Burger Corona và thông điệp ‘vượt qua nỗi sợ hãi’ bằng ẩm thực

Giữa diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, người dân Hà Nội như được khích lệ tinh thần, vượt qua nỗi sợ virus nCoV với bánh burger Corona. Đây là phát kiến của anh Hoàng Tùng, CEO hệ thống Pizza Home cùng các cộng sự. Loại bánh độc đáo này không chỉ được đông đảo khách hàng hưởng ứng mà còn được nhiều kênh truyền thông lớn nhất thế giới quan tâm. Anh Hoàng Tùng đã có những chia sẻ độc quyền với Duyên Dáng Việt Nam.

Phát kiến sản phẩm hợp thời

Anh Hoàng Tùng - CEO chuỗi nhà hàng Pizza Home

* Chào anh Hoàng Tùng, ý tưởng về burger Corona đến với anh như thế nào? Anh muốn gửi gắm điều gì đến thực khách qua chiếc bánh này?

Ý tưởng làm Burger Corona bắt đầu khi dịch bệnh Covid-19 đang ngày càng lan rộng và tín hiệu thị trường bắt đầu trở nên ảm đạm, doanh số xuống thấp. Khi đó, tôi cảm thấy rất buồn. Hằng ngày, tôi đọc thấy rất nhiều thông tin tiêu cực. Điều đó khiến tôi muốn làm một sản phẩm gì đó mang thông điệp tích cực và vui vẻ giữa mùa dịch này.

Tình cờ một buổi tối, tôi xem bộ phim Monster Inc của Pixar, trong đó có con quái vật Mike màu xanh có hình tròn rất ngộ nghĩnh. Cùng lúc đó, tôi thấy hình con virus corona chủng mới cũng tròn như vậy. Thế nên tôi nảy ra ý tưởng làm Burger Corona hình tròn màu xanh nhưng cố gắng tạo hình sao cho cái bánh trông phải thật ngon và không quá đáng sợ…

* Ngoài hình dáng, chiếc bánh burger Corona có gì đặc biệt? Anh đã mất thời gian bao lâu để tìm công thức bánh, thử nghiệm và cho ra sản phẩm hoàn chỉnh?

Sau khi có ý tưởng làm bánh burger Corona thì tôi đến bàn cùng đội ngũ bếp. Điều khó là sản phẩm này trước đây chưa từng có ai làm, thành ra mình phải tự mày mò. Sau 1 ngày thử nghiệm và cũng nhiều lần thất bại, có mẻ bánh thì bị bay màu, không còn màu xanh, có mẻ thì vị bánh bị đắng, có mẻ bánh ăn không ngon. Cuối cùng sau khi thử với nhiều công thức khác nhau, chúng tôi đã tìm ra được nguyên liệu chính cho bánh burger Corona là bột mì, nước rau ngót ép, lá dứa ép và bột trà xanh Matcha, đảm bảo nguyên liệu đều từ thiên nhiên và giữ được màu sau khi nướng.

Sau khi bánh ra lò, đội ngũ bếp ăn thử, cá nhân tôi cùng một số khách hàng thân thiết ăn thử thấy ưng ý thì quyết định bán thương mại. May mắn là ngay sau khi tôi đăng lên Facebook cá nhân, lập tức có khoảng 50 đơn hàng từ bạn bè và đặc biệt là có cả những đơn hàng từ những người nước ngoài sống ở Hà Nội.

Những người này rất thích ý tưởng burger Corona và truyền nhau câu nói vui: “Eat it to Beat it – Ăn nó để đánh bại nó” khi ăn và chụp ảnh với sản phẩm burger Corona. Có lẽ, điều đó đã khiến truyền thông thế giới chú ý…

Bánh burger hình virus Corona nhưng không hề đáng sợ...

“Thông điệp mà sản phẩm này muốn chuyển tải là tuy rằng chúng ta có sợ hãi, và luôn cần cẩn trọng với dịch bệnh nhưng hãy đừng quên cuộc sống còn có những niềm vui, có những nụ cười và hãy sống tích cực…”

Anh Hoàng Tùng – CEO Pizza Home

* Không chỉ được khách hàng hưởng ứng, bánh burger Corona còn xuất hiện trên nhiều kênh truyền thông lớn nhất thế giới như BBC, CNN, NBC, Le Figaro, Reuteur, AP… Anh đã kết nối với các kênh truyền thông nổi tiếng này như thế nào?

