Người Nhật đã định hình Trà đạo thành đạo lý của dân tộc, một nghệ thuật sống được truyền tải qua việc thưởng lãm một tách trà. Trong khi đó, Việt Nam – một cường quốc cà phê nhất nhì thế giới, có hạt cà phê Robusta ngon nhất thế giới, có một bề dày lịch sử văn hóa thưởng lãm cà phê hàng trăm năm, nhưng đến nay, giá trị cà phê Việt Nam vẫn thuộc phân khúc thấp, chủ yếu xuất thô và chưa được định hình đúng vị thế vốn có của ngành, của quốc gia. Với mong muốn đưa ngành cà phê Việt Nam lên một tầm cao mới, nâng cao giá trị cà phê không chỉ là còn là một thức uống thông thường mà còn ở tầm mức cà phê văn hóa, cà phê nghệ thuật, cà phê tinh thần… đến cà phê triết đạo, xứng đáng với vị thế của cường quốc cà phê của thế giới - Tập đoàn Trung Nguyên Legend đã dành thời gian và tâm huyết trong nhiều năm để nghiên cứu lịch sử, văn hóa, nghệ thuật… cà phê trong mọi lĩnh vực đời sống của nhân loại để cà phê trở thành “Cà Phê Triết Đạo”. Trong suốt hành trình sáng tạo và phát triển của Trung Nguyên Legend thì tinh thần dấn thân phụng sự cộng đồng luôn là hạt nhân xuyên suốt bằng nhiều chương trình hành động để Kiến tạo khát vọng lớn, Chí hướng lớn cho quốc gia; để xây dựng vị thế mới cho ngành cà phê Việt Nam trên bản đồ cà phê thế giới và trên Hành trình này, Trung Nguyên Legend mong muốn cùng chung tay với các nhà hoạch định sách lược quốc gia để Việt Nam sớm trở thành quốc gia hùng mạnh và ảnh hưởng toàn diện thế giới!
Người Nhật đã làm được! Người Việt mình cũng làm được và làm tốt hơn! |
Cà phê du nhập vào Viên trong giai đoạn lịch sử đặc biệt. Trở thành biểu tượng chiến thắng sau trận đấu làm thay đổi lịch sử châu Âu, kết thúc cuộc xung đột kéo dài giữa Đế quốc La Mã và Đế chế Ottoman.
Anh hùng giữa thời chiến
Thế kỷ 15, Viên (thủ đô nước Áo) là khu liên hợp quân sự và một trong những trung tâm hành chính của Đế quốc La Mã. Viên kiểm soát khu vực sông Danubian (kéo dài từ Trung - Đông Âu đến Biển Đen) cùng các tuyến đường bộ Đông Địa Trung Hải, giao thương sầm uất trong suốt nhiều thế kỷ, trở thành vùng đất chiến lược trong tham vọng thống lĩnh toàn châu Âu của nhiều đế quốc đương thời.
Jerzy Franciszek Kulczycki – một thương gia và nhà ngoại giao thông thạo tiếng Ba Lan, Serbia, Thổ Nhĩ Kỳ, Đức và Rumani được trọng dụng làm việc cho một tổ chức thương mại của Áo chuyên đàm phán kinh doanh với các quốc gia phương Đông. Jerzy Franciszek Kulczycki làm việc nhiều năm liền tại bán đảo Balkan và đế chế Ottoman, tại đây ông đã khám phá văn hóa cà phê địa phương. Trong tâm thế của một thương gia, ông nhanh chóng nhìn thấy tiềm năng thương mại của thức uống độc đáo này. Tuy nhiên, việc giao dịch cà phê được đế chế Ottoman kiểm soát chặt chẽ, Jerzy Franciszek Kulczycki chỉ có thể học hỏi cách thức pha chế và quay trở về Viên.
Mùa hè năm 1683, lợi dụng tình hình bệnh dịch hạch hoành hành ở Viên, Ottoman huy động 300.000 lính tấn công thành phố Viên, làm bàn đạp mở rộng lãnh thổ đế chế về Tây Âu. Quân đồn trú La Mã tại Viên chỉ có khoảng 15.000 binh sĩ. Dịch bệnh lan rộng, thiếu nguồn cung cấp thực phẩm lẫn vũ khí đã khiến thành phố không thể cầm cự và nhanh chóng đứng trước nguy cơ đầu hàng.
Lòng người hoang mang cực độ, tìm cách tháo chạy. Ngay cả chỉ huy quân đội cũng gần như tuyệt vọng. Nếu Viên thất thủ, cả châu Âu sẽ đứng trước nguy cơ bị Ottoman thôn tính. Thay vì sợ hãi, Jerzy Franciszek Kulczycki quyết hành động vì sự sống còn của thành phố. Ông cải trang thành người Ottoman, ngược dòng người tiến thẳng vào trại canh gác, đi qua hàng ngũ của đối thủ, vượt sông Danubian để tìm lực lượng giải cứu. Jerzy Franciszek Kulczycki suýt chết khi bị bắt lại, nhưng nhờ hiểu biết về ngôn ngữ lẫn văn hóa Ottoman, ông khiến quân địch tin rằng ông là người Ottoman và sau đó được thả đi. Jerzy Franciszek Kulczycki cuối cùng đã gặp được chỉ huy quân đội Ba Lan cầu viện trợ.
