ĐỜI SỐNG

Người cao tuổi mắc COVID-19 có nguy cơ phát triển bệnh Alzheimer

DDVN • 18-09-2022 • Lượt xem: 226
Người cao tuổi mắc COVID-19 có nguy cơ phát triển bệnh Alzheimer

Một nghiên cứu dựa trên hồ sơ sức khỏe điện tử của hơn 6 triệu người Mỹ trên 65 tuổi cho thấy những người mắc COVID-19 có nguy cơ phát triển bệnh Alzheimer trong vòng 1 năm.

Nghiên cứu được thực hiện bởi các nhà nghiên cứu tại Trường đại học Y Case Western Reserve (Mỹ) và được công bố trên Tạp chí Bệnh Alzheimer. Theo nghiên cứu, Covid-19 không trực tiếp gây ra bệnh Alzheimer nhưng hai loại bệnh này có mối liên quan đến nhau. 

Kết quả của nghiên cứu cho thấy những bệnh nhân cao tuổi đã hồi phục sau khi mắc COVID-19 nên được theo dõi để xem liệu họ có tiếp tục có dấu hiệu mất trí nhớ, suy giảm chức năng não hay bệnh Alzheimer hay không. Nghiên cứu cho thấy cứ 1.000 người cao tuổi mắc bệnh COVID-19 thì sẽ có 7 người được chẩn đoán mắc bệnh Alzheimer trong vòng 1 năm.

Alzheimer là bệnh gây ra tình trạng mất trí nhớ, mất các chức năng nhận thức, làm ảnh hưởng nhiều đến chất lượng sống và làm việc của người bệnh. Tuy nhiên, đây không phải là sự lão hóa bình thường nên không nên nhầm lẫn Alzheimer với hiện tượng suy giảm trí nhớ thông thường ở người già.

Pamela Davis, Giáo sư nghiên cứu tại Trường Y, Đại học Case Western Reserve (Mỹ) cho biết: "Chúng tôi biết rằng COVID-19 có thể ảnh hưởng đến não bộ nhưng việc chúng có thể là yếu tố phát triển bệnh Alzheimer thì chưa được nghiên cứu kỹ lưỡng". 

Nghiên cứu cho thấy cứ 1.000 người lớn tuổi mắc bệnh COVID-19 thì sẽ có 7 người được chẩn đoán mắc bệnh Alzheimer trong vòng một năm - Ảnh: Internet

Gabriel de Erausquin, Giám đốc Phòng thí nghiệm Phát triển, điều chế và sửa chữa não bộ tại Đại học Texas Health San Antonio (Mỹ), người không tham gia vào nghiên cứu, cho biết nghiên cứu mới này rất quan trọng và hữu ích, song còn có giới hạn.

Ông Gabriel cho biết các bác sĩ đôi khi chẩn đoán bệnh Alzheimer dựa trên những thay đổi trong hành vi hoặc phản ứng với bài kiểm tra trí nhớ. Điều này được coi là ít chính xác hơn so với các xét nghiệm hình ảnh hoặc dịch tủy sống để đo hai loại protein, beta-amyloid và tau phosphoryl hóa, tích tụ bất thường trong não của những người mắc bệnh Alzheimer. Quét não để tìm kiếm những thay đổi về cấu trúc, chẳng hạn như sự thu nhỏ của một số vùng nhất định cho kết quả chính xác hơn. 

"Bạn có thể thấy những người trông rất giống bị bệnh Alzheimer, nhưng họ không bị bệnh. Những người bị bệnh này lâu có nguy cơ được chẩn đoán mắc bệnh Alzheimer", ông Gabriel nói thêm.

Trong bài báo của mình, các nhà nghiên cứu của Case Western Reserve thừa nhận rằng nghiên cứu bị hạn chế bởi khả năng chẩn đoán không chính xác bệnh Alzheimer. Tuy nhiên, bà Davis cho biết không có khả năng các bác sĩ nhầm lẫn chứng Covid-19 kéo dài với bệnh Alzheimer.

"Việc chẩn đoán ai đó mắc bệnh Alzheimer khác với chứng sương mù não và COVID-19 kéo dài. Khi bác sĩ chẩn đoán bệnh Alzheimer, điều đó thể hiện sự suy giảm nhận thức đáng kể ở bệnh nhân", bà Davis nói. 

Nghiên cứu trên đã sử dụng cơ sở dữ liệu của các bệnh nhân từ gần 70 trung tâm chăm sóc sức khỏe trên khắp nước Mỹ. Các nhà khoa học tập trung vào những bệnh nhân trên 65 tuổi đã đến khám bệnh trong khoảng thời gian 15 tháng từ ngày 2.2.2020 đến ngày 30.5.2021 và chia họ thành hai nhóm: những người đã mắc COVID-19 và những người không mắc COVID-19. 

Một nghiên cứu trước đó đã kiểm tra hồ sơ sức khỏe điện tử của gần 62 triệu người Mỹ trên 18 tuổi và phát hiện ra rằng những bệnh nhân bị sa sút trí tuệ có nguy cơ mắc COVID-19 cao hơn đáng kể so với những bệnh nhân không bị sa sút trí tuệ.

Thomas Wisniewski, Giám đốc Trung tâm Bệnh Alzheimer NYU Langone (Mỹ), đã nêu ra khả năng một số bệnh nhân có thể đang phát triển bệnh Alzheimer khi họ mắc COVID-19.

Ông cho biết các nhà khoa học cần xem xét liệu các dấu ấn sinh học của bệnh Alzheimer xuất hiện ở bệnh nhân COVID-19 "có tăng lên theo thời gian và chúng có dẫn đến bệnh nhanh hơn không?".

Các nhà khoa học tại Trường đại học Y sĩ và bác sĩ phẫu thuật Vagelos thuộc Đại học Columbia (Mỹ) đã nghiên cứu não của một số lượng nhỏ bệnh nhân COVID-19 đã qua đời và phát hiện ra họ có các thụ thể khiếm khuyết được coi là dấu hiệu của bệnh Alzheimer.

Một nghiên cứu khác đã xem xét huyết thanh trong máu của những bệnh nhân COVID-19 nhập viện không có tiền sử sa sút trí tuệ và họ đã phát triển các dấu hiệu của bệnh thoái hóa thần kinh ở mức độ tương đương với các dấu hiệu được tìm thấy ở bệnh nhân mắc bệnh Alzheimer.

Trước đó, một nghiên cứu của Đan Mạch cũng đã chỉ ra mối liên hệ giữa COVID-19 và nguy cơ mắc các chứng rối loạn thoái hóa thần kinh. Nghiên cứu kết luận, nhiễm COVID-19 sẽ làm tăng đáng kể nguy cơ mắc bệnh Alzheimer, Parkinson hoặc đột quỵ.

Theo Đan Thùy/1thegioi.vn