ĐỜI SỐNG

4 dấu hiệu cảnh báo bạn phải đi khám tiểu đường càng sớm càng tốt

Ngân Nguyễn • 10-08-2023 • Lượt xem: 2712
4 dấu hiệu cảnh báo bạn phải đi khám tiểu đường càng sớm càng tốt

Bệnh tiểu đường (hay còn gọi là đái tháo đường) đang có xu hướng trẻ hóa và có những diễn biến khó lường. Khi cảm thấy ngứa ngáy, giảm cân đột ngột, giảm thị lực, vết thương lâu lành,... cần chủ động đến ngay cơ sở ý tế để kiểm tra, vì khi phát hiện bất thường trong cơ thể thì có thể bạn đã mắc phải căn bệnh này.

Bệnh tiểu đường là gì?

Tiểu đường là bệnh được biểu hiện bởi sự tăng lượng đường trong máu mãn tính, nguyên nhân là do thiếu đi chức năng của insulin khiến cho lượng đường không được chuyển hóa mà đi vào máu dẫn đến lượng đường trong máu tăng cao. Những triệu chứng ban đầu của bệnh tiểu đường thường rất mơ hồ nên nhiều người không để ý hoặc bị nhầm lẫn với những chứng bệnh khác.

Giảm thị lực

Ngày nay, khi nhiều người sử dụng các thiết bị điện tử như tivi, máy tính, điện thoại… nên việc thị lực bị giảm sút thì chủ quan và không nghĩ mình mắc bệnh. Tuy nhiên, ở bệnh tiểu đường sẽ có biểu hiện thị lực không còn rõ như trước, hình ảnh mờ nhạt dần, nhòa không rõ. Vì đường huyết cao ảnh hưởng đến mắt bằng cách thay đổi lượng chất dịch trong mắt, dẫn đến sưng, mờ mắt và khó tập trung, thậm chí có thể gây mù. Do đó, nếu thấy thị lực suy giảm thì cần phải đi khám càng sớm càng tốt.

Cảm thấy ngứa ngáy

Đường huyết tăng cao sẽ làm suy yếu khả năng diệt khuẩn của bạch cầu, từ đó khả năng kháng bệnh của da giảm sút, dễ gây viêm nang lông, nấm da và các bệnh ngoài da khác. Khi có một kích thích nhỏ từ thế giới bên ngoài, chẳng hạn như thay đổi nóng lạnh, uống, ăn cay, quần áo ma sát sẽ gây ngứa da. Ngứa có thể xảy ra ở bất kỳ bộ phận nào trên cơ thể nhưng vị trí bị ảnh hưởng nhiều nhất là ở bàn tay và bàn chân.

Vết thương, nhiễm trùng kéo dài

Bệnh tiểu đường là bệnh do rối loạn chuyển hóa, nên khi mắc bệnh thì hệ thống miễn dịch sẽ bị tổn thương, tổn thương lòng mạch, tắc mạch máu hoại tử, vì thế dẫn đến việc các vết thương ngoài da khó lành, đôi khi hoại tử hoặc nhiễm trùng.

Bệnh tiểu đường cũng gây ra nhiều bệnh nhiễm trùng kéo dài khó hết như viêm âm đạo, nhiễm nấm men, viêm bàng quang và nhiễm trùng da. Khi hàm lượng đường glucose trong máu cao trong thời gian dài sẽ khiến các tế bào bạch cầu khó di chuyển trong môi trường máu, từ đó làm giảm khả năng chống chọi lại nhiễm trùng và lâu khỏi.

Sụt cân đột ngột

Dù không ăn kiêng hay tập luyện thể thao nhưng cơ thể vẫn sụt cân không rõ nguyên nhân thì đó có thể là dấu hiệu của tiểu đường. Vì khi cơ thể không sản xuất đủ insulin, các tế bào sẽ không nhận đủ đường glucose và do đó thiếu năng lượng hoạt động.

Sụt cân là biểu hiện khó nhận thấy, vì mọi người thường cho rằng ăn uống kém hoặc có chế độ ăn kiêng khem nên sẽ có tình trạng bị giảm cân. Tuy nhiên, nếu ăn uống bình thường hoặc ăn uống nhiều, không có sự thay đổi về tập luyện hoặc làm việc mà bị sụt cân thì hãy nghĩ đã mắc bệnh tiểu đường hoặc một căn bệnh nghiêm trọng nào khác.

Bệnh tiểu đường là căn bệnh có thể gặp ở mọi đối tượng, đặc biệt hiện nay căn bệnh này còn có nguy cơ trẻ hóa. Bệnh có đặc điểm tiến triển dần theo thời gian. Nếu không được kiểm soát, sẽ gây ra nhiều biến chứng cấp tính và mãn tính nguy hiểm. Bạn nên đi kiểm tra sức khỏe định kỳ cũng như xét nghiệm 6 tháng 1 lần để có thể bảo vệ sức khỏe bản thân. Bên cạnh đó, bạn cũng nên giữ chế độ ăn uống, ngủ nghỉ một cách khoa học để có thể bảo vệ sức khỏe một cách tốt nhất và thoát khỏi nguy cơ mắc bệnh tiểu đường.