GIẢI TRÍ

Những chiếc lồng đèn dẫn lối tôi về miền ký ức tuổi thơ

Quỳnh Như • 01-10-2020 • Lượt xem: 3994
Những chiếc lồng đèn dẫn lối tôi về miền ký ức tuổi thơ

Tụi nhỏ giờ sướng lắm lồng đèn đủ loại mẫu mã từ hình dáng đến màu sắc,… xài bằng pin chứ không như mình hồi đấy có cái lon sữa bò, tiết kiệm lắm mới mua được cây đèn cầy, còn phải làm cả buổi tối mới có cái chơi”… thế đấy với người lớn ai cũng nghĩ những đứa trẻ từ đời cuối 9X đã bắt đầu “sướng”.

Là một trong những đứa trẻ sinh ra trong thời hội nhập, chiếc lồng đèn “sơ khai” trong tôi có lẽ được làm bằng các loại giấy màu có in các loại hoa văn bắt mắt như lồng đèn xếp bằng giấy nhún hình trụ, có bìa ở hai đầu để cố định hay tỉ mỉ, cao cấp hơn là kiểu 3D hình mặt trời, ông trăng, con vật, nhân vật phim hoạt hình. Mà có sung sướng gì cho cam hở tí là cháy, khóc cả đêm. Có năm “rút kinh nghiệm” cố được học thật giỏi để xin ba mẹ mua thêm cho vài con "Marsupilami" hay "Doremon” thì trong xóm lại nổi lên trào lưu “đốt lồng đèn”. Rồi cũng chạy về nhà khóc tức tưởi “méc” đứa này đốt của con, đứa kia cười con, anh hàng xóm đối diện nhà nghe thấy tội quá mới làm cho cái lồng đèn “siêu cấp nhanh” mà cũng “siêu cấp ngầu” thời “ông bà anh” xách đi khắp xóm cho tụi nhỏ cùng xóm được một dịp “lé mắt”.


Những chiếc đèn lồng giấy có họa tiết là nhân vật hoạt hình từng là sở thích của tôi và rất nhiều đứa trẻ khác.

Sau mùa trung thu “siêu cấp ngầu” năm đó thì thoát cái mùa trăng tròn tiếp theo lại đến với sự xuất hiện của một em mới toanh dẫn đầu trào lưu mới. Lồng đèn có cơ chế hoạt động bằng pin được làm hoàn toàn bằng nhựa theo chủ đề của các nhân vật trong phim hoạt hình, hay còn gọi là lồng đèn điện tử. 

Nếu như lồng đèn giấy dễ cháy, ánh sáng chỉ một màu ngà vàng được chiếu từ ngọn đèn mờ ảo, tay cầm lỏng lẻo thì loại mới đã được cải tiến: tay cầm chắc chắn, nhiều màu có cả đèn chớp tắt, điểm đặc biệt là phần biết “hát”. Từ những lúc đầu chỉ là những tiếng í óe đơn giản nhưng theo mỗi năm nhà sản xuất không ngừng cập nhật “nhạc chủ đề” cho hợp thời, hợp mốt. Đơn giản thế ấy, nhưng với tôi năm đó – một đứa trẻ có được chiếc lồng đèn điện tử đã oách nhất xóm.


Lồng đèn điện tử chạy bằng pin, sáng hơn và có nhạc điệu vui tai

Nhưng câu chuyện về chiếc lồng đèn đêm trăng tròn trong tôi vào những năm kế tiếp đã không còn nao nức. Có lẽ vì thiếu “tiếng khóc”, “tiếng gào thét”, “tiếng cười đùa”,... mà nguyên nhân chính vẫn là thiếu “trò chơi” đốt lồng đèn của tụi con trai nghịch ngợm trong xóm. Xen vào đó là những âm thanh điện tử nghe hoài cũng chán. Thế là “Tết Trung thu” trong tôi nhạt dần, ai lại về nhà nấy mỗi năm một sớm hơn, rồi dần dần cũng không còn đêm rước đèn cùng nhau nữa.

“Nhờ” vậy mà những mùa Trung thu tới của chị em tôi luôn xoay quanh câu chuyện “hồi đấy” của mẹ … “hồi bằng mấy đứa Trung thu của mẹ…”. Trong hồi ức của mẹ, những chiếc lồng đèn được miêu tả và đi sâu vào ký ức của tôi. Đó là đèn quả trám, là lồng đèn làm bằng lon bia, lon nước ngọt bây giờ. Mà hồi đấy làm gì có lon bia lon nước ngọt, toàn lén xé vở lấy giấy xếp. Những cuốn tập đã và chưa được học trở thành “ nạn nhân” tội nghiệp thứ nhất và “nạn nhân thứ 2” đương nhiên là mẹ tôi nếu bị phát hiện.


