ĐỜI SỐNG

5 điều mà điện thoại gập vẫn chưa thể làm được sau ba năm ra mắt

Minh Trung • 13-12-2022 • Lượt xem: 663
5 điều mà điện thoại gập vẫn chưa thể làm được sau ba năm ra mắt

Với mục đích làm việc hiệu quả hơn bằng màn hình lớn nhưng vẫn có một thiết bị nhỏ gọn, các nhà sản xuất điện thoại di động đã cho ra mắt điện thoại gập. Với điện thoại gập, người dùng có thể sử dụng nó như một chiếc điện thoại nhỏ gọn, nhưng vẫn có thể xử lí công việc một cách mượt mà với màn hình lớn. Tuy nhiên, đã hơn ba năm ra mắt, điện thoại gập vẫn cần phải vượt qua một số những thách thức để trở nên ngày càng hoàn hảo hơn. 
 

Nếp ngăn màn hình 

Hiện nay, điện thoại không chỉ là một món đồ để nghe gọi và làm việc, nó còn là món phụ kiện để nói lên giá trị của một người. Đó là lí do mà các hãng sản xuất ngày càng chú trọng trong việc thiết kế ngoại hình của điện thoại.   

Nếp gấp trên màn hình của điện thoại gập

Tuy nhiên, với điện thoại gập, nhược điểm lớn nhất ở ngoại hình là nếp gấp ngăn đôi màn hình. Với ông lớn Samsung, người dùng dễ dàng nhận thấy được nếp gấp trên Galaxy Z Fold 4 và Galaxy Z Flip 4. Phải thừa nhận rằng, với thế hệ thứ bốn, Samsung đã rất xuất sắc để có những điều chỉnh về ngoại hình, nhưng vẫn chưa thể làm mờ vết ngăn này. Song song đó, một số ông lớn khác như Oppo, Honor và Huawei đã có những đột phá trong việc làm mờ đi vết ngăn. Điển hình nhất có thể kể đến siêu phẩm Huawei Mate X2 với màn hình siêu đẹp, người dùng chỉ có thể nhận ra một vết mờ nhẹ.  

Màn hình của Huawei Mate X2

Và một tương lai không xa, với sự phát triển trong công nghệ sản xuất kính cường lực, các hãng sẽ cho ra công nghệ “đánh lừa thị giác” để người dùng không còn nhìn thấy nếp mờ nữa. Điều này không có nghĩa là nếp mờ biến mất, mà các hãng sẽ cố gắng cho mắt người dùng thấy những điểm ảnh khác thay vì nhìn trực diện vào nếp gấp. Công nghệ này được dựa trên thuật toán của camera ẩn dưới màn hình mà một số điện thoại trước đây đã dùng. 

Thiếu khả năng chống bụi 

Với giá tiền không hề thấp, người dùng có quyền mong muốn những tính năng cao cấp có trên điện thoại của mình, và chống bụi là một tính năng cơ bản. 

Theo đó, chỉ số IP cao nhất tính đến thời điểm hiện tại thuộc về nhà Samsung với IPX8 trên Galaxy Z Fold 4. Với IPX8, siêu phẩm này chỉ có thể chống nước nhưng không thể chống bụi. 

Với các điện thoại gập, khó khăn lớn nhất là bảo đảm các khe nhỏ li ti ở bản lề không thể có bụi lọt vô. Tuy nhiên, đây là thách thức khá lớn với các hãng sản xuất, vì nếu ngăn chặn bụi thì khả năng gập của điện thoại sẽ không được mềm mại, và cũng ảnh hưởng nhiều đến nếp gấp màn hình. 

Cảm giác không cao cấp 

Không thể phủ nhận việc sử dụng một chiếc điện thoại màn hình gập mang lại rất nhiều lợi ích. Tuy nhiên, nhiều người dùng chia sẻ, các mẫu điện thoại gập vẫn còn hơi hướng rẻ tiền vì trông chúng không được làm bằng kim loại hay kính. 

