Tay chân miệng là chứng bệnh truyền nhiễm thường gặp ở trẻ em, đặc biệt là trẻ dưới 5 tuổi. Khi mắc bệnh, trẻ thường gặp tình trạng biếng ăn do cơn đau từ những vết loét ở miệng gây ra. Trong trường hợp này, bố mẹ cần xây dựng cho trẻ chế độ dinh dưỡng phù hợp để vừa giúp trẻ tăng sức đề kháng, mau khỏi bệnh, vừa ngăn ngừa được các biến chứng nguy hiểm.
Trứng
Bổ sung đầy đủ protein có thể giúp cơ thể tăng khả năng sản sinh các kháng thể, cải thiện hệ miễn dịch cũng như giúp trẻ lấy lại cân bằng về mặt dinh dưỡng. Để đáp ứng được những nhu cầu này, trứng chắc chắn là một sự lựa chọn tuyệt vời. Bởi bên cạnh việc dồi dào protein cùng các loại dưỡng chất như vitamin, sắt, trứng còn đặc biệt mềm và dễ nuốt phù hợp với tình trạng ăn uống khó khăn hiện tại của trẻ.
Nước dừa tươi
Trẻ mắc tay chân miệng thường gặp chứng mất nước. Để giải quyết tình trạng này, bên cạnh nước lọc thì nước dừa cũng là một sự lựa chọn tuyệt vời để giúp trẻ bù đắp lượng nước mất đi. Ngoài vị ngọt, thơm mát, dễ uống thì trong nước dừa tươi còn chứa các chất điện giải, các loại vitamin và khoáng chất khác như sắt, kali, canxi, natri,... vốn rất tốt trong việc bổ sung năng lượng và ngăn ngừa chứng mất nước.
Súp hoặc cháo loãng
Trẻ mắc tay chân miệng thường xuất hiện tình trạng chán ăn do tình trạng lở loét ở khoang miệng gây ra. Trong trường hợp này, phụ huynh có thể lựa chọn súp hoặc cháo loãng để đảm bảo vẫn cung cấp đủ calo và năng lượng hoạt động một ngày cho trẻ. Việc thay thế những món ăn này thay vì cơm hoặc cháo đặc sẽ giúp các bé tránh được những cơn đau rát khi nhai nuốt.
Dưa hấu
Theo Tiến sĩ Andrew Weil - Giám đốc Trung tâm Y học Tích hợp Arizona tại Đại học Arizona (Hoa Kỳ) những loại quả mọng và nhiều nước như dưa hấu là một trong những thực phẩm phụ huynh nên ưu tiên hàng đầu khi trẻ mắc tay chân miệng. Lượng lớn vitamin C có trong dưa hấu có thể giúp các vùng lở loét ngừng lan rộng, đồng thời củng cố sức đề kháng cho trẻ. Lưu ý, ba mẹ tuyệt đối không nên tự ý thay đổi cho trẻ sử dụng các loại trái cây khác như cam, cà chua hay kiwi. Bởi dù những loại trái cây này cũng chứa lượng lớn vitamin C tương tự như dưa hấu nhưng vị chua của chúng có thể khiến trẻ đau rát tại các vết loét khi ăn.
Đu đủ
Vị ngọt mềm, thanh mát của đu đủ có thể giúp trẻ bỏ qua những cơn đau rát trong khoang miệng mà ăn uống ngon miệng hơn. Không những vậy, lượng vitamin dồi dào có trong thành phần của đu đủ hỗ trợ rất tốt trong việc tăng cường hệ thống miễn dịch và tiêu hóa. Đặc biệt, tác dụng giảm căng thẳng của đu đủ có thể giúp tâm lý trẻ trở nên bình ổn và vượt qua những triệu chứng bệnh dễ dàng hơn.
Kết hợp sữa chua với mật ong
Ngoài vị ngọt và hương vị thơm ngon, mật ong còn hỗ trợ rất tốt trong việc chữa lành các vết lở loét trong khoang miệng nhờ vào đặc tính kháng khuẩn nổi bật. Sẽ là một sự kết hợp tuyệt vời nếu bạn kết hợp giữa mật ong và sữa chua. Đặc tính mềm mại và dịu mát của sữa chua có thể giúp lại dịu những cơn đau trong khoang miệng của trẻ. Không những vậy, sữa chua còn bổ sung các lợi khuẩn thiết yếu, protein, canxi, kali, axit folic cùng các loại vitamin khác vừa giúp tăng sức đề kháng vừa giúp bé tiêu hóa tốt hơn.
Kem
Sẽ thật lạ nếu bạn thấy kem xuất hiện trong danh sách này bởi chúng thường được xếp vào nhóm đồ ăn vặt và không mang nhiều giá trị dinh dưỡng. Tuy nhiên, cảm giác mát lạnh mà những que kem mang lại có thể giúp trẻ giảm cảm giác đau đớn từ những vết loét một cách tạm thời. Tuy nhiên, phụ huynh nên lựa chọn những vị kem trái cây thay cho kem socola hoặc ca cao, bởi chúng có thể khiến tình trạng các vết loét trở nên nghiêm trọng hơn.