ĐỜI SỐNG

Tuyệt chiêu phân biệt các ký hiệu số trên chai nhựa

Lan Hương • 18-07-2022 • Lượt xem: 482
Tuyệt chiêu phân biệt các ký hiệu số trên chai nhựa

Bạn vẫn thường thấy ký hiệu tam giác với các mũi tên nối tiếp nhau bao quanh một con số, các ký hiệu này thường nằm dưới đáy chai nước hay hộp nhựa mình sử dụng mỗi ngày. Thế nhưng bạn đã phân biệt được ký hiệu trên mang ý nghĩa gì và ảnh hưởng thế nào đến sức khỏe chúng ta hay không?

Nhựa có rất nhiều loại và phổ biến trong đời sống, các sản phẩm được sản xuất từ nhựa rất đa dạng, chẳng hạn như chai nước khoáng, hộp gia vị, vật liệu ống nước, thau chậu, đồ chơi trẻ em… Với nhiều mẫu mã, màu sắc bắt mắt mà giá thành lại rẻ khiến chúng trở thành sự lựa chọn của nhiều gia đình.

Mọi người trong chúng ta đều biết nhựa chứa nhiều chất độc hại với sức khỏe, một số loại nhựa ở nhiệt độ cao sẽ tan vào thức ăn. Chúng xâm nhập vào cơ thể, len lỏi đến các cơ quan như hệ thần kinh, hô hấp, miễn dịch, len lỏi vào máu và gây nhiều bệnh nguy hại.

Thế nhưng thói quen sử dụng đồ nhựa và đặc biệt là các loại sản phẩm nhựa sử dụng một lần vì tính tiện dụng của nó là mối nguy hại tiềm ẩn cho môi trường và xã hội. Chính vì thế mọi người cần nhận biết được đâu là loại nhựa an toàn, có thể tái sử dụng hoặc cho vào lò vi sóng, những loại nào không nên tái sử dụng nhằm đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Mỗi sản phẩm sẽ được sản xuất từ một loại nhựa khác nhau, nhà sản xuất sẽ ký hiệu những con số cụ thể để xác định đó là loại nhựa gì, có an toàn hay không. Các ký hiệu được phân loại từ 1 – 7, mỗi con số chứa thông tin về mức độ độc hại của từng loại. Và nếu để ý, bạn sẽ thấy chúng thường nằm dưới đáy các chai lọ hay hộp nhựa thông dụng.

Nhựa PET – 1

Nhựa PET là loại thông dụng nhất hiện nay và thường dùng trong các loại chai nước suối, nước ngọt, chai đựng nước chấm, nước trái cây…

Theo khuyến cáo, loại nhựa này chỉ nên sử dụng một lần duy nhất và không nên tái sử dụng vì có thể tăng nguy cơ hòa tan các kim loại, hóa chất và thẩm thấu qua thức ăn, nước uống. Không nên để các sản phẩm sản xuất từ loại nhựa này ngoài ánh nắng, gần bếp ga hoặc trong xe hơi, nhiệt độ cao sẽ làm biến dạng và sản sinh các chất gây hại cho sức khỏe con người.

Nhiều gia đình có thói quen sử dụng lại các chai, hộp nhựa để đựng nước, dầu ăn, thực phẩm hàng ngày vì cho rằng chúng tiết kiệm và an toàn. Tuy nhiên các chai nhựa với thiết kế khó chùi rửa, dễ sinh vi khuẩn, sử dụng nhiều lần có thể sản sinh chất gây ung thư, gây mất cân bằng hóc môn trong cơ thể... Do đó bạn không nên sử dụng lại các chai nhựa có ký hiệu này để đảm bảo an toàn.

Nhựa HDPE – 2

Nhựa HDPE dùng sản xuất ra các loại nhựa cứng như bình đựng sữa, đựng dầu gội hay chất tẩy rửa… Nhựa HDPE trơ về mặt hoá học, chịu được nhiệt độ đến 110 độ C, có thể cho vào lò vi sóng ở công suất thấp.

