bỏ bóng đá. Người hâm mộ BĐVN yêu mến cái chất hảo hán của Bầu Đức, và không ít người đã chia sẻ cùng ông trong suốt cuộc hành trình không còn mạnh tài chính để đầu tư bóng đá.

Điển hình là HLV Kiatisak, ông đã phát biểu dùng nhiều cầu thủ trẻ để Bầu Đức đỡ tốn kém. Có nghĩa là HLV Kiatisak đã đồng cảm, chia sẻ với Bầu Đức.

Hay như CLB TP.HCM, dù vẫn còn nợ tiền thưởng khi đội trụ hạng từ mùa 2022, cũng như mọi mặt đều cắt giảm, thế nhưng HLV Vũ Tiến Thành vẫn lèo lái chiến hạm đỏ về đích an toàn bất chấp phong ba bão táp giữa đại dương V-League. Trên hết, tập thể CLB TP.HCM vẫn rộn ràng tiếng cười khi luyện tập, vẫn ra sân chiến đấu như những chiến binh… Và hơn hết, họ vẫn chia sẻ với những mảnh đời khó khăn qua những hoạt động cộng đồng.

Hay như Khánh Hòa với danh xưng "Vua trụ hạng" dù kinh phí hoạt động eo hẹp. Thậm chí Thanh Hóa còn trở thành hiện tượng ở V-League dù ngân sách hoạt động không dồi dào.

Bài viết này, chúng tôi không cổ súy cho quan điểm “nợ nần, khốn khó là động lực phát triển”, vì điều này là chẳng đặng đừng trong bóng đá chuyên nghiệp khi tiền nhiều thường đi đôi với thành tích cao và ngược lại.

Những phát biểu của ông Trần Tiến Đại tuy là chuyện nội bộ của CAHN, nhưng khi ông Đại đã phát biểu chính thức để truyền thông đưa tin, thì rõ ràng câu chuyện này không còn của riêng đội CAHN nữa.

Cũng cần nhắc lại chuyện cũ mà vẫn còn nguyên giá trị cho đến hôm nay. Hơn 10 năm trước, sự xuất hiện của những câu lạc bộ nhà giàu mới nổi như Ninh Bình, Saigon Xuân Thành, Navibank Saigon… đã khiến cho kinh phí hoạt động của các CLB ở V-League gia tăng chóng mặt. Hiện tượng bất thường này không hẳn xuất phát từ hệ thống lương, thưởng, sinh hoạt ăn ở, di chuyển... mà trên hết là những vụ chuyển nhượng cầu thủ cùng “phí lót tay” bị đẩy giá lên cao ngút ngàn.

Hôm nay, giá trị cầu thủ đang thi đấu ở V-League là giá trị ảo đã trở lại. Đã đến lúc trả lại đúng giá trị về mọi mặt trong đời sống BĐVN, bởi hiện tượng này nếu “bị” kéo dài thì còn ai dám đầu tư vào bóng đá nước nhà nữa!

Ngay sau khi giành được danh hiệu, Ban lãnh đạo CLB đã tiến hành giải ngân toàn bộ số tiền thưởng trị giá 5 tỉ đồng từ ban tổ chức giải đấu. Đó là phần thưởng duy nhất để ghi nhận những cống hiến của toàn bộ các cầu thủ. Ban lãnh đạo CLB đã đóng thuế thu nhập cá nhân cho từng thành viên để chuyển đến các cầu thủ trọn vẹn số tiền thưởng theo kế hoạch ban đầu.

CLB CAHN cũng khẳng định, đội bóng luôn nhất quán về mặt chủ trương là thi đấu vì mục tiêu cao nhất. Chính vì chủ trương đó nên các cầu thủ cần thi đấu với trách nhiệm để hoàn thành mỗi mục tiêu đề ra. Sau mỗi trận đấu, dù kết quả có là thắng hay thua đi chăng nữa, Ban lãnh đạo CLB luôn có những sự động viên kịp thời đến toàn bộ các thành viên.

Theo Đặng Hoàng/1thegioi.vn