Nữ Đại Úy người Tày với ước mơ nâng tầm thổ cẩm dân tộc

 
 
 

Nằm trong một con phố nhỏ thuộc TP Yên Bái, dù là giữa trưa nắng nóng, ngôi nhà nhỏ không biển hiệu vẫn nhịp nhàng người ra vào. Người ra đón tôi là Phương chủ nhân của thương hiệu áo dài Linh Phương, người tiên phong kết hợp hoạ tiết thổ cẩm với trang phục áo dài ở một tỉnh miền núi. Dù không quảng cáo nhiều, những sản phẩm của cô luôn được khách hàng trong, ngoài tỉnh yêu thích và để lại ấn tượng sâu sắc với khách du lịch nước ngoài đến Yên Bái.

 
 
 
 
 
 
 
 

Linh Phương không xuất thân từ gia đình có truyền thống may mặc, cô cũng không được đào tạo bài bản về thiết kế thời trang. Điều duy nhất Phương có là tình yêu với bản sắc dân tộc, là niềm đam mê với những họa tiết thổ Cẩm của người Tày, Thái, Mông, Dao.

Mặc dù từ nhỏ đã say mê nghệ thuật nhưng cô vẫn quyết định nối nghiệp cha. Năm 2006, cô thi vào Học viện An ninh nhân dân và gắn bó với ngành từ đó đến nay. Những năm phấn đấu, rèn luyện trong môi trường quân sự không làm giảm bớt nỗi nhớ, niềm đam mê thuở nhỏ của Phương đối với thời trang và thổ cẩm.

 
 

Phương nói “mình nghĩ, mình rất may mắn vì được làm cả hai việc mình yêu thích, chính sự mạnh mẽ, quyết đoán của người lính giúp mình có cái gan để vượt qua những khó khăn trong cuộc sống cũng như những lúc điêu đứng vì áo dài”

Phương tham gia biểu diễn và là biên đạo của nhiều cuộc thi, hội diễn cấp Tỉnh, cấp Bộ và đạt được nhiều giải thưởng. Bên cạnh đó cô từng làm phát thanh viên của chuyên mục An ninh Yên Bái của đài truyền hình Yên Bái. Trong nhiều năm qua, Phương đã lên ý tưởng và tích lũy được nhiều bộ áo dài để rồi xây dựng được thương hiệu “Áo dài Linh Phương” như bây giờ.

Linh Phương trong bộ lễ phục khi dẫn chương trình An ninh Yên Bái
 
 
 
 
 
 

Vậy thời gian đâu để có thể chu toàn được cả 2 công việc và quán xuyến việc nhà, Phương cười: “Mình thích sự bận rộn, đặc biệt là với những việc mình đam mê. Có ông xã đã hỗ trợ chăm sóc gia đình nên mình mới có thể dành nhiều thời gian tập trung cho công việc”

Phương phải phân chia thời gian để vừa học thêm thiết kế, vừa hiểu về chất liệu, mày mò về cách phối màu… để có thể cho ra đời những bộ áo dài thổ cẩm hoàn thiện như hôm nay.

Ngay từ những buổi đầu, Phương đã đặt trọn tâm trí cho mỗi một chiếc áo dài, cô đầu kỹ lưỡng từ việc chọn chất liệu thích hợp theo mùa, độ dài, rộng của tà áo sao cho tôn lên chiều cao của người mặc, đến sự kết hợp màu sắc giữa áo và quần cũng được cô nghiên cứu, thử nghiệm nhiều lần.

 
 
 

Một thời gian sau, đơn hàng ngày càng nhiều, công việc tại cơ quan cũng nhiều áp lực, Phương phải thuê thêm nhiều thợ. Kể về một sự cố với nghề, Phương nhớ lại, có lần do đơn hàng quá nhiều cô bận đến mức không kiểm tra tay nghề thợ. Hậu quả là chất lượng may không đồng đều, không đảm bảo yếu tố thẩm mỹ, Phương chấp nhận bỏ cả lô hàng để làm lại cho khách.

Dù hiện tại đã có danh tiếng nhưng Phương liên tục tìm tòi, cải tiến áo dài của mình. Có thời gian, cô thức đến 2-3h sáng làm hoa lụa, đính cườm vấn đầu cho khách. Mỗi lần thợ làm sai, Phương đều chấp nhận bỏ đi làm lại từ đầu chứ nhất định không chịu dùng sản phẩm dù chỉ là một chút lỗi.

