ĐỜI SỐNG

Quan điểm đa chiều về vụ việc bác bỏ Ban đại diện cha mẹ học sinh liệu có cần thiết?

Diễm Chi • 18-09-2023 • Lượt xem: 802
Quan điểm đa chiều về vụ việc bác bỏ Ban đại diện cha mẹ học sinh liệu có cần thiết?

Cứ mỗi mùa tựu trường đến, các bậc phụ huynh phải tất bật với nhiều công việc chỉ mong muốn mang đến cho con mình những thứ tốt nhất, nào là chuẩn bị sách vở dụng cụ, đồng phục cho các con, nào là họp phụ huynh và bầu Ban đại diện cha mẹ học sinh để tiện liên lạc khi cần thiết.

Xem thêm:

5 thách thức với kinh tế Việt Nam trong 3 tháng tới

Tuy nhiên, tại TP. HCM, nhiều tranh cãi nảy lửa đã diễn ra xoay quanh vấn đề liệu có nên giữ Hội phụ huynh hay không, thậm chí có phụ huynh còn gửi văn bản lên Văn phòng Chính phủ để kiến nghị về vấn đề này.Hội phụ huynh hay Hội “phụ thu”?

Đầu năm học mới, bên cạnh những vật dụng cần phải chuẩn bị cho các con đến trường như sách vở, bút, đồng phục,... thì những khoản thu tại trường luôn là một trong những yếu tố khiến phụ huynh đau đầu.

Trong đó, một số khoản thu được đóng mác là tự nguyện do Ban đại diện cha mẹ học sinh (Hội phụ huynh) đứng lên vận động không khỏi khiến một số người méo mặt. Bên cạnh những khoản thu cần thiết, một số khoản thu là hoàn toàn không cần thiết, cụ thể, một số phụ huynh không khỏi thắc mắc, năm nào cũng đóng tiền để lắp điều hòa, máy chiếu, vậy những cái cũ đi đâu? Trong khi đó, các em học sinh lớp 5 sau khi ra trường đều để lại những trang thiết bị này, tại sao nhà trường không tận dụng để tiếp tục sử dụng tránh lãng phí mà phải đóng tiếp.

Vậy “Hội phụ huynh (HPH) hay Hội “phụ thu”? Đây là câu hỏi năm nào cũng nhận được sự chú ý và tranh luận. Một số người cũng nêu ra ý kiến nên bỏ HPH để tránh xảy ra những tình trạng lạm thu không đáng có. Thậm chí, một ông bố còn cho rằng đây là một trong những hình thức biến tướng để thực hiện “BOT học đường”, vì vậy, ông đã gửi văn bản lên Văn phòng Chính phủ để kiến nghị giải tán HPH.

Vai trò “hư không” của Ban đại diện cha mẹ học sinh

Với mục đích ban đầu của việc thành lập HPH, nhiều người cho rằng đây sẽ là nơi đại diện cho tiếng nói và ý kiến của các phụ huynh khác nhằm bảo vệ quyền lợi cho các con của mình.

Nhìn thẳng vào vấn đề, nếu phân tích một cách rõ ràng có thể nhận thấy việc có HPH hay không hoàn toàn không ảnh hưởng đến việc học của các con. Hoạt động học tập tại lớp của con và giảng dạy của giáo viên cũng sẽ diễn ra như bình thường mà không có bất kỳ sự ảnh hưởng nào. 

Cùng với sự phát triển của Internet và các trang mạng xã hội, giáo viên chủ nhiệm có thể dễ dàng liên lạc và trao đổi thông tin với gia đình học sinh. Vì vậy, HPH cũng giữ một vai trò không quá thiết yếu trong việc là “sợi dây kết nối” giữa phụ huynh - học sinh và nhà trường.

Sở dĩ, mỗi năm học mới, các vấn đề liên quan đến HPH nhận được nhiều tranh cãi và độ thảo luận cao là vì có một số trường hợp HPH không thực hiện đúng vai trò của mình xuất hiện ngày càng nhiều.

Trong đó, ở một số trường, HPH còn trở thành “cánh tay nối dài”, tiếp tay cho nhà trường thu thêm những khoản phí hoàn toàn không có trong quy định. Có thể nói, những trường hợp này cần phải được xử lý thật mạnh tay để làm gương, góp phần xóa bỏ những gánh nặng và lo toan của những bậc phụ huynh sau mỗi mùa khai trường.

Đừng vì “một con sâu làm rầu nồi canh”

Tuy nhiên, để biết được sự thật của một vấn đề, việc lắng nghe ý kiến từ hai phía là việc cần thiết. Nhiều người cho rằng sự tồn tại của HPH thực chất không quá cần thiết, có cũng được mà không có cũng không sao.

Tuy nhiên, đối với những phụ huynh đã từng nắm giữ vai trò là Ban đại diện cha mẹ học sinh thì việc này lại hoàn toàn khác. Trong công tác giảng dạy và học tập của cô trò, đúng là HPH không đóng vai trò gì, tuy nhiên, khi lớp có các hoạt động như liên hoan, sinh hoạt ngoại khóa, dã ngoại, hay lớp học cần sơn, sửa,... nếu như không có HPH đứng ra thì cô giáo kêu gọi cũng chẳng ai chịu tình nguyện.

