THỂ THAO

Breakdance có phải là môn thể thao hay không?

Hồng Trâm • 31-07-2024 • Lượt xem: 1027
Breakdance có phải là môn thể thao hay không?

Huyền thoại bóng quần người Úc Michelle Martin chẳng quan tâm nhiều đến breakdance trước khi bộ môn này được công bố là môn thể thao thi đấu tại Olympic. Cô nhận xét quyết định như vậy như “trò hề”.

Trên trang tin The Diamondback cũng có bài viết phản đối. Bài viết lập luận: “Nhảy múa không phải một môn thể thao mà là nghệ thuật, bất kể Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) hay giám khảo chương trình So You Think You Can Dance có nói gì đi chăng nữa. Không có thang điểm cụ thể để đánh giá các vũ công khi thi đấu với nhau”.

Trả lời phỏng vấn của trang The Wired, nhà vô địch breakdance thế giới Phil Wizard ủng hộ quan điểm trên: “Tôi luôn xem breakdance như bộ môn nghệ thuật và văn hóa hơn là môn thể thao. Hầu hết chúng ta cũng đều nghĩ như vậy”.

Phil Wizard - VĐV tuyển Canada 

Nhưng bất chấp sự hoài nghi, người xem Olympic 2024 vẫn có dịp thưởng thức vũ công breakdance các nước tranh tài tại Paris - điều mới mẻ so với nhiều kỳ Olympic trước.

Theo trang web chính thức của Olympic, ban tổ chức cho biết breakdance đã phải vượt qua “bài kiểm tra” quan trọng mới được đưa vào danh sách môn thể thao thi đấu. Trước đó, bộ môn này góp mặt tại Olympic trẻ Argentina năm 2018 và ghi nhận thành công vang dội - thử nghiệm góp phần đưa đến quyết định mà vận động viên Martin phản đối.

Còn đài NBC News thì cho biết IOC đưa breakdance vào danh sách thi đấu nhằm thu hút khán giả trẻ quan tâm nhiều hơn đến Olympic. Ở lần thử nghiệm tại Olympic trẻ Argentina, bộ môn này thu hút hơn 1 triệu lượt xem.

Cuối tháng 6, tạp chí Forbes đưa tin hoạt động thi đấu breakdance trong khuôn khổ Olympic 2024 sẽ có 20 vũ công tham gia (10 nam và 10 nữ). Số lượng giới hạn khiến một số nước như Mỹ hay Nhật Bản không thể đem toàn bộ vũ công giỏi đến tranh tài. Các nước Hà Lan, Hàn Quốc, Trung Quốc, Kazakhstan, Ukraine, Pháp, Ý, Bồ Đào Nha... cũng có đại diện tham gia.

Các B-boy và B-girl (thuật ngữ gọi vũ công breakdance) sẽ thi đấu theo thể thức 1 chọi 1 trong hai ngày 9 - 10.8 tại quảng trường La Concorde. Hội đồng gồm 9 giám khảo phụ trách chấm điểm bằng hệ thống do Liên đoàn Khiêu vũ thể thao quốc tế (WDSF) đặt ra.

Điểm hấp dẫn là bản thân các vũ công không tự chọn bài hát cho mình. DJ và MC chọn giai điệu và người thi đấu phải ứng biến tại chỗ. B-Boy tuyển Hà Lan Menno chia sẻ: “Tôi hy vọng mọi người hiểu được sự sâu sắc của breaking, vì môn này rất có chiều sâu. Bạn thấy được rất nhiều tính cách phản ánh qua cách vũ công ăn mặc, di chuyển. Bạn sẽ thấy nhiều tính cách trên sàn nhảy kết hợp với tinh thần thể thao tuyệt vời”.

B-Boy tuyển Mỹ Jeffrey Louis nói: “Đây là cơ hội để chúng tôi vươn lên và cho mọi người biết nhiều hơn về breakdance”.

Theo tạp chí Forbes, breakdance xuất hiện từ những năm 1970, bắt đầu thịnh hành từ những năm 1990. Việc có mặt trong danh sách môn thi đấu Olympic sẽ đưa bộ môn này đến gần hơn với công chúng, mặc dù cũng có lo ngại việc áp đặt khuôn khổ cùng quy tắc ngăn cản tính sáng tạo của breakdance.

Tag: