ĐỜI SỐNG

Attention Span - nâng cao hiệu suất, bí quyết thăng tiến sự nghiệp

Cẩm Chi • 26-08-2022 • Lượt xem: 1189
Attention Span - nâng cao hiệu suất, bí quyết thăng tiến sự nghiệp

Bất cứ ở ngành nghề nào, nâng cao hiệu suất làm việc là một điều mọi người đều cần nếu muốn thăng tiến trong sự nghiệp. Một trong những cách đơn giản và hiệu quả nhất để đạt được điều này chính là tập luyện nâng cao attention span.

 

Attention span là khả năng tập trung của mỗi người trong một khoảng thời gian vào một công việc nhất định.

Vì sao điều này quan trọng

Attention span càng dài thì hiệu suất công việc càng tốt. Một khi tâm trí chỉ tập trung vào một thứ duy nhất thì thời gian xử lý công việc sẽ nhanh hơn. Đồng thời chất lượng đạt được cũng khả quan, không gặp phải những sai lần đáng tiếc.

Người có khả năng tập trung trong một khoảng thời gian càng dài càng dễ đạt được trạng thái thăng hoa trong công việc. Khái niệm thường được biết dưới tên gọi trạng thái dòng chảy (flow state).  Đây là trạng thái diễn ra khi tâm trí con người tập trung hoàn toàn vào khoảnh khắc thực tại. Ngay thời điểm đó, hành động, ý thức và cảm xúc của bản thân hợp nhất. Những ai đạt được trạng thái này sẽ làm việc không biết mệt mỏi và quên hết thời gian.

Khả năng tập trung là một năng lực con người có thể rèn luyện cải thiện được mỗi ngày.

Đây là trạng thái tâm trí tối ưu để giúp công việc đạt được kết quả tốt nhất. Và để có được trạng thái dòng chảy (flow state) này, trước tiên bạn cần phải rèn luyện attention span càng dài càng tốt.

Rèn luyện và phát triển các kỹ năng

Trong đa số trường hợp thì kỹ năng giải quyết vấn đề trong công việc quyết định mức lương mỗi người. Và để phát triển một kỹ năng thường dựa trên ba yếu tố: trí nhớ dài hạn, sự lặp đi lặp lại và khả năng tập trung trong một khoảng thời gian.

Hay nói cách khác, kỹ năng được tạo ra (và phát triển) khi một người tập trung toàn tâm toàn ý làm một việc lặp đi lặp lại nhiều lần trong một khoảng thời gian để ghi lại những kiến thức (cách giải quyết vấn đề) vào trí nhớ dài hạn.

Kỹ năng mỗi người không tự nhiên mà có. Nó là quá trình rèn luyện lâu dài.

Bạn có thể xử lý công việc phức tạp một cách hoàn hảo là vì đã làm việc tương tự nhiều lần trong quá khứ. Vậy nên kiến thức, cách giải quyến vấn đề này đã trở thành kỹ năng lưu vào trí nhớ dài hạn hay thậm chí đã in sâu vào tiềm thức.

Số năm làm việc như nhau, thế nhưng có người thì tiến bộ được thăng chức tăng lương, cũng có người làm mãi vẫn là nhân viên bình thường. Bỏ qua những yếu tố ngoài lề (số ít) thì trong đa số trường hợp sự khác biệt nằm ở khả năng tập trung. Một người có khả năng tập trung (attention span) sẽ nhanh chóng hình thành và phát triển được kỹ năng trong công việc. Nhờ đó họ thăng tiến trong sự nghiệp.

Nắm giữ một kỹ năng sẽ giúp bạn kiếm sống được. Và trở nên xuất chúng ở kỹ năng đó sẽ giúp bạn được trả lương cao hơn những người còn lại. Do đó, muốn sống ổn thì hãy rèn luyện khả năng tập trung mỗi ngày.

