GIẢI TRÍ

166 người đứng đơn tố cáo thành viên hội đồng duyệt tiết lộ nội dung phim chưa chiếu

DDVN • 10-10-2021 • Lượt xem: 361
166 người đứng đơn tố cáo thành viên hội đồng duyệt tiết lộ nội dung phim chưa chiếu

Cục Điện ảnh đang trong quá trình xem xét, xử lý đơn thư tố cáo ông Trần Việt Văn, một thành viên hội đồng duyệt phim về việc ông này tiết lộ nội dung phim khi phim chưa ra rạp.

166 người tố cáo

Cục Điện ảnh được cho là đang xem xét xử lý đơn thư có nội dung tố cáo ông Trần Việt Văn, Ủy viên Hội đồng T.Ư thẩm định và phân loại phim truyện (hội đồng duyệt) đã vi phạm chức năng quyền hạn và nghĩa vụ của thành viên Hội đồng.

Đơn thư tố cáo có kèm theo danh sách 166 người đang làm việc trong lĩnh vực điện ảnh và người yêu điện ảnh.

Trước đó, đơn tố cáo thành viên hội đồng duyệt phim Trần Việt Văn đã được gửi tới Cục Điện ảnh. Trong đơn, những người tố cáo dẫn Khoản 9, Điều 9 quy chế làm việc của hội đồng. Theo đó: "Thành viên Hội đồng không được công bố nội dung thảo luận và ý kiến kết luận của Hội đồng. Chủ tịch Hội đồng là người phát ngôn của Hội đồng".

Tuy nhiên, theo những người làm đơn, thành viên Hội đồng Trần Việt Văn đã mô tả, trích ra và rò rỉ nội dung mình đã tham gia thẩm định trong bài viết Ra biển lớn sao cứ đi đường tắt.

Ra biển lớn sao cứ đi đường tắt cũng là bài viết mà Thanh Niên đã sử dụng một số chi tiết về phim Người lắng nghe: Lời thì thầm để chứng minh việc thành viên hội đồng duyệt phim Trần Việt Văn đã tiết lộ nội dung phim trước khi phim ra rạp.

Cũng phải nói thêm, theo bài viết Ra biển lớn sao cứ đi đường tắt, tác giả Trần Việt Văn cho rằng phim Người lắng nghe: Lời thì thầm đã được mang đi chiếu tại liên hoan phim quốc tế trước khi có giấy phép.

Tuy nhiên, thông tin từ đạo diễn Khoa Nguyễn, phim Người lắng nghe: Lời thì thầm đã được cấp phép phổ biến vào 21.6.2021 và được phổ biến tại Liên hoan phim nghệ thuật quốc tế Hongkong vào ngày 26.6.2021. Như vậy là không có chuyện bộ phim này “đi đường tắt”.


Giấy phép phổ biến phim Người lắng nghe: Lời thì thầm

Tuy nhiên, do chỉ tập trung vào khía cạnh pháp lý của vấn đề tiết lộ nội dung phim trước khi ra rạp, các bài viết Thanh Niên đã đăng tải cũng không đề cập đến thông tin chưa chính xác này trong bài Ra biển lớn sao cứ đi đường tắt.


Bộ phim được chiếu tại liên hoan phim ngày 26.6

Nỗi lo bảo mật nội dung

Bảo mật nội dung là một yếu tố vô cùng quan trọng của công nghiệp giải trí, công nghiệp văn hóa. Việc một bộ phim khi chưa ra rạp đã bị thành viên hội đồng duyệt phim tiết lộ nội dung là điều vô cùng nghiêm trọng. Ở đây, có thể thấy rõ sự mâu thuẫn khi một nhà báo, đồng thời là thành viên hội đồng duyệt lại tiết lộ nội dung. Đây cũng là vấn đề của cơ cấu, phương thức hoạt động của hội đồng duyệt nếu như các quy định bảo mật không được thực hiện triệt để.

Trao đổi với Thanh Niên, đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh, cũng là giảng viên đại học chuyên ngành điện ảnh, cho biết một người duyệt kịch bản không thể tiết lộ nội dung kịch bản, và người biên dịch phim thì không được phép phát tán nội dung mình dịch. Điều này, ở nước ngoài có thể dẫn đến những khoản đền bù hàng triệu đô la.

Trong thời gian qua, giới làm phim cả nước đặc biệt quan tâm đến việc soạn thảo luật Điện ảnh sửa đổi. Trong quá trình trao đổi, nhà quản lý và người làm phim cũng trở nên gần nhau hơn. Người làm phim cũng đã có góp ý bằng văn bản, với ngôn ngữ chuẩn mực để cùng với Cục Điện ảnh soạn thảo luật Điện ảnh sửa đổi tốt hơn. Chính vì thế, việc một thành viên hội đồng duyệt phim là ông Trần Việt Văn tiết lộ nội dung phim chưa ra rạp có thể cản trở quá trình xích lại gần nhau này.