Công nghệ làm màn hình vẫn gặp một số giới hạn và phụ thuộc nhiều vào tính chất vật lý, điển hình như tính giòn ở kính. Các hãng sản xuất kính cường lực đã có rất nhiều nỗ lực trong việc làm dẻo kính bằng cách phủ các hạt nhựa liti để mặt kính được bền bỉ và dẻo dai hơn, đó là kính siêu mỏng (UTG). Nhưng chính cách làm này cũng mang lại cho món phụ kiện sang sịn này trông rẻ tiền đi đôi chút, vì người xem tưởng nó là nhựa. 

Kính siêu mỏng (UTG)

Nhà sản xuất kính Gorilla Glass Corning cho biết nhược điểm này sẽ có thể được cải thiện trong những sản phẩm gập sắp tới bởi những công nghệ mà ông và cộng sự đang nghiên cứu. Theo đó, các mặt kính vẫn sẽ mỏng, nhưng được phủ một lớp nhựa thay thế khác. Chúng có độ trong suốt và làm mát tay người dùng, từ đó cũng mang lại cho họ cảm giác thực hơn của kính. 

Tối ưu ứng dụng 

Phần lớn trên thị trường vẫn là những chiếc điện thoại thông thường. Do đó, để các nhà phát triển thay đổi ứng dụng sao cho phù hợp với điện thoại gập là một lựa chọn đáng cân nhắc. 

Một số những ứng dụng về ngân hàng, Amazon, Instagram vẫn chưa thể tối ưu cho điện thoại gập. Đại diện nhà phát triển từ các ứng dụng cho hay, họ vẫn chưa sẵn sàng cho điều này, vì phần lớn khách hàng của họ vẫn đang sử dụng điện thoại thông minh thông thường. Trái lại, một số ứng dụng lớn như Facebook, Youtube đã bắt nhịp nhằm tối ưu cho ứng dụng của mình có thể vẫn chạy tốt ở các màn hình điện thoại thông thường, nhưng vẫn hoạt động ổn định trên các màn hình gập. 

Và tất nhiên, một tương lai không xa, khi điện thoại gập đã trở nên phổ biến hơn một chút, các nhà phát triển sẽ tối ưu để cả hai loại màn hình (gập và không gập) đều có thể hoạt động trơn tru. 

Giá thành khá cao 

Dễ hiểu khi những chiếc điện thoại gập đều có giá khá cao, mắc hơn cả những siêu phẩm nhà táo. Hiện tại đối với hàng mới ra mắt, giá rẻ nhất của một điện thoại gập là 1590 USD từ Samsung. Đây là mức giá còn mắc hơn cả siêu phẩm 14 Promax 256GB từ Apple. 

Việc sản xuất những chiếc điện thoại gập vẫn còn đang trong quá trình chuẩn hóa, không sản xuất với số lượng lớn nên không thể hạ thấp giá thành. Hơn nữa, các mẫu điện thoại gập vẫn còn gặp nhiều lỗi vặt nên các hãng rất chú trọng vào khâu bảo hành. Do đó, việc bán ra số lượng ít cũng như giá cao sẽ giúp hãng cân bằng giữa việc mang lại giá trị đẳng cấp cho sản phẩm và có đủ thời gian để phục vụ những khách hàng đã chi một số tiền lớn sở hữu sản phẩm. 

Tuy nhiên, trong tương lai, cũng giống như điện thoại thông minh, khi công nghệ làm màn hình gập đã đạt đến quy trình chuẩn hóa, có thể ODM tại nhiều công ty, mức giá của điện thoại có thể rẻ hơn. Và nếu ngày đó xảy ra, những chiếc điện thoại thông minh mà chúng ta đang xài sẽ trở thành đồ hiếm, cũng giống như những chiếc điện thoại bấm phím vật lí thời bấy giờ, rất hiếm để tìm thấy. 

Nhìn chung, điện thoại gập vẫn là một sản phẩm tiềm năng trong tương lai. Các nhà sản xuất sẽ khắc phục những nhược điểm hiện tại trên các mẫu điện thoại gập để mang chúng đến gần với người dùng hơn.