Có 2 nhiệm kỳ đảm nhiệm HPH của con trong những năm học cấp 2 và cấp ba, một phụ huynh cũng chia sẻ về những công việc, vai trò và trách nhiệm cần có: Đối với một số hoạt động, sự kiện, việc ứng trước quỹ thường xuyên diễn ra; Tham gia, hỗ trợ quản lý và bảo ban các con mỗi buổi liên hoan, dã ngoại; Chịu khó lướt mạng, tìm hiểu những những hàng quán nào ăn ngon, rộng rãi để tổ chức các hoạt động khi có dịp,...

Trong quá trình tham gia HPH, nhiều phụ huynh không khỏi nhận được những câu hỏi đại loại như: “Có phải tham gia HPH để giáo viên cân nhắc con của mình?”; “Chắc anh/chị làm công việc tự do hay sao mà có nhiều thời gian thế?”

“Những người thường xuyên phản pháo, xuyên tạc về vai trò của HPH là những người không bao giờ chịu chia sẻ, giúp đỡ gì cho các con. Những người nhiệt huyết và có trách nhiệm sẽ thừa sức hiểu vai trò thực sự của HPH”. Đứng trước những câu hỏi gây khó dễ, một phụ huynh trả lời.

Một người khác cũng cho biết thêm, “Sở dĩ năm nào mình cũng xin rút khỏi HPH nhưng cô giáo và những phụ huynh khác chẳng chịu đồng ý. Mỗi người đều có 24 giờ và mình cũng thế, mình cũng có công việc và phải lo chăm sóc, vun vén cho gia đình, chỉ có đều, nhìn thấy các con được vui vẻ, mình sẵn sàng chia sẻ những khoảng thời gian ít ỏi của bản thân”.

Admin Nhóm Đồng hành cùng các kỳ thi học sinh giỏi tiếng Anh, người được biết đến thông qua nhiều bài viết nổi tiếng nêu quan điểm về giáo dục, anh Nguyễn Kim Phương cũng là một phụ huynh nhiều năm tham gia vào HPH.

Bàn luận về vấn đề này, anh chia sẻ, dù không nhận được bất kỳ quyền lợi nào cho mình và các con, nhưng một khi tham gia HPH, anh luôn phải có trách nhiệm bởi lẽ HPH có “ti tỉ” thứ cần làm quán xuyến mà những người ở ngoài không thể nào biết được được. 

“Từ sơn, sửa, lắp trang thiết bị, ứng quỹ, tổ chức các hoạt động đến đến hòa giải các mỗi quan hệ, sinh nhật các con tổ chức không thiếu một cháu nào, sinh nhật 50 cháu thì đủ cả 50,... Cuối mỗi kỳ nào là tổng kết, nào là liên hoan nhưng vẫn phải thống kế chi phí sao cho vừa vặn, thiếu kinh phí thì âm thầm quyên thêm “của nhà trồng được,...”

Mặc dù phải đảm nhiệm nhiều công việc với tinh thần trách nhiệm cao, nhưng với anh Phương, động lực lớn nhất để anh đảm nhiệm vai trò HPH nhiều năm liền chính là được đồng hành cùng những phụ huynh khác và các con. Trong hành trình trưởng thành của mình, chỉ mong các con luôn có những môi trường học tập và vui chơi tốt nhất.

Đối với bản thân mình, anh Phương cũng không có đòi hỏi hay tham vọng gì, bởi lẽ đối với anh, đây là một công việc mang tính chất tự nguyện, “Ở đâu tôi không biết, nhưng ở trường các con tôi, hoàn toàn không có trường hợp HPH là tiếp tay cho giáo viên chủ nhiệm và nhà trường. Có thể nói, mọi người đều là những thành phần tri thức nên ai cũng đều ý thức được mà không dễ dàng bị sai khiến hay làm tay sai cho bất kỳ ai. Nếu có, chúng tôi luôn sẵn sàng lên tiếng nếu hành vi của ai đó làm ảnh hưởng đến các con”.

Khi sự việc diễn ra, một số phụ huynh cũng đứng ra bày tỏ lòng biết ơn của mình đến hội HPH khi đã bỏ thời gian, công sức để tập hợp, kêu gọi cả lớp tham gia vào các công tác chung. Chính nhờ sự nhiệt huyết, “cái tâm ở cái tầm” mà các con được tham gia vào nhiều hoạt động trải nghiệm, khiến quá trình học tập trở nên phong phú hơn.

Bên cạnh đó, nhiều người cũng đưa ra những ý kiến khác như thay vì bác bỏ HPH thì có thể điều chỉnh cách thức hoạt động sao cho hợp lý. Có thể ở đâu đó, một số HPH vẫn luôn sử dụng cái mác này để phục vụ những mục đích riêng của bản thân.

Nhưng nói đi thì vẫn phải nói lại, không thể vì “một con sâu mà làm rầu nồi canh”, một số HPH vẫn luôn miệt mài, góp công, góp sức, đại diện cho tiếng nói của phụ huynh, hỗ trợ hết mình nhằm giúp xây dựng một môi trường học tập lành mạnh, tích cực cho những mầm non của đất nước.