ĐỜI SỐNG

5 Cách giảm căng thẳng kỹ thuật số (kể cả khi bạn ngồi trước màn hình cả ngày)

Uyên Nguyễn • 31-03-2025 • Lượt xem: 95
5 Cách giảm căng thẳng kỹ thuật số (kể cả khi bạn ngồi trước màn hình cả ngày)

Không thể phủ nhận rằng công nghệ đã cải thiện nhiều mặt trong cuộc sống của chúng ta. Chỉ với một cú chạm hoặc lướt màn hình, chúng ta có thể tiếp cận vô hạn với thông tin, giải trí, bác sĩ, chuyên gia tâm lý và nhiều hơn thế. Tuy nhiên, chính sự kết nối không ngừng này cũng mang đến một vấn đề khác: căng thẳng kỹ thuật số.

Bạn có thể đã từng rơi vào tình trạng lướt mạng không kiểm soát - từ việc lướt tin tức đến khuya hay cảm giác lúc nào cũng phải dán mắt vào điện thoại để không bỏ lỡ email quan trọng.

Tất cả những điều này dẫn đến căng thẳng kỹ thuật số, một thuật ngữ mới cho một vấn đề không hề mới. Tiến sĩ Lisa Strohman, nhà tâm lý học lâm sàng và người sáng lập The Digital Citizen Academy, cho biết: "Căng thẳng kỹ thuật số là cảm giác lo âu, áp lực và quá tải do sự phụ thuộc ngày càng nhiều vào công nghệ số và tình trạng kết nối liên tục mà nó mang lại."

Bạn có thể đã từng rơi vào tình trạng lướt mạng không kiểm soát (Ảnh: Internet)

Dưới đây là những điều bạn cần biết về căng thẳng kỹ thuật số, bao gồm nguyên nhân và cách kiểm soát nó trong một thế giới không ngừng kết nối.

Nguyên nhân gây căng thẳng kỹ thuật số

Bạn có thể nghĩ rằng mình đã quen với thời gian sử dụng màn hình để duy trì kết nối và hoàn thành công việc. Tuy nhiên, có một số lý do khiến khiến bạn khó tránh khỏi căng thẳng kỹ thuật số:

1. Quá tải thông tin

"Với dòng thông tin và thông báo nhảy liên tục từ các thiết bị và nền tảng kỹ thuật số, thật khó để theo kịp và kiểm soát mọi thứ," Tiến sĩ Strohman chia sẻ. Điều này dẫn đến đa nhiệm kỹ thuật số - tình trạng khi bạn vừa trả lời email, vừa lướt mạng xã hội hay nhắn tin cùng lúc. Kết quả là bạn dễ cảm thấy quá tải, căng thẳng, giống như một chú chuột hamster chạy vòng quanh trong bánh xe vô tận của thế giới số.

Đa nhiệm kỹ thuật số - tình trạng khi bạn vừa trả lời email, vừa lướt mạng xã hội hay nhắn tin cùng lúc (Ảnh: Internet)

2. Nỗi sợ bị bỏ lỡ (FOMO)

Mạng xã hội tạo ra áp lực phải luôn kết nối và cập nhật tin tức, xu hướng, sự kiện. Tiến sĩ Strohman cho biết: "Điều này dễ dẫn đến sự so sánh, cảm giác cạnh tranh, khiến bạn thấy thiếu tự tin, căng thẳng và tự ti."

3. Mất kết nối với thực tại

Bạn biết rằng dán mắt vào điện thoại hay máy tính không tốt cho cả thể chất lẫn tinh thần. Trớ trêu thay, ngay trên mạng xã hội, bạn vẫn thấy những bài đăng nhắc nhở "Hãy sống trọn vẹn khoảnh khắc!" Strohman cho rằng chính điều này cũng gây ra căng thẳng - bạn muốn "thoát" nhưng lại không thể ngừng kết nối để thực sự tận hưởng cuộc sống xung quanh.

Cách đối phó với căng thẳng kỹ thuật số

Dù bạn nhận ra sự phụ thuộc vào công nghệ ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần, nhưng việc hoàn toàn tránh xa thế giới số là gần như không thể. Quan trọng là bạn cần có công cụ phù hợp để kiểm soát căng thẳng khi nó xuất hiện.

Quan trọng là bạn cần có công cụ phù hợp để kiểm soát căng thẳng khi nó xuất hiện (Ảnh: Internet)

Dưới đây là một số cách giúp bạn có thể quản lý và giảm bớt căng thẳng kỹ thuật số:

1. Đặt ranh giới và nghỉ ngơi hợp lý

"Hãy quy định những khoảng thời gian trong ngày không sử dụng thiết bị số, chẳng hạn như khi ăn hoặc trước khi ngủ," Strohman đề xuất. Áp dụng quy tắc 20-20 để giảm mỏi mắt: cứ 20 phút nhìn màn hình, nghỉ 20 giây và nhìn vào một điểm cách xa 20 feet (khoảng 6 mét). Hoặc thử quy tắc 50-10: sau 50 phút dùng thiết bị, dành 10 phút để đứng dậy vận động.

2. Tùy chỉnh thông báo thiết bị

Chỉ bật thông báo cho những ứng dụng thực sự cần thiết. Strohman cho biết: "Điều này giúp bạn có mối quan hệ lành mạnh hơn với công nghệ, thay vì bị nó chi phối."

3. Ưu tiên chăm sóc bản thân

Tập thể dục, thiền, ngủ đủ giấc và xây dựng các mối quan hệ ngoài đời thực sẽ giúp cải thiện sức khỏe tổng thể và giảm căng thẳng khi bạn phải dùng màn hình. Nếu bạn dễ bị căng thẳng kỹ thuật số, có thể cân nhắc bổ sung một số thực phẩm giúp giảm lo âu.

Tập thể dục, thiền, ngủ đủ giấc và xây dựng các mối quan hệ ngoài đời thực (Ảnh: Internet)

4. Hạn chế đa nhiệm

Strohman khuyên rằng: "Tránh làm nhiều việc cùng lúc hoặc lướt mạng không mục đích. Tập trung vào một nhiệm vụ duy nhất." Điều này giúp bạn nhận biết dấu hiệu căng thẳng sớm hơn và chủ động nghỉ ngơi khi cảm thấy quá tải.

5. Sử dụng bộ lọc ánh sáng xanh

"Ánh sáng xanh từ màn hình có thể gây mỏi mắt và rối loạn giấc ngủ," Strohman giải thích. Để giảm tác động này, hãy dùng bộ lọc ánh sáng xanh, kính chống ánh sáng xanh hoặc miếng dán bảo vệ màn hình. Điều này sẽ giúp bảo vệ mắt và cải thiện chất lượng giấc ngủ.