Bữa cơm thực dưỡng mùa Vu Lan

Hầu hết từ lúc ấu thơ hẳn ai cũng quen thuộc với hình ảnh mẹ trong căn bếp nhà và mùi đồ ăn thơm thơm mỗi khi giờ cơm gần đến. Mình lớn lên với ít nhiều những bữa cơm nhà như vậy. Đi học rồi đi làm về, kể cả sau này có ở riêng, lúc về nhà cũng: “Mẹ ơi con đói bụng. Hôm nay mẹ nấu gì thế?”

Dù có đang ở độ tuổi nào, mình vẫn luôn cần có mẹ, luôn bất giác gọi mẹ trong mọi hoàn cảnh. Mình thần tượng mẹ nhất. Mẹ cũng đi làm, chăm lo nhà cửa, săn sóc mọi người trong gia đình, kể cả những đứa con tuổi ăn tuổi lớn hôm nay thế này, ngày mai thế khác, và mọi bữa cơm vẫn đều đủ đầy, ngon lành.

Thế giới có chuyển dời, xã hội có phát triển, mình lại luôn thay đổi và lớn lên từng ngày, thì sau này mình mong muốn sẽ trở thành một người mẹ giống như mẹ của mình. Những ước nguyện trong cuộc đời này dù có lớn đến đâu cũng chỉ có một điều mãi không đổi là mẹ luôn khoẻ mạnh, vui vẻ.

Vu Lan là dịp lễ lớn tri ân đến hàng triệu người mẹ trên thế gian này. Mà không cứ phải có dịp thì mình mới làm gì đó được cho mẹ. Tặng mẹ một bó hoa, dẫn mẹ đi chơi, mua quà cho mẹ… Hay đơn giản chỉ là một cuộc gọi từ xa với những câu hỏi: “Mẹ ơi, dạo này chân mẹ còn đau khớp nhiều không? Mẹ ăn cơm chưa? Mẹ nấu món gì thế?...” Món quà lớn nhất chẳng phải luôn là sự hiện diện của chúng ta cho mẹ sao..

Thế nên cho dù có là ngày lễ hay ngày nào, mình thử đi chợ nấu một bữa cơm và ăn cùng mẹ nhé. Có thể mẹ sẽ hơi càu nhàu là: “Nay mày bày vẽ quá dzậy? Rồi lại bày bừa ra bếp đi…” Nhưng trong bụng chắc đang cười thầm hạnh phúc xen lẫn nhận ra à con mình cũng.. hơi hơn lớn rồi ta. Mẹ hiểu hết mọi chân tình mình gửi gắm vào từng món ăn và câu chuyện cùng vui bên mâm cơm nhà nè. Vậy là đủ rồi..

Vậy nếu được nấu một bữa cơm cho mẹ, bạn sẽ nấu gì?

Dù có là món gì mình cũng sẽ nấu những món mình thích nhất. Vì thích thì mình sẽ có cảm hứng để nấu và tự tin hơn khi đứng trong bếp. Người ăn từ đó cũng cảm nhận được niềm vui, sự hứng khởi của chính mình. Với một bữa cơm chay có lẽ mình sẽ lưu ý hơn một chút từ khâu đi chợ, chọn lựa thực phẩm để cân bằng hơn cho người ăn. Mình chọn đi chợ từ nguồn thực phẩm đáng tin cậy, xuất xứ rõ ràng, ngay tại địa phương và theo mùa. 

Cơm chay vốn là bữa ăn có nhiều rau củ với màu sắc và mùi vị đa dạng. Đây cũng là câu trả lời cho câu hỏi liệu ăn chay thì có chán không. Và tuỳ theo mùa, tiết trời, chúng ta cũng sẽ có nhiều cách chế biến phù hợp với thể trạng, sức khoẻ của nhiều người khác nhau. Nửa cuối mùa hè và dần sang mùa thu, tuy nhiên tiết trời nhiều nơi còn oi bức, nhưng cũng kèm theo những cơn mưa giông kéo dài nhiều ngày. Lúc này những món thanh mát vẫn được ưa chuộng, nhưng những món hầm, kho kĩ cũng nên được cân nhắc đưa vào để bồi bổ khí và giữ ấm cho cơ thể về lâu dài.

