Từ thời trang đến ẩm thực cao cấp, Hồng Kông hay xứ Cảng Thơm luôn được biết đến là địa điểm của những trải nghiệm khác lạ và hàng hóa xa xỉ. Thế nhưng ẩn sâu trong lòng một Hồng Kông hiện đại, vẫn còn rất nhiều làng nghề thủ công với những bậc thầy nghệ thuật, đem đến một Cảng Thơm khác mà ta ít biết.
Với đôi bàn tay khéo léo, trí tưởng tượng vô biên và sự chú ý tỉ mỉ đến từng chi tiết, những nghệ nhân này đã giúp định nghĩa lại Hồng Kông như một điểm đến sang trọng độc đáo. Thêm vào sản phẩm dấu ấn cá nhân, các bậc thầy ấy đã giúp kết nối người tiêu dùng toàn cầu với các ngành nghề truyền thống, từ đó nâng cao trải nghiệm du lịch của các du khách hiện đại.
Nồi hấp bằng tre
Nồi hấp bằng tre đóng vai trò quan trọng trong nền ẩm thực nổi tiếng của Hồng Kông, không chỉ được các đầu bếp tại gia mà các bậc thầy trong những nhà hàng có sao Michelin luôn luôn sử dụng.
Bắt nguồn từ một vật dụng thiết yếu được dùng trong ẩm thực Quảng Đông, Ming Sang nhanh chóng phát minh ra các thiết bị được làm bằng thép không gỉ và nhiều dụng cụ nhà bếp khác, từ đó từng bước trở thành “thương hiệu quốc gia” đậm tính Hồng Kông.
Nghệ nhân Lui Ming bắt đầu tự tay làm những chiếc nồi hấp bằng tre khi ông 32 tuổi. Bây giờ ở tuổi 90, ông vẫn tự tay làm một số chiếc nồi hấp bán trong cửa hàng. Là một nhà phát minh thiên tài, Lui cũng là người chế tạo ra vành và khớp thép cho nồi hấp bằng tre, giúp chúng ít thoát hơi hơn, từ đó mang đến món dim sun ngon hoàn hảo.
Sản xuất quạt giấy
Từ năm 1958, Cheung Ching đã kinh doanh gỗ đàn hương và hương (nhang) trên phố Thượng Hải. Mặc dù từng được coi là "biểu tượng địa vị" của tầng lớp giàu có, thế nhưng những chiếc quạt gỗ đàn hương ngày càng trở nên hiếm thấy trong thời đại này.
Ngày nay, Lowell Lo là chủ sở hữu thế hệ thứ hai của xưởng quạt Cheung Shing và là một trong số ít hậu duệ còn lại của ngành công nghiệp đang lụi tàn này. Khi còn là một cậu bé, anh rất ngưỡng mộ cha mình, và rồi từng bước học nghề để tạo nên chính "đế chế" hôm nay.
Lo coi cha mình là người có tầm nhìn, dám nghĩ dám làm. Anh đã chứng kiến người nghệ nhân bậc thầy này chuyển từ chế tạo quạt thủ công sang dùng máy móc để tăng sản lượng. Dẫu vậy chất lượng lại không hề bị ảnh hưởng, mà mỗi sản phẩm đều được khớp nối một cách cẩn thận, chính xác và tinh tế.
Mặc dù xưởng làm quạt Cheung Ching từng sản xuất quạt gỗ đàn hương để xuất khẩu ra thế giới, nhưng giá gỗ đàn hương ngày càng tăng lên và sự rơi rụng dần của các nghệ nhân lành nghề đã giáng một đòn nặng nề lên làng nghề này. Hiện nay, doanh nghiệp tập trung sản xuất nhang, trầm, nhang cuộn, bột đàn hương và trầm hương.
Thường tránh sử dụng hương liệu và hóa chất mạnh, xưởng sản xuất quạt Cheung Ching luôn tạo ra các sản phẩm có nguồn gốc hoàn toàn tự nhiên. Chi phí thay đổi tùy thuộc vào nguồn gỗ đàn hương và vị trí của nó trong súc gỗ lớn. Lo hi vọng sẽ có nhiều người hơn nữa sử dụng nhang như một phương tiện xoa dịu tâm hồn, chứ không chỉ cho mục đích tôn giáo.
