Chèo thuyền giữa rừng dừa, trồng rau xanh, nấu ăn ở các làng quê, đạp xe tại phố cổ, hạn chế đồ nhựa, ưu tiên các sản phẩm tự nhiên,… là những trải nghiệm thú vị khiến các du khách “phải lòng” Quảng Nam.
Đảm bảo tiêu chí xanh, thân thiện
Mới đây, trong danh sách 4 điểm đến du lịch xanh của châu Á do chuyên trang du lịch nổi tiếng Wanderlust của Anh vừa công bố, tỉnh Quảng Nam của Việt Nam là điểm đến xanh hàng đầu bên cạnh Bhutan, Singapore và đảo Atáuro (Đông Timor). Chuyên trang du lịch này đánh giá tỉnh Quảng Nam đang chứng minh cách làm du lịch bền vững khi đặt các doanh nghiệp tại địa phương làm trung tâm trong phát triển du lịch.
Tới Hội An, du khách thường đạp xe để ngắm cảnh và bảo vệ cảnh quan phố cổ
Nhiều điểm đến xanh và tour du lịch xanh tại Quảng Nam được du khách quốc tế đánh giá cao như: Tour Hội An Kayak, chèo thuyền qua rừng dừa nước, trải nghiệm trên những chiếc thuyền đánh cá và thăm các ngôi làng nổi; trong phố cổ Hội An, bạn có thể đi bộ, ngồi xích lô hay đạp xe, mua các nhu yếu phẩm du lịch thân thiện với môi trường, từ dầu gội đầu đến bàn chải đánh răng; nhà hàng không rác thải sử dụng các sản phẩm tự nhiên và hữu cơ của địa phương để chế biến các món ăn dân dã; đi trồng rau, nấu món ăn địa phương ở các làng quê ngoại ô…
Du khách ngồi thuyền thúng giữa rừng dừa Bảy Mẫu xanh mát
Đặc biệt, với cây cối xum xuê, cánh đồng xanh, những khu nghỉ dưỡng mang lại không gian trong lành, yên tĩnh, thư giãn cùng ý thức giảm thiểu sử dụng đồ nhựa. Điều này không những giúp bảo vệ sức khỏe, môi trường mà là cơ hội để Quảng Nam khẳng định dấu ấn mạnh mẽ trên bản đồ du lịch thế giới.
Theo đó, danh sách bình chọn các điểm đến xanh, các tour du lịch xanh ở các châu lục trên thế giới dựa trên các tiêu chí của du lịch bền vững. Theo Wanderlust, trong du lịch bền vững, tác động của du lịch đối với các cộng đồng cũng rất quan trọng. Một xã hội được hỗ trợ tốt sẽ được trao quyền và trang bị nhiều hơn để bảo vệ môi trường của mình, tăng cường tái tạo.
Du khách thử sức trồng rau tại các làng ngoại ô.
Ở những khu vực nơi người bản địa đang nỗ lực bảo vệ môi trường, các sáng kiến du lịch do quốc gia dẫn dắt có thể trao quyền và mang tính giáo dục cho cả du khách cũng như người dân địa phương. Theo những sáng kiến này, tất cả mọi người đều được tiếp cận những trải nghiệm du lịch bền vững. Về bản chất, du lịch bền vững là sự trao đổi và tương tác có lợi cho cả du khách và chủ nhà.
Hình mẫu phát triển du lịch bền vững
Xứ Quảng là địa phương duy nhất của cả nước sở hữu hai Di sản văn hóa thế giới (Đô thị cổ Hội An và Khu đền tháp Mỹ Sơn) và nhiều di sản nổi tiếng khác: Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm (Hội An), Di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO công nhận - Nghệ thuật Bài chòi. Quảng Nam có bờ biển dài 125km với nhiều bãi tắm , gần 70 lễ hội, hàng trăm làng nghề truyền thống, gần 500 di tích lịch sử-văn hóa, danh lam thắng cảnh.
Trải nghiệm lặn ngắm san hô ở Cù Lao Chàm thu hút du khách mê khám phá
Thời gian qua, tỉnh Quảng Nam trở thành hình mẫu về phát triển du lịch xanh. Nhiều doanh nghiệp, đơn vị du lịch trên địa bàn được cấp Giấy chứng nhận “Điểm đến du lịch xanh” theo Bộ tiêu chí du lịch xanh tỉnh Quảng Nam. Thành phố đã ban hành nhiều chính sách phát triển bền vững như “Xây dựng thành phố Hội An - Thành phố sinh thái”, triển khai dự án “Nâng cao nhận thức đối với chất thải rắn”, thực hiện phân loại rác tại nguồn và giảm việc sử dụng túi ni-lông.
Người dân địa phương tích cực tham gia bảo vệ môi trường
Quảng Nam cũng là địa phương đầu tiên trong cả nước ban hành Bộ tiêu chí Du lịch xanh. Bộ tiêu chí này được xây dựng với sự hỗ trợ của Chương trình Du lịch Bền vững Thụy Sỹ (SSTP) trên cơ sở tham khảo các tiêu chí của 25 Bộ tiêu chí du lịch bền vững được áp dụng trên phạm vi quốc tế và được điều chỉnh để phù hợp với doanh nghiệp Việt Nam. Nhờ đó, năm 2022, Quảng Nam cũng tổ chức thành công năm Du lịch Quốc gia với chủ đề “Quảng Nam - Điểm đến du lịch xanh”.
Chủ trương phát triển du lịch xanh, gìn giữ giá trị bản địa đặc trưng độc đáo của Quảng Nam đã được doanh nghiệp và người dân hưởng ứng tích cực, tạo ra một số sản phẩm du lịch mới, thu hút du khách trong và ngoài nước. Tiêu biểu là các điểm du lịch sinh thái, du lịch làng nghề phía đồng bằng như: làng rau Trà Quế, làng gốm Thanh Hà, làng mộc Kim Bồng, làng dừa Cẩm Thanh (Hội An), làng Du lịch cộng đồng Mỹ Sơn (huyện Duy Xuyên), làng chè Đông Giang, làng gốm Thanh Hà... giúp du khách trải nghiệm, khám phá di tích lịch sử, truyền thống văn hóa, phong cảnh và cuộc sống của người dân địa phương.
Những khu du lịch sinh thái, gần gũi thiên nhiên được ưu tiên phát triển ở Quảng Nam
Ở miền núi đã xây dựng các điểm du lịch sinh thái gắn với bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống ở địa phương như: Khu sinh thái Cổng Trời, làng du lịch cộng đồng Bhơ Hôồng, Đhờ Rôồng (huyện Đông Giang); làng dệt thổ cẩm Zara (huyện Nam Giang); rừng cây di sản Pơmu; rừng Đỗ Quyên và làng du lịch cộng đồng Tà Lang (huyện Tây Giang); làng cổ Lộc Yên (huyện Tiên Phước) - một trong bốn làng cổ đầu tiên của cả nước…
Sắp tới Quảng Nam cũng tiếp tục hình thành các sản phẩm hấp dẫn và tổ chức các hoạt động thu hút khách du lịch quốc tế như: Festival biển, festival ẩm thực, các lễ hội, hoạt động đường phố... Song song đó, tỉnh tăng cường công tác quản lý môi trường du lịch, bảo đảm an ninh, an toàn cho khách du lịch, tạo lập môi trường du lịch thân thiện, an toàn và trách nhiệm.