Khám phá mối quan hệ giữa vật lý hiện đại và đạo học phương Đông

Vật lý hiện đại và đạo học phương Đông có thể có những khác biệt rõ ràng, nhưng chúng cũng có những điểm tương đồng đáng chú ý. 

Mối liên hệ giữa vật lý hiện đại và đạo học phương Đông

Fritjof Capra là giáo sư vật lý tại các đại học và viện nghiên cứu nổi tiếng tại Mỹ và Anh. Khoảng cuối những năm 60, ông bắt đầu chú ý đến các tương đồng giữa những phát hiện của ngành vật lý hiện đại với các quan niệm của những nền đạo học phương Đông như Ấn Độ giáo, Phật giáo và Đạo giáo… để đến năm 1974, cuốn sách Đạo của Vật lý ra đời. Cuốn sách này đã gây ra một tiếng vang lớn trong giới khoa học và triết học, khi khám phá sự trùng hợp về nhận thức luận của nền vật lý hiện đại với đạo học phương Đông.

Vật lý là một môn khoa học chính xác, dựa trên ngôn ngữ phức tạp của ngành toán học hiện đại, trong khi đạo học phương Đông là môn tu học tâm thức, chủ yếu dựa trên thiền định quan sát, tri kiến của họ không thể dùng ngôn từ để diễn tả. Mặc cho vật lý hiện đại và đạo học phương Đông thoạt nhìn có vẻ khác nhau nhưng chúng có những điểm tương đồng đáng kinh ngạc, tất cả đều bắt đầu từ khái niệm tri kiến - được chia thành hai dạng là suy luận và trực giác.

Khoa học được coi là lĩnh vực của tri thức suy luận, nó đo lường, định lượng, phân loại và phân tích để hiểu thế giới vật chất. Các nhà đạo học chú tâm tìm kiếm kinh nghiệm trực tiếp với thực tại, thực tại này không những chỉ xuyên suốt tư duy suy luận mà cả mọi cảm thọ giác quan. Và mặt lý tính của vật lý học cũng có yếu tố trực giác, các nhà khoa học phải sáng tạo để phát triển các lý thuyết và đạt được những hiểu biết mới. Tương tự, cũng có yếu tố suy luận hợp lý trong triết học phương Đông.

Giống như các nhà vật lý, các nhà đạo học phương Đông học hỏi thông qua quan sát. Sự khác biệt duy nhất là, trong khi một nhà vật lý quan sát thông qua thí nghiệm khoa học thì các nhà đạo học lại quan sát thông qua sự xem xét nội tâm. Một sự tương đồng nữa giữa phương pháp của nhà vật lý và nhà đạo học là những quan sát của họ nằm trong những lĩnh vực mà giác quan bình thường không với tới được. Trong vật lý, đó là lĩnh vực của nguyên tử và hạ nguyên tử; trong đạo học, đó là tình trạng phi thường của ý thức.

Đạo của vật lý chứng minh rằng bất chấp những khác biệt rõ ràng, vẫn có thể đạt được nhiều điều từ việc thu hẹp khoảng cách giữa đạo học phương Đông và khoa học phương Tây. Bằng cách nhận ra những điểm tương đồng giữa hai lĩnh vực, chúng ta có thể đạt được những hiểu biết mới về bản chất của thực tế và vị trí của chúng ta trong đó. Chúng ta cũng có thể học cách nắm lấy mối liên kết giữa vạn vật và vượt ra ngoài lối suy nghĩ nhị nguyên.

Những tương đồng của vật lý hiện đại và đạo học phương Đông

Mặc dù vật lý dựa trên toán học và quan sát thực nghiệm, còn đạo học phương Đông tập trung vào thiền định và trực giác, cả hai lĩnh vực đều có những điểm tương đồng trong quá trình tìm kiếm kiến thức. Tác giả Capra đã dành phần lớn cuốn sách để khám phá chín điểm tương đồng giữa những phát hiện mới của ngành vật lý hiện đại với quan niệm của nền đạo học phương Đông: Tính nhất thể của vạn sự, Vượt trên thế giới nhị nguyên, Không gian – Thời gian, Vũ trụ động, Không và Sắc, Điệu múa vũ trụ, Cấu trúc đối xứng Quark - Một công án mới, Các mẫu hình biến dịch, Sự dung thông.

