Thể thao

Miền Tây dân dã giữa lòng Sài Gòn

NMinh • 29-03-2018 • Lượt xem: 1422
Miền Tây dân dã giữa lòng Sài Gòn

Sài Gòn có nhiều cái lạ. Có một nơi lạ lùng mà rất nhiều người dân sống ở Sài Gòn, nhất là nếu ở khu vực quận 1, quận 3... chẳng hề biết, chỉ cần 15 phút đi xe máy, họ đã có thể lạc ngay vào một vùng quê dân dã, có ruộng lúa, có đầm sen, có gà đầy sân, có con đường đất nhỏ xíu, hai xe máy chạy qua nhau phải dè chừng vì đường quá nhỏ. Nơi ấy, chính là một nhánh đường dẫn sâu vào Thanh Đa - Bình Quới.

Tôi nhớ mười năm trước, khi mới đặt chân vào Sài Gòn, nhà ngay ở Bình Thạnh, nên lâu lâu đám bạn hay rủ nhau đi ra Bình Quới hóng gió. Càng đi sâu càng thấy cảnh làng quê dân dã hiện ra. Lạ nhất là trên con đường nối dài ấy, tới khúc gần tới bến đò, quẹo phải là một nhánh đường nhỏ kéo dài chừng 2 cây số, hai bên trồng toàn lúa với hoa sen, với hoa súng. Cảnh người dân sinh hoạt, nuôi trồng ở khu đất chỉ cỡ chừng một xã nông nghiệp ấy như tách hẳn khỏi cái xô bồ, náo nhiệt của một thành phố mỗi ngày một sôi động là Sài Gòn.

Cảm giác của chúng tôi khi ấy là như vừa phát hiện ra một điều gì vô cùng thú vị. Lại như là vừa đi lạc về quê, với bạt ngàn màu xanh và một chút gì đó thật hoang vu. Bạn thử hình dung xem, đứng trên con đường đất, ngẩng mặt nhìn ngay trước mắt thấy xa xa là những tòa cao ốc trên phía quận Nhất, nhìn ngay bên cạnh mình là ruộng lúa mới vào vụ gieo hạt, những thân mạ xanh non đang trổ lên dưới bùn. Lẫn trong những lùm cây um tùm là những ngôi nhà dân được xây cất tạm bợ, còn có cả cảnh cầu tre lắt lẻo, cảnh người ta cầm cần câu đi câu cá dưới mương, cứ như thể mình đang lạc trong một bộ phim xa xưa nào đó. lâu lâu lại thấy mấy người đàn ông cởi trần ngồi túm tụm bên nhau giết gà, vác con dao ra chặt đại một thân chuối non nào đó để chuẩn bị làm món gỏi cho bữa nhậu. Thật hết sức ngạc nhiên, khi mà đời sống của người dân nơi đây như tách biệt hẳn với cuộc sống khép kín, chật chội nơi đô thị ngoài kia.

Đương nhiên, ai mà tới đây lần đầu thế nào cũng nghĩ ngay rằng, mình giống như đang lạc ở tận miền Tây. Hoặc đây chính là một chi nhánh miền Tây thu nhỏ giữa lòng Sài Gòn. Cuộc sống người dân ở đây chẳng khác gì cuộc sống ở Đồng Tháp Mười, khi mà mỗi ngày họ vẫn đi thăm ruộng, vẫn cấy hái, đánh bắt tôm cá bình thường.

Hãy men theo con đường ven bán đảo Thanh Đa và tìm tới hẻm 480 Bình Quới, phường 27, quận Bình Thạnh, TP HCM, ngôi làng ấy sẽ hiện ra, tha hồ cho bạn trầm trồ, nhìn ngắm. Nhà tranh, mái ngói, cầu khỉ hiện ra, chứ không phải là đường nhựa bằng phẳng hay những quán cà phê sang chảnh như trong thành phố.

Vì đây là một khu dân cư khá nhỏ nên hầu như người dân đều biết nhau hết. Họ sống quây quần bên nhau, thân cận với nhau và mỗi gia đình đều giữ được nếp sinh hoạt và cuộc sống đậm chất dân dã. Mỗi nhà đều có một mảnh vườn  tự trồng rau, nuôi gà và thả cá. Họ hầu như tự cung tự cấp nguồn thực phẩm cho chính mình. Khi một nhà nào trong xóm có đám giỗ, họ vẫn giữ nguyên nếp mổ heo chung và khi đi giỗ về còn lấy phần cho người ở nhà.

Nhiều người biết trồng lúa bằng phương pháp thủ công nơi đây chẳng thu hoạch được bao nhiêu vì diện tích đất cũng không nhiều. Thế nhưng họ vẫn cứ lưu giữ nếp sống ấy, vì không muốn phí đất, và cũng không muốn mình bị lãng quên cuộc sống dân dã. 

Người dân ở đây, có nhiều người từng bôn ba đi nơi khác kiếm sống, có người từng đi làm phụ hồ xây dựng bên ngoài nhưng thu nhập cũng chả bao nhiêu. Thế là họ lại trở về ngôi làng của mình. Có anh còn quay video lại những khung cảnh đồng quê mà mình đang sống như một cách lưu lại, vì anh biết một ngày nào đó, khi đời sống đô thị cuốn phăng chốn này đi, những "thước phim" ấy sẽ chỉ còn trong kí ức. Vậy mà khi tung lên mạng, các đoạn video của anh đã khiến nhiều người thích thú. Anh lập tức nghĩ ngay ra kế sinh nhai mới là dựng thêm vài ba cái chòi, phục vụ món ăn, món nhậu cho khách du lịch, biết đâu họ sẽ thích kiểu quê kiểng nơi này. vậy mà thành công, thu nhập gia đình anh khá hơn hẳn so với việc trước đây anh đi làm mướn bên ngoài.

Người dân ở đây sống đã quen xóm quen làng, quen mặt quen tính nhau nên họ rất đùm bọc thương yêu nhau. Dù có nhiều dự án được triển khai trên chính mảnh đất này, họ cũng không biết khi nào sẽ phải dời đi nhưng vẫn cố níu lấy nơi mình từng sinh ra, lớn lên. "Chúng tôi yêu nơi này lắm, hàng xóm láng giềng có gì ới nhau một tiếng là kéo tới giúp nhau liền". Một chị chừng bốn mươi tuổi nói rất hồ hởi như vậy.

Sở dĩ khung cảnh nơi đây như một vùng quê xa xôi vì suốt 26 năm qua người dân không được xây nhà, tách thửa, xây trường học, mọi cứ vẫn giữ nguyên vẻ xưa cũ, thậm chí tiêu điều, nên khi đặt chân đến, khách như có cảm giác nó sao mà xa xôi đến thế.