ĐỜI SỐNG

Di sản đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế du lịch bền vững

DDVN • 23-04-2022 • Lượt xem: 403
Di sản đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế du lịch bền vững

Di sản đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế du lịch bền vững, là nhân tố không thể thiểu trong quy hoạch phát triển các đô thị, là yếu tố cân bằng phát triển quá khứ, hiện tại và tương lai.

Việt Nam đang trong tiến trình hội nhập và giao lưu quốc tế, với những bước tiến mạnh mẽ về mặt kinh tế xã hội. Bài toán bảo tồn, kế thừa và khai thác các giá trị văn hoá, kiến trúc truyền thống mang nét đặc trưng vùng miền đồng thời với việc góp phần thúc đẩy tiến bộ xã hội, hướng tới các giá trị văn hóa của xã hội trong tương lai trở thành nhiệm vụ chiến lược của mỗi đô thị trong tiến trình phát triển bền vững.

Nằm trong khuôn khổ Liên hoan Sinh viên Kiến trúc Toàn quốc 2022, diễn ra vào sáng ngày 21.4.2022 tại Trường Đại học Xây dựng miền Trung, Hội thảo khoa học “Di sản và Kiến trúc trong Phát triển bền vững Đô thị du lịch biển” với sự tham gia của đại diện đến từ 24 cơ sở đào tạo chuyên ngành Kiến trúc, Quy hoạch trên toàn quốc. Hội thảo nhằm mục tiêu giải quyết bài toán từ lý luận đến thực tế trong bảo tồn và khai thác các giá trị văn hóa và kiến trúc bản địa, hướng tới các lợi ích kinh tế song song phát triển dài hạn đô thị du lịch biển.

Hội thảo "Di sản và Kiến trúc trong Phát triển bền vững Đô thị du lịch biển”

Tại hội thảo PGS.TS.KTS Nguyễn Vũ Phương, Hiệu trưởng Trường đại học Xây dựng miền Trung nhấn mạnh tầm quan trọng của di sản kiến trúc và đô thị: “Việc gắn kết di sản với phát triển đô thị sẽ nâng cao giá trị các khu vực đô thị lịch sử và mang lại lợi ích cho nền kinh tế địa phương, góp phần gìn giữ và phát huy giá trị của các di sản đó. Phát triển du lịch di sản văn hoá là biện pháp hữu hiệu để duy trì bản sắc và phát triển đô thị bền vững dưới áp lực của quá trình toàn cầu hoá. Vấn đề này đặc biệt quan trọng đối với Tuy Hoà – Phú Yên, khi tỉnh sở hữu quỹ di sản thiên nhiên, văn hoá, lịch sử, định cư… rất phong phú, được tích luỹ dần theo thời gian, từ thời kỳ văn hoá Ayaru – Chăm Pa tới xã hội đương đại”.

Vùng Duyên hải Nam Trung bộ được thiên nhiên ưu đãi ban tặng nhiều danh thắng cảnh và có nhiều di tích văn hóa đặc trưng của các dân tộc nơi đây. Tất cả đều mang trong mình những giá trị lịch sử, văn hóa đa dạng mang tính đặc thù của một vùng đất có bề dày lịch sử. Đặc biệt, những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể tự thân với các giá trị đã khắc họa lên một nền văn hóa đa dạng, phong phú trong sự gắn liền với đời sống sinh hoạt đời thường của cộng đồng cư dân.

TS.KTS Nguyễn Quốc Tuân, Trường đại học Phương Đông chia sẻ: “Phát triển bền vững là yêu cầu quan trọng trong đánh giá kết quả tăng trưởng của nhiều quốc gia, lĩnh vực. Cần chỉ ra được điểm mạnh, cơ hội, thách thức trong phát triển bền vững du lịch biển, từ đó đề xuất các giải pháp phát triển du lịch biển đảo gắn với bảo tồn di sản, góp phần phát triển kinh tế – xã hội ở Phú Yên và vùng lân cận – khu vực đang đứng trước cơ hội phát triển lớn chưa từng có, đồng thời phải đối mặt với nhiều thách thức cũng chưa từng có. Do đó, cần có những nghiên cứu dài hạn và sâu kỹ để lựa chọn được mô hình phát triển đúng đắn nhất”.

“Gaetano M. Golinelli đã đưa ra quan niệm về di sản văn hóa và giá trị của di sản, trong đó văn hóa và du lịch được tích hợp hài hòa, là một phần thiết yếu của bối cảnh xã hội và kinh tế, là một biểu hiện bản sắc của cộng đồng", TS.KTS Nguyễn Quốc Tuân làm rõ khái niệm về Di sản biển đảo với phát triển du lịch bền vững trong bài tham luận của mình như vậy. 

