ĐỜI SỐNG

Quảng Ninh với tiềm năng khu du lịch Quan Lạn – Minh Châu

Phan Hằng • 17-05-2021 • Lượt xem: 2411
Quảng Ninh với tiềm năng khu du lịch Quan Lạn – Minh Châu

Khu du lịch Quan Lạn - Minh Châu nằm trọn vẹn trên khu vực đảo Cảnh Cước, gồm hai xã Minh Châu, Quan Lạn thuộc quần đảo Vân Hải của Vân Đồn. Không quá xa bờ, không quá sóng gió để du khách ngại ngần, cũng không quá gần mà vừa đủ cho sự lắng đọng những xô bồ, bụi bặm đất liền và gần với bao la, thanh khiết đại dương…

Giàu có về tiềm năng

Giàu có cả về nguồn tài nguyên thiên nhiên cũng như các giá trị lịch sử, văn hoá, đảo Quan Lạn – Minh Châu có nhiều lợi thế để phát triển du lịch. Về các giá trị văn hoá, lịch sử phải kể đến quần thể di tích lịch sử kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia đình – chùa – miếu – nghè Quan Lạn, đã được công nhận từ năm 1990. Trong đó, cụm đình – chùa – miếu nằm ở thôn Đoài, ngay tại trung tâm xã Quan Lạn, trên mảnh đất đẹp, mặt hướng ra biển rộng lớn. Nghè nằm cách đó khoảng 1,5km, được đặt tại một cánh đồng rộng bằng phẳng yên bình quanh năm, cạnh trục đường chính xuyên đảo.

Đình làng Quan Lạn có xuất xứ từ ngôi đình cổ từng xây dựng trên mảnh đất Cái Làng, được làm chủ yếu bằng gỗ mần lái có thớ cực mịn, rắn chắc và sức chịu đựng thời gian, nước biển, mối mọt tốt hơn cả gỗ lim. Đây là một biểu tượng văn hóa, tâm linh, tín ngưỡng quan trọng trong đời sống làng xã người Việt nói chung và đối với cư dân Quan Lạn nói riêng.

Đình là nơi thờ thành hoàng làng, thờ các Đức khai sinh, khai cơ và một số vị có công xây dựng nên làng xã. Nơi đây còn thờ vua Lý Anh Tông, đời vua thứ 6 của triều đại nhà Lý, một trong những triều đại hưng thịnh nhất của Đại Việt xưa có công ra chỉ thành lập Trang Vân Đồn. Đây cũng là nơi diễn ra các ngày đại sự trong năm, là không gian tổ chức Lễ hội truyền thống Vân Đồn tôn vinh truyền thống lịch sử và những người con anh hùng có công đánh giặc ngoại xâm trên vùng đất – vùng biển này năm xưa.

Đảo Quan Lạn – Minh Châu cũng là nơi có Di tích lịch sử quốc gia Thương cảng cổ Vân Đồn, được hình thành từ năm 1149, là một trong những thương cảng biển đầu tiên của Việt Nam. Theo các tài liệu lịch sử, thương cảng Vân Đồn xưa là một hệ thống bến cảng phân bố trên nhiều hòn đảo cách biệt nhau trong vùng vịnh Bái Tử Long, trong đó trung tâm là hai bến Cái Làng và Cống Cái trên đảo Vân Hải. Hình thành dưới thời nhà Lý (thế kỷ XII), thương cảng Vân Đồn hưng thịnh suốt 5 thế kỷ tới thời Lê (thế kỷ XVII), trong đó đặc biệt thịnh vượng vào thời Trần.

Về các giá trị tự nhiên, đảo Quan Lạn – Minh Châu có hệ sinh thái ổn định, hoang sơ, môi trường không khí trong lành, đặc biệt có nhiều bãi cát rất đẹp. Trong đó, bãi biển Sơn Hào là bãi tắm du lịch, nằm trong quy hoạch phát triển du lịch huyện Vân Đồn đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, với định hướng phát triển đảo thành trung tâm du lịch nghỉ dưỡng biển chất lượng cao.

Nơi đây với dải cát trắng mịn, nước biển trong xanh, những rặng phi lao cao vút tự nhiên và hoang sơ là điểm đến hấp dẫn du khách thập phương. Từ tiềm năng này, những năm qua, Công ty Viglacera Vân Hải đã tổ chức các dịch vụ nghỉ dưỡng biển, ăn uống, lưu trú và vui chơi giải trí khác… Ngoài ra còn có các hoạt động du lịch cộng đồng trải nghiệm như: Trồng rau, đánh bắt thủy hải sản… tìm hiểu văn hóa biển đảo đặc sắc vùng Đông Bắc.

Kể đến đảo Quan Lạn – Minh Châu còn phải kể đến rừng Trâm, bãi tắm Minh Châu là tổng thể không gian với đặc trưng quần thể rừng trâm hàng trăm năm tuổi, có diện tích trên 14ha chạy dọc bên cồn cát trắng cạnh bãi tắm Minh Châu. Bãi biển Minh Châu trải dài khoảng 2km, có bờ thoải, bãi cát trắng mịn và sạch, sóng nhỏ phù hợp cho việc tổ chức các hoạt động thể thao như bóng đá, bóng chuyền, kéo co hay trượt cát…

Quan tâm đầu tư cho du lịch

Với sự quan tâm đầu tư cho các tuyến đảo, đường giao thông đến với Minh Châu – Quan Lạn giờ đây khá thuận lợi. Việc kết nối với đảo đều bằng đường thuỷ. Trên đảo hiện nay có 3 bến thuyền du lịch: Bến tàu khách Minh Châu, bến tàu khách Quan Lạn và bến tàu khách Tân Lập thuộc xã Quan Lạn.