Đặc điểm quan trọng nhất của thế giới quan phương Đông là ý thức về tính nhất thể và mối tương quan của mọi sự vật và mọi biến cố. Mọi hiện tượng trong thế giới đều là biểu hiện của một thực thể cơ bản duy nhất. Tất cả mọi sự vật đều được xem như có liên quan với nhau và là thành phần bất khả phân của một cái toàn thể trong vũ trụ. Tính nhất thể căn bản này cũng là một trong những phát hiện quan trọng nhất của nền vật lý hiện đại. Khi nghiên cứu những mô hình của vật lý hạ nguyên tử dẫn đến một kiến giải duy nhất: đó là các thành phần vật chất và hiện tượng tham gia, tất cả đều nằm trong một mối liên hệ với nhau và phụ thuộc lẫn nhau.

Tác giả chỉ ra rằng cả vật lý hiện đại và triết lý phương Đông đều đề cập đến một thực tại thống nhất, trong đó mọi thứ đều liên kết với nhau. Trong vật lý hiện đại, điều này được thể hiện trong thuyết tương đối tổng quát của Einstein, cho thấy không gian và thời gian trong một thực thể thống nhất, không thể tách rời được gọi là không - thời gian. Tương tự, đạo học phương Đông nhấn mạnh đến sự thống nhất của vạn vật, kể cả không gian và thời gian, hướng tới sự hiểu biết chung về bản chất của thực tại.

Trong nền vật lý hiện đại, vũ trụ được thấy như một cái toàn thể năng động, điều này hiện rõ trong thuyết lượng tử, thuyết tương đối và càng rõ hơn trong mô hình lượng tử - tương đối của thế giới hạ nguyên tử, cho thấy các hạt chuyển động không ngừng. Hơn nữa, bản thân vũ trụ đang không ngừng giãn nở, một khám phá đã trở thành một trong những nguyên tắc nền tảng của thiên văn học hiện đại. Các nhà đạo học phương Đông từ lâu đã tin rằng thế giới là một thể động, tất cả chúng ta đều là một phần của một tổng thể lớn hơn, luôn thay đổi.

Những điểm tương đồng giữa vật lý hiện đại và đạo học phương Đông có ý nghĩa quan trọng đối với cách chúng ta nhìn nhận bản thân và vị trí của chúng ta trong vũ trụ. Chúng cho thấy rằng vật lý hiện đại không chỉ là một ngành khoa học của vật chất và năng lượng, mà còn là khoa học của nhận thức và tâm thức, đạo học phương Đông cũng có thể cung cấp những hiểu biết sâu sắc về thế giới vật chất.

Đạo của vật lý là một cuốn sách đáng đọc cho bất kỳ ai quan tâm đến vật lý, triết học hoặc cách chúng ta nhìn nhận thế giới. Cuốn sách này có thể giúp ta mở rộng tầm nhìn và suy nghĩ về thế giới theo một cách mới mẻ. Cuốn sách được Nhà sáng lập – Chủ Tịch Tập đoàn Trung Nguyên Legend Đặng Lê Nguyên Vũ cẩn trọng, tuyển chọn thuộc lĩnh vực Khoa học trong Tủ sách Nền tảng đổi đời. Độc giả có thể dễ dàng tìm đọc và chọn mua sách tại các không gian Trung Nguyên Legend, Trung Nguyên E-Coffee trên toàn quốc hoặc tại App Trung Nguyên Legend.


Đạo của vật lý

TRI THỨC LÀ ÁNH SÁNG!

TRI THỨC LÀ SỨC MẠNH CỦA DÂN TỘC!

(Đón đọc kỳ sau: “Lược sử ngôn ngữ: Chuyện kể về phát minh vĩ đại nhất của loài người”)