ĐỜI SỐNG

Làm sao để biết bản thân thực sự muốn gì trong cuộc sống này?

Uyên Nguyễn • 11-10-2024 • Lượt xem: 332
Làm sao để biết bản thân thực sự muốn gì trong cuộc sống này?

Mỗi người trong chúng ta thường đưa ra tầm 35.000 quyết định mỗi ngày. Không có gì ngạc nhiên khi những quyết định trọng đại trong cuộc sống lại khiến chúng ta cảm thấy mệt mỏi đến vậy. Những câu hỏi như "Tôi muốn gì từ cuộc sống này", "Tôi muốn trở thành ai" và "Tôi nên sống ở đâu" đều hao tổn một lượng năng lượng tinh thần đáng kể từ bạn.

Nếu không chủ động tìm ra điều mình thực sự mong muốn, bạn sẽ dễ rơi vào tình trạng sống chỉ để tồn tại. Thậm chí bạn có thể trở nên buồn chán và bồn chồn với những gì bạn đang làm - ngay cả khi bạn từng yêu thích chúng. Theo thời gian, điều này có thể gia tăng căng thẳng, trầm cảm, lo lắng và có thể khiến bạn cảm thấy như không kiểm soát được cuộc sống của chính mình. Do vậy, việc xác định được bạn muốn gì là vô cùng quan trọng vì nó sẽ giúp bạn xác định được mục đích sống của mình.

Có rất nhiều con đường dành cho bạn nên việc do dự là hoàn toàn bình thường. Bạn phải vượt qua nỗi sợ hãi và thử những điều mới mẻ để trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình. Dưới đây là một số câu hỏi có thể giúp bạn xác định mình muốn đi đến đâu trong cuộc sống này.

Bạn phải vượt qua nỗi sợ hãi và thử những điều mới mẻ để trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình (Ảnh: Adobe Stock)

1. Điều gì khiến bạn hạnh phúc?

Mọi người đều muốn được hạnh phúc, nhưng hạnh phúc không chỉ là cảm giác vui vẻ. Nó còn là cảm giác được cần đến và có mục đích sống. Niềm hạnh phúc bao gồm cả yếu tố ngoại cảnh và nội tâm. Yếu tố ngoại cảnh có thể là những hoạt động tại khu phố hoặc đất nước mà bạn sinh sống, còn yếu tố nội tâm có thể là những kỹ năng cá nhân và lòng tự trọng của bạn. Do vậy, hãy bắt đầu bằng cách lập ra danh sách những thứ khiến bạn hạnh phúc.

2. Bạn thực sự cần gì?

Đôi khi, mong muốn và nhu cầu của chúng ta song hành với nhau. Những lúc khác, những gì chúng ta cần lại không phải là những gì chúng ta muốn. Hãy tự hỏi bản thân xem nhu cầu nào của bạn cần được đáp ứng và nhu cầu nào thì không. Điều này có thể liên quan đến nhu cầu về mặt tình cảm, tài chính hoặc thể chất của bạn. Việc ghi nhật ký có thể giúp bạn hiểu rõ bản thân, và từ đó giúp bạn ra quyết định nên làm gì tiếp theo.

3. Giá trị cá nhân của bạn là gì?

Hãy nhớ rằng giá trị không giống với mục tiêu. Giá trị cốt lõi của bạn là những nguyên tắc dẫn dắt bạn trong cuộc sống. Chúng có thể là bất cứ điều gì như sự kiên nhẫn, trung thực, chính trực, lòng trung thành, gia đình và tự do. Hầu hết chúng ta thích sống theo các giá trị của mình và việc xác định giá trị của riêng bạn sẽ giúp bạn tìm ra điều mình muốn.

Giá trị cốt lõi của bạn là những nguyên tắc dẫn dắt bạn trong cuộc sống (Ảnh: Internet)

4. Điều gì mang lại cho bạn mục đích sống?

Mọi người đều đam mê một điều gì đó. Có thể là nấu ăn, chăm sóc các thành viên trong gia đình hoặc làm việc với động vật. Khi chúng ta làm những gì khiến chúng ta thỏa mãn, năng lượng đó cũng sẽ lan tỏa sự tích cực đến người khác.

