ĐỜI SỐNG

Sử dụng nấm đúng cách để tránh độc và bảo vệ sức khỏe

Cẩm Chi • 02-03-2023 • Lượt xem: 664
Sử dụng nấm đúng cách để tránh độc và bảo vệ sức khỏe

Nấm chứa nhiều dưỡng chất tốt cho sức khỏe, tăng sức đề kháng, ngăn ngừa nhiều bệnh mãn tính. Thế nhưng cách chọn lựa, chế biến, bảo quản sai lầm khiến cơ thể hạn chế hấp thu dinh dưỡng và gây ra tình trạng ngộ độc, nguy hại tới tính mạng.

Ngôi nhà dinh dưỡng từ thiên nhiên

Nấm từ lâu đã được coi là loại rau sạch, thịt sạch thực vật có giá trị dinh dưỡng cao, được dùng trong nhiều các món ăn, từ những quán bình dân tới các nhà hàng sang trọng. Trong nấm chứa tới gần 60 nguyên tố khoáng, hàm lượng protein gấp 3-4 lần các loại rau khác. Nấm chứa nhiều vitamin nhóm B (B3, B5, B2), là nguồn bổ sung hoàn hảo protein, chất xơ, kali, canxi, đồng, sắt... Chất ergosterol trong nấm khi gặp ánh nắng mặt trời sẽ chuyển hóa tia cực tím thành vitamin D2 giúp cơ thể phòng và chữa bệnh còi xương rất hiệu quả.

Nấm là thức ăn cực kỳ lý tưởng cho những người khỏe và cả người bệnh. Với đặc tính kháng khuẩn, nấm giúp giảm nồng độ cholesterol trong máu, ức chế sự sinh trưởng của các loại virus, ngăn chặn quá trình hình thành, phát triển tế bào ung thư trong cơ thể và giảm phóng xạ…Ăn nấm giúp tăng cường sức đề kháng, hỗ trợ chống lão hóa, điều hòa huyết áp, giảm tiểu đường, ngừa sỏi mật, sỏi tiết niệu, hỗ trợ hệ thống miễn dịch và tiêu hóa, tốt cho người thiếu máu… Ngoài ra, những ai theo chế độ ăn giảm cân hay ăn chay thường chọn nấm vì chúng không cung cấp quá nhiều năng lượng nhưng vẫn đảm bảo hàm lượng chất dinh dưỡng cần thiết.

Nấm chế biến được nhiều món ăn, và phù hợp với nhiều đối tượng, nhất là với người ăn chay

Trong tự nhiên có hơn 100 loại nấm là có thể chế biến ăn được và các loại nấm dược có thể chế biến thành thuốc. Trong đó, bạn có thể chọn gần 40 loại nấm dùng trong nấu ăn khá thông dụng như nấm hương (nấm đông cô), nấm mèo (mộc nhĩ), nấm rơm, nấm kim châm, nấm bào ngư, nấm đùi gà, nấm mối, nấm mỡ, nấm tuyết; hay chữa bệnh như nấm linh chi, nấm lim xanh…

Cảnh báo ngộ độc nấm

Bên cạnh các loại nấm ăn được, thì tự nhiên có khoảng 70-80 loại nấm độc. Đa số nấm độc chỉ gây tình trạng ngộ độc nhẹ nếu ăn phải. Tuy nhiên cần cảnh giác với khoảng 10 loại nấm cực độc, có thể dẫn đến tử vong như: nấm độc tán trắng, nấm độc trắng hình nón, nấm mũ khía nâu xám, nấm ô tán trắng phiến xanh, nấm bàn tay (nấm san hô lửa độc), nấm tán bay, nấm mũ đầu lâu mùa thu, nấm Webcam, nấm thiên thần hủy diệt, nấm Deadly Dapperling…

Một số loại nấm có màu sắc rực rỡ bắt mắt là nơi chứa độc dược cực nguy hiểm cho con người

Hầu hết chúng ta bị ngộ độc nấm là do nhầm lẫn (hái ngoài vườn, đi rừng) hoặc tò mò muốn thử. Ngoài ra, còn do việc ăn nấm hư hỏng biến chất trong trong quá trình bảo quản (để quá lâu) hay do kết hợp nấm với rượu cũng làm gia tăng nguy cơ ngộ độc…

Khi ăn nấm không rõ nguồn gốc và xuất hiện một số triệu chứng như nôn, chuột rút và tiêu chảy nhiều, toàn thân mệt mỏi trong vòng 4 giờ-12 giờ thì rất có thể bạn đã bị ngộ độc nấm. Trong 1-2 ngày sau xuất hiện các biểu hiện vàng mắt, vàng da, chán ăn, đầy bụng… là triệu chứng gan đã bị nhiễm độc, thận bị phá hủy, dẫn đến tình trạng o giật, hôn mê sâu, xuất huyết ở nhiều nơi (dưới da, niêm mạc, tiểu ra máu…). Lúc này bạn nên uống nhiều nước và tới bệnh viện để cấp cứu nhanh nhất, bởi có thể không kịp sẽ gây trụy tim mạch hoặc tử vong trong vòng 24h.

Lưu ý cách chế biến và sử dụng

  • Không hái nấm dại ngoài tự nhiên để ăn. Khi đi mua nấm, hãy chọn cơ sở lớn và uy tín, thời hạn sử dụng rõ ràng, tránh quá hạn cũng sẽ gây ngộ độc.
  • Nếu dùng nấm tươi, tốt nhất nên chọn loại tươi chưa quá 24h thu hái, được bảo quản kỹ ở 3-8 độ C, vì ở nhiệt độ này nấm có thể dùng tốt trong 5-7 ngày.
  • Một số loại nấm: bạn có thể chần qua nước sôi và để trong tủ lạnh (4-5 ngày), ngâm nước muối (dùng trong 10-14 ngày). Nên dùng hộp đựng, hạn chế dùng bao nilon.
  • Với nấm mèo, chỉ ăn khô, không ăn tươi. Nên ngâm nấm mèo ở nước lạnh, trong 30-45 phút là phù hợp.
  • Tránh rửa nấm quá kỹ trước khi chế biến sẽ làm mất đi những dưỡng chất của nấm
  • Khi chế biến nấm, bạn cần đun sôi từ 5 – 10 phút để đảm bảo rằng nấm đã chín hoàn toàn và không gây hại cho cơ thể. Không nên dùng đồ nhôm để nấu bởi sẽ bị đen nấm. Không cho nhiều dầu ăn vào nấm bởi sẽ khiến chúng làm cản quá trình hấp thụ dinh dưỡng của nấm vào cơ thể, gây đầy bụng, khó tiêu, thậm chí có thể khiến bạn mắc chứng trào ngược dạ dày.
  • Nấm mang tính hàn, mát, bổ âm nên cần phải tránh ăn cùng các món cùng loại có mang tính hàn (ốc, nước đá….), vì sẽ ảnh hưởng không tốt tới hệ tiêu hóa và đường ruột.
  • Không nên để nấm qua đêm và dùng lại sẽ không tốt.
  • Những người tì vị hư nhược, khó tiêu, lạnh bụng nên hạn chế ăn nấm.