Thực ra, cộng đồng người nước ngoài sống tại Hà Nội chính là những khách hàng đầu tiên và thích thú với ý tưởng này nhất. Bên cạnh đó, giữa lúc tinh thần mọi người đều sợ hãi, cảm thấy tiêu cực và buồn chán thì có lẽ sản phẩm burger Corona đã mang lại niềm vui và sự lạc quan đến cho mọi người. Chưa kể trong đại dịch này, Việt Nam là một trong những đất nước kiểm soát dịch tốt bậc nhất thế giới. Tôi nghĩ những điểm cốt yếu đó đã khiến truyền thông quốc tế chú ý sản phẩm của mình.

* Không phải ai cũng được xuất hiện trên truyền thông quốc tế, vậy khi có cơ hội quý giá này, anh muốn thể hiện điều gì nhất với bạn bè thế giới?

Khi được BBC liên hệ để phỏng vấn trên chương trình World News với nhà báo lão làng David Eades thì tôi rất xúc động và hãnh diện vì đây là chương trình của BBC có nhiều người xem nhất trên toàn thế giới. Ngoài việc giới thiệu về ý tưởng bánh burger Corona, tôi đã chia sẻ được với khán giả thế giới thông điệp mà sản phẩm này muốn chuyển tải, đó là tuy rằng chúng ta có sợ hãi, và luôn cần cẩn trọng với dịch bệnh nhưng hãy đừng quên cuộc sống còn có những niềm vui, có những nụ cười và hãy sống tích cực…

Điều tự hào hơn cả là chương trình của BBC đã ghi nhận Việt Nam là một quốc gia đang kiểm soát dịch bệnh rất hiệu quả, chưa có ca nhiễm bệnh nào tử vong, cho thấy được nỗ lực của nhà nước trong việc phòng chống dịch Covid-19.

Kinh doanh mùa dịch…

* Anh có thể chia sẻ thêm về doanh thu của burger Corona hiện nay? Anh có sợ sản phẩm này sẽ “lỗi thời” và không còn được khách hàng quan tâm khi dịch Covid-19 được khống chế?

Mức doanh thu từ sản phẩm Burger Corona rất tốt giữa thời điểm kinh tế ảm đạm như hiện tại. Dĩ nhiên sản phẩm này sẽ dần hết thời và không có người mua khi dịch Covid-19 được khống chế. Tuy nhiên tại sao chúng ta lại phải cần có sản phẩm mới, cho dù sản phẩm đó chỉ là sản phẩm trendy (hợp thời) ngắn hạn?

Quan điểm của tôi luôn là sẽ không kích hoạt một chiến dịch marketing nếu không có một sản phẩm đủ đặc sắc. Đây cũng là quan điểm tôi học được của “cây đại thụ” Quản trị hiện đại là Peter Drucker: “Innovation và Marketing” cần được đi song hành.

Nếu chỉ marketing dựa trên sản phẩm không có điều gì đặc sắc thì rất khó đẩy, đặc biệt ở cấp độ chiến dịch. Thế nên mình cải tiến sản phẩm trước khi đẩy marketing là hiệu quả hơn cả. Cá nhân tôi gắng tập trung vào việc tạo ra một sản phẩm có tính đột biến trước khi làm các hoạt động marketing đi theo.

Mọi người hay nói đến trend theo một tư duy ngắn hạn. Theo tôi thì ngắn hạn cũng tốt mà dài hạn thì còn tốt hơn nữa. Một sản phẩm có thể ngắn hạn nhưng tư duy thì phải phản ánh trung hạn và dài hạn.

Ví dụ như sản phẩm Pizza Thanh Long nhiều người cho rằng đó là sản phẩm theo trend, điều này không sai, bởi sau khi giải cứu nông sản xong, thanh long về lại giá cũ thì sản phẩm Pizza Thanh Long cũng sẽ ngưng bán. Tuy nhiên, việc kết hợp sản phẩm của mình với nguyên liệu là các loại nông sản Việt là chiến lược dài hơi của Pizza Home.

Hay như mọi người nghĩ đến khi dịch Covid-19 qua đi thì sản phẩm Burger Corona sẽ ngưng hot, điều đó đúng. Tuy nhiên, chiến lược của Pizza Home là luôn tạo ra các sản phẩm mang tinh thần vui vẻ trẻ trung, chuyển tải thông điệp tích cực đến cho mọi người, đó là tư duy dài.

