Chị Trần Thị Hường – Giám đốc Công ty TNHH Chùm Ngây Việt Khởi nghiệp từ một loài cây trên chính quê hương mình

Đó là hình ảnh một cô gái nhỏ nhắn mang trong mình một khát vọng thay đổi. Nhưng khát vọng đổi thay ấy lại được đánh thức từ chính những câu chuyện trong Tony buổi sáng. Trần Thị Hường từng tự hỏi chính mình: Liệu rằng công việc cô đang làm, có khiến cô đam mê tới cùng? Đâu mới là bến đỗ để Hường dừng chân, dành trọn tâm huyết và thời gian mỗi ngày cho nơi ấy?

 Câu hỏi này khiến Trần Thị Hường luôn trăn trở, băn khoăn. Cho tới một ngày, cô nhận ra trên chính mảnh đất mình đã sinh ra và đã lớn khôn, có một nguồn mạch cần được hồi sinh. Đó là sự nảy sinh và phát triển mạnh mẽ của một loài cây mang tên: Chùm Ngây!

 Hà Tây – Có thể nói như một vùng ngoại ô thanh bình của Hà Nội, với núi đồi và cả bát ngát màu xanh của cây. Trên chính mảnh đất quê hương ấy, Trần Thị Hường đã tìm thấy hướng đi của mình. Từ đây, cô muốn đem lại giá trị cho quê hương mình bằng việc trồng chùm ngây, để từ đó tạo ra những sản phẩm có ích không chỉ cho quê mình mà còn cho xã hội.

 

 Thế là hành trình khởi nghiệp từ nông sản trên chính quê hương của Trần Thị Hường bắt nguồn từ đó!
Cùng Duyên Dáng Việt Nam, cô gái trẻ ấy đã mang đến một câu chuyện thú vị!

ĐÁNH THỨC CHÙM NGÂY​

Việc bắt tay vào con đường phát triển nông sản cho quê hương của chị diễn ra thế nào?

Tôi từng tự hỏi mình, quê hương mình có những nông sản nào quý giá? Và chùm ngây, loài cây mà tôi chọn bởi chỉ với một thân hình bé nhỏ mà dinh dưỡng trong nó là vô cùng. Thế rồi tôi bắt tay vào tìm hiểu qua internet, biết được nguồn dinh dưỡng và công dụng đã được khoa học chứng minh, tôi mua hạt giống về trồng và mang chính lá chùm ngây tại vườn của mình đi xét nghiệm dinh dưỡng. Ngày thai nghén ý tưởng khởi nghiệp cùng thời điểm tôi mang thái đứa con thứ 2 và với tôi chùm ngây là anh em sinh đôi của Sóc (con trai tôi). Khi con trai được gần một tuổi, tôi quyết định nghỉ làm để chạm tới chùm ngây.

 

Đây có lẽ là giai đoạn chị phải đối diện với thương trường, với nhiều cái mới mẻ và nó thực sự là một “cuộc chiến” bắt buộc mình phải là người tồn tại và chiến thắng. Hoàn cảnh lúc đó, ít kinh nghiệm, con thì nhỏ, chị đã trải qua những ngày tháng bắt đầu kinh doanh như thế nào?

Những ngày đầu, tôi dành phần lớn thời gian của mình cho chùm ngây. Có những ngày chỉ được ngủ khoảng 3-4 giờ. 

Là một người chưa có nhiều kinh nghiệm về sản xuất và kinh doanh thực phẩm, tôi bắt đầu học hỏi, tìm hiểu về chùm ngây qua internet; về giá trị dinh dưỡng, về những công dụng vượt trội mà nó mang lại, đặc biệt là qua các bài báo khoa học đã được nghiên cứu. Chùm ngây tốt nhưng lại rất nhanh hỏng nếu không được bảo quản đúng cách. Vậy nên tôi phải nghĩ ra cách gì đó để bảo quản chùm ngây, và những sản phẩm chùm ngây ra đời từ đó. 

Vậy nhưng, tôi là một người kiên quyết và kiên trì với những quyết định của mình, nên gia đình cũng hiểu và giúp đỡ rất nhiều. Từ đó, gia đình cũng cảm thông và hỗ trợ tôi về vốn, về tinh thần và giúp tôi chăm con nhỏ.

