Hành trình từ trái tim: Trao khát vọng thoát nghèo và cất cánh cho vùng đất An Giang

Hàng trăm học sinh, sinh viên và người dân vùng đất An Giang đã không khỏi ngỡ ngàng và xúc động khi được “Hành trình từ Trái tim - Hành trình Lập chí vĩ đại - Khởi nghiệp kiến quốc” đến thăm và trao tặng sách quý. Món quà tri thức không chỉ có thể giúp cho vùng đất mang nhiều tiềm năng về kinh tế du lịch cất cánh mà còn góp phần phát triển các giá trị cốt lõi và bản sắc văn hóa độc đáo truyền thống cho miền đất An Giang.

Ngày 23.9, “Hành trình từ Trái Tim - Hành trình Lập Chí Vĩ Đại - Khởi Nghiệp Kiến Quốc cho 30 triệu Thanh niên Việt” do Tập đoàn Trung Nguyên Legend khởi xướng đã đến với sinh viên trường ĐH An Giang, dân cư cù lao Mỹ Hoà Hưng và thư viện tỉnh An Giang.

Sáng 23.9, Hành trình từ trái tim của Trung Nguyên tiếp tục lên đường đến với An Giang nơi có con kênh Vĩnh Tế - một con kênh đào nổi tiếng và lớn nhất trong lịch sử Việt Nam thời xa xưa. Thiên nhiên và con người ở An Giang hiền hòa dễ mến mang dấu ấn văn hóa của miền sông nước Tây Nam Bộ, là tỉnh có đường biên giới chung với nước bạn Campuchia - là nơi cộng cư nhiều sắc tộc, trong đó số dân đông và có truyền thống văn hóa với những nét độc đáo gồm có các dân tộc Kinh, Khmer, Chăm, và Hoa.

Một phần của tỉnh An Giang nằm trong vùng tứ giác Long Xuyên với các cù lao và kênh rạch chằng chịt mang vác nặng phù sa từ sông Tiền và sông Hậu về bồi đắp cho những đồng lúa bạt ngàn cò bay thẳng cánh, những vườn cây trĩu quả trên mảnh đất này.

Trên những chiếc xuồng ghe nhỏ chòng chành lướt trên con nước đỏ ngầu phù sa của dòng sông Hậu, đoàn hành trình đã có chuyến đi đáng nhớ đến với người dân xã Mỹ Khánh – cù lao Mỹ Hoà Hưng, quê hương cố Chủ tịch Tôn Đức Thắng để thăm hỏi và trao tặng hàng trăm cuốn sách quý do Chủ tịch Tập đoàn Trung Nguyên Legend Đặng Lê Nguyên Vũ dày công chắt lọc, gồm: Nghĩ Giàu Làm Giàu, Khuyến Học, Quốc Gia Khởi Nghiệp, Đắc Nhân Tâm, Không Bao Giờ Là Thất Bại – Tất Cả Chỉ Là Thử Thách.

Với một vùng sông nước mênh mông, núi non kỳ vĩ, rừng tràm xanh ngắt, đồng ruộng bát ngát, nhiều danh lam thắng cảnh lợi thế trong việc phát triển du lịch nhưng xã Mỹ Khánh - Cù lao Mỹ Hoà Hưng lại là một xã nghèo nằm trong vùng thường sạt lở. Thu nhập chính của người dân chỉ dựa vào trồng trọt, nuôi cá bè nên đời sống nơi đây vẫn còn vô vàn những khó khăn thử thách.

Khi Hành trình từ trái tim đến cù lao Mỹ Hoà Hưng thì đúng vào mùa nước lên, chứng kiến cảnh những chiếc bè cá - nguồn thu nhập chính của người dân oằn mình dưới dòng nước chảy xiết có thể trôi bất cứ lúc nào, nhiều người đã không khỏi xót xa.

Bước chân lên bè cá của gia đình chị Nguyễn Thị Bé để thăm hỏi và tặng quà, các thành viên của Hành trình đã thực sự hòa mình vào đời sống mưu sinh vất vả của người dân vùng sông nước. Những căn chòi che tạm bợ bằng tôn chỉ có vài vật dụng đơn sơ, trên đó có những thân phận bấp bênh với khuôn mặt lo toan vất vả khiến cho Hành trình từ trái tim cảm thấy sứ mệnh mang ánh sáng tri thức đến giúp người dân nơi đây thoát nghèo là điều vô cùng bức thiết.

Chị Bé chia sẻ, gia đình chị sống lênh đênh trên bè cá này ngót 20 năm bằng nghề nuôi cá chim, nhưng những năm gần đây việc nuôi cá không còn thuận lợi nên gia đình chị bị lỗ cả vốn lẫn lời:

“Cách đây chục năm, mỗi lần ra đổ đáy, thu hoạch rất nhiều cá giống với sản lượng cao. Nhưng sau đó do không nắm bắt được kỹ thuật, thuốc men hạn chế nên nguồn cá hao hụt nhiều, hiệu quả không cao, nhưng vẫn kiếm ăn được vì rất ít người nuôi cá nên cá bán được giá. Về sau, thấy con cá hú, cá ba sa nuôi được, nhiều người chạy theo cưa cây đóng bè nuôi cá. Có năm giá cá xuống thấp, khiến hàng loạt hộ phải treo bè”- chị Bé bộc bạch.

