Thể thao

Người Nhật và câu chuyện tàu điện ngầm

Phan Ngân • 09-02-2018 • Lượt xem: 3875
Người Nhật và câu chuyện tàu điện ngầm

Xuất hiện vào những năm 1927, qua gần 100 năm hình thành và phát triển, tàu điện ngầm giờ đây không chỉ là một phương tiện di chuyển, mà còn là một phần văn hoá của người Nhật.

Shinkansen, viên đạn tốc độ, niềm tự hào của ngành tàu điện Nhật Bản - Ảnh: Deccanherald

Vào mùa Đông năm 1927, đường tàu điện ngầm đầu tiên ở Tokyo được chính thức đưa vào hoạt động, với độ dài 2.2 km nối giữa Ueno và Asakusa. Đến thời điểm hiện tại, hệ thống tàu điện ngầm chằng chịt ở Tokyo có tất cả 278 trạm, 13 đường chạy với tổng độ dài là 304 km, phục vụ cho hơn 8.7 triệu lượt khách hàng ngày. Cố gắng đừng lạc ở Tokyo là lời khuyên cho những bạn lần đầu đi tàu điện ở đây, với hệ thống chằng chịt như thế này, bạn cần tìm hiểu kỹ càng trước khi lên tàu để đảm bảo bạn không lên nhầm.

Với sự chuẩn xác tính bằng giây, chi phí rẻ và hệ thống trạm dày đặt, tàu điện ngầm nhanh chóng trở thành sự lựa chọn số 1 của người dân Tokyo để giải quyết vấn đề ách tắt giao thông trong giờ cao điểm.  Đó cũng là thời điểm Nhật Bản xuất hiện nghề Oshiya - những người sắp xếp ‘trật tự’ trên tàu, hay dễ hiểu hơn, đó là những người ‘nhồi nhét’ những hành khách cuối cùng lên chuyến tàu chật cứng.

Một khung cảnh hay có trong các bộ phim Nhật Bản, và đây cũng là một thực tế thật đến khó tin - Ảnh: Alamy Stock

May thay, ở thời điểm hiện tại cửa của tàu điện ngầm đã được tự động hoá, nên nghề Oshiya cũng vì thế mà thất sủng. Nhưng những dòng người chật ních xuôi ngược trong các trạm tàu điện ngầm thì vẫn còn. Hệ thống tàu dưới lòng đất Tokyo được ví như một tổ kiến khổng lồ, với đàn đàn lớp lớp kiến con di chuyển ngày đêm bên trong.

Một mảnh trong bộ ảnh “Sức nén của Tokyo” thực hiện bởi Michael Wolf năm 2012 về ‘sức ép’ của những chuyến tàu điện ngầm - Ảnh: Michael Wolf

Cũng như một xã hội quy tắc và trật tự của Nhật Bản, tàu điện ngầm cũng có những quy luật riêng của nó, dù có hay không được in ra và dán lên bảng thông báo. Những khu vực công cộng trong ga tàu, tay vịn cầu thang hay sàn nhà được dọn dẹp và lau chùi 3 lần 1 ngày. Có rất ít thùng rác công cộng nhưng bạn sẽ không thể tìm được một cọng rác nào ở đó. Và Nhật có lẽ là quốc gia duy nhất bạn có thể nghe “Xin lỗi, tôi không thể nói chuyện điện thoại lúc này, tôi đang ở trên tàu điện ngầm”.

Một không gian im lặng như tờ là những gì bạn ‘được’ trải nghiệm bên trong những chuyến tàu ở Nhật, dù biết hay không việc phá vỡ sự im lặng này cũng sẽ khiến nhiều ánh mắt đổ dồn về phía bạn - Ảnh: Twitter

Dù cảm thấy ngưỡng mộ hay kì lạ, văn hoá tàu điện ngầm của Nhật vẫn phản ánh những tính cách đặc trưng rất riêng của quốc gia này. Và nếu có cơ hội đi Nhật, đừng bỏ lỡ cơ hội trải nghiệm này nhé.