Ngay khi Jerzy Franciszek Kulczycki quay trở lại với tin vui, tinh thần người Viên lập tức phấn chấn và tràn đầy hi vọng về chiến thắng. Dù lực lượng viện trợ không bằng 1/3 quân Ottoman, nhưng liên minh Ba Lan – La Mã phối hợp đánh trong ngoài đã phá trận bao vây, giải phóng thành Viên hoàn toàn.
Chiến thắng này được coi là bước ngoặt lịch sử thế giới, chấm dứt cuộc đấu tranh kéo dài 300 năm giữa Đế quốc La Mã và Đế chế Ottoman, ngăn chặn mối đe dọa từ Ottoman đối với châu Âu. Vì có vai trò quan trọng trong trận chiến, Jerzy Franciszek Kulczycki được tôn vinh là “Anh hùng thành Viên”. Ông được vua Ba Lan ban thưởng có thể chọn bất cứ chiến lợi phẩm nào bao gồm rất nhiều vàng và vật phẩm quý.
Jerzy Franciszek Kulczycki không lấy tiền vàng, ông chỉ xin những túi cà phê bị quân Ottoman bỏ lại. Jerzy Franciszek Kulczycki được nhận toàn bộ túi hạt cà phê như phần thưởng cho lòng dũng cảm của mình. Ngay trong năm 1683, ông mở quán cà phê Hof zur Blauen Flasche và hướng dẫn người Viên nghệ thuật pha chế, thưởng thức cà phê.
Thay đổi nước Áo bằng văn hóa cà phê
Jerzy Franciszek Kulczycki đã truyền bá văn hóa cà phê bằng toàn bộ tâm huyết và tình yêu. Ông xây dựng mô hình quán cà phê không đơn thuần là nơi tiêu thụ sản phẩm, mà là nơi chốn thúc đẩy giao tiếp xã hội, chia sẻ suy nghĩ và ý tưởng. Người Viên thời kỳ này thường sống trong những căn nhà chật hẹp, vì thế họ đến quán cà phê như “phòng khách mở rộng” hoặc ngôi nhà thứ hai để gặp gỡ cộng đồng. Quán cà phê đặc biệt thu hút giới quý tộc, tạo nên không gian thời thượng mà bất kỳ ai cũng muốn đến.
Tuy nhiên, người Viên không quen với hương vị cà phê đậm đắng theo phong cách của người Ottoman. Jerzy Franciszek Kulczycki đã thêm sữa và mật ong (sau đó là đường) vào cà phê để giảm vị đắng. Nhờ sáng tạo này, Jerzy Franciszek Kulczycki được coi là người đầu tiên pha chế cà phê theo công thức mới, tạo ra thức uống “Wiener Melange” đặc trưng và nổi tiếng của thành Viên. Bên cạnh đó, ông phục vụ cà phê cùng với bánh Croissant (hay Kipferl) – bánh ngọt có hình dạng trăng lưỡi liềm trên lá cờ Ottoman. Cà phê và bánh Croissant được coi là biểu tượng chiến thắng, là niềm tự hào về sức mạnh và tinh thần chiến binh của người Viên nói riêng, người Áo nói chung. Cũng chính từ sự đặc biệt đó, phong cách cà phê Viên sau hàng thế kỷ vẫn vẹn nguyên đặc trưng thưởng lãm cà phê luôn có kèm bánh ngọt.
Quán cà phê của Jerzy Franciszek Kulczycki đặt nền tảng, phát triển văn hóa cà phê thành một phần quan trọng trong đời sống và cấu trúc xã hội nước Áo. Hơn nữa, sự sáng tạo công thức pha chế và xây dựng bản sắc không gian hàng quán đã giúp cho cà phê dễ dàng tiếp cận với người phương Tây. Vì điều này, người Áo luôn tự hào là một trong những quốc gia phát xuất và phổ biến cà phê đến khắp châu Âu. Đặc biệt, không gian hàng quán cà phê Viên “Wiener Kaffeehauser” phát triển rực rỡ hơn bất kỳ quốc gia châu Âu nào khác, trở thành tổ chức điển hình đóng vai trò định hình văn hóa Viên, được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
Anh hùng thành Viên Jerzy Franciszek Kulczycki cũng được vinh danh là “người bảo trợ cà phê Viên”. Tháng 10 hàng năm, các quán cà phê sẽ treo bức chân dung Jerzy Franciszek Kulczycki để tưởng nhớ ông. Một con đường trong thành Viên được đặt theo tên ông và bức tượng của ông cũng đặt trên con đường đó.
Đón đọc kỳ sau: Wolfgang Amadeus Mozart và tình yêu cà phê của một thiên tài âm nhạc