Chia sẻ về vấn đề học hành của con cái, chị Nguyễn Thị Bé bùi ngùi: “Vợ chồng tôi chỉ có 1 cháu gái hiện đang học lớp 10, cháu ham học và học giỏi nhưng nhà nghèo quá muốn cháu nghỉ học đi làm phụ giúp gia đình nhưng cháu không chịu. Ngày nào cũng lặn lội đi 5km tới trường vừa bằng đường sông vừa bằng đường bộ. Tiền học phí, học thêm cho cháu nhiều khi phải đi vay mướn khắp nơi mới đủ” – Chị Bé thở dài.

Khi nhận được những cuốn sách mà Hành trình từ trái tim trao tặng, chị Bé rơm rớm nước mắt nói: “Con gái tôi đi học về mà thấy được tặng những cuốn sách này thì cháu sẽ mừng lắm. Tôi cũng chưa bao giờ nghĩ có một ngày trên cái bè nghèo nàn này lại có thể được đoàn ghé thăm và tặng sách. Vợ chồng tôi không biết chữ nhưng chắc con gái sẽ đọc cho nghe vì sống trên bè lênh đênh, mỗi bè lại cách xa nhau không thuận đi lại giao lưu thăm hỏi nhau nên buồn lắm cô ạ”.

Vợ chồng chị Nguyễn Thị Bé cũng mong ước con gái họ sẽ học xong kiếm được việc làm ổn định tại ngân hàng để có thể lên bờ sống cho bớt khổ.

Cách đó không xa là bè của gia đình anh Trần Văn Hưng, chiếc bè có vẻ kiên cố và rộng rãi hơn so với bè chị Bé nhưng cũng không ngăn được nắng gió miền Tây ùa vào. Với khuôn mặt đẫm mồ hôi, đen sạm dầm mưa dãi nắng, anh Hưng chia sẻ với phóng viên:

“Bè tôi nuôi cá chim, mỗi lứa đầu tư 150 triệu nhưng thường bị lỗ. Có thời điểm 1kg cá vốn là 14.000đ nhưng bán ra chỉ được 12.000đ nên không đủ tiền cho con ăn học. Vào mùa mưa bão, mùa nước lên hoặc vụ xả cống, xả đập khiến bè chao đảo không khác gì ngoài khơi xa rất đáng sợ, ảnh hưởng nhiều đến bè cá, ảnh hưởng đến cuộc sống”.

Do đời sống nghèo khổ nên 2 con của anh Hưng đang ở độ tuổi 15, 16 nhưng đã nghỉ học đi làm thuê ở xa, nửa tháng mới về nhà 1 lần. Anh Hưng cho biết, dân làm cá bè con cái ít được học hành tới nơi tới chốn nhưng khi thấy 2 con đi làm vất vả quá anh cảm thấy rất tiếc, giá như có thể cho con tiếp tục theo học nhưng lực bất tòng tâm không còn cách nào khác...

Có đến đây mới hiểu hết nỗi khổ của người dân xã Mỹ Khánh - Cù lao Mỹ Hoà Hưng. Bên cạnh những hộ dân nghèo sống bấp bênh trên những bè cá thì trên bờ những hộ dân khác cũng vất vả không kém. Những ngôi nhà được lắp ráp tạm bợ bằng khung nhôm che bằng tôn và ván nên rất nóng nực. Điều đáng mừng là trẻ em có tới 90% được đi học, thế nhưng 10% còn lại không được đến trường cũng là điều xót xa…

Khi nhận được những cuốn sách của đoàn Hành trình từ trái tim, em Nguyễn Thu Hoà lớp 9 tỏ ra rất vui mừng nói: “Chưa bao giờ em được tặng sách và cũng rất khó khăn trong việc tìm mua sách. Nay được tặng những cuốn sách hay này chắc chắn em sẽ đọc hết và chia sẻ cùng các bạn trong xóm”.

Chia tay người dân vùng cù lao Mỹ Hoà Hưng nhưng dường như mỗi thành viên trong đoàn hành trình vẫn còn đó nhiều trăn trở ưu tư, nhưng với niềm tim ánh sáng tri thức từ những cuốn sách đổi đời sẽ khơi dậy khát vọng thoát nghèo cho người dân và đặc biệt là cho thế hệ tương lai của vùng đất này.

Cùng ngày, Hành trình từ trái tim đã có buổi giao lưu và tặng sách cho các em sinh viên trường ĐH An Giang, thư viện tỉnh An Giang. Buổi giao lưu đã diễn ra sôi nổi, hàng ngàn cuốn sách quý đã đến với các bạn trẻ - những cuốn sách chắc chắn sẽ giúp thế hệ trí thức tương lai của vùng đất An Giang vận dụng, không chỉ giúp cho vùng đất mang nhiều tiềm năng về kinh tế du lịch cất cánh mà còn góp phần phát triển các giá trị cốt lõi và bản sắc văn hóa độc đáo truyền thống cho miền đất An Giang nói riêng và đồng bằng sông Cửu Long nói chung.

Với quãng đường hơn 2.000km trong suốt 17 ngày, đi qua 18 tỉnh thành phố: HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Hậu Giang, Kiên Giang, An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Cần Thơ. ''Hành trình Từ Trái Tim” vùng sâu – vùng xa miền Đông và vùng sông rạch Đồng Bằng Sông Cửu Long là điểm tiếp nối của hành trình vùng núi cao và biển đảo đã thực hiện vào tháng 4 và tháng 6 năm 2019.