Vườn sẽ được theo dõi qua điện thoại thông minh. Chủ nhân khu vườn không cần phải có mặt thường xuyên ở nhà mà có thể đi chơi cả tháng. Mọi báo động của khu vườn sẽ được hệ thống tự động bổ sung. Đây là ý tưởng của nhóm sinh viên Nghệ An đang đưa vào thực tế.
Bùi Văn Tuyên, Nguyễn Công Thanh, Đào Xuân Bình và Nguyễn Mạnh Tuấn (cùng SN 1996) là bốn chủ nhân của khu vườn thông minh. Họ đều đang là sinh viên trường Cao đẳng nghề Kỹ thuật công nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc tại Nghệ An.
Bùi Văn Tuyên, trưởng nhóm đã bắt đầu việc thực thi ý tưởng của mình bằng việc bắt xe lên Hà Nội thăm quan mô hình trồng rau công nghệ. Qua việc tưới tiêu tự động, Tuyên càng thôi thúc ý tưởng của mình thành sự thật. Cả nhóm họ đã cùng nhau mua máy cắt, sắt, thép... về dựng mô hình với chi phí ngót nghét 10 triệu đồng.
Cả nhóm viết phần mềm ứng dụng, sau đó thực hiện công đoạn chỉnh sửa dần. Ban đầu là bật, tắt hệ thống tự động, sau đó thử nghiệm hiển thị thông số môi trường. Sau đó tùy biến hiển thị trên màn hình điện thoại thông minh.
Quá trình này trải qua nhiều khó khăn, nhiều khi phải tháo mô hình ra lắp ráp lại. Sau bốn tháng dự án mới hoàn chỉnh. Vườn thông minh ứng dụng lý thuyết công nghệ Internet of Things (IOT) - mạng lưới vạn vật kết nối. Đây là một trong ba nội dung cơ bản của cuộc cách mạng 4.0 - Nhóm cho biết.
Những máy tính siêu nhỏ được vườn sử dụng, cùng các cảm biến như độ ẩm, nhiệt độ, ánh sáng. Mô hình này hoạt động dựa trên ba phần chính bao gồm: Thiết bị phần cứng IOT kèm các cảm biến, kiểm soát các thông số môi trường như độ ẩm, nhiệt độ, ánh sáng.
Mô hình vườn IOT hoạt động dựa trên ba phần chính bao gồm: Thiết bị phần cứng IOT kèm các cảm biến, kiểm soát các thông số môi trường như độ ẩm, nhiệt độ, ánh sáng.
Ý tưởng này đã giành giải Nhất tại Festival sinh viên lần thứ Nhất năm 2017.
Nhóm của Tuyên đã lắp đặt ba hệ thống công nghệ tại ba cơ sở trồng nấm với diện tích mỗi cơ sở là 50m2 để thử nghiệm. Bùi Văn Tuyên cho hay: "Người dân trồng nấm thủ công thu hoạch 300g/bịch phôi nặng 1,2kg. Song ứng dụng công nghệ IOT dự kiến thu được 500g. Nếu hoàn thiện thêm công nghệ hấp sấy thanh trùng, có thể đạt sản lượng 700g nấm/bịch, gấp 2 - 3 lần cách trồng truyền thống nhờ tỷ lệ phôi nảy mầm gần như tuyệt đối. Chất lượng nấm cũng đảm bảo nhờ quy trình sản suất khép kín và tự động hóa hoàn toàn".