Giới chức Ấn Độ ngày 3.1 thông báo sắp tới sẽ chỉ có 40.000 người Ấn/ngày được vào tham quan đền Taj Mahah. Mục đích của quy định này là để giữ gìn công trình được xây dựng từ thế kỷ 17 khỏi bị tổn hại.
Đền Taj Mahah, địa danh nổi tiếng của Ấn Độ - Ảnh: Straits Times
Theo một quan chức của Cục Khảo sát khảo cổ học Ấn Độ, đơn vị quản lý đền Taj Mahah: “Chúng tôi phải đảm bảo an toàn của ngôi đền lẫn của du khách. Công tác quản lý đám đông đến đây đang trở thành thách thức lớn đối với chúng tôi”.
Quy định hạn chế không áp dụng cho khách nước ngoài, nhưng họ phải trả 1.000 rupee để vào đền. Khách người Ấn vào tham quan thường chỉ phải trả 40 rupee, tuy nhiên họ có thể mua vé phụ đắt hơn để không bị hạn chế tham quan. Những ai muốn tham quan khu hầm mộ chính bằng đá cẩm thạch có dát đá quý cũng phải trả thêm tiền.
Quyết định hạn chế lượng khách tham quan được đưa ra sau khi 5 du khách bị thương do chen lấn xô đẩy vào ngày cuối cùng của năm 2017, thời điểm thường có đông khách du lịch.
Số khách thăm đền Taj Mahah thường nhật vào khoảng 10.000-15.000 người, nhưng cuối tuần có thể đông hơn, lên đến 70.000 người. Theo số liệu chính thức, có gần 6,5 triệu khách du lịch đến đây trong năm 2016. Chính sách du lịch trong nước thông thoáng khiến lượng khách thăm đền tăng nhanh qua từng năm.
Taj Mahal được xây dựng bởi hoàng đế Mughal Shah Jahan như một ngôi mộ cho người vợ yêu quý Mumtaz Mahal, người đã chết khi sinh con vào năm 1631. Ngôi đền đã thu hút không ít lãnh đạo quốc tế và thành viên hoàng gia các nước khác đến tham quan, trong đó có Tổng thống Mỹ Bill Clinton và Công nương Anh Diana.
Bức ảnh nổi tiếng chụp Công nương Diana (áo cam) ở đền Taj Mahah - Ảnh: Daily Mirror
Hiện tại, Taj Mahah đang phải đối mặt với một loạt mối đe dọa, trong đó có hiện tượng đá cẩm thạch bị ngả vàng do khói bụi ô nhiễm. Năm 2016, một bức tường mặt bên của đền đã xuất hiện vết bẩn màu xanh được cho là phân côn trùng.
Nhiều chuyên gia đã cảnh báo lượng lớn khách du lịch sẽ khiến ngôi đền bị xói mòn và vỡ nát, thậm chí còn gây ra áp lực cho kết cấu nền của nó. Trước đây, giới chức Ấn Độ đã từng thực hiện việc hút các tạp chất và khôi phục độ trắng của đền.