Trạm đọc miễn phí nhân rộng nhiều lần giá trị của sách

 
 
 

“Những cuốn sách khi đọc xong luôn được đặt trên kệ phủ đầy bụi, trong khi nhiều người muốn đọc sách lại không có đủ điều kiện để đọc. Tại sao lại không đem giá trị của sách đến nhiều người nhất?”. Đó là trăn trở của 8 thành viên thuộc dự án “Trạm đọc miễn phí”. Dự án này đi vào hoạt động từ tháng 5/2020 ở công viên Lý Tự Trọng (Huế).

 
 

Mình còn trẻ, hãy cứ dám nghĩ dám làm

 
 
Dự án cũng linh hoạt đặt trạm ở công viên Lý Tự Trọng vào thứ 6 hàng tuần. Nguồn: Facebook

Dự án “Trạm đọc miễn phí” được khởi xướng bởi sinh viên Phan Thị Linh (Đại học Y Dược Huế) và Trần Thị Tuyết Vân (Đại học Kinh tế Huế). Các bạn đều hoạt động trong Hueseed – một nhóm các bạn trẻ có đam mê hoạt động xã hội, là cộng tác viên thuộc Viện Nghiên cứu phát triển Thừa Thiên Huế (HueIDS). Hai bạn trẻ này vốn có sở thích đọc sách ở công viên – nơi có không khí thoáng đãng, trong lành dưới bóng cây xanh và bên bờ hồ. Tuy nhiên, hai bạnlại nhận thấy nhiều ánh mắt khá tò mò và lạ lùng của những người xung quanh. Điều này khiến Vân và Linh khá đắn đo, suy nghĩ: “Tại sao mình không tạo ra một cộng đồng những người có sở thích đọc sách ở công viên. Từ đó, biến những ánh mắt lạ thường của người qua đường bằng ánh mắt dĩ nhiên và hứng thú”.

 
Phan Thị Linh - Chủ nhiệm dự án “Trạm đọc miễn phí. Nguồn: NVCC
Trần Thị Tuyết Vân - Phó chủ nhiệm dự án. Nguồn: NVCC
 

Linh và Vân đã chia sẻ ý tưởng này với các bạn trẻ trong Hueseed. Khi ấy, ý tưởngcủa hai bạn nhận được nhiều sự quan tâm và đóng góp từ các cộng tác viên của Viện Nghiên cứu phát triển Thừa Thiên Huế. Từ đó, họ đã tập trung vạch ra kế hoạch hiện thực hóa ý tưởng này.

Suốt quá trình thử nghiệm và hoạt động, nhóm nhận được sự góp ý, dẫn dắt và tư vấn của anh Tân Phan – nhóm trưởng của Hueseed.

Hueseed là một cộng đồng người trẻ hoạt động vì xã hội, trực thuộc Viện Nghiên cứu phát triển Thừa Thiên – Huế (HueIDS). Hueseed ra đời nhằm tạo môi trường làm việc, cung cấp dự án, các hoạt động liên quan KT-XH cho các bạn trẻ đang tìm môi trường thực tế, áp lực hơn để thay đổi bản thân. Các lĩnh vực chú trọng nhất của HueIDS mà Hueseed thường xuyên hỗ trợ đó là Kinh tế, Xã hội, Đô thị, Văn hóa, Du lịch, Giáo dục đào tạo, tiếng Anh, Hợp tác quốc tế và đặc biệt là Truyền thông.

Khi bắt tay vào thực hiện, Phan Thị Linh – Chủ nhiệm dự án, rất tâm đắc với lời động viên của người anh đi trước: “Mình còn trẻ, hãy cứ dám nghĩ dám làm. Có thể mình sẽ không đạt được mục đích to lớn là thay đổi được văn hóa đọc sách ở đây, nhưng chí ít mình đã góp phần giúp nhiều người hơn tiếp cận được tới các đầu sách, làm cho nhiều người thể hiện được sở thích đọc sách nơi công cộng của họ.”

 

Đơn giản – Tinh gọn – Vui vẻ

 
 
Người mượn sách ở trạm đọc đa dạng về giới tính, tuổi tác. Nguồn: Facebook

Trạm đọc là điểm dừng chân cho những người yêu sách và muốn giao lưu về sách. Bởi vậy, dự án không nhắm đến một đối tượng cụ thể nào. Bất kỳ ai có hứng thú đọc sách đều có thể được hỗ trợ mượn sách, không kể độ tuổi, nghề nghiệp, giới tính. Những cụ già đi bộ ghé qua mượn sách đọc. Các bạn sinh viên cũng dành thời gian vào cuối tuần đến tham gia cùng trạm đọc. Một vài phụ huynh ngồi ghế đá đọc sách cùng con.

