ĐỜI SỐNG

5 hành động của bố mẹ vô tình gây ảnh hưởng xấu đến tâm lý con cái

Mỹ Nhàn • 08-08-2023 • Lượt xem: 4756
5 hành động của bố mẹ vô tình gây ảnh hưởng xấu đến tâm lý con cái

Hẳn chúng ta đều đã từng nghe câu “Con cái chính là bản sao của bố mẹ”, bởi đây là những người có tác động trực tiếp và sâu sắc nhất đến quá trình hình thành, phát triển tâm lý của con cái. Một số lời nói và việc làm của bố mẹ tưởng chừng như vô hại nhưng lại ảnh hưởng tiêu cực đến trẻ.
 

Không san sẻ công việc nhà

Ở nhiều gia đình, không khó gặp cảnh tượng mẹ giặt và phơi quần áo trong khi bố nằm chơi trên sofa, mẹ rửa rau nấu cơm thì bố lại dán mắt vào điện thoại chơi game. Nếu người bố không bao giờ chạm tay vào việc nhà, con trai cũng sẽ thiếu tinh thần trách nhiệm và không biết quan tâm tới người khác. San sẻ công việc nhà với nhau không chỉ giúp con trẻ cải thiện tinh thần tự giác mà còn tăng thêm tình cảm gia đình hơn.

Nghiện điện thoại

Khi trẻ nghiện điện thoại, nhiều bố mẹ tức giận và cho rằng con cái đang lơ là, không lo học hành. Thực tế, nhiều phụ huynh còn mắc chứng "nghiện" điện thoại nặng hơn con cái. Khi đi làm về, việc đầu tiên bố mẹ làm không phải rửa tay mà nằm dài trên sofa xem điện thoại. Thay vì rao giảng lý thuyết, tốt hơn hết bậc phụ huynh nên làm gương cho con bằng cách dần thay đổi những thói quen chưa tốt. 

Nuông chiều trẻ quá mức

Sự quan tâm thái quá, sai cách sẽ hủy hoại khả năng tự chăm sóc bản thân cũng như lòng biết ơn của trẻ. Việc chăm con cái quá mức vô tình ngăn cản sự phát triển bình thường về tâm lý và khả năng thích nghi của trẻ. Bố mẹ không chịu buông tay sẽ không bao giờ nuôi dạy được những đứa trẻ độc lập, biết ơn.

Thái độ sống tiêu cực

Nếu mẹ có thái độ sống lạc quan, không kêu ca hay phàn nàn, mỗi khi gặp khó khăn con cái sẽ được truyền năng lượng tích cực và có đủ tự tin để dũng cảm tiến về phía trước. Ngược lại, mẹ hay phàn nàn sẽ truyền cho con năng lượng tiêu cực, con sẽ dễ căng thẳng tâm lý, khi gặp chuyện cũng không thể mạnh mẽ vượt qua.

Nếu có một người bố ôn hoà, trẻ sẽ học được cách giao tiếp tốt, còn ngược lại nếu có một người bố nóng tính, đứa trẻ cũng trở nên hung dữ, luôn giải quyết mọi việc bằng bạo lực. Người bố nên hướng dẫn con cách kiềm chế cảm xúc, biết cách "điều hướng" sự nóng nảy của bản thân bằng những lời ấm áp khoan dung. 

So sánh con mình với người khác

Đôi khi mục đích so sánh con với những đứa trẻ khác là để kích thích tinh thần cạnh tranh, thúc đẩy trẻ vượt qua giới hạn bản thân để đạt nhiều thành công hơn nữa. Tuy nhiên, mỗi đứa trẻ đều có tài năng, sở thích và khả năng phát triển ở mức độ khác biệt. Nếu phải nhận so sánh quá mức, trẻ sẽ trở nên tự ti luôn thấy mình kém cỏi, phát sinh tâm lý oán giận mọi người, cũng như ảnh hưởng đến lòng tự trọng của trẻ.

Không ai hoàn hảo trong tất cả các lĩnh vực, việc làm bố mẹ cũng vậy. Nhưng bằng cách tiếp cận tích cực, động viên con trẻ làm điều tốt, tránh xa những điều xấu và làm gương cho con sẽ giúp con phát triển tốt nhất và biết cách cư xử đúng mực.