Khát vọng biến rác thải thành nghệ thuật

 
 

Nguyễn Quý Phước Thành: Khát vọng biến rác thải thành nghệ thuật

CD-H1

 

Trong những năm tháng người người chọn cho mình cuộc sống yên bình lặng lẽ, đi học và đi làm, Nguyễn Quý Phước Thành đã chọn riêng cho mình một bước ngoặt khác. Với những trăn trở về vấn đề xã hội, đặc biệt là việc bảo vệ môi trường, chàng trai ấy đã bắt đầu sáng tạo ra những bức tranh từ rác thải nhựa, nút áo.

 

 

Khó khăn, đam mê và niềm tin

 

Nguyễn Quý Phước thành – một chàng sinh viên 27 tuổi, tốt nghiệp ngành Công nghệ hóa học tại trường đại học Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, anh bắt đầu công việc của một kỹ sư tại công ty lụa và in công nghiệp. Thế nhưng mong muốn được sống là chính mình với niềm hạnh phúc và đam mê của bản thân, Nguyễn Quý Phước Thành đã tìm cho mình một con đường đi khác. Suốt khoảng thời gian ngồi trên ghế nhà trường và giảng đường đại học, anh đã luôn ấp ủ khát vọng khởi nghiệp. Như bao người trẻ khác, Phước Thành không muốn bị gò bó trong những công việc nhàm chán, sáng đi chiều về, đến tháng nhận lương. Anh luôn suy nghĩ và trăn trở nên bắt đầu từ đâu và làm như thế nào?. Để đến một ngày, khoảnh khắc thấy dòng chữ “Mấy cái nút áo có thể làm nên một bức tranh” đã làm anh trăn trở, thôi thúc quyết tâm tìm hiểu và bắt đầu với nghề.

 
 
 
 

Nửa năm sau khi tốt nghiệp, anh đã tìm tòi, học tập và chuẩn bị cho những bức tranh đầu tiên. Anh lên mạng tìm hiểu và biết rằng, có những nghệ sĩ làm tranh bằng nhựa nhưng lại ít ai biết những nghệ sĩ đó. “Nhưng điều quyết định nhiều nhất đó là khi mình nhận thấy tình trạng chất thải nhựa hiện nay vô cùng độc hại với môi trường sống và con người, nên kết hợp 2 thứ đó lại và mình quyết định bỏ bằng kỹ sư hóa để đi theo ngành tranh này”. Với xuất phát điểm hoàn toàn không liên quan đến mỹ thuật, Quý Thành đã mất 4 – 5 tháng để học được cách làm tranh. Điều may mắn là khi học ngành hóa, Thành được đào tạo kỹ năng phối màu và kiến thức về nhựa nên không phải lo về màu sắc. Ngoài vật liệu chính là nút áo, anh còn dùng những phế phẩm khác như chai nhựa, muỗng nhựa, hạt cườm nhựa…để tạo nên những bức tranh độc đáo.

 

10 copy
 
 
 

Khi đã tìm được hướng đi riêng cho mình, niềm vui bước đầu ấy lại bị đánh đổi bởi tinh thần và cả sức khỏe của anh. Khi kể về những khó khăn bước đầu, khuôn mặt anh tối lại, giọng run rẩy, hay tay bắt vào nhau, đôi mắt lâng lâng những giọt nước, anh kể: Bố mẹ, họ hàng hoàn toàn bất đồng với quyết định của mình,mình bị chính bố mẹ xem là tâm thần và lạnh nhạt, ghét bỏ? Ngay cả những đứa em trai cùng thế hệ cũng không thể thông cảm cho lựa chọn của người anh. Dù sống dưới cùng một mái nhà Quý Thành và người thân không hề trò chuyện, khác gì những cái bóng vô hình nhưng đầy áp lực. Nhưng vì đam mê quá lớn, anh vẫn quyết tâm theo đuổi nghề.

 

Một trong những khó khăn lớn nữa mà anh phải đối mặt chính là vấn đề tài chính.  Nói chuyện với tôi, anh chủ động kể những khó khăn. Tuy nhiên, lấn át sự xót xa kia, tôi vẫn thấy được tỏ tường năng lượng tích cực. Anh cho rằng con đường phía trước chỉ là mới bắt đầu. Quý Thành luôn tự xác nhận trong đầu rằng cuộc đời là một danh sách dài: “Làm được việc này thì bị so sánh nhà nhỏ, có được nhà nhỏ thì bị so sánh không có xe, có xe rồi thì bị so sánh không cao, không đẹp…” Anh đùa mà thật khi dẫn câu của “sếp Tùng” (ca sĩ Sơn Tùng M-TP): “Muốn đứng ở vị trí người khác không đứng được, phải chịu được cảm giác người khác không chịu được.”

Chàng trai Nguyễn Phước Quý Thành cũng thể hiện rõ quan điểm của mình: “Ý tưởng thì ai cũng có, thậm chí là rất hay. Nhưng đa số người ta không thực hiện vì thiếu kỹ thuật, không có thời gian, không đủ tự tin. Còn với anh, cứ đứng dậy và đi thôi!”

 
 

Giá trị của những bức tranh

Trước khi đến với tranh bằng nút áo, Quý Thành chỉ suy nghĩ đơn giản là “Làm cách nào để vừa tạo ra những tác phẩm mang dấu ấn cá nhân riêng, lại vừa có ích cho xã hội, cho môi trường.” Thành tự xem trên mạng và sáng tạo theo cách của riêng mình. Thành cho rằng tranh nút là làm từ nút áo, bao gồm nhiều chiếc nút áo kích cỡ và màu sắc khác nhau để tạo nên 1 bức tranh. Tuy nhiên, tranh nút không chỉ có nghĩa là sử dụng nút không thôi, mà có thể sử dụng muỗng nhựa, hạt nhựa và bất kỳ thứ gì từ nhựa mà ta không xài nữa. Dòng tranh này trên thế giới còn có một tên gọi khác là tranh Plastic.

