Bộ phim Tháng năm rực rỡ có nội dung cảm động từ kịch bản gốc (phim Sunny của Hàn Quốc) nhưng chính phần nhạc của phiên bản Việt Nam đã góp phần lay động cảm xúc của khán giả Việt Nam. Có gì nhắc nhớ cho chúng ta về kỷ niệm của một thời mạnh mẽ bằng những bộ phim và giai điệu của năm tháng ấy? Nhạc sĩ Đức Trí đã làm tốt điều đó, anh đã đưa khán giả về giới giai điệu của những năm 1970 bằng những bản phối tươi mới.
Những bộ phim mang tính hoài niệm, nhắc lại thời tuổi trẻ - thường là quãng thời gian đẹp đẽ của mỗi người - thường để lại nhiều cảm xúc cho khán giả, bởi có lẽ tuổi trẻ của ai cũng có nhiều thứ để nhớ về. Tháng năm rực rỡ là một bộ phim như vậy, từ phiên bản gốc đã nhận được sự đồng cảm của khán giả Việt. Nội dung phim có gì đâu chứ - chỉ là một nhóm học sinh trung học nghịch ngợm, hút thuốc, chửi thề, đánh nhau..., vì thời cuộc họ đã thất lạc nhau và sau 25 năm dù tình cờ gặp lại trong tình cảnh đau buồn, những ký ức về một thời tươi đẹp như sống lại trong mỗi người - vậy mà làm khán giả rưng rưng nước mắt khi từng thành viên của nhóm gặp lại nhau và cùng cười với những kỉ niệm của họ.
Bốn thành viên của nhóm Ngựa Hoang gặp nhau sau 25 năm
Từ khi dự án Tháng năm rực rỡ được công bố, khán giả đã mong chờ ngày phim ra rạp. Dù đó là bộ phim remake (được làm lại từ kịch bản gốc) nhưng có lẽ cái tên đạo diễn Nguyễn Quang Dũng cũng phần nào làm cho khán giả yên tâm vì "chắc sẽ có gì đó để xem". Và diễn xuất của các diễn viên Hồng Ánh, Mỹ Uyên, Mỹ Duyên... cũng không gây "cảm giác tệ" nơi khán giả. Và quả vậy, phim không phải là xác Tháng năm rực rỡ mà hồn vẫn Sunny, có nhiều yếu tố Việt trong bộ phim của Nguyễn Quang Dũng.
Hiểu Phương mới gia nhập nhóm Ngựa Hoang đã lập tức tham gia "phi vụ" đánh nhau
Trước hết, đó là âm nhạc. Nếu có những yếu tố đạo diễn vẫn phải tuân thủ kịch bản gốc, vẫn thấy nét diễn của diễn viên có thấp thoáng nhân vật của bản gốc thì với âm nhạc, Đức Trí đã tự do sáng tạo hoàn toàn trên những ca khúc hay của Việt Nam trong thập niên 1970. Bao nhiêu thế hệ người Việt Nam lớn lên đã nghe Kim (Y Vân), nghe Yêu (Văn Phụng), nghe Vết thù trên lưng ngựa hoang (Phạm Duy - Ngọc Chánh), nghe Niệm khúc cuối (Ngô Thụy Miên)...! Thì giờ đây, những ca khúc ấy đã vang lên đầy tươi trẻ trong phim, khiến cho chúng không chỉ là kỷ niệm mà chúng còn là hiện tại bởi chúng ta vẫn còn nghe. Phạm Anh Khoa vẫn thật hay với rock. Với Kim và Vết thù trên lưng ngựa hoang, giọng Khoa mạnh mẽ mà cũng thật lãng mạn. Đừng nghi ngờ những người trẻ hát nhạc xưa. Chẳng phải Hoàng Yến Chibi quá đáng yêu, trong trẻ vô cùng trong ca khúc Yêu hay sao? Và chẳng phải Đức Phúc cũng khá hay ho với Niệm khúc cuối? Những giai điệu ấy càng lãng mạn hơn khi vang lên giữa những góc phố, con đường, quán xá, đồi thông, những ngôi nhà mộng mơ của Đà Lạt. Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng và nhạc sĩ Đức Trí đã chọn những bài hát rất hợp lý, tiết tấu mạnh mẽ và nổi loạn của tuổi trẻ để kể về một nhóm bạn giống hệt vậy. Các bài hát đã được Đức Trí phối khí rất mộc mạc và tươi mới. Chính âm nhạc đã đưa khán giả quay về với tuổi trẻ của mình cùng với câu chuyện phim và cũng chính âm nhạc và những điệu nhảy trẻ trung như được giải phóng cơ thể đã đẩy cảm xúc của các diễn viên lên cao.
