Nếu ở Việt Nam chào nhau bằng lời nói hoặc giơ tay hay gật đầu cùng với việc mỉm cười thân thiện hoặc xã giao thì ở một số nước khác trên thế giới, họ lại chào nhau theo nhiều kiểu khác nhau. Một số nước chào nhau theo phong tục rất kỳ lạ.
1. Tây Tạng: Thè lưỡi
Nhiều du khách khi đến đây cảm thấy ngạc nhiên vì họ chào nhau rất buồn cười. Hai người dân gặp nhau có thể mỉm cười rồi thè lưỡi. Đó không phải là họ đang trêu nhau mà là đang chào nhau một cách nghiêm túc. Phong tục này xuất phát từ một truyền thuyết về vị vua Tây Tạng sống trong thế kỷ thứ 9 là Lang Darma. Vị vua này nổi tiếng với sự tàn ác và có một cái lưỡi màu đen. Người dân Tây Tạng tin vào kiếp luân hồi và sợ rằng vị vua này sẽ tái sinh.
Vì vậy suốt nhiều năm qua, người Tây Tạng mỗi khi gặp nhau đều chào hỏi bằng cách thè lưỡi ra ngoài cốt để chứng minh rằng lưỡi của họ không đen. Và như vậy họ là người tốt, không phải hóa thân của vị vua độc ác. Ngày nay, không nhiều người Tây Tạng sử dụng cách chào này, nhưng du khách vẫn có thể bắt gặp ở những miền xa xôi, giữa những người địa phương với nhau.
2. New Zealand: Cọ mũi và trán vào nhau
Nghi thức chào hỏi truyền thống của người Maori ở New Zealand được gọi là Hongi. Người ta thực hiện Hongi bằng cách cọ vào mũi và trán của nhau, sau đó hít vào một hơi nhẹ.
Hình thức chào hỏi này được sử dụng trong các cuộc gặp mặt lớn và quan trọng, tương tự như một cái bắt tay chính thức.
Và đó như là một cách để chủ và khách hoặc hai người bạn trao đổi "hơi thở của cuộc sống". Sau nghi thức đó họ không coi nhau là người xa lạ nữa.
3. Kiểu cúi đầu chào của người Nhật
Người Nhật rất khuôn phép và khi đã gặp nhau là phải chào hỏi đàng hoàng. Cách thức của họ là cúi đầu chào nhau. Đây là kiểu chào phổ biến và mang tính chất truyền thông, hơi gập người về phía người đối diện.
Trong mỗi trường hợp lại có một quy định rõ ràng về "chuẩn" độ gập người khi cúi chào. Tùy từng mối quan hệ, nghi thức này được thực hiện đồng thời với cái bắt tay kiểu phương tây.