 * Dịch Covid-19 ảnh hưởng đến mọi hoạt động kinh tế, xã hội, với Pizza Home, anh có gặp khó khăn, thách thức gì trong việc đảm bảo nguồn nguyên liệu hay giao sản phẩm “nóng sốt” đến khách hàng?

Dịch Covid-19 ảnh hưởng lớn đến sức mua của người tiêu dùng. Hành vi mua hàng của khách hàng trước đây là đến quán ăn, giờ đây là gọi mang về, thậm chí không gọi nữa mà tự nấu ăn tại nhà. Do vậy, ngay khi dịch bệnh bắt đầu bùng phát và có dấu hiệu kéo dài, chúng tôi đã cắt bỏ những điểm bán không có tín hiệu tốt và cắt cả những chi phí không cần thiết. Ví dụ ngày trước có đội shipper thường trực để chuyển hàng, giờ thì do hiệu suất không đảm bảo nữa nên chuyển đổi anh em sang vị trí khác và giao phần ship hàng cho bên thứ 3.

Bên cạnh đó, Pizza Home đẩy mạnh những sản phẩm trên kênh online và phát triển những sản phẩm mới như pizza thanh long (trong chiến dịch giải cứu nông sản Việt), Burger Corona hay bánh pizza đông lạnh, các set làm bánh và nguyên liệu để khách hàng có thể tự làm tại nhà.

Banh-burger-corona (8)

Thậm chí, kể cả những sản phẩm trend và đang bán chạy cũng có thể bán dưới dạng thực phẩm, ví dụ như đế bánh pizza thanh long hay vỏ bánh burger Corona… Ngoài ra, phần bao bì mẫu mã phải làm sao cho thật tối ưu để đảm bảo chất lượng nhất khi chuyển đến cho khách hàng. Chúng tôi phải bọc bạc lại các loại đồ ăn cần nóng sốt. Và giờ cũng tiện hơn là các app thứ 3 khi chuyển đồ đều có các túi giữ nhiệt để bảo quản món ăn tốt hơn.

Pizza Home luôn tâm niệm phải phát triển sản phẩm mới dựa trên hành vi tiêu dùng của khách hàng và đáp ứng tốt nhất nhu cầu của khách hàng.

* Trước đó, anh từng làm một số sản phẩm khác nhưng chỉ đến burger Corona mới thành công. Anh rút ra điều gì, có thể chia sẻ với các doanh nghiệp, nhất là những startup trong mùa dịch bệnh này?

Sản phẩm burger Corona có yếu tố may mắn khi lan truyền trên toàn thế giới và được các báo và kênh truyền thông quốc tế lớn nhất đưa tin. Tuy nhiên, nó không chỉ có sự may mắn trong đó… Thực ra, trong quá trình triển khai các sản phẩm mới và ý tưởng mới thì chúng tôi tập trung vào nguyên lý của Lean Startup – Khởi nghiệp tinh gọn. 

Ý tưởng lõi là gì? Đó là không ngại thử nghiệm, tung ra sản phẩm mới thật nhanh và nhờ chính khách hàng đóng góp để hoàn thiện sản phẩm. Quan điểm là: “Fail fast and fail cheap”, nghĩa là nếu có thất bại hãy thất bại thật nhanh (cho đỡ tốn thời gian) và thất bại sao cho thật ít tiền để tối ưu nguồn lực. Trước đó, chúng tôi đã thử nghiệm và thất bại với rất nhiều ý tưởng. Ví dụ như bánh mì sầu riêng, bánh gối dưa hấu (đợt giải cứu nông sản) hay cookie Corona (cùng đợt với burger Corona). Tuy nhiên, đó là những thất bại cần thiết để có được những sản phẩm thành công như burger Corona.

Để có được sản phẩm thành công và có khả năng lan truyền tốt phải phụ thuộc vào nhiều yếu tố, có những thứ chúng ta không chủ động được nhưng có những thứ chúng ta có thể làm chủ, đó là thử nghiệm liên tục và chăm chỉ, cố gắng để chờ đến khi may mắn tìm đến.

Tôi nghĩ áp dụng các nguyên lý của Lean Startup là một phương thức hữu ích mà các startup hay các công ty có thể áp dụng. Khi có ý tưởng, hãy bắt tay vào làm, đừng sợ hãi nhưng cũng hãy nhớ: “Fail fast and fail cheap”.