Đùa giỡn, nghe nhạc và nhảy múa là sở thích của nhóm Ngựa Hoang trung học
Nếu bối cảnh bản gốc làm những năm 1980 thì kịch bản Việt hóa đã mạnh dạn được đẩy lùi về bối cảnh Việt Nam những năm cuối chiến tranh, để rồi chính cột móc 1975 lịch sử của đất nước là lý do nhóm bạn ly tán 25 năm. Một thế hệ tuổi trẻ trước 1975 sống trong những ngày đất nước đầy biến động. Tuy nói không nhiều và trọng tâm bộ phim không nói về chiến tranh nhưng chỉ một vài câu nói của những người trẻ trong phim không mấy quan tâm đến chính trị như: "Không hiểu sao người ta thích đánh nhau thế nhỉ", "Không lo học đi lính bây giờ" chỉ thích ca hát và nghịch ngợm cho thấy ước vọng bình yên của họ, mà theo đạo diễn Lê Thanh Sơn thì phim cũng là "một lời phản chiến lãng mạn". Sau 25 năm, họ gặp lại nhau tại Sài Gòn và nhịp phim cứ thế xen kẽ giữa hiện tại và quá khứ, giữa Đà Lạt và Sài Gòn (bản phim gốc chỉ lấy bối cảnh Seoul). Nhưng có lẽ vì thời lượng ngắn hơn nên các nhân vật của bản Việt không được đào sâu như bản Hàn. Hình ảnh người thầy giáo thô lỗ, dùng bạo lực đối xử với học sinh ở tuổi nổi loạn trong bản Hàn không được thể hiện trong bản Việt rất hợp lý.
Hoàng Yến Chibi (trái) và Jun Vũ trong phim
Khi phim chưa ra rạp, nếu dàn diễn viên lớn (nhóm Ngựa Hoang trưởng thành) làm cho khán giả tạm yên tâm thì dàn trẻ Hoàng Oanh, Hoàng Yến Chibi, Jun Vũ, Khổng Tú Quỳnh, Trịnh Thảo, Minh Thảo ( nhóm Ngựa Hoang thời trung học) ít nhiều khiến họ e ngại. Ơn trời, các bạn trẻ đã làm tốt, chính các bạn đã là người đưa khán giả lớn tuổi về một thời thanh xuân sôi nổi. Sau vai Hiểu Phương, có lẽ cánh cửa phim điện ảnh còn mở rộng hơn cho Hoàng Yến Chibi. Vai Tuyết Anh cũng thể hiện diễn xuất rất tốt của Jun Vũ, rất ít lời thoại, diễn chủ yếu bằng thần thái, ánh mắt và hành động. Với dàn diễn viên lớn, Mỹ Duyên thực sự khiến khán giả thú vị với nhân vật Thùy Linh chửi thề luôn miệng.
Nhóm Ngựa Hoang đánh nhau lẫn trong trận hỗn chiến của sinh viên và lính
Với bộ phim này, có thể thấy Nguyễn Quang Dũng đã kiểm soát tốt trong tất cả các cảnh quay - đặc biệt là đại cảnh đánh nhau giữa nhóm sinh viên và lính - cũng như diễn xuất của diễn viên, thay đổi uyển chuyển từ hiện tại về quá khứ. Cũng không thể không nhắc tới vai trò của biên đạo múa Tấn Lộc. Cảnh Hiểu Phương (nhỏ) cầm dù vừa hát Yêu vừa nhảy múa trong mưa là một phân cảnh ấn tượng, hết sức dễ thương nhờ sự dàn dựng của anh, hay các cảnh nhóm Ngựa Hoang nhảy điệu nhảy của nhóm với ca khúc Kim, từng động tác nhảy múa đều được Tấn Lộc tính toán rất kỹ và khá vất vả để tập cho diễn viên.
Sau những suất chiếu đặc biệt, phim Tháng năm rực rỡ bắt đầu công chiếu từ ngày 9.3 tại tất cả các rạp trên toàn quốc.