ĐỜI SỐNG

4 yếu tố để lựa chọn nghề nghiệp phù hợp

Cẩm Chi • 17-08-2022 • Lượt xem: 257
4 yếu tố để lựa chọn nghề nghiệp phù hợp

Hướng nghiệp luôn là vấn đề mỗi người quan tâm ít nhất một lần trong đời. Không chỉ những học sinh cấp 3 hay cao đẳng đại học, nhiều người đi làm nhiều năm vẫn tự hỏi liệu công việc này có thích hợp với bản thân không.

Vậy làm thế nào để có thể lựa chọn một nghề nghiệp phù hợp? Hãy trả lời bốn câu hỏi sau và tìm ra đáp án phù hợp cho riêng mình.

Yêu thích nghề nghiệp

Đây là yếu tố cần được xét đến đầu tiên khi lựa chọn nghề nghiệp. Cha mẹ Việt Nam thường quan tâm con trẻ quá mức. Có nhiều bậc phụ huynh can thiệp quá mức, thậm chí quyết định sự nghiệp thay cho con. Họ hoàn toàn không cân nhắc con có yêu thích công việc này không.

Sự yêu thích của bản thân với nghề nghiệp là một yếu tố quan trọng để có thể thành công.

Trên thực tế, sự yêu thích là yếu tố cực kỳ quan trọng để có một sự nghiệp thành công. Một người ghét các con số, ghét việc tính toán thì không thể trở thành một kế toán giỏi được. Vậy nên nếu đã ghét một công việc thì hãy loại nó ra khỏi danh sách lựa chọn ngay lập tức.

Tuy nhiên mọi thứ không có tuyệt đối. Nếu câu trả lời là “không thích nhưng cũng không ghét” thì khoan hãy gạt bỏ công việc này. Vì còn tận 3 câu hỏi phía sau để quyết định.

Năng khiếu với lĩnh vực này

“Hãy theo đuổi đam mê, tiền (thành công) sẽ theo đuổi bạn". Đây là câu nói nổi tiếng được rất nhiều người viện dẫn mỗi khi nói về vấn đề hướng nghiệp. Tuy nhiên thực tế hoàn toàn không màu hồng như vậy. Lẽ dĩ nhiên cũng có người thành công khi theo đuổi đam mê. Thế nhưng con số thất bại nếu chỉ thuần túy làm theo câu nói trên không hề ít.

Nhiều sinh viên khi tốt nghiệp đã nhận ra bản thân hoàn toàn không phù hợp với ngành nghề dù khi thi đại học đã lựa chọn theo đuổi đam mê.

Đam mê hiểu đơn giản là sự yêu thích với nghề nghiệp. Và đây chỉ là một trong bốn yếu tố quyết định sự thành công trong sự nghiệp. Biết được bản thân đam mê nghề nghiệp nào là điều rất tốt, thế nhưng chưa đủ. Yếu tố tiếp theo cần xác định là mình có năng khiếu với lãnh vực này không?

Lấy một ví dụ đơn giản là bạn yêu thích (đam mê) làm phi công thế nhưng lại sợ độ cao, hoặc rối loạn tiền đình. Hoặc như đam mê làm bác sĩ nhưng lại ngất xỉu khi gặp máu... Và khi đó thì dẫu có đam mê cháy bỏng cũng sẽ là cực kỳ khó khăn.

Điều đáng mừng là đam mê không chỉ có một. Quan trọng là cần phải nhìn vào sự thật. Cánh cửa này đóng lại thì một cánh cửa khác sẽ mở ra. Chấp nhận sự thật thì từ từ sẽ có thêm đam mê thứ hai, thứ ba... xuất hiện.

Nếu có hai sự lựa chọn, một công việc bạn có năng khiếu tuy nhiên không có đam mê (nhưng cũng không ghét) và một công việc bạn có đam mê nhưng không hề có năng khiếu. Vậy thì sự lựa chọn số một sẽ có khả năng thành công cao hơn.

Còn nếu vẫn băn khoăn, hãy xét tiếp câu hỏi thứ ba.

Nghề này có ích với xã hội không

Đây cũng là một yếu tố cực kỳ quan trọng khi lựa chọn nghề nghiệp. Bởi con người là động vật có tính bầy đàn. Kể cả những người hướng nội cũng không thể sống hoàn toàn biệt lập không giao du với ai hết được.

Hơn thế nữa, bất kỳ nghề nghiệp nào cũng cần phải có một đối tượng để “bán hàng”. Vậy nên dù bạn có cả năng khiếu lẫn đam mê với một lãnh vực mà không có ích cho xã hội thì vẫn không thể chọn làm nghề nghiệp được.

Bạn có năng khiếu và đam mê với máy tính. Thế nhưng lựa chọn nghề nghiệp là hacker thì dường như không được ổn cho lắm.

Một khi xác định được lĩnh vực bản thân có đam mê và năng khiếu thì cần tìm hiểu thêm “lĩnh vực này (nghề này) có ích cho xã hội không”. Hay câu hỏi đơn giản hơn nhưng quan trọng không kém là “nghề này có phạm pháp không?”.

Tuy nhiên, kể cả khi bạn đã xác định được cả ba yếu tố (năng khiếu, đam mê, xã hội) rồi thì vẫn cần trả lời câu hỏi cuối cùng sau đây.

Bạn có được trả tiền khi làm việc này không

Mặc dù tiền không hẳn có thể mua được hạnh phúc, thế nhưng không ai sống thiếu tiền được. Khi lựa chọn nghề nghiệp, cần cân nhắc đến vấn đề cực kỳ quan trọng này để có thể nuôi sống bản thân (chưa nói đến gia đình, cha mẹ). Dĩ nhiên, trừ khi gia đình bạn cực kỳ giàu có và để lại gia tài thừa kế khổng lồ.

Nhà khoa học thiên tài Nikola Tesla chết trong nghèo đói dù có nhiều phát minh thay đổi tương lai thế giới.

Có nhiều họa sĩ hay nhà khoa học sống một cuộc đời nghèo khó dù rất tài năng. Minh chứng là nhiều bức họa của các danh gia có thể đáng giá hàng triệu đô la. Hoặc các nhà khoa học để lại những công trình cực kỳ quan trọng cho nhân loại thế nhưng họ phải trải qua cuộc sống nghèo khó. Vậy nên, một khi xác định được lãnh vực đam mê, có năng khiếu, lẫn có ích cho xã hội thì cần cân nhắc tiếp làm sao kiếm tiền được từ nó.

Bốn câu hỏi trên sẽ cho mọi người góc nhìn khá hoàn thiện về việc lựa chọn ngành nghề phù hợp. Lưu ý, không phải ai cũng có thể chọn được một nghề phù hợp với cả 4 câu hỏi. Thực tế chỉ cần đáp ứng được 3 (thậm chí 2,5) yếu tố thôi đã có thể cân nhắc dấn thân. Bởi rất khó có trạng thái hoàn hảo lý tưởng, rất nhiều thứ chỉ là tương đối. Chần chừ chờ cái phù hợp tuyệt đối có thể đem lại hậu quả còn tệ hơn cả việc chấp nhận một thứ tương đối và gắn bó toàn tâm toàn ý với nó.