Khi có ý tưởng, hãy bắt tay vào làm, đừng sợ hãi nhưng cũng hãy nhớ: “Fail fast and fail cheap”, nghĩa là nếu có thất bại hãy thất bại thật nhanh và thất bại sao cho thật ít tiền.

Vị thế thương hiệu Việt giữa các “ông lớn” F&B…

* Xuất thân từ ngành du lịch, chuyển sang kinh doanh ẩm thực, anh gặp khó khăn như thế nào?

Khi chuyển từ ngành du lịch sang kinh doanh ẩm thực, tôi có một số khó khăn nhưng cũng có một số lợi thế. Như trước đây, được đi nhiều, ăn nhiều nơi và trải nghiệm nhiều mô hình kinh doanh F&B khác nhau, chứng kiến một số thương hiệu vươn lên rất nhanh và một số khác bị thất bại, tôi cũng có được những đúc rút của cá nhân trước khi bắt tay vào kinh doanh ẩm thực.

Tuy nhiên, khi vào kinh doanh, tôi mới thấy có rất nhiều vấn đề phát sinh, từ tài chính, marketing, nhân sự cho đến vận hành, tất cả mình đều phải học và làm việc một cách sâu sát thực sự. Khó khăn lớn nhất chính là lựa chọn mô hình kinh doanh nào có khả năng lớn lên và phát triển đội ngũ nhân sự đi cùng là những mắt xích quan trọng mới có thể đi lâu dài ở ngành nghề này.

* Là thương hiệu Việt trong lĩnh vực thức ăn nhanh có rất nhiều “ông lớn” quốc tế, anh làm gì để có thể cạnh tranh và phát triển doanh nghiệp, nhất là ở thời điểm dịch Covid-19 hiện nay?

Trong lĩnh vực pizza thì Pizza Home nằm “chung sân” với rất nhiều ông lớn lẫy lừng thế giới như Pizza Hut hay Domino’s – những thương hiệu toàn cầu có doanh thu hàng tỷ đô la. Hay như Alfesco và Pepperonis thì đều có lịch sử trên dưới 20 năm. Hoặc như Pizza Company thì có những tỷ phú đứng sau. Pizza Home là chuỗi pizza hiếm hoi của Việt Nam vẫn tồn tại và phát triển trước sức ép của các ông lớn.

Thực ra, quan điểm của Pizza Home rất đơn giản, chúng tôi hiếm khi tập trung vào đối thủ mà chủ yếu tập trung vào bản thân mình, có thể làm điều gì tốt hơn, ngon hơn, rẻ hơn, tối ưu hơn để mang lại các sản phẩm có giá trị hơn, tốt hơn cho khách hàng. Đó là trọng tâm chú ý của chúng tôi từ trước đến nay, không chỉ trong thời điểm đại dịch Covid-19.

* Từng gặp thất bại những ngày đầu khởi nghiệp, đến giờ, Pizza Home đã có chỗ đứng trong thị trường thức ăn nhanh, anh đã hài lòng với những gì mình làm được?

Cá nhân tôi cũng đã có nhiều thành công nhỏ nhỏ và Pizza Home cũng trở thành thương hiệu quen thuộc của khách hàng, tuy nhiên tôi vẫn chưa thỏa mãn vỡi những gì mình đã làm. Tôi muốn xây dựng một thương hiệu lâu dài hơn, với quy mô lớn, mang lại nhiều lợi ích hơn cho khách hàng và nhân viên của mình. Cá nhân tôi đã thất bại rất nhiều lần, đó cũng là động lực giúp tôi hằng ngày phải tập trung hơn và cố gắng hơn để có thể hoàn thiện được giấc mơ của mình.

Banh-burger-corona (11)

Anh Hoàng Tùng là doanh nhân thuộc thế hệ 8x, tốt nghiệp Đại học Ngoại ngữ và khoa Du lịch – Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn Hà Nội. Anh từng làm hướng dẫn viên cho hãng lữ hành nổi tiếng Exotissimo từ năm 2003-2006.

Năm 2007, anh bắt đầu khởi nghiệp, kinh doanh ẩm thực. Năm 2014, anh thành lập Pizza Home, chuỗi nhà hàng thức ăn nhanh giao tại nhà. Mỗi ngày, nhà hàng của anh bán được hàng nghìn chiếc pizza.

Bài viết: Lê Hạnh

Hình ảnh: Pizza Home

Thiết kế: Duy Ngô