Mỗi nơi mỗi khí trời, mỗi người mỗi thể trạng. Mâm cơm hôm nay mình nấu là một ví dụ nho nhỏ cho một bữa chay cân bằng với mình nhất ở hiện tại. Mỗi món định lượng sẽ đủ cho 4 người ăn: 

Gạo tẻ là mẹ ruột”, câu nói này đủ cho thấy tầm quan trọng của hạt gạo, bát cơm trong ẩm thực của người Việt mình. “Gạo xát dối” là loại gạo mình chọn và cảm thấy phù hợp nhất cho sự tiêu hoá của chính mình và mọi người xung quanh. Lớp cám gạo còn gần vẹn nguyên sau khi ‘xát dối’ bổ sung thêm chất xơ, các khoáng chất, giúp tạo kiềm trung hòa axit trong máu. Bạn hoàn toàn có thể ăn bất kì loại gạo nào mình cảm thấy ngọt lành nhất, thân thuộc nhất. Đây chỉ là một sự lựa chọn thêm cho bạn tham khảo để bữa ăn có sự cân bằng hơn.

 Nguyên liệu:

- 160 - 200g gạo xát dối
- 50g đậu đỏ
- 1 muỗng cà phê dấm mơ muối (hoặc dầu mè)

Cách nấu:

Bước 1: Món cơm đậu đỏ sẽ bắt đầu từ tối ngày hôm trước, mình ngâm đậu đỏ qua đêm, bỏ nước ngâm đi. Bắc lên bếp nấu khoảng 20 phút, xem đậu đã gần mềm chưa thì tắt bếp.

Bước 2: Vo gạo sạch rồi trộn đậu đỏ vào. Đong theo tỉ lệ 1 chén gạo và đậu là 1,5 chén nước. Nấu theo chế độ trên nồi cơm điện.

Bước 3: Nếu có dấm mơ muối, hoặc dầu mè, lúc cơm chín bật nút lên thì sẽ cho 1 muỗng cà phê vào để tăng thêm hương vị và cân bằng hơn. Lúc ăn xới cơm tơi đều và thưởng thức.

Món canh này khá đơn giản và hợp với tiết trời mưa nhiều. Tất cả mọi thứ đều được hầm mềm mà không bở, bí ngọt nên nước cũng rất ngọt, thử một ngụm là thấy nóng ấm tới tận ruột gan.

Nguyên liệu: 

- 50g hạt sen khô (hoặc 80g hạt sen tươi)
- 200g bí đỏ - cắt hình vuông nhỏ vừa miệng 
- 1 củ hành tím nhỏ (có thể bỏ qua nếu không ăn)
- 1 nhúm ngò gai, ngò om để rắc lên 
- Muối, tiêu

Cách nấu:

Bước 1: Ngâm hạt sen nếu dùng hạt khô trước 2 tiếng để hạt sen nở đều, sau đó rửa sơ rồi để ráo.

Bước 2: Hành tím bóc vỏ, đập dập, xắt nhỏ, rồi cho vào nồi phi thơm với rất ít dầu ăn (½ muỗng cà phê) rồi đổ nước vào nấu sôi sau đó mình cho hạt sen vào hầm. Khi nào hạt sen hơi mềm (khoảng 10-15 phút) thì mình cho bí đỏ vào nấu. Lúc nấu nên để ý vớt bọt để nước canh trong hơn.

Bước 3: Nêm nếm muối tiêu vừa miệng vì bí đỏ hầm vốn đã ngọt tự nhiên sẵn rồi. Đến khi bí đỏ vừa chín thì cho ngò gai, ngò om đã xắt nhỏ vào rồi tắt bếp ngay.

Canh ăn nóng cùng cơm hoặc có thể ăn không cũng ngon.