Lồng đèn quả trám cũng gắn liều với tuổi thơi của bao người.

Ai trong chúng ta chắc cũng đã biết chiếc lồng đèn ông sao 5 cánh. Theo mẹ tôi nói đây là cái đèn lung linh nhất và cầu kì nhất thời đó. Tre phải tự chặt, tự chuốc rồi xếp thành hình ngôi sao buộc chắc lại bằng dây mây sau đó bộc lại bằng giấy kính cái loại giấy bóng kính bình thường thôi không có “xịn” như bây giờ vẽ hoa văn, rồi có thêm dây kim tuyến các kiểu.


Lồng đèn ngôi sao 5 cánh 

Hồi đó mẹ chơi hai loại đó thôi sau này mới biết đến đèn ông Sư, đèn kéo quân, đèn ống bơ, mãi xa lắm mới có đèn flim cũ mà chơi. Nghe mẹ kể mà thấy thòm thèm hẳn về đêm Trung thu. Hiện đại như bây giờ, còn mấy nhà để con mình làm đèn chơi dịp phá cổ vừa dễ bị thương, vừa bầy bừa lại không có thời gian. Lồng đèn hiện đại đẹp thì có nhưng chẳng còn mang mục đích để chiếu sáng cùng ánh trăng trong đêm trăng rằm nữa, cũng chẳng còn cái niềm vui khi tự tạo lên một thứ gì lung linh nữa. Giờ đây cách duy nhất được “sống trong thời của mẹ” là tìm hiểu, liên tưởng để trí tưởng tượng bay xa vượt không gian và thời gian.

Chiếc lồng đèn thú vị đối với tôi qua lời kể của mẹ là đèn cù (đèn ông sư), với chiếc trục ở giữa quay nhanh như cái cù, chao đèn hình mũ dùng giấy màu kính bộc lại để trang trí. Ở giữa trung tâm “mũ” chính là nơi dùng để đốt đèn.


Chắc ít bạn trẻ biết chiếc đèn cù độc đáo này

Rồi đến lồng đèn kéo quân được làm bằng giấy và tre. Bên trong chiếc đèn đặt biệt này có những hình ảnh dân gian thân thuộc được gắn lên khi đốt đèn bóng của nó sẽ in lên mặt ngoài của đèn, xoay quanh vòng tròn liên tục, nhìn như một đoàn quân đang di chuyển dài vô tận.


Lồng đèn kéo quân

Không thể không nhắc đến chính là chiếc lồng đèn xe lon (đèn ống bơ), đây là một trong những loại đèn ít ỏi từ thời mẹ mà còn được ưu ái tồn tại đến thời bây giờ. Được làm bằng lon bia, lon nước ngọt hay lon sữa bò xếp chồng lên nhau, có một tay kéo dài để cố định các lon.


Lồng đèn được làm từ lon sữa

Những chiếc lồng đèn dân gian tự làm có thể “khổ” về mặt vật chất hay không may có thể để lại một vài chiếc “huân chương” nhỏ trên tay nếu không cẩn thận nhưng nhìn chung “sướng” về mặt tinh thần khi thấy thành phẩm sáng lấp lánh trong đêm trung thu. Tự tay mình làm, dựa vào cái mình biết, sáng tạo bằng việc đục lỗ tạo hình xung quanh để tạo ra “tác phẩm” cho riêng mình.

“Tết thiếu nhi” - lồng đèn luôn là cái cớ để ta gợi nhớ về tuổi thơ. Có lẽ khi kể lại, mẹ cũng đang nhớ về hồi ức của bản thân, lúc vui đùa bên cậu và dì, là những ngày thu mấy chị em cùng nhau háo hức chuẩn bị cho đêm trăng tròn. Còn với tôi tuy sống trong “Tết” hiện đại, vậy mà khi nhớ về đêm trăng tròn, tôi lại cảm thiếu vắng hương vị của đêm Trung thu đúng nghĩa xưa. Tuy nhiên, trong tôi vẫn còn nhớ mãi cái cảm giác thích thú khi lần đầu tiên có được chiếc lồng đèn. Những ký ức và kỷ niệm của tuổi thơ vẫn ùa về khi chạy trên đường, thấy các bạn nhỏ cầm trên tay chiếc lồng đèn điện tử, tôi lại thấy được chính mình trong nụ cười hồn nhiên đó. Từ đó, tôi nghiệm ra rằng, những mảng ký ức về tuổi thơ với mỗi con người dù sống trong thời nào đều có điểm để gợi nhớ riêng, để cảm nhận “Tết” theo cách của riêng mình.