ĐỜI SỐNG

3 kiểu suy nghĩ này đang tàn phá năng lượng tích cực, bạn có từng?

Minh Trung • 23-08-2022 • Lượt xem: 255
3 kiểu suy nghĩ này đang tàn phá năng lượng tích cực, bạn có từng?

“Biết được vấn đề là chúng ta đã giải quyết được 50% vấn đề đó” (Albert Einstein). Bạn có đang tự hỏi, vì sao bản thân luôn mắc kẹt trong cuộc sống không? Bài viết sẽ mang đến cho bạn ba lối suy nghĩ hầu hết mỗi chúng ta đều đang vô thức đối diện nhưng không để ý. 
 

Đổ lỗi 

Đổ lỗi là tư duy mà hầu như những đứa trẻ Việt Nam được dạy. Khi con ngã, ba mẹ sẽ đánh cái bàn, đánh cái ghế đã làm con mình đau để em bé mau nín khóc; nhà nghèo là do số… Do đó tư duy đổ lỗi ăn sâu trong chúng ta. Như vậy, nếu theo tư duy đổ lỗi, thứ cần phải thay đổi là người khác. Tuy nhiên như bạn biết, việc thay đổi người khác là điều gần như không thể. Vậy tại sao người thay đổi không phải là chúng ta? Có một công thức được nhiều tác giả thuộc thể loại sách phát triển bản thân đã đúc kết: Hoàn cảnh + phản ứng = kết quả. 

Đây sẽ là công thức giúp bạn chủ động và trách nhiệm hơn cho cuộc sống của mình chỉ bằng cách thay đổi phản ứng. Ví dụ: Khi điểm thấp, thay vì bằng lòng với hoàn cảnh và không ngừng đổ lỗi cho đứa bạn kế bên hay giáo viên, bạn có thể thay đổi phản ứng bằng cách tăng thời gian học tập và áp dụng những công cụ học tập hiệu quả để cải thiện điểm số.  

Ngưng đổ lỗi

 Đòi hỏi sự công bằng 

“Điều công bằng nhất với chúng ta là việc mọi thứ đều bất công” (khuyết danh). Nếu ngẫm nghĩ lại, bạn thấy có ai mà công bằng về mọi mặt đâu. Người sinh ra ở vạch đích (chỉ người giàu có) cũng có cái khổ của họ, ví dụ như việc họ bị hạn chế trong việc đưa ra những quyết định cho bản thân mình, hoặc không cảm thấy hạnh phúc. Vậy vì sao một số người vẫn cảm thấy cuộc sống rất công bằng? Đó là vì họ biết sự bất công là điều không thể tránh khỏi. Nó là tất yếu của cuộc sống. Chúng ta phải học cách tạm hài lòng trong thời điểm đó nhưng luôn tìm cách để vượt qua cái mà chúng ta đang cảm thấy không công bằng đó qua việc thay đổi bản thân từng ngày. 

Cảm hứng tạo ra công việc  

Không cần cảm hứng để bắt đầu công việc

Bạn từng nghe rất nhiều người chia sẻ rằng: “cảm hứng tạo nên công việc”. Nhưng bạn thử ngẫm lại vấn đề, nếu không có cảm hứng, không lẽ chúng ta không làm việc? Nhà bác học Edison đã từng nói: “Thiên tài là 99% nỗ lực và 1% bẩm sinh”. Vậy tại sao chúng ta không nỗ lực làm việc để dần tiến tới cái mốc của “thiên tài”, sao phải đợi cảm hứng. Nếu bạn nhấc mình ra khỏi giường và cố gắng làm việc, những kết quả nhỏ từ công việc sẽ tạo đà cho bạn làm những công việc tiếp theo. Khi bạn được ai đó ghi nhận qua công việc mình đang làm (sếp tăng lương, thầy cô tôn trọng) thì bạn lại lao đầu vào làm việc đúng không? Bạn thấy đó, chính sự bắt đầu là công việc mới giúp chúng ta có cảm hứng để làm việc tiếp. Vì vậy đừng đợi một thứ cảm hứng xa vời mà hãy bắt tay vào công việc để tự tạo cảm hứng cho bản thân nhé.