Hành trình Lập chí vĩ đại – Khởi nghiệp kiến quốc cho thanh niên Việt đã đến với Trường Đại học Luật TP.HCM trong ngày 10.3 với chủ đề “Tự học – Khởi nguồn của thành công”.
Buổi tọa đàm có sự góp mặt của Á hậu Thùy Dung, ca sĩ Võ Hạ Trâm, Tiến sĩ Phan Quốc Việt – Chủ tịch Hội đồng sáng lập Tâm Việt Group và thu hút hàng trăm bạn sinh viên tham dự.
Trong suốt chương trình, các diễn giả, khách mời đã mang tới rất nhiều câu chuyện thú vị cùng những bài học kinh nghiệm bổ ích giúp các bạn sinh viên định hướng đúng đắn con đường tự học cũng như khởi nghiệp cho bản thân.
Ca sĩ Võ Hạ Trâm: Chinh phục đam mê ca hát bằng quá trình tự học
Sự xuất hiện của ca sĩ Võ Hạ Trâm khiến cả hội trường của Đại học Luật TP.HCM như được nóng lên. Võ Hạ Trâm được đông đảo người hâm mộ biết đến khi cô bước ra từ cuộc thi Ngôi sao tiếng hát truyền hình năm 2007 với giải thưởng cao nhất.
Ca sĩ Võ Hạ Trâm
Nữ ca sĩ chia sẻ, cô thực hiện nếp sống tự học, tự lập từ nhỏ. Ngay từ lúc 3 tuổi, cô đã thích hát và có ước mơ duy nhất là được làm ca sĩ. Ý thức được việc muốn làm ca sĩ thì cần có kiến thức,Võ Hạ Trâm quyết tâm thi vào Nhạc viện TP.HCM và nuôi hy vọng được đi du học để nghiên cứu, rèn luyện chuyên sâu hơn về dòng nhạc mình yêu thích.
Ngay từ năm 17 tuổi nữ ca sĩ đã đi hát rồi dành dụm tiền, cho tới khi tốt nghiệp đại học thì chính thức sang Mỹ học nhạc. "Thời điểm đó sự nghiệp ca hát của Trâm đang phát triển, thế nhưng nếu không đi du học ngay lúc đó thì mình không thể thực hiện trọn vẹn ước mơ. Thời gian đầu ở Mỹ thật sự kinh khủng do mình phải sống xa gia đình, cô đơn và tự mình làm tất cả. Dù vậy, Trâm luôn tự động viên mình rằng phải kiên định, không lung lay lập trường, phải biết mình cần gì và làm gì để chạm tới ước mơ", cô kể.
Ở nước ngoài, việc tự học rất quan trọng, hầu như tất cả sinh viên đều tự học. Vì thế, Võ Hạ Trâm càng thức tỉnh bản thân về tinh thần tự học, định hướng việc học hiệu quả, hiểu những gì mình học chứ không học vẹt, học kiểu bị lệ thuộc.
"Người ca sĩ có kiến thức sẽ đi được xa hơn", nhờ suy nghĩ đó mà cô luôn thử thách bản thân mình. Không chỉ dừng lại ở việc ca hát, cô còn tham gia vào các chương trình truyền hình thực tế để có thêm nhiều kinh nghiệm và đến gần hơn với công chúng.
Nữ ca sĩ nhắn nhủ: "Tự học chính là bí quyết để Trâm thành công. Mỗi người sẽ có một hành trình để tự học nhằm tạo động lực phát triển cho tương lai. Trâm hy vọng câu chuyện của mình sẽ tạo động lực cho các bạn trẻ giống như Trâm đã từng ngồi trên ghế nhà trường, từng loay hoay với các hoài bão nhưng đã tự tìm cách vượt qua để thành công".
Á hậu Thùy Dung: Lấy sự chê bai làm động lực học tập
Tham gia trong chương trình giao lưu cùng các bạn sinh viên trường Luật TP.HCM, Á hậu 2 Hoa hậu Việt Nam 2016 Huỳnh Thị Thùy Dung cho biết: "Hiện Dung vẫn đang là sinh viên năm cuối Đại học Ngoại thương, cho nên Dung đến đây không chỉ để học hỏi mà còn mong muốn chia sẻ những câu chuyện, những bài học rút ra từ bản thân".