Khi được hỏi về các công đoạn để làm ra được một bức tranh hoàn chỉnh, Thành chia sẻ: Để làm ra sản phẩm tranh nút thì đầu tiên sẽ tìm một nơi chuyên thu gom các hạt nút vứt đi và mua lại chúng, sau đó mình sẽ vẽ phác họa hoặc in ra giấy những hình cần làm. Công đoạn tiếp theo là dán nút, công đoạn này mình dùng keo sữa để dán từng chiếc nút, nhưng phải tỉ mỉ để chỉnh vị trí lại từng chiếc nút cho đảm bảo tính thẩm mỹ và nghệ thuật, rồi đợi keo khô sẽ mang đi đóng khung.

 

Một số sản phẩm tranh từ nút áo khác của Quý Thành

Bên cạnh những vật liệu tái sử dụng, ý nghĩa lớn còn đến từ những ý tưởng trong các bức tranh Quý Thành tạo nên. Tranh của Quý Thành thường dựa trên những vấn đề về môi trường, khuyên con người không dùng nhựa dùng một lần hoặc cổ động tinh thần mọi người. Mùa dịch Covid-19 vừa qua, Quý Thành đã trăn trở cách để đóng góp cho xã hội. Anh đã suy nghĩ và sáng tạo nên những bức tranh cổ động gửi tới các bác sĩ, nhân viên y tế. Những bức tranh mang ý nghĩa cổ vũ các bác sĩ, nhân viên y tế vượt qua giai đoạn khó khăn này. Anh cho rằng bản thân không thể trực tiếp giúp các bệnh nhân thì việc cổ vũ tinh thần các bác sĩ, nhân viên là đều rất cần thiết. Đồng thời, những bức tranh của anh còn hướng đến cộng đồng chung, khuyên mọi người chung tay đẩy lùi Covid-19.

Để hoàn thành một bức tranh, anh có thể mất vài tiếng đồng hồ, xong cũng có thể mất đến vài ngày, thậm chí vài tháng, tuy vào kích thức và độ khó của tranh. Anh nói: “Một bức tranh anh mất hơn 2 tháng để hoàn thành có kích thước hơn 2m vuông, với hình ảnh là một chiếc đồng hồ cát đang chảy, phản ánh về tình trạng nóng lên của trái đất hiện nay”.

Đến nay, anh đã tạo hơn 100 bức tranh bằng nút áo và các rác thải khác với ý nghĩa bảo vệ môi trường, nói không với rác thải nhựa, cổ vũ tinh thần các bác sĩ, bệnh nhân… Là người đầu tiên nghiêm túc theo đuổi dòng tranh từ nút áo, Nguyễn Phước Quý Thành gặp nhiều khó khăn để được công nhận. Anh được lên các trang báo và có những thu nhập đầu tiên từ chính nghề này. Từ những bức tranh đầu tiên với giá chỉ vài chục nghìn, đến nay anh đã bán đi được những bức với giá đến 1, 2 triệu đồng.

 

Tôn vinh hình ảnh người Việt

Với niềm khao khát và ước mơ mãnh liệt, Nguyễn Quý Phước Thành luôn mong muốn sẽ được nhiều bạn trẻ biết về thể loại tranh Plastic này. Anh nói: “Một mình nếu làm thì sẽ không giúp được nhiều cho môi trường, mình có thể chỉ là người đầu tiên mang thể loại tranh này lan tỏa cho nhiều người biết đến hơn ở Việt Nam. Nhưng nếu ngày càng nhiều bạn trẻ biết và làm thể loại tranh này thì sẽ giảm thiểu nhiều rác thải nhựa ở Việt Nam”

Biết đến Quý Thành qua báo chí, giám đốc công ty Four Seasons Vina đã tặng anh các loại nút và Quý Thành đã gửi một bức tranh để cảm ơn.

Bên cạnh đó, Phước Thanh luôn trăn trở như thuở mới vào nghề, anh luôn suy nghĩ làm sao để hình ảnh người Việt đẹp hơn trong mắt bạn bè quốc tế. Anh nói: “Anh muốn đem tranh này ra nước ngoài, để người nước ngoài nghĩ tốt hơn về Việt Nam. Bây giờ trên mạng xã hội nhiều thứ linh tinh quá”. Bước đầu tiên, Phước Thành đã trò chuyện và liên hệ với những người bạn Thái Lan, anh đã có những cuộc hẹn đến thăm và mang theo những bức tranh của mình. Ngoài ra, anh đang nghĩ đến một hướng kinh doanh ổn định hơn cho sản phẩm của mình, bằng cách liên kết với các công ty sản xuất. Đồng thời, anh cũng muốn đưa những giá trị này đến với các em nhỏ. Quý Thành mong muốn sẽ mở được những lớp học làm tranh từ nút áo miễn phí cho các bé thiếu nhi, để truyền đi tinh thần bảo vệ môi trường, hay đơn giản chỉ là truyền đi tinh thần ham học hỏi, sáng tạo.

Từ Nguyễn Phước Quý Thành, tôi cảm nhận được nguồn năng lượng lạc quan, tích cực dồi dào. Đó là một chàng trai không hề ngại khó, càng không lo đường dài. Anh đã và đang mang những giá trị tích cực đến cho cộng đồng. Đặc biệt, những tác phẩm anh đang thực hiện khuyên con người tiết kiệm và tái sử dụng những rác thải nhựa, hướng tới một cuộc sống xanh, bảo vệ môi trường.


Thực hiện: Trang Phạm – Mỹ Huyền
Hình ảnh: NVCC