Ông bà có dạy: “Mùa đông ăn củ cải, mùa hè ăn gừng”. Theo như Đông Y, củ cải mang tính hàn, cay, nhưng khi được nấu đúng cách sẽ rất ngọt. Đây là loại củ thân thuộc với người Việt, có tính thải độc với bột bị tẩy trắng hoặc gạo xát trắng, hỗ trợ tiêu hoá, trị ho, và giúp ruột chuyển động mượt mà hơn. Gừng cũng là loại củ được sử dụng nhiều trong nấu ăn để kích thích sự thèm ăn, khử trùng và giải độc, phòng ngừa cảm lạnh mùa hè/mùa mưa (Tuy nhiên ăn gừng quá nhiều hoặc lạm dụng sẽ khiến cơ thể bị lạnh ngược từ bên trong nên cần lưu ý). Tương tamari là loại nước tương lên men thuần không có hoá chất. Miso là đậu tương lên men. Cả hai loại gia vị này đều có thể được tìm thấy dễ dàng ở các cửa hàng thực dưỡng. 

Nguyên liệu:

- 300g củ cải
- 150g đậu hũ (hoặc giò chay, chân nấm chay…)
- Dầu mè
- 1 nhánh gừng 
- Tỏi và hành lá (có thể bỏ qua)

Sốt kho:

- 2 muỗng ăn cơm tương tamari
- 1 muỗng cà phê tương miso
- 3-4 thìa cơm nước lọc
- 1 muỗng cà phê mật mía (hoặc đường mía thô)

Cách nấu:

Bước 1: Cắt đậu hũ thành khối vuông nhỏ, chiên vàng.

Bước 2: Bào vỏ củ cải (Nếu biết rõ về nguồn gốc hữu cơ tự nhiên của củ cải, chỉ cần rửa thật sạch và giữ nguyên vỏ). Cắt thành từng khúc tròn cỡ 4-5 cm. Một sự lựa chọn nữa là dùng mũi dao khứa những đường chéo caro lên 2 mặt củ cải. 

Bước 3: Làm nóng chảo và phết dầu mè lên, áp chảo 2 mặt củ cải cho xém vàng nâu. Đổ một ít nước vào, đậy nắp, để lửa nhỏ vừa, hấp cho củ cải mềm. Tắt bếp.

Bước 4: Đập dập nhánh gừng, xắt sợi, hoặc băm nhuyễn. Nếu có tỏi cũng làm giống như gừng. 

Bước 5: Trộn đều đậu hũ, củ cải, gừng, tỏi, hỗn hợp sốt. Bật bếp lên lại, đậy nắp kín, để lửa vừa. Kho khoảng 15-20 phút rồi mở ra kiểm tra. Nếu quá khô sẽ cho 1 ít nước vào. Rắc hành lá đã xắt nhuyễn lên trên, đậy nắp nồi 5 phút. Sau đó đã có thể dọn ra dùng nóng với cơm.

Nguyên liệu:

- Các loại cải ngọt, bó xôi, cải cúc, ngọn đậu, ngọn bí non (Có thể chọn các loại rau xanh theo mùa)
- Muối biển
- Dầu mè
- Tương tamari
- Mè rang (có thể bỏ qua)

Cách nấu:

Bước 1: Rửa sạch rau trước khi nhặt, tước bớt xơ ở thân rau nếu có.

Bước 2: Chuẩn bị một thau nước đá để ở một bên.

Bước 3: Đun một nồi nước sôi. Bỏ một chút xíu muối biển vào. Nhúng rau vào chần nhanh (nhìn thấy rau vừa đổi màu xanh..). Gắp rau ra bỏ vào thau nước đá. Bước này sẽ giữ cho rau có độ xanh và giòn.

Bước 4: Vớt rau ra và vắt nước bớt. Nếu rau còn là cọng dài (ví dụ cải bó xôi) mình sẽ cắt khúc vừa ăn.

Bước 5: Rưới dầu mè, tương tamari (có thể bỏ qua tương nếu ăn lạt) và mè rang, trộn đều với rau và dọn ra ăn cùng cơm.

 


Bài viết: Kuma no Kitchen (Bếp của Gấu)  

Hình ảnh: Kuma no Kitchen (Bếp của Gấu)

Thiết kế: Quang Vũ