Báo Thanh Niên, khi phân tích hiện tượng thành viên hội đồng duyệt tiết lộ nội dung khi phim chưa ra rạp cũng hướng tới sự xích lại gần nhau này, cũng như để dự luật hoàn thiện. Chính vì thế, trong bài viết cũng đưa thông tin đa chiều, có tiếng nói của nhà sản xuất, đạo diễn Người lắng nghe: Lời thì thầm, có tiếng nói của thành viên hội đồng duyệt phim Trần Việt Văn về từng vấn đề cụ thể. Đó là về nguồn gốc hình ảnh phim trong bài, về nguồn gốc các đoạn text nội dung phim, về nguồn tham khảo Wikipedia.

Việc góp ý cho hiện tượng thành viên hội đồng duyệt phim tiết lộ nội dung phim khi chưa ra rạp trên báo Thanh Niên là việc hoàn toàn khách quan theo nguyên tắc báo chí. Đồng thời cũng mang tính xây dựng để hội đồng duyệt phim có thể hoàn thành nhiệm vụ tốt hơn.

Cũng xin trích ở đây tâm tư của những người làm đơn tố cáo thành viên hội đồng duyệt phim Trần Việt Văn về việc tiết lộ nội dung phim khi phim chưa ra rạp: "Chính hành vi của ông Trần Việt Văn, với những phát biểu và bình luận ác ý trên trang báo và trang mạng xã hội cá nhân đã khiến cộng đồng làm phim mất niềm tin vào sự nghiêm minh của luật pháp và uy tín của hội đồng duyệt phim quốc gia".

"Một thành viên của hội đồng với những vi phạm nghiêm trọng như vậy liệu có xứng đáng để chúng tôi đặt niềm tin khi trình phim lên thẩm định?", đơn tố cáo có đoạn.

Đạo diễn Phan Đăng Di cho biết ở đây có chuyện một nhà báo được xem trước bộ phim khi họ là thành viên của hội đồng phim. Những chi tiết ông Trần Việt Văn tiết lộ cho thấy chỉ có người được xem phim mới có thể kể được. Ông Trần Việt Văn được xem vì là thành viên hội đồng đó. “Nếu anh làm việc trên tư cách nhà báo, anh có thể tìm kiếm các thông tin mà nhà sản xuất đã công bố. Tuy nhiên, ở đây, anh lại công bố những chi tiết chỉ thành viên hội đồng mới có được. Thử tưởng tượng, hội đồng sẽ còn duyệt rất nhiều bộ phim và giới làm phim chúng tôi không thể không lo ngại về việc phim của mình bị tiết lộ nội dung khi chưa ra rạp. Điều này còn dẫn đến nguy cơ có những vụ kiện về quyền sở hữu trí tuệ. Đặc biệt với các phim nước ngoài, họ rất coi trọng yếu tố này. Vì thế, có thể có những vụ kiện bản quyền có yếu tố quốc tế. Khi đó, nếu thua, ngân sách nhà nước, cũng chính là tiền thuế của dân, sẽ được lấy ra để trả”.

Chiều 8.10, PV Thanh Niên đã liên lạc với Cục trưởng Cục Điện ảnh Vi Kiến Thành để hỏi về thái độ cũng như quan điểm xử lý của cơ quan này đối với nội dung đơn thư thì nhận được trả lời: “Sao lại cứ đi khai thác tôi chuyện đấy làm gì. Báo chí muốn viết thế nào thì cứ viết chứ khai thác tôi chuyện đấy làm gì. Có phải việc gì cũng đi phổ biến đi thông tin cho báo đâu”. Sau đó, PV nhiều lần gọi điện, nhắn tin cho ông Thành hỏi quan điểm chính thức của Cục trước vụ việc thành viên hội đồng duyệt tiết lộ thông tin trước khi phim ra rạp đang gây bức xúc dư luận, nhưng ông Thành không bắt máy, cũng không trả lời tin nhắn.

Tiến sĩ luật người Nhật, ông Hirota Fushihara, đại diện công ty The Libero & Associates, người có nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực bản quyền và sở hữu trí tuệ tại Việt Nam cho biết: “Căn cứ theo Quy chế thẩm định và cấp giấy phép phổ biến phim, nguồn dữ liệu về tác phẩm phim được thẩm định tại Hội đồng là thông tin cần được quản lý tại Hội đồng. Thành viên Hội đồng không được mô tả, không được trích ra, cũng như không được rò rỉ nội dung phim được thẩm định một cách công khai. Tuy nhiên, ông Ông Trần Việt Văn đã mô tả, trích ra và rò rỉ nội dung phim mà mình đã tham gia thẩm định trên các báo chí và mạng xã hội. Luật Sở hữu trí tuệ bảo về quyền tác giả trong đó quyền được bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm, không cho người khác sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả. Tác phẩm cần được công khai với dạng bảo đảm sự toàn vẹn đó. Khi tác phẩm chưa được công khai và phổ biết, mà thành viên nói một nội dung một phần của tác phẩm phim và bình luận chủ quan của tôi đã xâm phạm quyền tác giả”.

Theo Trinh Nguyễn/Thanhnien.vn