ĐỜI SỐNG

5 đặc điểm từ người thông minh mà chúng ta có thể tham khảo

Anh Thư • 03-02-2023 • Lượt xem: 1375
5 đặc điểm từ người thông minh mà chúng ta có thể tham khảo

Từ đầu những năm của thế kỉ XX, nhiều trường Đại học hay một số công ty đã dùng IQ để đánh giá mức độ thông minh trí tuệ của một người. Mặc dù theo thời gian, IQ được chứng minh là đóng góp rất nhỏ trong sự thành công của một cá nhân. Thế nhưng đây vẫn là một chỉ số thông dụng trong đời sống. 
 

Sự tò mò

Không ít lần chúng ta đặt ra một số câu hỏi ngô nghê và bị cho là ngớ ngẩn. Thế nhưng nhiều câu chuyện về các danh nhân đã cho thấy rằng, tò mò là một trong những đặc điểm của một người thông minh. Một trong số đó có thể kể đến nhà phát minh ra dây tóc bóng đèn Thomas Edison, hay người nghiên cứu định luận vạn vật hấp dẫn Isaac Newton. 

Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Journal of Individual Differences vào năm 2016 cho thấy, hàng nghìn người tham gia vào cuộc khảo sát cho rằng, sự tò mò từ những trải nghiệm trong tuổi thơ tỉ lệ thuận với chỉ số IQ của họ trong tương lai. Một vĩ nhân Alber Einstein từng phát biểu trước báo giới: “Tôi không có tài cán gì đặc biệt, tôi chỉ tò mò một cách say mê”. Và chính sự tò mò của ông đã đưa nhân loại đến với những phát kiến vĩ đại, một trong số đó là bom nguyên tử và thuyết tương đối. 

Do đó, đừng ngần ngại đặt câu hỏi để tìm câu trả lời, ông bà chẳng từng nói: “Muốn biết phải hỏi, muốn giỏi phải học” với ngụ ý kích thích trí tò mò bên trong mỗi con người. 

Người đang tò mò

Đọc sách 

Rất nhiều người hiểu được lợi ích của đọc sách nhưng ít ai có thể kỷ luật tuân thủ hành động hiệu quả này, chứ chưa nói tới đam mê. Thế nhưng, nếu không có một sự tò mò sẵn có của một người thông minh bẩm sinh, mỗi người cũng có thể tự rèn luyện việc đọc sách trở nên kĩ năng, sau đó trở thành thói quen, và dần dà trở thành đam mê. Sách là đúc kết trong nhiều năm và phải đánh đổi nhiều bài học của tác giả nên đọc sách là một cách tiết kiệm thời gian khôn ngoan. 

Một nghiên cứu kéo dài 100 năm được công bố từ Hiệp hội Nghiên cứu Phát triển Trẻ em tại Anh cho biết, họ đã quan sát trên 2000 cặp song sinh và nhận ra rằng, việc đọc sách từ nhỏ có thể giúp trẻ em có quan sát nhạy bén hơn. Đồng thời, IQ tăng lên theo từng cuốn sách và lĩnh vực mà chúng đọc. Điều này có nghĩa là, IQ có thể được rèn luyện bằng nhiều cách, và đọc sách là một trong những cách hiệu quả. 

Người đang đọc sách

Tư duy mở 

Tư duy mở (open mindset) là khái niệm phổ biến trong quá trình tương tác trong các bối cảnh khác nhau (như công việc, học tập, giao tiếp). Theo các nhà tâm lý học, người có chỉ số IQ cao thường cởi mở để nhìn mọi thứ đa chiều, không tuyến tính. Khi đối diện với một khó khăn, họ thường tìm cách vượt qua thay vì chùn bước và phó mặc cho số phận. Một điều thú vị là những người có IQ cao có thể là những con người của học thuật, và cũng có thể là những tội phạm khét tiếng. Bởi thế mới nói, sở hữu IQ cao là một lợi thế, nhưng những người thông minh thực sự sẽ sử dụng IQ vô một mục đích ý nghĩa hơn. Và rèn luyện sự kỷ luật (hay chỉ số AQ) là một cách nâng cao chỉ số IQ. 

Dám khác biệt 

Trong thực tế, chúng ta thường bắt gặp những người thông minh thường có những đặc điểm rất khác so với số đông còn lại. Ví dụ Isaac Newton và Thomas Edison luôn đặt ra những câu hỏi tưởng chừng như ngớ ngẩn, nhưng đó là sự khác biệt mà họ tạo ra, vì thời đó khi đi học, học sinh chỉ việc ngồi nghe giáo viên hướng dẫn. Gần gũi hơn, những người được cho là thông minh thường dám bước ra vùng an toàn của chính mình để thách thức với những trở ngại của cuộc sống. Và cũng chính việc dám vượt ra khỏi vùng an toàn để làm những cái mới, họ đã học được những bài học giá trị mà không phải ai cũng học được, tìm ra những cách thức mới mẻ, không đi vào lối mòn. 

Lộn xộn và vô tổ chức 

Điều này nghe có vẻ khá lạ so với những điều trên. Tuy nhiên, nó lại là sự thực, và việc bắt chước nó hay không và bắt chước ở mức độ nào là phụ thuộc vào bạn. 

Theo một nghiên cứu từ Đại học Minnesota (Mỹ), những người thông minh thường bày trí lộn xộn đồ đạc trong không gian họ ở. Điều này thúc đẩy sự sáng tạo bên trong họ, khiến họ hưng phấn hơn với nơi ở của mình. Ngược lại, những người thông minh cho biết, một không gian quá ngăn nắp khiến họ cảm thấy bị bó buộc và không thoải mái để tận hưởng cuộc sống. 

Một cuộc khảo sát trong nghiên cứu trên cũng đưa ra kết luận, những người chọn một không gian ngăn nắp thường có những lựa chọn an toàn trong cuộc đời họ, những người lựa chọn một không gian sống bừa bộn thường cho phép bản thân đối diện với những lựa chọn mạo hiểm. 

Nhìn chung, IQ không phải là một chỉ số quyết định thành công của một người. Tuy nhiên, mỗi chúng ta đều có thể cân nhắc để bắt chước một vài đặc điểm của họ để trở nên thông minh hơn.