 
 
 
 
 
 
 

Là người dân tộc Tày, tuy gia đình đã sớm rời xa bản làng, nhưng ngay từ nhỏ Phương luôn được ông bà, bố mẹ cho tiếp cận với những nét văn hóa đặc trưng của dân tộc mình. Ấn tượng những chiếc gối thêu tay họa tiết thổ cẩm của mẹ, lời kể của bà đã theo cô vào giấc ngủ, để rồi khi lớn lên mỗi khi nhắc đến thổ cẩm cô thừa nhận rằng “thổ cẩm dân tộc là nỗi ám ảnh đẹp đẽ nhất đối với tôi”

 

 
 
 

Có thời điểm Phương gửi con cho bà ngoại, lặn lội vào bản, đến tận nhà của đồng bào dân tộc xem cách họ dệt vải, thêu thổ cẩm và lắng nghe câu chuyện của họ. Mỗi khi có dịp đi công tác tại các bản xa xôi, Phương tranh thủ tiếp xúc với đồng bào dân tộc để hiểu thêm về văn hoá, niềm tự hào của người dân tộc với trang phục của mình.

Là người nhạy bén với thị trường, Phương nhanh chóng nhìn thấy cơ hội mới từ nghề này tại quê nhà Yên Bái nơi có cảnh sắc thiên nhiên núi rừng hùng vĩ và ngày càng có nhiều khách du lịch lui tới.

Khách mặc áo dài Linh Phương bên em bé dân tộc.
 
 

Đánh trúng tâm lý muốn lưu giữ vẻ đẹp, độc đáo, nghệ thuật gắn với bản sắc riêng biệt của núi rừng. Linh Phương ngày đêm mày mò, thiết kế, thử nghiệm cho ra bộ sưu tập trang phục kết hợp với họa tiết thổ cẩm dựa trên tiêu chí chất liệu mềm, bay tà, co giãn tốt, tạo cảm giác thoải mái cho người mặc. Kết hợp phụ kiện theo phong cách hiện đại, cách tân nhưng vẫn gắn với yếu tố truyền thống, dân tộc.

Họa tiết thổ cẩm qua sự phối hợp khéo léo của Phương vừa mang đến vẻ đẹp nguyên sơ, rực rỡ của núi rừng, vừa mang tinh thần hiện đại khoe được nét đẹp gợi cảm của người phụ nữ.

Hiện nay, Phương có 5 thợ may cộng tác thường xuyên, thời điểm cao điểm như Tết số lượng thợ may có khi lên đến 10 người. Thu nhập bình quân của mỗi thợ là 7- 13 triệu đồng/tháng, tùy thời điểm. Cô cho biết “mình rất vui vì vừa được theo đuổi đam mê mang thổ cẩm dân tộc đến với nhiều người hơn, vừa tạo được việc làm cho những chị, em xung quanh”

 
 
 
 
 
 

Thổ cẩm không chỉ là một loại sản phẩm dệt giàu họa tiết, nó là bản sắc là văn hóa. Mình tin rằng thổ cẩm sẽ ngày càng phát triển và được ứng dụng rộng rãi. Với riêng mình, mình sẽ giữ gìn và trao cho con gái tình yêu thổ cẩm như một thứ bảo vật gia truyền. Con gái mình rất thích thời trang, bé chính là người mẫu là nguồn cảm hứng và động lực của mình”- Phương nói

 
 
 
 
 

Ngày nay, nghề dêt thổ cẩm vẫn được gìn giữ trong các đồng bào dân tộc. Với họ, dệt thổ cẩm không chỉ là tiêu chuẩn để các chàng trai đánh giá được sự chăm chỉ, khéo léo, là một trong những tiêu chí để lấy chồng, mà đó còn là cách để họ nhắc nhớ những câu chuyện kể có từ xa xưa, những câu chuyện gắn liền với đời sống sinh hoạt của cộng đồng, những câu chuyện được tái hiện qua những tấm thổ cẩm.

“Các sản phẩm thổ cẩm khá kén khách, chưa được sử dụng rộng rãi, bởi vậy mình sẽ cố gắng tìm tòi, học tập để cải tiến chất liệu và cách tân chúng. Mình hy vọng ngày càng nhiều người biết đến thổ cẩm, không chỉ vì nó đẹp mà còn vì câu chuyện văn hóa ẩn chứa trong tình họa tiết”.