 
 

Nguồn sách đầu tiên dự án có được là từ Fanpage Tiệm sách cũ Casannova và HueIDS. Sau khi hoạt động vào tháng 5/2020, trạm đọc cũng nhận được khá nhiều đóng góp từ người đọc. Mới đầu, dự án chỉ gói trọn trong 20 quyển sách, một tấm bạt, một kệ sách, một thùng giấy làm biển hiệu ghi tên trạm đọc. Sau này, trạm có chiếc kệ gỗ xinh xắn để trưng bày sách và khoảng 300 đầu sách đủ thể loại, từ truyện ngắn, tiểu thuyết đến các quyển sách phát triển cá nhân, tạp chí, truyện tranh. Đặc biệt, Trạm hiện cũng sở hữu các tạp chí, sách văn hóa về Huế và bộ bài “Quà tặng cuộc sống”. Đây là một điểm thu hút nổi bật của Trạm đọc với những người đọc quan tâm tới nét văn hóa cố đô.

 
Đã có nhiều người cùng tới đây đọc sách - Nguồn: Facebook
 
 

Thời gian đầu, dự án nhận được các phản hồi không mấy tích cực từ người dùng mạng xã hội: “mất cảnh quan”, “ý tưởng hay nhưng cách thực hiện cảm thấy chưa ổn lắm ạ, mang tích chất bộc phát nhất thời, tạm bợ và khó lâu dài”. Trạm đọc không thể trải bạt để sách như thế được”. Tuy nhiên, dự án hoạt động trên tinh thần “đơn giản – tinh gọn – vui vẻ” nên về lâu dài được nhiều người ủng hộ.

Bạn Trần Thị Tuyết Vân – Phó chủ nhiệm của dự án,chia sẻ: “Từ khi mở trạm, chiều chủ nhật luôn là niềm vui của mình. Điều ấn tượng nhất của mình là hình ảnh cậu bé bán hàng rong chủ nhật nào cũng ghé trạm để đọc 1 đến 2 quyển truyện tranh rồi tiếp tục đi bán tiếp”.

 
Sinh viên thường ghé trạm đọc lúc 17h Chủ nhật để mượn sách đọc. Nguồn: Facebook
 

“Nhiều học sinh cấp 3 cũng dành thời gian ủng hộ trạm đọc. Khi trạm tạm đóng cửa vì dịch covid, một bạn đã nhắn cho mình: Em nhớ Trạm đọc, em nhớ mọi người. Đây có lẽ là một thành công nho nhỏ với các thành viên khi dự án được nhiều người ủng hộ”,Tuyết Vân cho biết.

Bên cạnh đó, Tuyết Vân cũng cho rằng: “Trạm đọc không dừng lại chỉ là một điểm dừng chân đọc sách miễn phí, mà còn là một sân chơi để mọi người có thể giao lưu, trao đổi và chia sẻ về sách. Thông qua dự án, các thành viên mong muốn lan tỏa văn hóa đọc đến mọi người xung quanh.”

 
 

Hue Open Book - Mở sách, mở tương lai

 

Trạm đọc hoạt động thường xuyên vào lúc 17h Chủ Nhật hàng tuần, ở công viên Lý Tự Trọng, đối diện bờ Hồ Xuân Hương. Bên cạnh việc đọc sách, dự án còn tổ chức cho người đọc chơi trò chơi, thảo luận về ý nghĩa cuốn sách để kết nối mọi người với nhau. Đây là cơ sở để dự án tạo lập một cộng đồng chia sẻ và học hỏi với nhau, không chỉ về sách mà còn là về cuộc sống. Mặt khác, dự án cũng tổ chức đặt trạm tại số 3 Lê Lai (Huế) để tạo điều kiện cho các học sinh và sinh viên mượn sách về nhà đọc, nhất là trong mùa dịch. Người mượn sách có thể ghi lưu bút, cảm nhận kẹp trong cuốn sách trước khi trả lại cho trạm.

Trong thời gian dịch covid, Linh cho biết, nhóm vẫn đang tìm kiếm và kết nối các câu lạc bộ hay đội nhóm hoạt động về sách ở thành phố Huế, để dự định tổ chức các buổi giao lưu về sách với quy mô lớn trên địa bàn. Bên cạnh đó, dự án còn ấp ủ tổ chức một cuộc gặp gỡ online nho nhỏ với các bạn yêu sách và triển khai các cuộc thi để lan tỏa hình ảnh Trạm đọc, như: Khoảnh khắc Trạm đọc, Nhật ký chống Covid…

Chủ nhiệm dự án Phan Thị Linh từng tâm sự: “Khi bạn mong muốn đạt được một điều gì đó, cả vũ trụ sẽ giúp bạn đạt được điều đó. Lần đầu tiên mình đọc được dòng nàytrong sách Nhà giả kim, mình không hề hiểu được điều này. Nhưng mãi tới những năm sau, khi mình tham gia đủ nhiều, trải nghiệm đủ nhiều, mình lại nghiệm ra rằng nó đúng với mình ở nhiều trường hợp. Vì vậy, mình vẫn luôn học, làm và đi”. Hiện tại, Hue Open Book – mở sách, mở tương lai – Trang fanpage chính thức của dự án “Trạm đọc miễn phí”đã thu hút được 3.478 người theo dõi và tương tác. Có lẽ đây là một thành quả chứng minh được sự nỗ lực lan tỏa thông điệp niềm yêu sách và văn hóa đọc sách tới nhiều người hơn nữa của trạm đọc mà các thành viên dự án ấp ủ.