Á hậu thừa nhận mình từng học tiếng Anh rất dở, nhưng nhờ tìm được người thầy hướng dẫn phương pháp học hiệu quả, cô đã có nhiều tiến bộ. Chính phương pháp học đúng sẽ cho mình một kết quả tốt, từ đó nuôi dưỡng cho mình sự đam mê, yêu thích và muốn học nhiều hơn.
Á hậu Thùy Dung chia sẻ bí quyết học ngoại ngữ với các bạn sinh viên Đại học Luật TP.HCM
Ngoài việc học ở thầy, Thùy Dung còn rèn luyện cho mình phương pháp tự học ngoại ngữ bằng việc xem phim, nghe nhạc tiếng Anh. Khi lên Đại học, mặc dù đã khá giỏi tiếng Anh nhưng cô nàng Á hậu lại tiếp tục chọn học tiếng Nhật để thử thách bản thân. Người đẹp chia sẻ, chính nhờ việc đặt ra cho bản thân thử thách lớn như vậy đã giúp ích cho cô rất nhiều tại cuộc thi Hoa hậu Quốc tế ở Nhật Bản.
Nói về vấn đề tự học, Á hậu Thùy Dung vui vẻ cho biết thêm: "Có 2 động lực để mình tự học đó chính là áp lực và sự đam mê. Môn nào thích thì tự chủ động học, không cần nhắc, còn những môn không thích thì dùng áp lực, sự chê bai, yếu kém để làm động lực để học. Chẳng hạn như năm lớp 10, Dung bị mù âm nhạc, thế nhưng sau thời gian tập tành chơi nhạc thì rất bất ngờ là Dung lại dùng chính tài năng này để thi Hoa hậu Việt Nam".
Tiến sĩ Phan Quốc Việt: Bản thân mỗi người phải tự kích não được tư duy
Chủ tịch Hội đồng sáng lập Tâm Việt Group, Tiến sĩ Phan Quốc Việt là một người đã dám từ bỏ công việc ổn định trong ngành dầu khí để ra ngoài bắt đầu sự nghiệp đi dạy khốn khổ, tự đi dán tờ rơi, phát tờ rơi quảng cáo cho những lớp học kỹ năng mềm của mình với khát vọng “Làm tâm người Việt sáng hơn, nâng tầm người Việt cao hơn”.
Tiến sĩ Phan Quốc Việt - Chủ tịch Hội đồng sáng lập Tâm Việt Group (ảnh trái)
Theo ông, học có 2 việc quan trọng nhất đó chính là học hỏi và học hành, có nghĩa rằng phải tự học hỏi kiến thức và thực hành từ những điều mình đã học được. Bản thân mỗi người phải kích não được tư duy.
Vị diễn giả này chia sẻ: "Tôi có tính hiếu thắng nên muốn học cho đến chết thì mới thôi. Động lực để tôi tự học chính là khát vọng. Tôi thấy người Việt Nam giỏi nhưng còn thiếu khát vọng. Tôi có nhiều khát vọng nên dù đã 65 tuổi vẫn luôn tự học. Khi đã trở thành tiến sĩ, tôi vẫn cố gắng học cùng lúc 2 ngoại ngữ là tiếng Anh và tiếng Pháp. Thấy đất nước mình thiếu nghề diễn giả, nên khi 50 tuổi, tôi bắt đầu học nghề thuyết trình và thuyết phục. Tôi còn tự học để dạy trẻ tự kỷ".
Cậu bé kỷ lục gia Nguyễn Khôi Nguyên thực hiện màn trình diễn tung bóng ngoạn mục.
Trong sự nghiệp của mình, ông luôn tự hào về thành công trong việc dạy một cậu bé tự kỷ trở thành kỷ lục gia. Đó chính là em Nguyễn Khôi Nguyên, cậu bé tự kỷ đội chai trên đầu, tung 8 bóng trên xe đạp một bánh trong thời gian lâu nhất được Tổ chức kỷ lục Việt Nam xác nhận.
Tiến sĩ Phan Quốc Việt gửi lời khuyên tới các bạn sinh viên:
"Tự học rất quan trọng nên khi học những thứ mình thích, mình đam mê chắc chắn sẽ mang tới sự xuất sắc cho các bạn. Hãy làm những gì bạn giỏi nhất chứ không cần phải so sánh bản thân với người nào khác. Muốn thành công phải có đam mê và khát vọng lớn".