Một gia đình hạnh phúc là điều kiện để trẻ lớn lên trong tình yêu thương, sự giáo dục tử tế nhờ đó phát triển một cách toàn diện cả về trí tuệ lẫn cảm xúc. Ngược lại, một số gia đình có cha mẹ ly hôn lại là trở ngại đối với những đứa con của họ. Đã có nhiều nghiên cứu về sự tác động của việc cha mẹ ly hôn lên con cái, trong thực tế điều đó được thể hiện một cách rõ ràng qua một vài biểu hiện sau:
Tâm lý nhút nhát, sợ sệt
Sống trong cảnh cha mẹ không hòa thuận và thường xuyên diễn ra các cuộc tranh cãi, lớn tiếng thậm chí là dùng vũ lực để giải quyết vấn. Điều này sẽ tác động trực tiếp đến sức khỏe tinh thần của trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ dưới 12 tuổi giai đoạn tiên quyết để phát triển và định hình nhân cách. Chứng kiến cảnh bạo lực suốt thời gian dài sẽ khiến đứa trẻ rơi vào cảm giác sợ hãi, không dám đối diện, thậm chí là trầm cảm và luôn dè chừng với mọi thứ xung quanh. Khi ấy, tâm hồn đứa trẻ là chỉ còn lại sự ám ảnh, cảm xúc tiêu cực và dần cách ly với thế giới. Biểu hiện rõ nhất chính là việc không dám tiếp xúc với người lạ, ít nói và lầm lì.
Khó tập trung học tập
Khi gia đình có nhiều chuyện không vui, cha mẹ cãi vả và không dành sự quan tâm cho những đứa con vô tội của mình. Từ đó, trẻ sẽ có xu hướng chểnh mảng, lơ là việc học tập vì nghĩ rằng cho dù có thế nào thì cũng chẳng ai quan tâm mình. Trong giờ học, hay các hoạt động ở trường cũng không đạt hiệu quả vì trong đầu trẻ lúc này là sự hoảng loạn, những suy nghĩ chồng chất từ chuyện mình đã chứng kiến của cha mẹ mà không chú tâm vào bài giảng hay muốn làm bất cứ thứ gì. Do đó, để không ảnh hưởng đến con cái, cha mẹ nên tìm cách hạn chế việc gây gỗ trước mặt các con, đến những nơi chỉ có hai người hoặc gửi con đến nhà ông bà để giúp trẻ không bị tác động tiêu cực, cũng như những tổn thương tinh thần không mong muốn.
Những khiếm khuyết yêu thương
Cha mẹ ly hôn đồng nghĩa với việc đứa trẻ một là sẽ sống cùng cha hoặc cùng mẹ, thậm chí là chỉ có thể ở cùng ông bà mà không có được một tình yêu thương trọn vẹn. Đặc biệt, đối với các gia đình có đông con cái việc ly hôn sẽ chia cách các đứa con vốn là anh em ruột thịt có tình cảm khắng khít và thương yêu nhau. Từ đó, dẫn đến tình trạng buồn bã kéo dài, cô đơn cùng sự mặc cảm nặng nề. Chúng sẽ có sự so sánh với những đứa trẻ khác đồng trang lứa, có đầy đủ cha mẹ, anh em được yêu thương, chăm sóc để rồi bi quan và mất niềm tin vào cuộc sống. Chính những khiếm khuyết này sẽ khiến đứa trẻ lớn lên trong sự tự ti, xấu hổ và mất phương hướng.
Quan niệm sai lệch về hôn nhân
Từ cuộc hôn nhân đổ vỡ của cha mẹ, đứa trẻ lớn lên trong nhận thức sai lầm về tình yêu và hôn nhân. Chúng sẽ cho rằng thì ra kết hôn chỉ đem lại sự đau khổ và nỗi buồn cho bản thân và rồi hình thành nên nỗi khiếp sợ, né tránh khi nhắc đến chuyện hôn nhân. Đây được gọi là hội chứng "sợ kết hôn" thường thấy ở những người xuất thân trong các gia đình có cha mẹ ly thân, ly hôn. Nỗi khát khao được yêu thương và kiểm soát tình yêu luôn là thứ ám ảnh và ray rứt. Họ luôn lo sợ rằng khi kết hôn thì tình yêu của họ sẽ chấm dứt, như cách cha mẹ họ đã từng.