Giày dép thủ công
Sindart được thành lập vào năm 1958 và là một trong những cửa hàng lâu đời nhất ở Hồng Kông chuyên sản xuất và bán giày dép thêu thủ công truyền thống của người Trung Quốc. Trước đây, các quý cô thuộc tầng lớp thượng lưu và trung lưu thường đi dép lụa gấm trong nhà.
Miru – chủ nhân thế hệ thứ 3 của thương hiệu này, ngày càng thu hẹp khoảng cách giữa quá khứ và hiện tại, khi cố gắng bảo tồn các thiết kế truyền thống của dép Sindart bằng cách lồng ghép thêm các yếu tố hiện đại một cách sáng tạo trên nền sẵn có.
Cô thường sử dụng họa tiết động vật như gấu trúc và cú... cũng như là những loài hoa như hoa trà và hoa anh đào... cho các sáng tạo của mình. Ngoài dép lê, Sindart còn sản xuất giày đế bằng và giày cao gót để mang khi ra ngoài, cùng với các phụ kiện và túi xách sao cho thật hợp thời trang.
Sườn xám
Trang phục truyền thống là một phần vô giá của lịch sử và di sản Trung Quốc. Trong đó bậc thầy Yan Ka-Man đang gìn giữ truyền thống này với tư cách là một trong những thợ may sườn xám giỏi nhất ở Hồng Kông. Với hơn 65 năm kinh nghiệm, sản phẩm của thầy Yan được thực hiện theo số đo riêng, để có được độ ôm sát cơ thể lý tưởng. Một người thợ may lành nghề sẽ luôn biết cách xem xét cấu trúc cơ thể của người phụ nữ, từ đó tạo ra trang phục sao tôn dáng nhất.
Ông Yan đã làm việc với nhiều ngôi sao hạng A, bao gồm cả Dương Tử Quỳnh hay Thang Duy, và rất thành thạo trong việc tạo ra những bộ trang phục đẹp theo yêu cầu. Ngoài trang phục cho các thí sinh Hoa hậu Hồng Kông, thầy Yan còn thiết kế tủ quần áo cho các nữ diễn viên trong các bộ phim của đạo diễn Hồng Kông Vương Gia Vệ.
Đồ sứ
Yuet Tung China Works ở Vịnh Cửu Long mở cửa vào năm 1928 với tư cách là nhà máy sản xuất đồ sứ vẽ tay quy mô lớn đầu tiên ở Hồng Kông. Joseph Tso là người kế thừa thế hệ thứ ba của nhà máy này và luôn ý thức được dòng lịch sử hơn 90 năm của gia tộc mình.
Hiện nay nhà máy liên tục cho ra đời nhiều loại đồ sứ, bao gồm bát đĩa, cốc, bát, bình, lọ… Tất cả những sản phẩm này đều phản ánh được một cách chân thực kỹ thuật hội họa và thiết kế hoa văn của sứ Guang Cai – một loại đồ sứ Quảng Đông có nguồn gốc từ thời nhà Thanh (1644 – 1912). Sự kết hợp giữa tay nghề thủ công tinh xảo và tính thẩm mỹ đã tạo nên những tác phẩm mà bạn khó có thể bắt gặp ở bất kỳ nơi nào khác trên thế giới này.
Trong ngành công nghiệp đang dần suy thoái như những làng nghề truyền thống khác, giờ chỉ còn ít họa sĩ làm việc trong các nhà máy. Những tác phẩm tỉ mỉ của họ có nguy cơ trở thành số ít đồ tạo tác còn lại mà thế hệ chúng ta có thể trân trọng với nghề thủ công truyền thống của Quảng Đông. May mắn thay, cửa hàng vẫn được duy trì bằng cách chấp nhận các đơn đặt hàng theo yêu cầu từ những khách hàng muốn có những thiết kế riêng, mang đậm dấu ấn cá nhân của bản thân mình.
Sứ chất lượng cao có bề mặt đồng nhất, có khả năng chống nước hoàn toàn. Nhờ đó, nó không hấp thụ tạp chất và dễ dàng làm sạch hơn và bền hơn. Được coi như là "vàng trắng", đầu tư vào đồ sứ Trung Quốc mang lại nguồn lợi nhuận lớn khi các trào lưu có liên quan đến hoài cổ ngày càng phổ biến, từ đó ngành này có nhiều cơ hội tái sinh trở lại.