Yếu tố làm giảm sự tập trung

Các yếu tố phá hỏng sự tập trung thường chia làm hai loại. Yếu tố chủ quan về phía bản thân thường là điện thoại, email, sự quấy rối từ các ứng dụng... Yếu tố khách quan ở môi trường xung quanh là đồng nghiệp, tiếng ồn công sở... Và dĩ nhiên muốn toàn tâm toàn ý tập trung thì phải dẹp bỏ các yếu tố này.

Các đơn giản nhất để đối phó với các yếu tố chủ quan là hãy tắt hết mục notification của các ứng dụng trên cả điện thoại lẫn laptop. Làm như vậy sẽ không có các tiếng “ting ting” quấy nhiễu khi bạn đang tập trung. Với những công việc không yêu cầu sử dụng điện thoại liên tục, thậm chí có thể để điện thoại ở chế độ yên lặng và cất vào ngăn bàn làm việc. Hãy tập thói quen kiểm tra điện thoại theo khung giờ cố định, ví dụ một tiếng một lần. Hãy yên tâm là thế giới vẫn quay dù bạn có trả lời điện thoại muộn một chút.

Điện thoại chính là một trong những nguyên nhân gây mất tập trung nghiêm trọng.

Với môi trường khách quan xung quanh, hãy tập biểu hiện một vẻ mặt lạnh lùng “chớ lại gần”. Mỗi khi cần tập trung thì thể hiện gương mặt đó ra đồng nghiệp sẽ tự biết tránh xa. Hoặc đơn giản hơn là đeo tai nghe. Bạn có thể nghe nhạc hoặc không, nhưng đeo tai nghe là một dấu hiệu thông báo với mọi người rằng “tôi đang cần tập trung, xin đừng làm phiền”.

Cách cải thiện sự tập trung

Bên cạnh việc tránh xa những thứ gây xao nhãng thì cần có các biện pháp rèn luyện, kéo dài khoảng thời gian có thể tập trung được càng lâu càng tốt. Khoảng thời gian tập trung tối thiểu lý tưởng nhất là 45 phút (bằng với thời gian 1 tiết học).

Hạn chế và tốt nhất là đừng nên giải trí bằng cách xem những đoạn clip ngắn vài chục giây. Bởi việc này sẽ khiến não bộ rèn luyện trong vô thức khả năng tập trung chỉ vài chục giây mà thôi. Đó là sự nguy hiểm. Bản chất con người là tránh nặng tìm nhẹ. Một khi quen với việc tập trung vài mươi giây quá nhẹ nhàng thoải mái thì bản thân sẽ tự động bài xích việc phải tập trung trong vài chục phút, hay thậm chí vài tiếng để giải quyết một vấn đề phức tạp.

Thiền là một cách cực kỳ hiệu quả để rèn luyện sự tập trung.

Hãy ngồi xếp bằng và chú tâm vào hơi thở. Thở ra biết mình thở ra, hít vào biết mình hít vào. Chỉ đơn giản là vậy. Bắt đầu từ những khoảng thời gian ngắn (5 phút, 10 phút...) rồi dần dần nâng lên 45 phút. Một khi bạn đã có khả năng tập trung vào hơi thở trong 45 phút thì việc chuyển sang tập trung làm việc trong cùng một khoảng thời gian sẽ khá dễ dàng.

Ngoài ra, mọi người còn có thể lựa chọn thêm một số cách khác sao cho phù hợp với bản thân nhất. Tập thể dục 30 phút mỗi ngày, đọc sách, lắng nghe chủ động... có rất nhiều biện pháp nâng cao sự tập trung có thể tìm thấy trên internet.

Dĩ nhiên việc tập luyện ban đầu sẽ có một số khó khăn. Nhưng thành quả nào cũng phải trả giá. Nhận biết được cái giá và chấp nhận trả giá để đạt được thành công trong sự nghiệp chính là sự khác biệt cơ bản nhất của người chiến thắng và kẻ thất bại.