Nhựa HDPE rất cứng, chúng không biến dạng hoặc bị hỏng ở nhiệt độ khắc nghiệt hay đóng băng, có độ bền cao và không thải ra chất độc khi đựng thực phẩm lâu dài. Vì thế đây là loại nhựa được các chuyên gia khuyên dùng bởi chúng an toàn và không thải ra chất độc hại.

Nhựa PVC – 3

Đây là loại nhựa mềm, dẻo, thường được dùng để làm bao bì, màng bọc thực phẩm trong suốt, áo mưa, đồ chơi, vật liệu xây dựng…

Bản thân nhựa PVC có chứa 2 loại chất độc hại là phtalates và bisphenol A có khả năng gây ung thư và phá hủy nội tiết tố cùng nhiều bệnh lý nguy hiểm.

Nhựa PVC dễ thẩm thấu vào thức ăn khi bị tác động bởi nhiệt độ, do đó hạn chế dùng màng bọc thực phẩm khi còn nóng, không dùng nhựa này đựng thực phẩm nóng hoặc cho vào lò vi sóng. Tuyệt đối không mua đồ chơi sản xuất từ nhựa PVC và không cho bé ngậm các loại đồ chơi bằng nhựa.

Nhựa LDPE – 4

Nhựa LDPE thường được dùng để chế tạo găng tay, chai lọ hóa chất, vỏ bánh kẹo, hộp mì hay hộp bìa carton đựng sữa…

Tương tự như nhựa số 2, nhựa LDPE trơ về mặt hoá học nhưng lại kém bền về mặt vật lý, có thể chịu được nhiệt độ khoảng 95 độ C trong khoảng thời gian ngắn. Vì thế không cho vào lò vi sóng để hạn chế độc hại cho sức khỏe.

Nhựa PP – 5

Nhựa số 5 là loại nhựa có màu trắng hoặc trong, được sản xuất các loại như hũ sữa chua, cốc cà phê, bình đựng nước, hộp đựng thực phẩm… loại này chịu được nhiệt độ cao nhất (có thể lên tới 170 độ C) do đó có thể sử dụng an toàn trong lò vi sóng thời gian ngắn (theo khuyến cáo khoảng 2 – 3 phút và không nên để quá lâu).

Nhựa PP được các chuyên gia khuyên dùng, có thể tái sử dụng và được phép dùng trong sản xuất đồ chơ trẻ em. Bạn có thể dùng bình đựng nước bằng nhựa PP hàng ngày và có thể dụng thời gian dài mà không lo độc hại.

Nhựa PS – 6

Đây là loại nhựa rẻ và nhẹ, được sử dụng trong các hộp đựng thức ăn nhanh, hộp đựng trứng, ly uống nước, hộp xốp, các loại chén thìa nhựa 1 lần trong picnic…

Nhựa PS có khả năng chịu nhiệt, chịu lạnh đáng kể nhưng khi ở nhiệt độ cao chúng sẽ thải ra các chất gây hại. Vì thế cần hạn chế sử dụng trong đựng thực phẩm lâu dài.

Nhựa PC – 7

Nhựa PC hay còn gọi là nhựa khác hoặc không có ký hiệu, được dùng trong sản xuất bình đựng nước lớn, thùng đựng hoá chất, chai đựng nước trái cây, đĩa DVD... đây là nhựa cực độc hại và rẻ tiền.

Tương tự như PVC, nhựa PC có chứa hoạt chất bisphenol A rất độc hại, có thể gây biến đổi nội tiết tố, các bệnh lý nguy hiểm ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.

Đôi khi với các sản phẩm chai lọ thông thường, nếu bạn không tìm thấy ký hiệu gì dưới đáy thì rất có thể đây được xếp vào nhựa PC độc hại, bạn cần hạn chế sử dụng để giảm thiểu các ảnh hưởng không tốt cho người thân và gia đình mình nhé.

Hi vọng với những chia sẻ trên đây, bạn đã nắm được các đặc tính của các loại nhựa. Và có thể dễ dàng phân biệt đâu là loại nhựa an toàn có thể sử dụng trong sinh hoạt gia đình mình nhé.