Thể thao

Người nữ trong ca khúc của nhạc sĩ Trần Tiến

Thoại Vy • 19-03-2018 • Lượt xem: 729
Người nữ trong ca khúc của nhạc sĩ Trần Tiến

Có những nhạc sĩ mà tên tuổi của học đã là bảo chứng cho nhạc phẩm. Có những bài ca mà khi hợp âm đầu tiên vừa ngân rung, rồi ca từ cùng theo nhau xuất hiện là đã chạm được vào sợi tơ lòng rung cảm sâu xa của người nghe. “Mẹ tôi” của Trần Tiến là một ca khúc tên tuổi như thế. Tôi không hổ thẹn khi thú nhận rằng mình đã ứa nước mắt, không chỉ một lần, khi nghe bài hát này từ một giọng ca “cây nhà lá vườn”. Không kĩ thuật điêu luyện như ca sĩ, giọng hát ấy thoảng nhẹ chân phương và mộc mạc, lập tức đi vào lòng người. Sau đó, người viết lần lượt nghe các giọng ca thời thượng như Tùng Dương, Trần Thu Hà, Đồng Lan xử lí bài hát một cách truyền cảm và chuyên nghiệp. Nhưng ấn tượng ban đầu khi nghe một giọng hát tay ngang cất lên những lời thủ thỉ về mẹ thì chẳng phai nhòa. Hóa ra, bản thân bài hát đã tài hoa lắm rồi ! Chất tài hoa vừa uyên thâm vừa bình dị như lời thú nhận tự thân đời thường “Mẹ ơi con đã già rồi con ngồi nhớ mẹ khóc như trẻ con/ Mẹ ơi con đã già rồi con ngồi ngơ ngẩn nhớ ngôi nhà xưa”. Tâm trạng lẩn thẩn ngơ ngẩn rất thường của một người ngoái nhìn ngày xưa và thấy mình chầm chậm tiến vào tuổi già. Cung mi thứ (Em) láy lại ở hai câu mở đầu không chỉ là hồi ức về mái nhà xưa với hình ảnh mẹ hiền “ngồi đan áo” mùa đông, “đắp cho con tấm khăn quàng cổ” mà còn đâu đây hơi ấm tình thương của mẹ giúp con vượt qua những mùa đông giá lạnh của đời người. Hình ảnh mẹ với ánh nhìn xa vắng cảm thông vì “thương cha chí lớn không thành” như một ám gợi dai dẳng. Thà rằng người cha ấy quyết liệt như người đàn ông trong lời thơ “Tống biệt hành” (Thâm Tâm) thì đã đành một lẽ:

Chí nhớn chưa về bàn tay không 
Thì không bao giờ nói trở lại! 
Ba năm mẹ già cũng đừng mong!

Bên cạnh người mẹ nhẫn nại, bao dung là hình ảnh người cha lực bất tòng tâm, ủ rủ nằm trên giường và lặng lẽ “ngồi uống rượu” nhìn ra ngoài hiên, nơi có cây bàng xơ xác trụi lá như hy vọng lụi tàn. Tuy vậy, sự thăng hoa cảm xúc của bài hát lại nằm ở điệp khúc. Hợp âm đô trưởng (C), la thứ (Am), mi thứ (Em) quyện với lòng con nhớ thương mẹ òa vỡ như sóng tràn bờ, gào thét qua ghềnh bãi, làm tan vỡ cả trăng sao vũ trụ “Biển sóng thét gào một ngày nhớ mẹ sóng trào khơi xa/… một ngày khóc mẹ trăng tàn sao rơi”. Người mẹ trong bài hát có lẽ đã không còn trong cõi người ta. Nhưng có hề gì đâu ! Bởi mẹ vẫn hiện diện khắp nơi trong ngôi nhà kí ức thơ bé của con. Mẹ hằng có mặt trong những câu ca dao cổ xưa mẹ, trong lời chị “hát vu vơ” như chiếc nôi đưa con vào giấc mộng mị êm đềm.

Tuy thế, chất men ngọt lành mà cay đắng như hơi rượu chưng cất lâu năm chỉ thực sự lan tỏa ở những ca từ và giai điệu sau cùng của bài hát: “Mẹ ơi thế giới mênh mông, mênh mông không bằng nhà mình/ Dù cho phú quý vinh quang, vinh quang không bằng có mẹ”. Không phải ngẫu nhiên mà tác giả để lời thú nhận chân thành, cảm động nhường ấy dịu dàng cất lên ở cung la thứ (Am), chìm vào cung si bảy (B7) với những thanh âm huyền hoặc vọng lại từ cõi không lời “Mênh mông/ êm êm/ vinh quang”.

Nhân gian rộng lớn thật ! Thế giới bao la thật ! Mà không mênh mông bằng mái nhà có mẹ. Mà chẳng chất ngất bằng tình mẹ cao vời hơn trăng sao, bao dung như biển rộng. Về với mẹ, ta bỗng chốc hóa thành trẻ con, dẫu có già đi theo năm tháng “Tuổi thơ như chiếc gối êm, êm cho tuổi già úp mặt”. Đọng lại cuối bài hát là hình ảnh “mây trắng” cùng ta tiễn đưa mẹ về “núi thiên thai” an giấc ngàn thu, như lá cỏ cứa xót lòng người.

(Còn tiếp)

Tag: