ĐỜI SỐNG

'6 không' khi xử trí với trẻ ăn vạ

Mỹ Nhàn • 26-06-2023 • Lượt xem: 749
'6 không' khi xử trí với trẻ ăn vạ

Ăn vạ là một trạng thái rất bình thường của trẻ nhỏ, đặc biệt là trong giai đoạn từ 1 đến 4 tuổi. Bởi đây là giai đoạn trẻ đang phát triển về mặt trí tuệ và ngôn ngữ, đồng thời bắt đầu học cách biểu đạt mong muốn của bản thân với cha mẹ. Vì vậy, các bậc phụ huynh cần hết sức vững vàng về mặt tâm lý và kỹ năng để cùng con vượt qua giai đoạn đặc biệt này. 

Không nuông chiều 
Nhiều phụ huynh khi thấy con mình gào khóc thường không chịu đựng được mà sẵn sàng đáp ứng mọi yêu cầu, đòi hỏi của đứa trẻ. Nếu hành động nuông chiều này được diễn ra liên tục vô tình sẽ hình thành cho trẻ thói quen không tốt, dần dần trẻ sẽ lợi dụng tiếng khóc để vòi vĩnh những thứ mà bản thân mong muốn. Điều đầu tiên các cha mẹ cần chuẩn bị là một tâm lý thật vững vàng và học cách từ chối trước những cơn ăn vạ của trẻ.

Không tức giận, quát mắng
Lúc ăn vạ, trẻ thường khóc lóc dai dẳng thậm chí là gào thét liên tục, điều này có thể sẽ khiến các phụ huynh cảm thấy bực bội, khó chịu, từ đó có những hành động nóng giận và trút giận lên trẻ. Hãy nhớ rằng, việc bạn quát mắng chỉ khiến trẻ khóc to hơn chứ không thể giúp trẻ bình tĩnh lại và nín khóc được. Thậm chí, việc sử dụng đòn roi lúc này sẽ khiến tâm lý của trẻ ảnh hưởng nặng nề bởi bạo lực. Nếu cảm thấy không giữ được bình tĩnh, hãy đi ra ngoài, hít một hơi thật sâu và quay trở lại với con khi đã thật sự nguôi giận.

Không bỏ qua
Muốn cải thiện tình trạng trẻ không nghe lời, sau khi trẻ bình tĩnh lại, cha mẹ cần nhẹ nhàng giải thích và phân tích cho bé về những vấn đề đã xảy ra, tại sao bé không nên làm như thế. Bạn cần giúp trẻ hiểu rằng việc bày tỏ mong muốn, nguyện vọng bằng lời nói sẽ hiệu quả hơn là những cảm xúc quấy khóc, khó chịu. Ví dụ, bạn có thể ôm con vào lòng và tâm sự nhẹ nhàng: "Mẹ không thích cách con òa khóc như lúc chiều, lần sau nếu con bình tĩnh nói với mẹ, mẹ sẽ vui hơn".

Không giải quyết ở nơi đông người
Việc tranh cãi hoặc nói lý lẽ với con ở nơi người không những không giải quyết được vấn đề mà còn ảnh hưởng đến mọi người xung quanh. Bên cạnh đó, những người xung quanh cũng rất dễ can thiệp, dỗ dành trẻ khiến mọi nỗ lực, cương quyết của bạn trở nên vô nghĩa. Biện pháp tốt nhất bạn có thể làm là đưa trẻ đến một nơi riêng tư hơn để giải quyết. Thời gian di chuyển đồng thời cũng giúp xoa dịu cơn quấy khóc của trẻ. Tuyệt đối không quát mắng, chửi bới khiến con trẻ cảm thấy bị xấu hổ, bẽ mặt khi ở nơi đông người. Ngược lại, nếu cha mẹ vì sợ mất mặt trước những xung quanh mà dỗ dành sẽ khiến bé nhận ra hành vi này và có xu hướng ăn vạ nhiều hơn ở nơi đông người.

Không giải quyết bằng lời nói dối
Để xoa dịu cảm xúc của trẻ, nhiều phụ huynh thường có thói quen dỗ ngọt bằng những lời hứa hẹn với mong muốn thỏa hiệp với trẻ. Những lời hứa mua đồ chơi hoặc bánh kẹo có thể giúp giải quyết tạm thời cảm xúc của trẻ. Tuy nhiên, nếu dùng lặp đi lặp lại nhiều lần trẻ sẽ nhận ra cha mẹ đang nói dối. Điều này vô tình ảnh hưởng sâu sắc đến tính cách của trẻ khi học theo những "tấm gương" không hay này.

Không so sánh con với những đứa trẻ khác
Cụm từ "con nhà người ta" chắc hẳn đã xuất hiện trong tuổi thơ của rất nhiều bậc phụ huynh. Người lớn chúng ta đều không muốn bị so sánh với người khác, trẻ con cũng vậy. Việc so sánh con với những đứa trẻ khác hoàn toàn không giúp tình trạng tốt hơn mà còn tạo nên áp lực vô hình đối với chúng. Việc áp đặt, so sánh có thể khiến trẻ cảm thấy xấu hổ, tự ti về bản thân, thậm chí là ganh tỵ, ích kỉ với bạn bè đồng trang lứa. Từ đó tạo nên cho trẻ một tâm lý thua thiệt so với người khác, không dám thể hiện khả năng của bản thân với mọi người xung quanh.