5. Những hoạt động nào giúp bạn đạt được trạng thái tập trung?

Đôi khi, chúng ta quá tập trung vào những gì mình đang làm đến nỗi quên mất thời gian. Nhưng nếu không có việc gì quá cấp bách đang chờ bạn thì điều đó không hẳn là xấu. Trái lại, khi đó chúng ta lại ở trong trạng thái tốt nhất và giải quyết vấn đề hiệu quả hơn. Hãy để ý những khoảnh khắc như vậy và xem xét những gì bạn đã làm. Bạn nên ưu tiên các hoạt động như thế này mỗi ngày để tĩnh tâm và tăng sự tập trung hơn.

6. Bạn sẽ làm gì nếu không bị giới hạn?

Khi sống trong giai đoạn khó khăn, chúng ta thường kiềm hãm ước mơ vì chúng ta cảm thấy bị giới hạn bởi các yếu tố bên ngoài, như tiền bạc hay thời gian. Nhưng đừng ngại nghĩ lớn. Nếu những giới hạn này không phải là vấn đề, hãy tự hỏi bản thân sẽ làm gì.

Nếu những giới hạn này không phải là vấn đề, hãy tự hỏi bản thân sẽ làm gì (Ảnh: Internet)

7. Bạn ngưỡng mộ hoặc ghen tị với ai?

Bạn có ngưỡng mộ ai đó không? Người này có thể là một nhà hoạt động, nghệ sĩ, giáo viên, bác sĩ hoặc phụ huynh - bất kỳ ai có thể làm gương. Hãy suy nghĩ xem bạn có muốn noi gương người này không. Bạn cũng nên chú ý đến những cảm xúc khó chịu như ghen tị. Hãy tự hỏi tại sao bạn lại có cảm xúc đó. Việc nhận thức về bản thân ngưỡng mộ hoặc ghen tị ai sẽ giúp bạn hiểu tại sao bạn cảm thấy như vậy và bạn thực sự muốn gì.

8. Bạn hình dung cuộc sống của mình như thế nào?

Chúng ta có xu hướng nghĩ rằng cuộc sống của mình là các yếu tố riêng biệt, như nhà cửa, công việc và bạn bè. Nhưng thực chất mỗi yếu tố đều tác động lẫn nhau. Hiện tại bạn đang muốn thay đổi con đường mà mình đi, vì vậy bạn cần phải nhận thức được rằng chúng ta đang đi trên nhiều con đường đan xen và các mục tiêu cần được tạo ra theo thứ tự ưu tiên dựa trên tiêu chí đó.

9. Bạn không muốn điều gì?

Hãy nghĩ về những gì khiến bạn kiệt quệ về mặt tinh thần và cảm xúc, khiến bạn buồn hoặc gây ra đau đớn. Việc biết được những gì cần tránh có thể giúp bạn đưa ra quyết định tốt hơn. Bạn có thể đặt ra các mục tiêu rõ ràng - nghề nghiệp, sức khỏe, tài chính - để tránh những cạm bẫy này.

Việc biết được những gì cần tránh có thể giúp bạn đưa ra quyết định tốt hơn (Ảnh: Internet)

10. Thành tựu lớn nhất của bạn trong cuộc sống là gì?

Có thể bạn đã giành chức vô địch bóng đá hoặc tốt nghiệp loại xuất sắc môn toán học. Bạn có cảm thấy tự hào về khả năng của mình sau khi điều này xảy ra không? Có cách nào để cuộc sống của bạn lặp lại những cảm xúc đó không?

11. Bạn có sẵn sàng làm việc chăm chỉ không?

Chiến thắng, dù lớn hay nhỏ, đều đòi hỏi sự chăm chỉ. Không có gì tự nhiên đến với bạn. Sự kiên cường, mạo hiểm vượt ra khỏi vùng an toàn và học hỏi càng nhiều càng tốt sẽ mở ra nhiều cánh cửa hơn cho bạn. Hãy tập trung tiến tới mục tiêu bất chấp những thất bại mà bạn có thể phải đối mặt.

Tạm kết

Không bao giờ là quá muộn để thay đổi cuộc sống của bạn. Với một vài mẹo trên, bạn có thể trả lời câu hỏi "Tôi thực sự muốn gì?". Và khi bạn làm được, bạn có thể theo đuổi phiên bản thành công của mình và tìm thấy hạnh phúc.