 

Tôi có tìm hiểu và nghiên cứu về công nghệ sấy lạnh, giúp giữ nguyên được các thành phần dinh dưỡng và có thể bảo quản mà không cần dùng đến các chất phụ gia thực phẩm. Sản phẩm đầu tay là bột chùm ngây sấy lạnh. Tuy nhiên tôi lại gặp khó khăn với hương vị “đặc trưng” của chùm ngây đó là nó hơi “ngái”, nhiều người thấy rất khó ăn, trở thành thử thách của cả team trong việc chinh phục người tiêu dùng. Vậy nên tôi và team MoriS lại sáng tạo, nghiên cứu và cho ra đời các sản phẩm viên rau, ngũ cốc, trà, mì… từ chùm ngây để đa dạng sự lựa chọn cho khách hàng của mình, đồng thời tiện lợi cho việc sử dụng và hợp khẩu vị người dùng hơn. 

Trong đó sản phẩm mì chùm ngây là khó khăn nhất, bởi tôi định hình đây là mì rau nên nó phải vừa dai ngon của sợi mì, vừa giàu chất xơ, khoáng chất từ rau chùm ngây. Khi đó, tôi đã liên hệ để sản xuất thử nghiệm mì chùm ngây tại quê hương của mì chũ là Bắc Giang. Tuy nhiên, mẻ mì đó không đạt vì mì bị nhũn (Sau khi cho mì vào nước sôi thì mì nát, không dai). Với kinh nghiệm sản xuất mì lâu năm họ đã nói với tôi là không làm được đâu em ạ, khó lắm, với em không cho chất chống chua, cứ phải làm liên tục trong ngày, mệt, tốn nhiều công lắm… 

Nhưng tôi không muốn từ bỏ nguyên tắc sản phẩm sạch của mình. Tôi tiến hành thay đổi tỷ lệ bột chùm ngây + gạo để làm mì dai hơn, nhưng vài lần không đạt như ý muốn, các nghệ nhân cũng nản, nói tôi bỏ đi em ạ. Đó là lần đầu tiên thử nghiệm và thất bại với mì chùm ngây trong chuỗi sản phẩm mì rau củ sau này. 

Cuộc sống kéo tôi đi cho đến năm 2018, chị đại lý bán sản phẩm chùm ngây của tôi đã làm một mẻ mì chùm ngây. Tôi thực sự bất ngờ, như mở cờ trong bụng bởi sợi mì của chị rất dai và ngon. Tò mò cách làm của chị, tôi đã lên Lạng Sơn tìm gặp chị học cho bằng được phương pháp sản xuất mì sao cho dai ngon như vậy. Sau đó lại tiếp tục hành trình đi Bắc Giang, đi Minh Khai, Đan Phượng để học cho được công thức làm mì hoàn chỉnh. Đó là những ngày ăn nhờ ở đậu, nấu cơm, rửa bát để mong học được kinh nghiệm, tìm ra được vấn đề của mì truyền thống, để tìm hướng giải quyết.

 

 

  GIÁ TRỊ 

TỪ NHỮNG NGÀY

 TÌM THẦY HỌC VIỆC

 

Trần Thị Hường mong muốn những sản phẩm từ chùm ngây của mình sẽ chinh phục được các em nhỏ trong mỗi bữa ăn

Và bài học mà chị đã học được từ những ngày tháng “tầm sư học đạo” đó là gì?

Thực phẩm muốn được chấp nhận và sử dụng lâu dài thì yếu tố tiên quyết là phải ngon – hợp khẩu vị với đa số người tiêu dùng. Làm sao để mì ngon, sạch và bổ dưỡng, đó là câu hỏi liên tục trong đầu tôi. Mày mò tìm hiểu về cách làm các loại mì, bún, bánh đa có trên thị trường, tôi nhìn ra được 3 vấn đề mà người làm mì truyền thống gặp phải dẫn đến việc họ sử dụng phụ gia chống mốc, tẩy trắng như sau:

  • Thứ 1: Do khâu bảo quản – bị mọt ăn, bị mốc đen, gạo có mùi hôi ảnh hưởng đến chất lượng của bún, mì. Khi đó sử dụng chất tẩy sẽ làm cho nguyên liệu hết mùi mốc. Và phần nhiều họ sử dụng tấm để làm mì, loại này giá rẻ. 
  • Thứ 2: Sau khi nghiền thành bột (dạng nước), sẽ để lắng, vắt thành bột khô trước khi cho vào máy đùn sợi mì, bún thành phẩm. Thời gian này cần từ 8-12h. Với điều kiện thời tiết nóng ẩm, dung dịch bột gạo, nước bị chua thì toàn bộ nguyên liệu này phải đổ bỏ. Người làm bún, mì, miến sử dụng chất tẩy vừa để kéo dài thời gian lên men chua. Sử dụng chất tẩy này thì người làm mì, miến thủ công có thể kéo dài được thời gian chế biến lên tới 24-36h. Nếu trời mưa không phơi được mì, bún họ sẽ để nguyên liệu ở dạng khô như vậy mà chưa làm chín. 
  • Thứ 3: Chưa được đầu tư công nghệ sấy. Sau khi nguyên liệu chuẩn bị tốt, bột được đưa vào máy ép đùn, ủ mì trong thời gian ít nhất 10 giờ, mì sẽ được đem đi phơi. Người sản xuất mì đa phần phụ thuộc vào thời tiết, nếu gặp trời mưa thì thành phẩm sẽ bị ẩm mốc và mì sẽ hỏng. Bao công sức họ sẽ nhận về là số âm. 

Vấn đề đã được xác thực và việc của tôi là làm sao để giải quyết nó. Tôi đã đưa ra giải pháp.

  • Thứ nhất là thu hoạch và bảo quản. Không sử dụng tấm để làm mì. Bảo quản nguyên liệu chính làm mì là gạo ở dạng thóc trong điều kiện tốt nhất để tránh mối mọt. Dự trù số lượng mì cần sản xuất để thu hoạch lúa, bảo quản thóc và xay xát gạo đủ để sử dụng trong tuần.
  • Thứ hai là sử dụng công nghệ trong sản xuất. Sử dụng máy vắt kết hợp máy ép để giảm bớt thời gian từ lúc nghiền đến khi đùn thành phẩm xuống dưới 4h -5h.  Đảm bảo nguyên liệu không bị lên men chua.
  • Thứ ba là công nghệ sấy lạnh làm khô mì. Sử dụng phòng sấy lạnh để sấy mì: sấy lạnh giúp giữ nguyên thành phần dinh dưỡng, vitamin, khoáng chất, chất xơ có trong các loại rau củ, phòng sấy đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm giúp cho sợi mì không bị bụi bẩn, không ẩm mốc. Sợi mì khô đều, có độ ẩm < 6% để bảo quản mì tốt nhất mà không cần sử dụng chất bảo quản.
  • Đây cũng chính là điều mà tôi cảm thấy tự hào, xứng đáng với những công sức mà mình đã bỏ ra để tạo nên sự khác biệt cho không chỉ mì mà tất cả các sản phẩm của Chùm Ngây Việt bởi sự tự nhiên và nguyên chất, an toàn. Quan trọng hơn nữa là phải thân thiện với lối sống xanh mà chúng ta đang hướng đến.
  • Mì chùm ngây cũng là cầu nối mang tôi đến với các loại mì rau củ. Những loại rau củ như bí đỏ, đậu biếc, củ dền mè đen… đã rất thân thuộc với bữa ăn gia đình rồi vậy thì nay tại sao không chế biến nó thành các loại thực phẩm khác để đa dạng món ăn hàng ngày. Hiểu quá rõ về “đứa con” mì chùm ngây nên khi đến với mì bí đỏ, mì khoai lang, mì mè đen, mì đậu biếc, tôi hoàn toàn tự tin để chinh phục nó. Cũng chính là sản phẩm mà tôi vừa cho ra mắt vào tháng 4 này.

Hiện sản phẩm của chị đã có những kênh phân phối nào? Và phản hồi của người tiêu dùng về các sản phẩm đó? Sự nghiêm ngặt trong quy trình sản xuất được diễn ra như thế nào nhằm chinh phục khách hàng?

Hiện nay các sản phẩm chùm ngây Việt được phân phối cả online và offline. Online qua các kênh Facebook, Shopee, Tiki tạo sự thuận tiện cho người tiêu dùng đặc biệt trong thời điểm dịch bệnh hiện nay. Offline qua hơn 150 nhà phân phối, đại lí, cộng tác viên trên toàn quốc và các cửa hàng thực phẩm sạch.

Hầu hết khách hàng của Chùm Ngây Việt đều quay lại sau lần mua đầu tiên. Đó cũng chính là một thành công của chùm ngây việt trong việc mang đến những trải nghiệm khách hàng tốt. Đồng thời khẳng định chất lượng mà các sản phẩm chùm ngây đem lại.