Đường bộ trên đảo là đường liên xã trải nhựa mới được nâng cấp rộng 9m, rất thuận lợi cho các phương tiện trên đảo lưu thông đưa đón khách. Cùng với đó là sự đầu tư cho điểm đỗ xe, khu vệ sinh công cộng, hệ thống cấp thoát nước, thông tin liên lạc…

Nằm trong hệ thống tuyến đảo nhưng giờ đây, Quan Lạn – Minh Châu có kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật, dịch vụ chất lượng khá cao, đồng bộ, đáp ứng nhu cầu lưu trú, ăn uống và các nhu cầu khác của du khách. Hiện trên đảo có khoảng 100 cơ sở kinh doanh lưu trú, với trên 1.300 phòng nghỉ, trong đó khoảng 2/3 cơ sở tập trung tại bãi biển Vân Hải, trung tâm xã Quan Lạn và số còn lại là tại xã Minh Châu. Bên cạnh đó, dịch vụ homestay cũng thu hút được lượng du khách nhất định vào mùa hè.

Việc phát triển du lịch trên đảo những năm gần đây chủ yếu dựa trên lợi thế những bãi biển đẹp vẫn còn nguyên sơ, loại hình du lịch được khai thác phổ biến là du lịch tắm biển, nghỉ dưỡng. Du khách có thể tham gia các hoạt động vui chơi, tắm biển tại các bãi biển Sơn Hào, bãi VIP của xã Quan Lạn, các bãi Chương Nẹp, Nhẵng Rìa, Minh Châu… Tham gia các hoạt động tham quan, khám phá các điểm du lịch tự nhiên như hệ sinh thái rừng trâm, bãi rùa đẻ trứng và tìm hiểu giá trị du lịch nhân văn đặc sắc tại đình Quan Lạn, đền thờ Trần Khánh Dư và lễ hội diễn ra tại đây.

Những năm gần đây, Minh Châu – Quan Lạn ngày càng cho thấy sức hút lớn hơn với lượng du khách ra thăm đảo ngày càng tăng lên. Du lịch đã bước đầu mang lại lợi ích xã hội cho người dân địa phương, tạo cơ hội việc làm tại các khu resort, cơ sở kinh doanh lưu trú và ăn uống với các công việc cụ thể, như: Quản lý nhà nghỉ, khách sạn, chạy xe đưa đón khách du lịch, mở quán ăn, làm hướng dẫn viên, bán hải sản, cho thuê xe máy, xe đạp… Từ đó, đời sống người dân trên đảo dần từng bước được cải thiện một cách rõ rệt. Du lịch cũng đã góp phần chuyển đổi từng bước cơ cấu kinh tế nơi đây từ nông nghiệp với đánh bắt thủy hải sản là chủ yếu sang dịch vụ du lịch.

Để nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch trên đảo, các ngành, địa phương gần đây đã chú trọng việc bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch. Việc tuyên truyền, quảng bá về du lịch địa phương, về Bộ quy tắc ứng xử trong hoạt động du lịch được tiến hành rộng rãi với nhiều hình thức phong phú...

Việc bảo vệ tài nguyên du lịch, vệ sinh môi trường tại các điểm du lịch trên đảo từng bước được chú trọng. Tại điểm du lịch xã Quan Lạn, huyện đã chỉ đạo thành lập được 3 tổ vệ sinh môi trường, thu gom rác thải tại bãi tắm. Tiến hành xây dựng một lò đốt rác tại Quan Lạn – Minh Châu và đã đưa vào hoạt động; bố trí 80 thùng rác lắp đặt tại khu vực bãi tắm và trung tâm xã, 30 xe đẩy thu gom rác về nơi tập kết rác trước khi được đưa đến lò đốt rác; xây dựng nhà tắm tráng, nhà vệ sinh công cộng tại bãi tắm...

Giờ đây, khu du lịch Quan Lạn – Minh Châu đã được công nhận là Khu du lịch cấp tỉnh, mở ra nhiều triển vọng lớn để phát triển du lịch nơi đây. Theo Quyết định số 2717/QĐ-UBND ngày 22/8/2016 của UBND tỉnh về việc phê duyệt Quy hoạch phân khu chức năng tỷ lệ 1/2000 Khu vực đảo Minh Châu – Quan Lạn, Khu kinh tế Vân Đồn, được quy hoạch thành nhiều phân khu khác nhau.

Trong đó có thể kể đến như: Khu đô thị du lịch dịch vụ Quan Lạn, Khu công viên chuyên đề và Quảng trường lễ hội biển tại thôn Đông Nam, xã Quan Lạn, Khu tiểu thủ công nghiệp và vận chuyển khách du lịch tại thôn Thái Hòa, Khu du lịch sinh thái biển phía Đông Nam trung tâm Quan Lạn, Khu du lịch dịch vụ và bảo tồn rừng tự nhiên, Khu du lịch sinh thái biển chất lượng cao thuộc xã Quan Lạn và xã Minh Châu, Công viên du lịch sinh thái ngập mặn, Khu công viên rừng tự nhiên, Khu dân cư dịch vụ du lịch Minh Châu, Khu sinh thái rừng tự nhiên ở phía Bắc đảo Minh Châu - Quan Lạn...

Khi các phân khu này được hiện thực hoá sẽ biến đảo Minh Châu – Quan Lạn trở thành một khu du lịch biển có nhiều loại hình du lịch đa dạng, hấp dẫn du khách từ việc khai thác tốt, tối đa các tiềm năng, lợi thế đặc trưng cho du lịch của hòn đảo xinh đẹp này.

Theo báo Quảng Ninh