ĐỜI SỐNG

Ái ngại nhiều sinh viên Gen Z nói không với việc chào hỏi thầy cô

TD • 18-05-2023 • Lượt xem: 11300
Ái ngại nhiều sinh viên Gen Z nói không với việc chào hỏi thầy cô

Lớn lên trong thời đại công nghệ bùng nổ, Gen Z trong quá trình phát triển cũng tích lũy cho mình nhiều kỹ năng vượt trội hơn so với các thế hệ trước. Tuy nhiên một bộ phận Gen Z lại thường xuyên bị mỉa mai về một trong những kỹ năng rất quan trọng, đó là giao tiếp. Ðiều này được thể hiện qua cách ứng xử hằng ngày của nhiều sinh viên Gen Z với các thầy cô của mình.

Tiến sĩ xã hội học Nguyễn Diệp Quý Vy (ĐH Quốc gia Úc) công nhận các bạn Gen Z rất cởi mở trong giao tiếp. Tuy nhiên, nhiều thay đổi trong thái độ giao tiếp của nhiều sinh viên khiến chị cảm thấy tiếc nuối.

Tiến sĩ Quý Vy đã vô cùng bất ngờ khi có cơ hội tiếp xúc với nhiều bạn sinh viên. Tiến sĩ cho biết: “Tôi thật sự kinh ngạc khi thấy nhiều sinh viên không chào thầy cô dù đối diện trước mặt. Thời của chúng tôi, chỉ mới thấp thoáng bóng thầy cô là đã chào thật xa, thậm chí một số bạn còn né đường khác, một phần vì sợ nhưng phần nhiều do kính trọng thầy cô. Nói tôi cổ hủ cũng được nhưng tôi thấy nhớ sự rụt rè, lễ phép của sinh viên thế hệ trước đây".

Thật vậy, rất nhiều bạn trẻ Gen Z ngày nay đã cho phép mình bỏ qua những lễ nghi. Nếu không ngó lơ thầy cô thì nhiều bạn lại có xu hướng “biến tướng” khâu chào hỏi. Thay vì nói “chào thầy/ chào cô",  các bạn chọn cách vừa đi lướt qua vừa buông nhẹ câu  chào “cô ạ!”, “thầy ạ!” để… tiết kiệm từ.

Nguyên nhân có lẽ là vì Gen Z thường là những đứa trẻ có quá nhiều cảm xúc và họ chẳng chấp nhận bất cứ khuôn khổ nào. Các bạn sẵn sàng phớt lờ những giáo viên mình không thích hoặc không quá thân thiết.

Sự tự tin và bản lĩnh hơn là những đức tính tốt. Tuy nhiên điều đó không có nghĩa là chúng ta được phép xem nhẹ những giá trị đạo đức. 

Song để xóa bỏ thực tế đáng buồn này, chúng ta không thể dùng những biện pháp mang tính khắt khe. Trước đây, nhiều trường học ở Trung Quốc đã quy định các học sinh phải cúi chào giáo viên. Thậm chí còn có hình phạt nếu không thực hiện. Quy định và cách xử lý vụ việc này đã vấp phải nhiều tranh cãi và hoàn toàn không hiệu quả.

Dù sao việc chào hỏi phải xuất phát từ ý thức và sự tự nguyện thì mới có ý nghĩa. Thế nên thay vì chỉ trích, chúng ta cần giúp các bạn Gen Z hiểu việc giữ tôn ti phép tắc mang một ý nghĩa to lớn như thế nào.

Bên cạnh đó, các giáo viên cũng cần tạo môi trường gần gũi hơn với sinh viên. Thầy cô và các bạn hoàn toàn có thể cùng ngồi lại với nhau để chia sẻ quan điểm của mình. Một khi 2 bên có thể lắng nghe và nói chuyện một cách trên phương diện tôn trọng nhau, chuyện chào hỏi chắc chắn sẽ không còn là một vấn đề quá to tát.