Để đảm bảo sản phẩm tốt nhất đến với khách hàng. Nguồn nguyên liệu và quy trình sản xuất đều được kiểm soát nghiêm ngặt. MoriS phối hợp với các hộ nông dân trồng những cánh đồng chùm ngây xanh và sạch. Nguồn nguyên liệu được lựa chọn kỹ càng và có quy trình sản xuất đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm. 

Mặc dù nghiêm ngặt trong quá trình sản xuất nhưng cũng có một vài trường hợp sản phẩm bị lỗi về mặt kỹ thuật. Ngay khi nhận được phản hồi MoriS gửi sản phẩm đổi trả cho khách hàng. Vậy nên khách hàng MoriS luôn tin tưởng và hoàn toàn an tâm khi sử dụng sản phẩm.

MANG VĂN HÓA VIỆT VÀO SẢN PHẨM

Với thương hiệu Chùm Ngây Việt (MoriS) có chữ S hình đất nước Việt Nam và thiếu nữ áo dài trên bao bì, chị mong muốn gửi gắm thông điệp gì với khách hàng của mình?

Mori: Viết tắt của Moringa (Chùm ngây trong tiếng Anh). Ngoài ra, theo phiên âm tiếng Hán Mori (chữ tiếng Nhật 森) được tạo bởi 3 chữ Ki 木. Ki có nghĩa là cây, hình ảnh của 3 cây chụm lại tạo nên chữ Mori có nghĩa là “Rừng”. Rừng là sự gắn kết, chụm lại giống hình ảnh của bó đũa, thể hiện sự cộng hưởng của sức mạnh đoàn kết. Và rừng còn là sự sống, là tự nhiên, là an nhiên giữa cuộc đời.

S là bản đồ Việt Nam. Trên logo của MoriS, hình ảnh chữ S có 3 gạch sáng ở bên phải tỏa sáng là hình ảnh mà chúng tôi mong muốn mỗi người Việt cùng suy nghĩ tích cực, hành động tích cực để hình ảnh Việt Nam tỏa sáng trên trường quốc tế.

Hình ảnh thiếu nữ mặc áo dài, đó là quốc phục, và là niềm tự hào của Việt Nam. Hình ảnh người thiếu nữ tượng trưng cho những gì đẹp nhất, trong trẻo nhất, tình cảm nhất và chu đáo nhất. Như chính sứ mệnh chăm sóc sức khỏe của Chùm Ngây Việt.

Trong khi trên thị trường Việt Nam vấn nạn về thực phẩm bẩn, thực phẩm biến đổi gene đang bao trùm, Chùm Ngây Việt MoriS sẽ cung cấp một sản phẩm lý tưởng là cây chùm ngây, với định hướng không chỉ cung cấp nguồn dưỡng chất dồi dào cho người tiêu dùng mà còn mở thêm hướng đi cho nông sản Việt Nam?

Theo thống kê của WHO ước tính, Việt Nam có khoảng 165000 ca mắc mới ung thư mỗi năm do sử dụng thực phẩm bẩn, môi trường ô nhiễm, hàng hóa kém chất lượng… Trước thực trạng đó, tôi luôn trăn trở để tìm ra những thực phẩm sạch có chất lượng tốt nhất với người tiêu dùng.

Thực phẩm bẩn tràn lan, thực phẩm biến đổi gen (mặc dù chưa có một nghiên cứu khoa học chính thức nào cho rằng nó gây bệnh cho con người, nhưng hầu hết người tiêu dùng thì khá e ngại với cụm từ “biến đổi gen”). Cộng thêm xu hướng sống xanh hiện nay thì chúng ta lại tìm về với những gì tự nhiên nhất, cũng chính là những điều mà tôi muốn gửi gắm trong từng sản phẩm.

Việt Nam là một nước nhiệt đới, có khí hậu thuận lợi để phát triển nông nghiệp và các loại nông sản. 

Tuy nhiên, đặc điểm của nông sản đó là giàu dinh dưỡng, hoặc giàu nước nên là rất nhanh hỏng nếu không được bảo quản sau thu hoạch tốt. Dẫn đến việc phải bỏ đi hoặc là giảm giá trị của nông sản rất nhiều. Như thanh long chẳng hạn, vì dịch không xuất đi được nên tồn lại rất nhiều, nếu không kịp xử lý thì sẽ hỏng và thế là người nông dân lại thất thu cả mùa. Thật may “trong cái khó, ló cái khôn”, nhiều người sản xuất đã kịp thời làm ra các loại bánh từ thanh long (bánh mì) … lại được nhà nhà yêu thích.

