ĐỜI SỐNG

2022 - năm 'sóng gió' của các tỷ phú công nghệ

Cẩm Chi • 14-12-2022 • Lượt xem: 774
2022 - năm 'sóng gió' của các tỷ phú công nghệ

Năm 2022 được đánh giá là năm thiệt hại nhất đối với các tỷ phú công nghệ, không chỉ suy giảm về mặt tài sản mà còn dính tới hàng loạt bê bối về doanh nghiệp, rắc rối về chính trị, uy tín pháp lý hay cuộc sống đời tư.

Jack Ma ở ẩn tại nước ngoài

Theo Forbes, tỷ phú Jack Ma đang đứng ở vị trí thứ 5 trong danh sách 100 người giàu nhất Trung Quốc năm 2022. Thế nhưng năm nay là 1 năm có nhiều biến cố với người sáng lập Alibaba - tập đoàn thương mại điện tử trực tuyến lớn nhất Trung Quốc.

Những nhận xét bất cẩn mang tính chỉ trích giới lãnh đạo về vấn đề quy định liên quan đến Ant Group đã khiến Jack Ma gặp phải nhiều sóng gió. Chiến dịch siết quản lý của Bắc Kinh đang tiếp tục ảnh hưởng lĩnh vực công nghệ, và đặt Alibaba vào diện kiểm soát chặt chẽ cũng như những doanh nhân quyền lực nhất nước này.

Vị tỷ phú nổi tiếng Trung Quốc dành thời gian tìm hiểu nông nghiệp tại các nước phát triển 

Sau khi mất mối quan hệ hòa hảo với nhà chức trách Trung Quốc, tỷ phú này xuất hiện tại nhiều quốc gia trên thế giới. Truyền thông bắt gặp ông chủ Alibaba ở Tây Ban Nha và Hà Lan. Theo nhiều kênh truyền thông, ông dành thời gian tìm hiểu về những lĩnh vực khác như nông nghiệp sạch của châu Âu, và công nghệ liên quan đến các vấn đề môi trường.

Theo nguồn tin từ Financial Times, Jack Ma đã sống tại Tokyo, Nhật Bản trong gần 6 tháng qua để tìm hiểu về sản xuất lương thực bền vững. Vị tỷ phú sống kín tiếng khi luôn có đầu bếp và vệ sĩ riêng, hạn chế hoạt động công khai. Các hoạt động xã hội của ông chủ yếu xoay quanh một số ít câu lạc bộ độc quyền. Tại đây, ông cũng sưu tập tranh nổi tiếng và thích vẽ tranh màu nước trong thời gian rảnh.

Elon Musk - Tỷ phú nhiều tai tiếng

Năm 2022 là một năm tên của Elon Musk phủ sóng các kênh truyền thông. Ai cũng biết tới tài năng của vị tỷ phú người Canada gốc Nam Phi - người sáng lập và điều hành của các thương hiệu nổi tiếng: PayPal, Tesla, Space X. Elon Musk nỗ lực hiện thực hóa tham vọng lớn thay đổi tương lai: thuộc địa hóa sao Hỏa nhờ tên lửa SpaceX và đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng bằng ôtô điện của Tesla.

Tuy nhiên, bước ngoặt đầy tranh cãi của người giàu thứ 2 thế giới này đến từ thương vụ đình đám: chi hơn 46 tỷ đô mua lại mạng xã hội hàng đầu thế giới Twitter vào tháng 10/2022. Chỉ trong vòng bốn ngày, Elon Musk đã giải thể toàn bộ ban lãnh đạo và đẩy nhanh kế hoạch kiếm tiền từ Twitter, với việc thu phí 20 USD mỗi tài khoản Twitter Blue. Chỉ chưa đầy 1 tháng sau, vị tỷ phú 50 tuổi cũng sa thải hàng ngàn nhân viên ngay trong đêm. Mới đây, ông bị tố cáo không có sự tôn trọng với những nhân viên vệ sinh của Twitter vừa bị sa thải. Họ cũng không được nhận trợ cấp thôi việc tương tự các kỹ sư bị sa thải trong đợt cắt giảm nhân sự tháng trước. Trong khi đó, những nhân viên ở lại được yêu cầu "làm việc nhiều hơn", thậm chí "làm 24/7 theo đúng nghĩa đen" để hoàn thành các thay đổi do Musk đưa ra.

Những phát ngôn và hành động đầy tham vọng của Elon Musk gây tranh cãi lớn trên mạng xã hội

Trong khi Elon Musk đang bận rộn đại tu mạng xã hội Twitter mới mua lại, hãng xe điện lớn nhất thế giới Tesla lại phải đối mặt với các vấn đề ngày càng cấp bách khi mất hơn 500 tỷ USD giá trị thị trường trong năm nay. Những tháng qua, Tesla gặp nhiều vấn đề như gián đoạn chuỗi cung ứng và đóng cửa nhà máy tại Trung Quốc, khiến hoạt động sản xuất bị đình trệ. Cổ phiếu Tesla cũng đang tụt dốc không phanh. Ông cũng gây ra một loạt rắc rối với những phát biểu gây sóng gió và mâu thuẫn với nhiều bên đối tác, nhà đầu tư.

Ngoài rắc rối về công việc, đời tư cá nhân của Elon Musk cũng đầy phức tạp. Ông bị cáo buộc ngoại tình với vợ của tỷ phú sáng lập Google (theo Wall Street Journal). Trong khi đó, ở khía cạnh gia đình, đứa con đầu tiên cũng muốn cắt đứt mối quan hệ với người cha tỷ phú. Bên cạnh đó, môi trường làm việc ở Tesla cũng nhiều nhân viên tố cáo đầy rẫy tình trạng quấy rối tình dục, thậm chí có nhân viên đã đưa đơn kiện vì là nạn nhân của quấy rối tình dục và phân biệt đối xử.

Mark Zuckerberg – mất sức ảnh hưởng

2022 cũng là một năm buồn của ông chủ Facebook, Instagram, và WhatsApp. Theo bảng xếp hạng của Bloomberg, tài sản của CEO Meta bốc hơi 89,4 tỷ USD tính từ đầu năm, hiện còn 36,1 tỷ USD, tụt xuống thứ 29 trong bảng xếp hạng.

Dường như đã hết thời huy hoàng, Meta đang đối diện với nhiều thách thức. Doanh thu quý III và cổ phiếu giảm mạnh (20-40%). Nguồn doanh thu chính của công ty là quảng cáo đang sụt giảm. Số lượng người dùng và cả lượng chi trả cho quảng cáo của doanh nghiệp đều trong xu hướng giảm, nhất là khi xuất hiện đối thủ đáng gờm TikTok. 

Ông chủ Facebook đang bước vào giai đoạn đen tối của sự nghiệp với nhiều thử thách

Meta đang tìm cách cắt giảm chi phí trong bối cảnh nền kinh tế giảm tốc, mà bắt đầu bằng việc giảm quy mô nhân sự. Hồi đầu tháng 11, công ty cũng tuyên bố sa thải 11.000 nhân viên (tương đương hơn 1/8 số nhân viên trên toàn cầu) và đích thân ông chủ mạng xã hội này lên tiếng xin lỗi, chịu trách nhiệm với quyết định của mình. Bên cạnh đó, "ngành quảng cáo suy yếu" liên quan đến tranh chấp kéo dài giữa Meta và Apple cũng được cho là yếu tố ảnh hưởng đến sự đi lùi của gã khổng lồ công nghệ này.

Những tuyên bố và hành động của vị tỷ phú sinh năm 1984 không khiến các nhà đầu tư yên tâm bởi một vấn đề khác là việc đang đặt cược lớn vào thế giới ảo - metaverse - nơi con người có thể làm việc, giải trí, giao tiếp xã hội trong tương lai xa. Hàng quý, Mark Zuckerberg chi hơn 10 tỷ USD để nghiên cứu và phát triển thực tế ảo. Tuy nhiên, Meta đang lỗ 3,67 tỷ USD đối với lĩnh vực này. Nhiều nhà phân tích cho biết, Meta vẫn tiếp tục đổ tiền vào thực tế ảo, và không rõ ràng khi nào doanh thu mới xuất hiện từ khoản đầu tư đắt đỏ này. Hiện Meta không còn nằm trong danh sách 20 công ty có vốn hóa lớn nhất tại Mỹ.