Người Nhật đã định hình Trà đạo thành đạo lý của dân tộc, một nghệ thuật sống được truyền tải qua việc thưởng lãm một tách trà. Trong khi đó, Việt Nam – một cường quốc cà phê nhất nhì thế giới, có hạt cà phê Robusta ngon nhất thế giới, có một bề dày lịch sử văn hóa thưởng lãm cà phê hàng trăm năm, nhưng đến nay, giá trị cà phê Việt Nam vẫn thuộc phân khúc thấp, chủ yếu xuất thô và chưa được định hình đúng vị thế vốn có của ngành, của quốc gia.
Với mong muốn đưa ngành cà phê Việt Nam lên một tầm cao mới, nâng cao giá trị cà phê không chỉ là một thức uống thông thường mà còn ở tầm mức cà phê văn hóa, cà phê nghệ thuật, cà phê tinh thần… đến cà phê triết đạo, xứng đáng với vị thế của cường quốc cà phê của thế giới - Tập đoàn Trung Nguyên Legend đã dành thời gian và tâm huyết trong nhiều năm để nghiên cứu lịch sử, văn hóa, nghệ thuật…của cà phê trong mọi lĩnh vực của đời sống để cà phê trở thành “Cà Phê Triết Đạo”.
Trong suốt hành trình sáng tạo và phát triển của Trung Nguyên Legend thì tinh thần dấn thân phụng sự cộng đồng luôn là hạt nhân xuyên suốt bằng nhiều chương trình hành động để Kiến tạo khát vọng lớn, Chí hướng lớn cho quốc gia; để xây dựng vị thế mới cho ngành cà phê Việt Nam trên bản đồ cà phê thế giới và trên Hành trình này, Trung Nguyên Legend mong muốn cùng chung tay với các nhà hoạch định sách lược quốc gia để Việt Nam sớm trở thành quốc gia hùng mạnh và ảnh hưởng toàn diện thế giới!
Người Nhật đã làm được!
Người Việt mình cũng làm được và làm tốt hơn!
“Năm Tháng Cuồng Điên” (Les Années Folles) ở Tây Âu và “Những Năm Tháng Thét Gào” (Roaring Twenties) ở Bắc Mỹ bắt đầu từ sau thế chiến thứ nhất (1920) kéo dài đến tiền thế chiến thứ hai (1939). Khởi đầu là sự khẳng định mang tính cá thể của những con người sống sót sau trận thế chiến kinh hoàng, muốn tái tạo thế giới, được đề xướng bởi những “cá nhân đầy lý tưởng” trong hội họa cho đến văn thơ, cũng như đại đa số văn nghệ sĩ và giới trí thức trẻ thời ấy.
Kết thúc thế chiến thứ nhất, người Pháp khao khát cuộc sống tự do và một xã hội tiến bộ. Đặc trưng là làng sóng sáng tạo, đổi mới trong tất cả các lĩnh vực văn hóa và xã hội. Trong những năm tháng đó, hàng quán cà phê hai bên bờ sông Seine được xem là nơi tiên phong khởi xướng lối sống mới. Giới tri thức sáng tạo đến từ khắp nơi trên thế giới như Ernest Hemingway (tiểu thuyết gia người Mỹ), William Faulkner (nhà văn Mỹ đạt giải Nobel Văn học năm 1949), Max Jacob (họa sĩ, nhà văn và nhà phê bình người Pháp), F. Scott Fitzgerald (nhà văn Mỹ), Vladimir Lenin (lãnh tụ phong trào cách mạng vô sản Nga), Leon Trotsky (một trong những nhà lãnh đạo Cách mạng Tháng Mười Nga), Tsuguharu Foujita (danh họa người Nhật Bản),… quy tụ tại quán cà phê để thảo luận về các sự kiện xã hội, chia sẻ ý tưởng và khát vọng hướng đến một xã hội văn minh.
Hàng quán cà phê thời kỳ này vang danh như “Viện Hàn Lâm Vỉa Hè” của những tâm hồn lớn của thời đại, là “sân ga” đầy người chờ những con tàu đưa đến tương lai mong ước, nơi chốn “xả láng cuộc đời” của những con người đang “điên cuồng hy vọng”…
Khát vọng tái tạo thế giới, nguồn cảm hứng và các ý tưởng được chia sẻ từ hàng quán cà phê trở thành chất xúc tác nuôi dưỡng các phong trào nghệ thuật và văn học Pháp trong thế kỷ XX. Quán Café de Flore là nơi André Breton, Louis Aragon, Philippe Soupault trao đổi và phát triển Chủ nghĩa Siêu thực (Surrealism) và phong trào văn học nghệ thuật Dadaism. Café de Flore cũng là nơi gặp gỡ của những người theo đuổi Chủ nghĩa Hiện sinh (Existentialism).
Trong khi đó, quán cà phê La Rotonde là không gian triển lãm tràn ngập bộ sưu tập các tác phẩm nghệ thuật của các danh họa như Pablo Picasso, Alexandre Jacovleff, Diego Rivera, Federico Cantú Garza,… Quán cà phê La Closerie Des Lilas là điểm hẹn của những tên tuổi lớn trên văn đàn và thi họa Hemingway, Henry Miller, Guillaume Apollinaire, Paul Fort, Paul Cézanne… với những buổi “bình luận văn chương, văn nghệ và văn hóa” vào mỗi thứ ba hàng tuần…
Dựa theo những chứng thực lịch sử, nhà nghiên cứu Karen Dees đã viết trong cuốn luận “Vai trò của Café Paris trong nghệ thuật hiện đại” rằng giới nghệ sĩ đương thời đã sử dụng không gian hàng quán cà phê như nơi chiêm nghiệm hơi thở cuộc sống và khai mở những ý tưởng mới. Quán cà phê đã trở thành nơi phát triển ý thức hiện đại, thúc đẩy và phổ biến các hình thức mới của nghệ thuật và là biểu tượng của cuộc sống xã hội.
Giáo sư, nhà sử học văn hóa Pháp - W. Scott Haines cũng nhận định: Quán cà phê không chỉ là nơi để thưởng thức một tách cà phê, đây còn là một không gian văn hóa độc đáo khác biệt với môi trường đô thị của nó, nơi để phản ánh và tham gia vào cuộc tranh luận trí tuệ. Quán cà phê cũng là không gian tư duy khơi nguồn cảm hứng cho những người lao động tri thức, mở rộng và thúc đẩy ý tưởng của họ. Vì thế, quán cà phê, trong thực tế, đã đảm nhận một vai trò quan trọng và thậm chí là chính thức trong lịch sử văn hóa Pháp và trên toàn thế giới. Trong đó, luôn có sự liên kết giữa quán cà phê và phong trào Khai sáng, các phong trào nghệ thuật, văn học và triết học Pháp.
Quả vậy, trong thế kỷ XX, sự mở rộng theo cấp số nhân của hàng quán cà phê tại Paris cùng nhịp sống sáng tạo liên tục đã góp phần đưa Paris trở thành thủ đô của nghệ thuật, một trung tâm văn hóa lớn và hy vọng của thế giới.
Đón đọc kỳ sau: Napoleon Bonaparte: “Cà phê làm cho tôi thức tỉnh và mạnh mẽ phi thường”