Nông sản dễ trồng, năng suất cao, và những sản phẩm chế biến từ nông sản lại có giá trị cao hơn rất nhiều lần so với nguyên liệu thô ban đầu. Đây chính là cơ hội để tạo hàng trăm, hàng nghìn công ăn việc làm cho người nông dân. Đó là điều mà bản thân tôi và rất nhiều bạn bè tôi đang làm.

Áp dụng công nghệ vào sản xuất, chế biến để nâng cao giá trị cho nông sản. Ví dụ như Chùm Ngây Việt đang áp dụng công nghệ sấy lạnh để giữ nguyên được các thành phần dinh dưỡng của chùm ngây, đồng thời có tác dụng tốt trong việc bảo quản mà không cần các chất phụ gia.

Khi những sản phẩm mà mình làm ra tốt như vậy thì không ngại gì mà không đưa nông sản việt vươn xa thế giới. Ví dụ như các sản phẩm chùm ngây của MoriS được người Nhật rất yêu thích. Hy vọng nông sản Việt nói chung và các sản phẩm chùm ngây MoriS nói riêng ngày càng vươn xa hơn nữa trên trường quốc tế.

CHỈ MONG CHÙM NGÂY GIÚP MỌI NHÀ KHỎE HƠN

Thương trường – thời công nghệ 4.0, sự xuất hiện nhanh chóng và cũng ra đi nhanh chóng của nhiều mô hình, nhiều lĩnh vực kinh, chị ứng phó thế nào? 

4.0 là một điều tất yếu trong xã hội ngày nay. Chỉ có thích nghi mới có thể sống sót nên tôi cùng đội ngũ của mình cố gắng học hỏi, nắm bắt cơ hội để tôi giới thiệu chùm ngây và các sản phẩm của mình xa hơn, rộng hơn, như chính mức độ phủ sóng của internet. Các kênh bán hàng, trang mạng xã hội… chính là phương tiện giúp tôi đến gần hơn với người tiêu dùng và đồng thời tạo sự thuận tiện cho khách hàng của tôi khi họ chỉ cần thông qua vài nút bấm là đã có được sản phẩm mà mình muốn, đặc biệt trong thời điểm dịch bệnh như hiện nay. Đó là một sự thuận tiện.

Là một phụ nữ trẻ đang khởi nghiệp, có điều gì khiến chị lo ngại?

Trong khi làm kinh tế điều tôi sợ hãi nhất là không dành được nhiều thời gian cho con cái. Nên mỗi sản phẩm tôi làm ra đều dành cho chúng, những đứa trẻ trong gia đình. Vì vậy, mỗi khi dành thời gian cho con tôi sẽ dành cho chúng toàn bộ cả năng lượng và tâm trí. Chúng tôi vào bếp, đọc sách, đi dã ngoại, vui đùa cùng nhau, để các con tôi luôn biết được rằng: “Mẹ luôn luôn yêu con”.

 

Định hướng kinh doanh lâu dài với chùm ngây và cuộc sống của chị ra sao? Những giá trị chị hướng tới là gì nhất là trong tình hình đại dịch COVID-19 như hiện nay?

Chùm ngây Việt ra đời với giá trị cốt lõi đó là chăm sóc sức khỏe cho người tiêu dùng. Vậy nên trong đợt Covid, người tiêu dùng Việt đã quan tâm tới sức khỏe nhiều hơn có sử dụng nhiều sản phẩm từ MoriS hơn. Nhưng tại các điểm du lịch, nơi khách nước ngoài đến mua sản phẩm của MoriS bị đóng cửa, lượng hàng bán tại đây bị giảm, MoriS chuyển hưởng truyền thông cho người tiêu dùng trong nước sử dụng sản phẩm chất lượng nhiều hơn để nâng cao sức khỏe.

Tôi mong muốn để chùm ngây được phát huy hết công dụng của nó, chăm sóc sức khỏe cho mọi nhà. Đồng thời tạo thêm công ăn việc làm cho những người nông dân chân chất quê tôi. Và hơn hết đó là thỏa mãn đam mê mang thực phẩm sạch, an toàn, dinh dưỡng mà tôi muốn mang đến cho các con tôi, gia đình tôi và mọi gia đình.

Cuộc đời là một chuyến phiêu lưu, mình cứ đi rồi sẽ đến thôi. Nên với mọi việc tôi đều làm hết sức với sự chân thành và tử tế bởi tôi luôn nghĩ: Bạn chỉ cần sống tốt, trời xanh sẽ tự an bài.