Miền Trung có rất nhiều danh lam thắng cảnh đẹp

"Du lịch Di sản văn hóa lần đầu tiên được ICOMOS định nghĩa tại hội nghị “Du lịch đương đại và chủ nghĩa nhân văn” “… là hình thái du lịch mà một trong số các mục tiêu là khám phá địa điểm và công trình lịch sử”. Các địa điểm và hoạt động được con người thể hiện và lưu truyền từ quá khứ đến hiện tại là tài nguyên văn hóa – lịch sử không thể thay thế và cần được sử dụng một cách tinh tế nhất. Du lịch di sản đa dạng về hình thức, nên việc bảo tồn và phát huy nguồn tài nguyên di sản là quá trình phức tạp, đòi hỏi sự kết hợp hài hoà giữa bảo tồn và phát triển, trong đó du lịch như một phần của hoạt động văn hóa, và, bảo tồn trở thành một động lực phát triển kinh tế – xã hội”, theo TS.KTS Nguyễn Quốc Tuân. 

TS.KTS Nguyễn Ngọc Hiếu – Trường đại học Việt Đức, ThS.KTS Cao Giang Nam – Trường đại học Kiến trúc Đà Nẵng chia sẻ những kinh nghiệm thực tế trong nước và thế giới trong việc tổ chức cảnh quan kết nối di sản kiến trúc đô thị với các không gian du lịch ven biển nhằm tạo lập bản sắc riêng.

"Các đô thị du lịch biển có trở nên đáng sống và hấp dẫn du khách được hay không dựa vào việc có tạo ra được bản sắc riêng cho đô thị hay không. Đó là các bài học kinh nghiệm hữu ích trong việc kiến tạo cảnh quan gắn kết giữa không gian đô thị cũ và không gian du lịch ven biển", đó là quan điểm của các khách mời tham gia hội thảo. 

Trong khi đó, PGS.TS.KTS Khuất Tân Hưng, Trường đại học Kiến trúc Hà Nội, lại đề cập đến một thực trạng: Với quỹ di sản kiến trúc và đô thị khá đa dạng và phong phú nhưng lại chịu sức ép mạnh mẽ của quá trình đô thị hóa, nhu cầu nhân lực chất lượng về bảo tồn di tích, di sản ở nước ta đang ngày càng gia tăng. Nếu tiếp tục đào tạo nhân lực bảo tồn di sản theo quy trình hiện nay sẽ khó có thể thỏa mãn đòi hỏi của xã hội cả về số lượng và chất lượng nhân lực. Do vậy cùng với các chương trình đào tạo nâng cao ở bậc sau đại học, đã đến lúc phải khởi động chương trình đào tạo kiến trúc sư bảo tồn cả ở bậc đại học. Các chương trình này cũng có thể được thực hiện theo mô hình liên kết đào tạo giữa các trường đại học ở trong nước và nước ngoài, hoặc liên kết giữa trường đại học với viện nghiên cứu chuyên ngành về bảo tồn di tích.

Một trong những điểm sáng trong quá trình nhận diện di sản và kiến trúc, hỗ trợ cho qúa trình nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị di sản trong cuộc sống đương đại là sự tham gia của công nghệ và các nhà sản xuất.

KTS Đinh Việt Phương, Giám đốc Công ty CP Tư vấn thiết kế và giải pháp công nghệ 3DART, đã chia sẻ ấn tượng về công nghệ số hoá trong việc lưu trữ thông tin di sản.

Được biết đến như một “Hiệp sĩ di sản”, KTS Đinh Việt Phương đã thực hiện việc số hoá 3D di sản kiến trúc Tháp Nhạn – Phú Yên và khẳng định: “Kho di sản số là cơ sở để tiến hành tìm hiểu, nghiên cứu, vận dụng và sáng tạo các yếu tố truyền thống vào kiến trúc hiện đại để tạo ra được các thiết kế mới lạ, vừa hiện đại, nghệ thuật vừa đậm đà bản sắc dân tộc”.

Di sản đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế du lịch bền vững, là nhân tố không thể thiểu trong quy hoạch phát triển các đô thị, là yếu tố cân bằng phát triển quá khứ, hiện tại và tương lai. Từ nhận diện di sản kiến trúc đến nghiên cứu, xây dựng cơ sở lý luận và đề xuất giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị di sản trong phát triển đô thị du lịch biển một cách sáng tạo và bền vững còn là một hành trình dài.

Theo TS.KTS Lê Đàm Ngọc Tú, Trường đại học Xây dựng miền Trung: “Để phát huy các giá trị di sản, danh thắng trong phát triển đô thị đặc trưng giàu bản sắc và tạo động lực phát triển kinh tế du lịch bền vững, du lịch xanh cần sự chung tay tham gia của nhiều bên, nhất là sự tham gia của cộng đồng địa phương”.

TS.KTS Nguyễn Quốc Tuân đề xuất giải pháp tại hội thảo: “Cần công nhận và sử dụng khôn khéo các giá trị của cảnh quan thiên nhiên, các hệ sinh thái biển, đảo đầy ưu đãi mà chúng ta được hưởng. Đây là nguồn “vốn phát triển” dài hạn cho tương lai của người Việt. Việc thiết kế và lựa chọn các mẫu hình phát triển, xây dựng đô thị xanh, thân thiện với tự nhiên, thích ứng với biến đổi khí hậu, phù hợp văn hóa bản địa, bảo tồn và gìn giữ di sản cha ông để lại, gìn giữ biển đảo, biết cách khai thác và phát huy bền vững để di sản biển đảo được lưu truyền muôn đời cho các thế hệ mai sau chính là trách nhiệm của mỗi chúng ta hôm nay”.

Theo 1thegioi.vn